Tin Biển Đông – 14/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 14/06/2018

Phillippines, Trung Quốc và Việt Nam

có thể ký thỏa thuận đánh cá chung?

Philippines có thể ký thỏa thuận đánh cá chung với phía Việt Nam và Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. Ông Antonio Carpio, quyền Bộ trưởng Tư pháp Philippines nói như vậy với báo chí hôm 14/6.

Ông Carpio đưa ra tuyên bố này giữa lúc có những căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến việc Trung Quốc tịch thu các hải sản của ngư dân Phi đánh bắt được tại bãi cạn Scarborough.

Bãi cạn Scarborough của Philippines đã bị Trung Quốc chiếm giữ vào năm 2012 và ngăn cản không cho ngư dân Phi vào đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào năm ngoái, hai nước đã có thỏa thuận cho phép ngư dân Phi được vào lại bãi cạn khai thác hải sản.

Quyền Bộ trưởng Tư pháp Philippines cũng nói thêm rằng Philippines và Việt Nam cũng có thể ký thỏa thuận về phân định ranh giới trên biển bằng việc xác định đường trung tuyến. Ông cho biết thêm phía Philippines sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Ông Carpio cho biết từ khi tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết Trường Sa không phải là đảo nên không có vùng đặc quyền kinh tế, các nước không có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn nên có thể ký thỏa thuận về ranh giới.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/philippines-china-vietnam-can-sign-common-agreement-on-fishing-06142018102408.html

 

Việt Nam mở rộng một tiền đồn tại Trường Sa

Việt Nam tiếp tục công tác mở rộng khiêm tốn tại những tiền đồn ở quần đảo Trường Sa mà gần nhất là công việc tại Đá Lát.

Nhóm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu & Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) ở Washington DC Hoa Kỳ loan tin vào ngày 13 tháng 6.

Theo AMTI, các hình ảnh vệ tinh chụp được hồi tháng Ba và tháng Sáu cho thấy Hà Nội tiến hành nạo vét một con kênh mới mà trong những ảnh cũ không thấy có.

Một ảnh vệ tinh chụp vào ngày 18 tháng Ba cho thấy ở rìa mạn nam của Đá Lát một con kênh vừa được nạo vét. Tại cửa ra ngay phía bắc của kênh có một sà lan và hai tàu lớn. Ngoài ra còn có ít nhất 21 tàu nhỏ hơn, tất cả dường như là tàu đánh cá của Việt Nam, hiện diện tại vùng đầm nước của Đá Lát.

Nhìn kỹ hơn trên sà lan có hai thiết bị xây dựng được đoán là để dùng cho việc chuyển vật chất nạo vét lên một tàu khác.

Phương pháp nạo vét được cho là tiêu biểu mà Hà Nội sử dụng lâu nay tại một số thực thể khác hiện do Việt Nam quản lý tại Trường Sa.

AMTI cho rằng phương tiện dùng để mở rộng tiền đồn của Trung Quốc tại Trường Sa hoàn toàn khác hẳn đó là loại tàu được gọi ‘tàu cuốc hút cắt’. Loại tàu này có thể chuyển vật chất nạo vét nhanh hơn nhiều; tuy nhiên tác hại về môi trường vô cùng lớn.

Theo AMTI, với việc mở rộng mới ở Đá Lát vào lúc này, Việt Nam hiện đã nâng cấp được 21 trong tổng số 49 tiền đồn ở Trường Sa trong những năm gần đây. Mặc dù được nâng cấp nhưng AMTI đánh giá rằng những cơ sở này vẫn rất dễ bị đe dọa bởi Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-expands-another-outpost-06142018101059.html

 

Biển Đông: TQ Thắng Lớn

Trần Khải

Báo The Daily Star hôm 13/6/2018 nói rằng Trung Quốc đang thắng trong cuộc chiến kiểm soát Biển Đông…

Trong khi đó, Mỹ chỉ hăm dọa, rồi tới hù dọa… nhưng không làm gì được để đẩy lùi bước chân TQ… Thậm chí, TT Trump còn phải nhờ tới Tập Cận Bình lôi kéo, dọa nạt Kim Jong-Un để họ Kim vào họp với Trump… thế rồi, Trump tuyên bố hủy bỏ tập trận với Nam Hàn, nói suy tính sẽ rút 32,000 quân nhân Hoa Kỳ ra khỏi Nam Hàn… Nghĩa là, TQ không tốn một viên đạn, mà tìm được nhiều thế đứng hơn — chỉ trừ một điểm, rằng Hoa Kỳ bày tỏ kết thân với Đài Loan hơn…

Trong một cách trình diễn, TT Trump hủy bỏ lời mời TQ tập trận Hải quân mùa hè này với 26 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương (gọi tắt là: RIMPAC).

Tuy nhiên, trong diễn biến gần đây, hai tàu chiến của Mỹ — một chiếc guided-missile cruiser (tàu chiến phi đạn  hành trình) và một chiếc destroyer (khu trục hạm) — chạy tới gần Hoàng Sa (đảo này TQ đã chiếm của VN hồi năm 1974, và sáp nhập vào Hải Nam, Tam Sa của TQ). Báo Daily Star nói rằng đây lại là cớ cho TQ tuyên truyền vì tàu chiến TQ đã “ra nghênh chiến và đuổi được” hai tàu chiến của Mỹ.

Ngắn gọn, bàn tay TQ bao phủ Biển Đông… là một thực tế. Bây giờ không cách nào bứng đi được, chỉ trừ chiến tranh… Nhưng Trump là người thực tế, sẽ không phiêu lưu  vì Biển Đông không phải là cái gì sống chết với Mỹ, nếu TQ còn cho tàu hàng chạy xuyên qua.

Trong khi đó, Việt Nam tự vệ kiểu nhỏ giọt… Bản tin VOA kể rằng Việt Nam tiếp tục mở rộng các tiền đồn trong quần đảo Trường Sa, gần đây nhất là tại Đảo Đá Lát, theo tường trình của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á AMTI ngày 13/6/18.

Tổ chức này cho biết hình ảnh vệ tinh từ tháng 3 tới tháng 6 cho thấy Hà Nội đã nạo vét một con kênh mới mà những bức ảnh cũ không thấy, và đang mở rộng một trong hai cơ sở tại đây.

Hình ảnh từ ngày 18/3 cho thấy một con kênh vừa được nạo vét thông qua rìa phía Nam của đảo đá này, cùng với một sà lan và hai tàu lớn. Ít nhất có khoảng 21 tàu cá nhỏ hiện diện bên trong đầm phá này.

Nhìn kỹ hình ảnh vệ tinh, AMTI nói, thấy trên sà lan có hai thiết bị xây dựng dường như để chất trầm tích lên một con tàu chờ sẵn sau khi nạo vét từ đáy biển.

Hình ảnh ghi nhận trong tháng 3 cũng cho thấy một ít lượng trầm tích nạo vét đó dường như được đổ lên địa điểm gần tiền đồn nhỏ của Việt Nam tại mũi Bắc của Đảo Đá Lát.

Hình ảnh gần đây hôm 3/6 cho thấy Việt Nam đang mở rộng tiền đồn phía Bắc. Sà lan đậu sát địa điểm xây dựng, hai tàu lớn hiện diện tại mũi Bắc con kênh mới đào, và gần 80 tàu nhỏ được nhìn thấy bên trong lẫn bên ngoài đầm phá này. Đa số dường như là tàu cá Việt Nam.

VOA ghi rằng: “Với công trình mới tại Đảo Đá Lát, Việt Nam đã nâng cấp 21 trong số 49 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa trong những năm gần đây. Theo AMTI, quyết định mở rộng sự hiện diện ở Đảo Đá Lát, trong đó có việc nạo vét kênh để hỗ trợ tiếp ứng và cho phép tàu lớn vào đầm phá này, là điều đặc biệt đáng quan tâm. Đảo Đá Lát nằm ở cực Tây của các đảo đá và bãi đá ở Trường Sa.”

Trong khi đó, có vẻ như Trump muốn tuyên bố đại thắng để có cớ rút Mỹ ra khỏi nhiều điểm nóng Châu Á…

Bản tin RFI kể là vào hôm 12/06/2018, tại Singapore tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ý định hủy bỏ các cuộc tập trận Mỹ-Hàn. Hành động được cho là nhằm đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã lập tức gây quan ngại nơi hai đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng đã được Trung Quốc, đối thủ của Mỹ hết sức hoan nghênh.

Trong buổi họp báo vào hôm Thứ Tư 13/06, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã không ngần ngại cho rằng quyết định của ông Trump đã khẳng định tính chất đúng đắn của chiến lược «hai bên cùng đình chỉ» mà Trung Quốc đề xuất từ nhiều tháng nay, theo đó để mở đường cho đàm phán, Washington phải đình chỉ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, còn Bình Nhưỡng thì đình chỉ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.

Trái với thái độ đắc thắng của Trung Quốc, Nhật Bản hôm Thứ Tư không che giấu nỗi lo ngại. Bộ trưởng bộ Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã công khai lên tiếng khẳng định tính chất tối cần thiết của các cuộc tập trận chung với Mỹ.

Trả lời một câu hỏi của nhà báo về quyết định bất ngờ của tổng thống Mỹ vào hôm Thứ Ba, ông Onodera cho rằng: «Các cuộc tập trận và sự hiện diện của quân đội Mỹ đóng một vai trò thiết yếu cho nền an ninh khu vực Đông Á».

Về phần Hàn Quốc, nước là đối tượng liên quan chính trong quyết định của tổng thống Mỹ, chính quyền của tổng thống Moon Jae In ngay từ hôm Thứ Ba đã không che giấu thái độ bối rối, vì không hề được báo trước về quyết định này.

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, phủ tổng thống nước này vào hôm Thứ Tư chỉ cho rằng việc tạm dừng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn «có lẽ là cần thiết» để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo các chuyên gia về an ninh khu vực, quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump rõ ràng là rất có lợi cho Trung Quốc, nước đang càng lúc càng muốn đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực để một mình thống trị châu Á. Theo hãng tin Pháp AFP, giới phân tích đã nhấn mạnh rằng việc giảm bớt lực lượng Mỹ ở vùng Đông Á sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực, hỗ trợ cho đà vươn lên của Trung Quốc.

Bản tin BBC phỏng vấn chuyên gia Ankit Panda, biên tập viên cao cấp tại Diplomat, và được nghe nói rằng ‘Trump thực ra chỉ giành được một nhượng bộ duy nhất’. Panda nói:

“Ông Trump dường như đã chỉ gặt hái được một nhượng bộ duy nhất từ ​​Bắc Hàn tại hội nghị thượng đỉnh. Sau khi ký tên vào tờ tuyên bố tại Singapore, Trump yêu cầu Kim tháo dỡ một “địa điểm thử nghiệm động cơ tên lửa”. Bắc Hàn được báo cáo là chấp nhận yêu cầu – dù điều này không được đưa vào văn bản. Địa điểm thử nghiệm này dường như khác với một địa điểm đã bị sập mới đây gần Kusong, liên quan đến việc phát triển tên lửa phóng di động tiên tiến của nước này.

Chúng ta không đủ chi tiết để biết khi đưa ra yêu cầu trên ông Trump muốn nói cụ thể về địa điểm nào, nhưng có khả năng ông muốn đề cập đến địa điểm thử nghiệm động cơ đẩy mạnh của Bắc Hàn tại Hamhung. Ngay cả với sự tiến bộ đáng kể của Bắc Hàn trong tên lửa đạn đạo, tên lửa đẩy nhiên liệu là biên giới tiếp theo cho chương trình này. Nếu ông Trump đã lấy được một sự bảo đảm từ Bắc Hàn vào thời điểm này, chúng ta có thể thấy đây là một điểm thảo luận kỹ thuật quan trọng trong một vòng đàm phán Mỹ-Bắc Hàn sau này.”

Thôi thì đành chờ xem…

Chưa biết TQ sẽ còn chơi trò gì ở Biển Đông nữa…

https://vietbao.com/p123a282137/bien-dong-tq-thang-lon