Tin Biển Đông – 15/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ông Trump, Trung Quốc, Biển Đông: Căng thẳng sẽ gia tăng?

Dấu hiệu trong vài tuần trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho thấy Biển Đông có thể là điểm nóng xung đột tiềm tàng trong năm 2017. Và cách thức ông Trump quyết định đẩy lùi một nước Trung Quốc ngày càng mạnh bạo hơn có thể dẫn đến căng thẳng leo thang.

Ông Rex Tillerson, ngoại trưởng đề cử của Trump, đã nói đanh thép hơn nhiều về Trung Quốc: “Chính việc xây đảo ở Biển Đông – về nhiều khía cạnh, theo quan điểm của tôi, việc xây đảo và sau đó đưa khí tài quân sự lên các đảo đó – cũng giống như việc Nga đoạt lấy Crimea”.

Những gì ông Trump làm để đáp trả một nước Trung Quốc hung hăng có thể làm căng thẳng gia tăng.

Chuyên gia Robert Manning, thuộc Hội đồng Atlantic, nói: “Chỉ cần một thực tế là Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động vì tự do hàng hải, và tiếp đến chúng ta thấy có một số các tàu Trung Quốc – kể cả lực lượng dân quân hàng hải của họ, về cơ bản được cải trang thành tàu đánh cá – thì khả năng nổ ra đối đầu vẫn còn đó”.

Các nhà quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ xem chính quyền mới của Mỹ sẽ thực hiện hoạt động vì tự do hàng hải đầu tiên trên Biển Đông ở vị trí nào và vào khi nào.

Ông Tillerson phát biểu tại buổi điều trần để phê chuẩn chức vụ của ông rằng cần phải không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo đã xây kiên cố của họ, nhưng các chuyên gia về khu vực nói hiện đã quá muộn để lật ngược việc Trung Quốc tăng cường lực lượng trong khu vực. Họ nói rằng điều tốt nhất có thể đạt được là bảo vệ quyền tự do hàng hải theo luật quốc tế.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-trung-quoc-bien-dong-cang-thang-se-gia-tang/3677016.html

 

Philippines ‘không cản Mỹ chặn TQ ở biển Đông’

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm 14/1 nói với báo chí rằng Manila sẽ không ngăn Hoa Kỳ nếu nước này tính chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo trên biển Đông.

“Nếu quyền lợi quốc gia của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng các cấu trúc tranh cãi ở biển Đông, họ được tự do làm vậy vì đó là vùng lãnh hải quốc tế”, ông Yasay nói với tờ The Manila Times.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines phát biểu như vậy ít ngày sau khi ông Rex Tillerson, ứng viên ngoại trưởng được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử, phát biểu tại một cuộc điều trần ở thủ đô Washington rằng Trung Quốc cần phải bị bác quyền tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây ở biển Đông.

Ông Tillerson nói: “Chúng ta sẽ phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc rằng thứ nhất, việc xây đảo phải dừng, và thứ hai là quý vị sẽ không được cho phép tiếp cận các đảo đó”.

Hôm 13/1, tờ Hoàn cầu thời báo của nhà nước Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ rằng chiến tranh sẽ bùng ra nếu Washington chặn Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo trên vùng biển tranh chấp.

Trong khi đó, khi được hỏi về lời phát biểu của ông Tillerson, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết ông không trả lời các câu hỏi giả định, và rằng Bắc Kinh có quyền tiến hành “các hoạt động bình thường” trong lãnh thổ của mình.

Về phía Việt Nam, khi được hỏi về tuyên bố của ông Tillerson, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 12/1 nói rằng “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực”.

Ông Bình nói: “Chúng tôi cho rằng các bên đều có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu chung cũng như đảm bảo lợi ích chung này”.

http://www.voatiengviet.com/a/philippines-khong-can-my-chan-trung-quoc-o-bien-dong/3677059.html

 

VN-TQ thỏa thuận ‘kiểm soát bất đồng’ Biển Đông

Việt Nam và Trung Quốc cam kết ‘kiểm soát bất đồng và tăng cường hợp tác’ trong vấn đề Biển Đông, thông cáo chung được đưa ra hôm thứ Bảy trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Sau các trao đổi ‘thẳng thắn’, hai nước đồng ý “kiểm soát bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, theo nội dung thông cáo.

Trong các tuyên bố công khai, các lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam thường nói về lợi ích chung trong mối quan hệ bạn bè, láng giềng ‘truyền thống’, nhưng những tuyên bố chủ quyền trên biển đã trở thành nguyên do chính gây căng thẳng giữa hai nước trong những năm gần đây.

Trong thông cáo chung, hai bên cũng đồng ý tiếp tục thực hiện ‘toàn diện và hiệu quả’ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới việc thống nhất, sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

‘Thành công to lớn’

Nội dung thông cáo cho thấy cả hai bên tin rằng chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đã “đạt thành công to lớn” trong việc nâng cao sự tin cậy chính trị giữa hai bên, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện, và đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, Tân Hoa Xã nói.

Hồi tháng Chín 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Việt Nam trong chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc tới Bắc Kinh rằng các lợi ích chung của hai quốc gia lớn hơn nhiều so với những khác biệt, và kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại.

Ngay trong ngày đầu Tổng Bí thư Trọng tới Bắc Kinh, hôm 12/1, ông Tập Cận Bình khi đón tiếp nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nói rằng quan hệ hai nước ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’, và lặp lại việc ông hy vọng hai nước sẽ quản lý, kiểm soát đúng đắn những bất đồng.

Trung Quốc và Việt Nam có lịch sử quan hệ từ lâu. Hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1950.

Tuy có thời gian xấu đi do cuộc chiến tranh biên giới 1979, nhưng hai nước nay đang có những bước đi nhằm cải thiện quan hệ trong một số lĩnh vực, trong đó có quân sự và kinh tế.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38628669