Tin Biển Đông – 14/04/2019
Tàu chiến Nga tập trận chung
với Hải quân Philippines ở Biển Đông
Các tàu chiến của Nga và Hải quân Philippines đang diễn tập quân sự chung tại Biển Đông. Người phát ngôn Hạm đội Thái Binh Dương, Nikolai Voskresensky, được Sputnik trích lời cho biết như vậy hôm 13 tháng 4.
Trước đó, các tàu Nga có tên Đô đốc Vinogradov, Đô đốc Tributs và Irkut vừa kết thúc chuyến thăm không chính thức đến Manila được bắt đầu từ ngày 8/4 vừa qua.
Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cho biết, sau khi rời cảng Manila, các tàu này đã cùng Hải quân Philippines diễn tập chung ở Biển Đông.
Chuyến thăm và tập trận chung của tàu Nga đến Philippines diễn ra vào giữa lúc Mỹ và Philippines đang có cuộc tập trận chung mang tên Balikatan. Cuộc tập trận bao gồm 7.500 quân với sự tham gia của các máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ. Hai bên luyện tập bắn đạn thận và có các hoạt động diễn tập chung trên biển lẫn đất liền.
Cuộc diễn tập có tình huống lấy lại đảo đã bị quân đội nước ngoài xâm chiếm, theo hãng tin GMA.
Các diễn tập chung giữa Philippines với Mỹ và Nga diễn ra vào khi Philippines đang lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước này khi điều hàng trăm tàu đến gần đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở Trường Sa.
Hôm 10 tháng 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng, lên tiếng chỉ trích Mỹ và các nước bên ngoài khu vực đang gây bất ổn tình hình Biển Đông.
‘Cần bình tĩnh’ theo dõi giàn Đông Phương 13-2
Trước việc Trung Quốc dự định sẽ đưa giàn sản xuất dầu khí lớn thứ hai là Đông Phương 13-2 (Dongfang 13-2 CEFB) vào lưu vực vịnh Bắc Bộ ngày 10/4, một nhà nghiên cứu Biển Đông nói Việt Nam “cần bình tĩnh” quan sát.
Theo Tân Hoa Xã , hôm 10/4 giàn nổi này dự kiến sẽ di chuyển vào khu vực mà Trung Quốc gọi là bồn trũng Yinggehai, vốn có tiềm năng nhiều dầu khí nằm khoảng giữa đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ. mà Việt Nam gọi là bồn trũng Sông Hồng.
Thông tin này được đăng tải trên mạng xã hội, khiến dư luận hoang mang lo ngại về một kịch bản giống như 5 năm trước, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông.
Trả lời BBC hôm 10/4, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn nói theo thông tin ông nắm được, giàn nổi này sẽ tới vị trí dự kiến là ở sát đường trung tuyến phân chia vịnh Bắc Bộ, trên vùng biển thuộc sự kiểm soát của Trung Quốc.
“Tôi cũng nhận được thông báo là giàn khoan này sẽ dừng lại ở bên kia đường phân chia vịnh Bắc Bộ, như Tân Hoa xã thông báo. Vì thế, chúng ta chỉ theo dõi chứ chưa phản đối được.”
“Tôi vẫn đang theo dõi đường đi của giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB qua tin tức trên báo chí nước ngoài. Tuy nhiên khi nó đang di chuyển trên vùng biển quốc tế và trong trên vùng biển do Trung Quốc kiểm soát thì theo luật pháp quốc tế, chúng ta chưa thể phản đối hoạt động của giàn khoan này được.”
‘Cần bình tĩnh theo dõi’
Cuối năm 2000, Việt Nam với Trung Quốc đã đạt được hiệp định phân chia vịnh Bắc Bộ sau một quá trình đàm phán lâu dài và công phu.
Theo đó, ông Sơn nói Việt Nam kiểm soát khoảng 53% vịnh Bắc Bộ, nhờ Việt Nam có đảo Bạch Long Vĩ, còn Trung Quốc kiểm soát khoảng 47%.
“Trong vùng nước do Trung Quốc kiểm soát và trong vùng biển quốc tế, thì Trung Quốc có quyền thực hiện quyền ‘tự do hành hải’.”
“Chỉ khi nào họ bắt đầu hoạt động thăm dò mà xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, xâm phạm nguồn tài nguyên dưới đáy biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thì chúng ta mới có thể phản đối. Còn bây giờ chúng ta cần bình tĩnh theo dõi sát sao mọi hoạt động và đường đi của giàn khoan này.”
Nhưng ông Sơn cũng cho rằng đây là “một động thái đáng quan ngại” của Trung Quốc.
“Dù Trung Quốc nói là họ đã chuẩn bị việc này trong hơn hai năm qua và nay là bước triển khai trên thực địa. Nhưng họ lại chọn thời điểm Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam sắp có chuyến thăm Hoa Kỳ để triển khai hoạt động này, thì có vẻ như đây là một động thái dằn mặt Việt Nam.”
Theo Tân Hoa Xã, giàn sản xuất dầu Đông Phương 13-2 (Dongfang 13-2 CEPB) do tổ hợp liên doanh Zhuhai COOEC và Fluor Heavy Industries Co. Ltd. sản xuất là một giàn khoan xử lý dầu khí toàn diện và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng Sáu.
Trọng lượng nổi của giaàn khoan là 17.247 tấn, tương đương với trọng lượng của 10.000 chiếc xe hơi thông thường và bao phủ một khu vực rộng bằng một sân bóng đá.
Giàn khoan này sẽ giúp gia tăng đáng kể sản lượng khí đốt tự nhiên, ước tính sẽ đạt 2,6 tỷ mét khối hàng năm, đủ để cung cấp năng lượng cho Khu vực Vịnh Quảng Đông-Hồng Kông-Macao.
http://biendong.net/bi-n-nong/27376-can-binh-tinh-theo-doi-gian-dong-phuong-13-2.html