Tin Biển Đông – 14/12/2019
Biển Đông :
Malaysia xin công nhận thềm lục địa mở rộng
Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) hôm 13/12/2019 thông báo Malaysia đã nộp hồ sơ xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Theo Malaysia, đây là bản đệ trình cho phần còn lại của thềm lục địa Malaysia nằm ngoài 200 hải lý ở phía bắc Biển Đông. Malaysia và Việt Nam hôm 06/05/2009 cũng đã cùng đệ trình về phần thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông.
Ủy ban về giới hạn thềm lục địa nói thêm, theo Quy tắc về thủ tục của Ủy ban, sự kiện này sẽ được thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, cũng như các nước đã ký kết Công ước về Luật Biển. Yêu cầu của Malaysia sẽ được ghi vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 53 của Ủy ban tại New York từ ngày 06/07 đến 21/08/2021.
Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song ở Úc, viết trên mạng Facebook, phần thềm lục địa mở rộng (ECS) mà Malaysia xin công nhận chồng lấn với Việt Nam, và có thể với Philippines, như vậy Việt Nam, Philippines và Trung Quốc có thể có phản ứng. Tương tự, theo chuyên gia Greg Poling của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), viết trên mạng Twitter, việc công nhận thềm lục địa mở rộng có thể gây ra sự chồng chéo.
Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) có chức năng đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia ven biển về thềm lục địa mở rộng, và tư vấn nếu có yêu cầu. Các ranh giới được thiết lập trên cơ sở những khuyến nghị này được chính thức công nhận.
Đại diện Trung Quốc:
Bắc Kinh coi căng thẳng Biển Đông là vấn đề nhỏ,
Hà Nội coi là vấn đề lớn
Đại biện lâm thời Trung Quốc tại Việt Nam hôm 12/12 nói với các phóng viên báo chí Việt Nam rằng Bắc Kinh và Hà Nội vẫn còn có những khác biệt trong vấn đề Biển Đông; Trung Quốc coi đây là vấn đề nhỏ còn Việt Nam lại coi đây là vấn đề lớn.
Theo truyền thông trong nước, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc – Doãn Hải Hồng đã gặp gỡ báo chí ở Hà Nội để thông tin về tình hình quan hệ Việt – Trung cũng như chính sách đối ngoại của Bắc Kinh sau Đại hội Đảng 19.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam về quan hệ hai nước, đặc biệt là những căng thẳng trong vấn đề Biển Đông, bà Doãn Hải Hồng trả lời:
“Biển Đông là vấn đề lịch sử để lại. Quan điểm của hai bên có những khác biệt, chẳng hạn Trung Quốc đánh giá đây là vấn đề nhỏ nhưng Việt Nam coi là vấn đề lớn. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên quan tâm tới lập trường của nhau để cùng giải quyết”.
Bà Doãn Hải Hồng cũng nói đến cái mà bà gọi là tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến việc Bắc Kinh và Hà Nội giải quyết căng thẳng Biển Đông: “Tôi tin rằng nếu không có tác động từ bên ngoài, chúng ta sẽ có đủ trí tuệ và năng lực để giải quyết vấn đề phù hợp với tình hình khu vực. Những hành động của Trung Quốc là thực hiện theo luật pháp quốc tế, không nhằm vào Việt Nam và những quốc gia láng giềng”
Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng trong các tháng qua khi Trung Quốc điều hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và khảo sát vào vùng biển của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính, quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.
Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam nhưng Bắc Kinh khẳng định đó là vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Hà Nội ngưng các hoạt động tại đây.
Hoa Kỳ thời gian qua cũng đã lên tiếng bênh vực Hà Nội và cáo buộc Bắc Kinh đang bắt nạt các nước khác.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn nói rằng Hoa Kỳ đang can thiệp vào chuyện nội bộ của khu vực và làm căng thẳng vấn đề Biển Đông.
Hoa Kỳ nói rằng sự hiện diện của các tàu chiến và máy bay Mỹ ở khu vực Biển Đông là nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển tranh chấp, đảm bảo duy trì trật tự khu vực theo luật quốc tế.
Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông
tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc
Việt Nam bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa hay làm phức tạp tình hình.
Ngày 10/12/2019, tại New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 74 họp phiên toàn thể về chủ đề “Đại dương và Luật biển”. Phiên họp xem xét các báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề liên quan đến đại dương và luật biển và xem xét các dự thảo nghị quyết được đưa ra dưới đề mục này.
Tại phiên thảo luận, nhiều nước đề cao giá trị phổ quát, nhất quán và toàn diện của Công ước Luật biển LHQ (UNCLOS), nêu bật tầm quan trọng của Công ước là khuôn khổ pháp lý quốc tế điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, đồng thời nhằm quản lý và sử dụng hòa bình, bền vững và công bằng các tài nguyên biển, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Các nước nhấn mạnh đến các diễn biến nổi bật trong lĩnh vực đại dương và luật biển trong năm 2019 như nhận thức rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với môi trường biển và đại dương, vấn đề bảo tồn nguồn tài nguyên biển và Hội nghị Đại dương lần thứ hai của Liên hợp quốc về thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững về biển và đại dương (SDG 14), tiến bộ đạt được trong khuôn khổ Hội nghị Liên Chính phủ xây dựng văn kiện ràng buộc pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Luật biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ).
Nhiều nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia công khai đề cập đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, bày tỏ quan ngại về các yêu sách về quyền lịch sử và yêu sách lịch sử đối với tài nguyên biển, cho rằng mọi yêu sách cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không phải được bảo đảm, kêu gọi các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế mà không bị cưỡng bức, đe doạ.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của Công ước trong suốt 25 năm qua như một bản Hiến pháp về biển và đại dương, nhất là ở các khu vực có tranh chấp như Biển Đông. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam nhận thức rõ việc sử dụng biển một cách hòa bình và bền vững là yêu cầu thiết yếu để phát triển bền vững.
Việt Nam cũng kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước và các hiệp định thực thi Công ước, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước, trong đó có các hoạt động kinh tế biển. Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Việt Nam bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan không tái diễn các vi phạm và tránh có các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Việt Nam kêu gọi bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, tất cả các bên cần hết sức kiềm chế, không quân sự hóa hoặc tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình hay mở rộng, gia tăng tranh chấp, thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có nội dung thực chất và có hiệu lực trên thực tế.
Kết thúc phiên họp, Đại hội đồng LHQ khóa 74 đồng thuận thông qua Nghị quyết thường niên về Nghề cá bền vững bằng đồng thuận và bỏ phiếu với đa số áp đảo, thông qua Nghị quyết thường niên về Đại dương và Luật biển.