Tin Biển Đông – 14/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 14/07/2017

Indonesia đổi tên một phần Biển Đông, TQ phản đối

Trung Quốc hôm thứ Sáu tuyên bố việc đổi tên Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) là hành động vô nghĩa, sau khi Indonesia đổi tên khu vực phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế của mình ở nơi này thành Biển Bắc Natuna.

Đây là hành động mới nhất nhằm tỏ ‎ý phản kháng của các quốc gia vùng Đông Nam Á trước tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Được các nhà phân tích coi là hành động nhằm xác qu‎yết chủ quyền lãnh thổ của Indonesia, phần biển mà Indonesia đặt lại tên là nơi Trung Quốc đang tuyên bố nằm bên trong đường chín đoạn, tức vùng biển mà Bắc Kinh coi là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Hôm thứ Sáu, khi công bố bản đồ chính thức mới, Thứ trưởng Hàng hải phụ trách vấn đề chủ quyền trên biển của Indonesia, Arif Havas Oegroseno nói rằng vùng biển được đặt lại tên là nơi có các hoạt động dầu khí.

Philippines ‘sẽ khai thác dầu khí’ tại Biển Đông

Việt Nam khoan tìm dầu ở Biển Đông

Bill Hayton: ‘Cá Voi Xanh chặn Đường Lưỡi Bò’

Tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói ông không biết chi tiết về chuyện này, nhưng nói cái tên biển Nam Trung Hoa đã được quốc tế thừa nhận.

“Tôi thấy rằng việc một số quốc gia làm cái việc được gọi là ‘đặt lại tên’ là chuyện hoàn toàn vô nghĩa, không có ích cho các nỗ lực chuẩn hóa các địa danh,” ông Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo thường lệ.

“Chúng tôi hy vọng là quốc gia có liên quan sẽ nhìn về cùng hướng với Trung Quốc và tiếp tục duy trì thích hợp tình thế thuận lợi hiện nay tại vùng biển Nam Trung Hoa, điều không dễ gì đạt được.”

TQ ‘vững vàng giữ chủ quyền’ ở Biển Đông

Indonesia nói rằng họ không phải là một quốc gia tranh chấp tại Biển Đông, nhưng đã có các cuộc đụng độ với Trung Quốc về quyền đánh bắt cá quanh khu vực Quần đảo Natuna.

Nước này đã bắt giữ các ngư dân Trung Quốc, đồng thời tăng hiện diện quân sự tại khu vực này trong thời gian 18 tháng qua, Reuters tường thuật.

Nên dùng tên gọi nào cho Biển Đông?

Đây không phải là lần đầu tiên Indonesia tiến hành đổi tên một phần vùng biển thuộc Biển Đông.

Hồi tháng Tám 2016, Jakarta đã lên kế hoạch đổi tên vùng biển quanh Quần đảo Natuna, khu vực ở phía tây bắc Borneo của Indonesia và vẫn nằm trong phạm vi 200 hải l‎í đặc quyền kinh tế của Jakarta.

Khi đó, báo South China Morning Post dẫn lời một quan chức chống đánh bắt cá lậu của indonesia nói rằng nước này sẽ “nộp đề xuất lên Liên hợp quốc” và nói “nếu không ai phản đối… khu vực đó sẽ có tên chính thức là Biển Natuna”.

Việt-Ấn tăng cường quan hệ để đối phó TQ?

Phi cơ ném bom Mỹ vào Biển Đông, TQ phản đối

Vì sao quốc tế khó dùng tên ‘Biển Đông’?

Việc đổi tên cũng không phải là hành động tiên phong của Indonesia.

Việt Nam từ lâu nay đã gọi vùng biển có tên quốc tế là South China Sea (tức biển Nam Trung Hoa) là Biển Đông, còn Philippines gọi là Biển Tây Philipines.

Trong những năm gần đây, một số học giả ASEAN đề xuất việc đổi tên thành Biển ASEAN.

Một số quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, và đang cạnh tranh với Trung Quốc trong việc khai thác dầu khí và nguồn hải sản ở Biển Đông.

Trung Quốc đã tỏ rõ quyết tâm ở đây với việc triển khai sức mạnh quân sự trên các đảo mà Bắc Kinh đã cho bồi đắp nhân tạo trên các bãi cạn và các bãi đá có tranh chấp.

Hồi tuần trước, Việt Nam đã gia hạn hợp đồng hoạt động khai thác dầu khí cho liên doanh hợp tác giữa Ấn Độ và hãng dầu khí quốc gia PetroVietnam trên thềm lục địa của Việt Nam, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố là nằm trong đường chín đoạn.

Hôm thứ Tư, Philippines tuyên bố sẽ khởi động trở lại hoạt động khai thác dầu khí ở Bãi Cỏ rong vào tháng Mười Hai, địa điểm nằm cách bờ biển Philippines 85 hải l‎ý và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40608144

 

Phán quyết của PCA giúp Việt Nam vững tin hơn

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế- PCA tại The Hague, Hà Lan ra phán quyết về yêu sách đường chín đoạn – hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc đơn phương vạch ra để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Ý kiến của các chuyên gia trong nước về phán quyết này nhân 1 năm sau khi phán quyết của PCA được đưa ra.

Phán quyết của PCA

Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đánh giá, vụ kiện của Philippines ra toà Trọng tài quốc tế PCA đối với đường yêu sách chủ quyền chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông là một vụ kiện lịch sử, có nhiều ý nghĩa, trong đó có sự thượng tôn pháp luật quốc tế.

Tại thời điểm phán quyết được đưa ra, ngày 12/7/2016, các bên liên quan có những phản ứng khác nhau.

ASEAN như một tổ chức mà vừa rồi trong vấn đề biển Đông, tuy cũng có một số nỗ lực thông qua một số tuyên bố hằng năm họp ASEAN, nhưng tất cả đều tránh nói trực tiếp tới phán quyết của PCA.
– TS. Đinh Hoàng Thắng

Ngay từ ban đầu, Trung Quốc đã có chính sách “ba không” – không công nhận thẩm quyền của Toà PCA, không công nhận phán quyết và không tuân thủ phán quyết. Theo Giáo sư Nguyễn Bá Diến – Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hải đảo Việt Nam, Trung Quốc dường như đã “choáng váng” với “quả đấm knock-out” này trong nửa năm đầu sau ngày phán quyết.

“Trung Quốc đã bắt đầu phản đòn bằng việc hoá giải phán quyết này, lôi kéo, mua chuộc Phillipines mà bây giờ chính quyền của ông Duterte bằng con bài kinh tế và cả chính trị, tác động tới giới cầm quyền của Phillipines hiện nay. Thứ hai là hoá giải các nước khác từ Indonesia, Malaysia, Brunei, các nước khác ở miền Đông.”

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Viện phó Viện nghiên cứu các vấn đề phát triển nói rõ hơn về động thái của Philippines đối với Phán quyết của Toà PCA:

“Sau khi đã có một phán quyết thuận lợi như thế nhưng Phillipines đã gác sang một bên để thực hiện một cú xoay trục từ đồng minh chiến lược Hoa Kỳ sang đồng minh mới là Trung Quốc. Ở chỗ này ông Duterte có một sự tính toán, nghĩa là tạm gác lại sổ đỏ của ông lại. Ông coi phán quyết của toà là một cái sổ đỏ ghi nhận quyền lợi của Phi và bác yêu cầu của Trung Quốc, nhưng ông tranh thủ Trung Quốc. Tuy nhiên cho đến nay thì Phillipines có thể cũng phải xem lại cũng quyết định này.”

Điều khiến Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nói Philippines cần xem xét lại chính sách xoay trục, tạm bỏ qua phán quyết PCA, chính là những động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông – khi nước này tăng cường gây căng thẳng, làm thay đổi hiện trạng khu vực tranh chấp, quân sự hoá các đảo, đá cưỡng chiếm được và đe doạ an ninh khu vực.

Các nước liên quan

Trong bối cảnh như vậy, các nước có chung tranh chấp với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines nói riêng và ASEAN nói chung cần có sự đoàn kết. Tuy nhiên, trên thực tế, theo Giáo sư Nguyễn Bá Diến, Trung Quốc đã “hoá giải” vấn đề này:

“Cái số một họ đã làm đó là ‘củ cà rốt’, vừa đe dọa, hù dọa bằng ‘thanh gươm’ vừa dùng con bài ‘củ cà rốt’ để hoá giải. Thậm chí họ phá cả bàn cờ ASEAN. Bao nhiêu năm nay ASEAN có thực sự là một tổ chức đoàn kết, thống nhất như chúng ta, các dân tộc ASEAN mong đợi hay không? Không, tôi nghĩ chủ mưu ở đây là Trung Quốc gây ra những rệu rã những năm qua. Và nguy cơ là việc thành lập một cộng đồng ASEAN đúng như mong đợi hơi còn xa vời.”

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng cho rằng, tuỳ thuộc vào nội lực của từng quốc gia, thì sẽ có vị thế khi đấu tranh với Trung Quốc trên biển Đông khác nhau:

“Trong bối cảnh hiện nay mà nói, thì bốn nước này có khả năng phối hợp như thế nào thì tôi thấy khả năng đó cũng ít. Vì bốn nước này là thành viên ASEAN mà ASEAN như một tổ chức mà vừa rồi trong vấn đề biển Đông, tuy cũng có một số nỗ lực thông qua một số tuyên bố hằng năm họp ASEAN. Nhưng tất cả đều tránh nói trực tiếp tới phán quyết của PCA.”

Khởi kiện Trung Quốc?

Trung Quốc rất sợ Việt Nam sử dụng công cụ pháp lý. Đó là cái sợ nhất của nhà cầm quyền Trung Quốc.
– GS. Nguyễn Bá Diến

Trước đây, đã có nhiều tiếng nói yêu cầu Việt Nam phải khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế để đòi lại quần đảo Hoàng Sa và các đảo, đá tại quần đảo Trường Sa. Với phán quyết của PCA ngày 12/7/2016 – được coi là một hình mẫu, một tấm gương đi trước, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ chủ quyền.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng cho rằng vấn đề Biển Đông nay đã trở thành vấn đề toàn cầu, liên quan đến các nước lớn, nên vấn đề khởi kiện Trung Quốc cần nhìn nhận dưới góc độ “cân bằng chiến lược”:

“Việt Nam là một nước liên quan, từ lâu đã có sự chuẩn bị. Từ lâu Việt Nam đã đăng ký hồ sơ, đưa hồ sơ lên Liên Hiệp Quốc và đã chuẩn bị. Tuy nhiên, Việt Nam phải tính toán trên nhiều nhân tố khác nữa như yếu tố chính trị và sự leo thang căng thẳng. Tôi nghĩ không có lý do gì Việt Nam không huy động pháp lý như một cái lợi khí để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình.”

Giáo sư Nguyễn Bá Diến khẳng định, Việt Nam đầy đủ hệ thống lập luận, bằng chứng xác thực về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông ví đây như chiếc “nỏ thần” giúp Việt Nam bảo vệ Biển Đông:

“Trung Quốc rất sợ Việt Nam sử dụng công cụ pháp lý. Đó là cái sợ nhất của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nếu Việt Nam làm một vụ khởi kiện nữa, đưa ra quốc tế, Liên Hiệp Quốc để đàm phán thì Trung Quốc mất mặt lắm, sợ lắm. Đấy là nỏ thần của nước Việt thời hiện đại. Luật pháp quốc tế là nỏ thần của nước Việt Nam thời hiện đại.”

Tuy dù Việt Nam chưa có động thái khởi kiện Trung Quốc như Philippines, nhưng theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, Việt Nam đã biết tận dụng “dư luận quốc tế” và nội dung phán quyết để có những bước đi chủ động về mặt ngoại giao, hợp tác an ninh – quốc phòng trong năm 2017.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/southchinaseadispute/pca-decision-helps-vietnam-more-confident-07132017131238.html