Tin Biển Đông – 14/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 14/12/2016

Trung Quốc đưa vũ khí ra một số đảo ở Trường Sa

Trung Quốc cho bố trí vũ khí trên tất cả các đảo mà họ cải tạo thành trong thời gian qua tại Trường Sa. Trong số vũ khí được bố trí có cả hệ thống phòng không và chống tên lửa.

Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải – AMTI ở Hoa Kỳ cho biết như vừa nêu hôm thứ tư 14 tháng 12. Nhóm này trưng ra những hình ảnh vệ tinh mới chụp được vào tháng 11.

Theo AMTI thì kể từ tháng 6 và tháng 7 năm nay, tổ chức này theo dõi hoạt động xây dựng những kiến trúc lục giác trên các đảo Chữ Thập, Vành Khăn, Subi thuộc Trường Sa. Trên những đảo này, Trung Quốc cũng đã xây những đường băng quân sự dài.

AMTI đưa ra nhận định những công trình như thế phát triển hơn những công sự nhỏ đã được xây tại các đảo khác gồm Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Châu Viên.

Những hình ảnh vệ tinh trên hai đảo Tư Nghĩa và Gaven được nhận dạng có thể là súng phòng không và hệ thống vũ khí chống tên lửa. Còn trên đảo Chữ Thập có tháp chứa radar.

AMTI công bố những hình ảnh vệ tinh mới nhất chụp các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa khi mà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn khăng khăng là họ không hề có ý định quân sự hóa những đảo nằm trên tuyến hàng hải chiến lược qua Biển Đông đó.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/cn-install-weapons-system-on-artificial-island-us-think-tank-said-12142016111039.html

 

‘Mỹ sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh tại Biển Đông’

Người đứng đầu hạm đội của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương hôm 14/12 nói rằng Mỹ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh tiếp tục các hành động “hung hăng” để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có lưu lượng hàng hóa giao thương bằng đường biển khoảng 5 nghìn tỷ đôla mỗi năm.

Các nước láng giềng như Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền ở khu vực này.

Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết hồi tháng Bảy của tòa án trọng tài ở La Haye, theo đó bác tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở hải lộ chiến lược này.

Tuy nhiên, trong một bài phát biểu tại Sydney, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục hành động một cách “hung hăng” và rằng Hoa Kỳ luôn sẵn sàng đối phó.

Ông Harry nói: “Chúng tôi sẽ không cho phép một khu vực chung bị đơn phương đóng lại dù có bao nhiêu căn cứ được xây trên các đảo nhân tạo đi chăng nữa ở biển Đông. Chúng tôi sẽ hợp tác khi cần hợp tác, nhưng chúng tôi sẵn sàng đối đầu khi cần phải đối đầu.”

Khi được hỏi về nhận xét của Đô đốc Harris, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết rằng tình hình ở Biển Đông hiện nay ổn định, nhờ sự nỗ lực của Trung Quốc và những nước khác trong khu vực.

Ông Sảng nói tại một cuộc họp báo hàng ngày: “Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể giữ lời hứa của mình và không đứng về phe nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tôn trọng những nỗ lực của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và cùng nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Hoa Kỳ ước tính rằng trong ba năm qua, Bắc Kinh đã mở rộng thêm gần 1.300 ha diện tích đất trên 7 đảo ở Biển Đông, cùng với việc xây dựng đường băng sân bay, bến cảng, nơi chứa máy bay và các thiết bị thông tin liên lạc.

Đáp lại, Hoa Kỳ đã tiến hành một loạt các đợt tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, và đợt mới nhất là vào tháng Mười.

Đô đốc Harris nói rằng chính phủ Australia, một đồng minh của Hoa Kỳ, nên đưa ra một quyết định liệu Australia có nên thực hiện việc tuần tra tự do hàng hải hay không, nhưng nói rõ rằng Mỹ sẽ tiếp tục với việc tuần tra này.

http://www.voatiengviet.com/a/my-san-sang-doi-dau-voi-bac-kinh-tai-bien-dong/3635809.html

 

Ông Tillerson có thể đương đầu sóng gió biển Đông?

Việc Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump chọn ông Rex Tillerson cho vị trí ngoại trưởng gây chú ý vì tổng giám đốc Exxon Mobil từng được Tổng thống Nga Putin tặng huân chương.

Tuy nhiên, theo giới quan sát trong nước, việc lựa chọn người nắm vị trí nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng thu hút sự quan tâm của công chúng Việt Nam vì tập đoàn dầu khí của Hoa Kỳ do ông Tillerson lãnh đạo từng có các dự án liên doanh với Hà Nội, khiến Trung Quốc bất bình.

Hồi giữa năm 2008, Bắc Kinh gây áp lực đòi tập đoàn Exxon Mobil phải rút khỏi hoạt động thăm dò dầu khí với Việt Nam ở biển Đông vì cho rằng hoạt động thăm dò của công ty Mỹ với tập đoàn dầu khí PetroVietnam “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Sáu năm sau đó, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc cáo buộc Việt Nam “thiếu thành thật” khi đàm phán với Exxon Mobil về dự án khí đốt thuộc khu vực mỏ khí Cá Voi Xanh ở vùng biển ngoài khơi miền Trung.

Dù Hà Nội tuyên bố vị trí của mỏ khí nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, nhưng Bắc Kinh cho rằng nó nằm trong “đường đứt khúc chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vạch ra để tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Sau khi ông Trump chính thức thông báo đề cử tổng giám đốc Exxon Mobil nắm giữ Bộ Ngoại giao Mỹ, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói với VOA Việt Ngữ rằng “đây là một sự lựa chọn gây ngạc nhiên và rất thú vị”.

Ông nói thêm:

“Nhiều điều bất ngờ diễn ra với cuộc bầu cử ở Mỹ và những điều bất ngờ diễn ra với việc ông Trump lựa chọn các chức vụ vào các cương vị quan trọng. Người nào mà làm ngoại trưởng thì sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định các chính sách của Mỹ bởi vì ông Trump chỉ quan tâm mức độ nào đó đến các hoạt động, cho nên tôi nghĩ các quyền hành của cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng sẽ rất là quan trọng. Và nếu như một người hiểu biết vấn đề biển Đông thì lại càng quan trọng. Về phía Việt Nam, rất hoan nghênh những người nào hiểu biết về những vấn đề của khu vực, và chúng tôi cũng đang lo ngại rằng là khu vực này nó sẽ ít được quan tâm. Nhưng mà, tôi nghĩ là với một nhân vật thông thạo và hiểu biết về vấn đề biển Đông như thế này, hiểu biết về vấn đề châu Á, hiểu biết những vấn đề châu Á, hiểu biết cả vấn đề Trung Quốc thì rất là tốt cho việc nước Mỹ tiếp cận những vấn đề của châu Á”.

Hồi năm 2014, Chủ tịch Việt Nam khi ấy là ông Trương Tấn Sang đã tiếp đoàn các lãnh đạo Exxon Mobil và nghe đại diện tập đoàn Mỹ “thông báo về những kết quả tích cực trong việc hợp tác, triển khai các dự án với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”.

Ông Sang được VNA trích lời nói “đánh giá cao sự hợp tác của các doanh nghiệp Hoa Kỳ” và rằng “Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác của doanh nghiệp Hoa Kỳ với đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí”.

Tờ The Wall Street Journal hôm 14/12 dẫn lời đại diện của Exxon Mobil cho biết rằng tập đoàn này thương thảo với Việt Nam về việc phát triển các mỏ khí tự nhiên mang tính thương mại ở ngoài khơi tại những vùng biển không có tranh chấp.

Cũng theo tờ này, năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa của mình gần Hoàng Sa, tức nằm ở phía đông các lô dầu khí của Exxon Mobil, ông Tillerson đã bay sang Bắc Kinh để gặp gỡ với các giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc, vốn kiểm soát giàn khoan dầu gây tranh cãi. Tuy nhiên, theo the Wall Street Journal, đôi bên không công bố các chi tiết được mang ra thảo luận.

Tờ báo này cũng đưa tin rằng Exxon Mobil từ chối bình luận về quan điểm cá nhân của ông Tillerson đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về biển Đông.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng làm việc với bất kỳ ai ông Trump lựa chọn để làm ngoại trưởng Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-tillerson-co-the-duong-dau-song-gio-bien-dong/3635776.html

 

Philippines

không muốn làm hậu đài cho Mỹ tuần tra Biển Đông

Philippines một lần nữa chọc giận đồng minh lâu năm Hoa Kỳ, tuyên bố sẽ không làm hậu đài cho máy bay và tàu bè của Mỹ tiến hành các hoạt động thách thức Trung Quốc ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tuyên bố Philippines sẽ không cho phép dùng lãnh thổ của mình làm hậu đài cho các cuộc tuần tra của Mỹ. Đây có thể là một hướng mới khác với chính sách hiện nay cho phép tàu, tàu ngầm, máy bay của Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự nhất định của Philippine theo thỏa thuận quốc phòng 2014.

Bộ trưởng Lorenzana cho biết tàu và máy bay của Mỹ có thể sử dụng Guam hay Okinawa ở Nhật trong các sứ mạng trên Biển Đông. Tuy nhiên, vẫn theo lời ông, tàu và máy bay Mỹ vẫn có thể tiếp nhiên liệu và tiếp tế tại Philippines sau các cuộc tuần tra như thế, chứ không phải là trước khi tiến hành tuần tra.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau, từ chối bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines vì bà chưa được thông tin chính thức, nhưng bà nói thêm rằng: “Cam kết của chúng tôi về quyền tự do hàng hải ai cũng biết. Chúng tôi sẽ đưa máy bay và tàu bè tới bất cứ nơi nào trong vùng biển quốc tế và chúng tôi sẽ tiếp tục công việc đó.”

Chỉ huy Stephen Lanza, người dẫn đầu các cuộc diễn tập quốc tế ở Thái Bình Dương cho hay quân đội Mỹ đang chuẩn bị chuyển các cuộc tập trận chung với Philippines trong năm sau thành các cuộc huấn luyện nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Ông Lanza cho VOA Việt ngữ biết “Nếu chúng tôi thay đổi huấn luyện, có lẽ chúng tôi sẽ tính tới việc điều một lực lượng khác, một khả năng khác tại Philippines khác với kế hoạch thoạt đầu mà chúng tôi đã dự tính.” Ông Lanza muốn nhắc tới trọng tâm ban đầu vào khả năng quốc phòng lãnh thổ của Philippines.

Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines đang tìm cách xoa dịu tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông đã tuyên bố ý định giảm các hoạt động giao tiếp quân sự của Philippines với Mỹ, trong đó có kết hoạch tiến hành các cuộc tuần tra chung với hải quân Hoa Kỳ trong các vùng biển có tranh chấp. Các cuộc tuần tra chung này lâu nay bị Trung Quốc phản đối.

Tuy nhiên, Manila vẫn còn phụ thuộc vào Washington. Thứ sáu tuần trước, hải quân Philippines vừa tiếp nhận một tàu khu trục thứ ba từ Lực lượng Tuần duyên Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/philippines-khong-muon-lam-hau-dai-cho-my-tuan-tra-bien-dong/3635481.html