Tin Biển Đông – 14/03/2020
Trung Quốc “gây sự” với Mỹ
Cơn giận của TQ, trong những năm gần đây như lên tới đỉnh điểm khi Mỹ thường xuyên cho tàu chiến, máy bay tuần tra khu vực tranh chấp và ngạo nghễ thách thức TQ rằng: “tàu chiến và máy bay của Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại và hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật quốc tế cho phép”.
Mỹ quyết giành ưu thế trên biển Đông trước TQ
“Gây sự” không phải trong cuộc chiến thương mại, mà trên biển Đông.
Vụ việc diễn ra vào thời điểm cả thế giới đang bấn lên vì Covid-19. TQ, dù thoát khỏi đỉnh dịch, đang khống chế một cách hiệu quả, vẫn ngổn ngang bao nhiêu vấn đề cần giải quyết.
Thế nhưng, trong hoàn cảnh đó, cường quốc mới nổi này vẫn không hề tạm lãng quên vấn đề biển Đông.
Tuần trước, Mỹ có thông báo cáo buộc một tàu chiến TQ đã chiếu tia laser cấp độ quân sự vào máy bay do thám P-8 của Hải quân Mỹ trong khi máy bay này đang thực hiện một nhiệm vụ thường lệ ở vùng biển tranh chấp trên biển Đông, cách đảo Guam 610 km về phía Tây, trong vùng biển thuộc PLP.
Không những gây chói mắt, tia laser như vậy, nếu chiếu cường độ mạnh, có thể tạm thời làm cho các phi công bị mù và hậu quả là khôn lường.
Vì lẽ đó, Mỹ coi đây là hành động nghiêm trọng. Hải quân Mỹ thậm chí đã trực tiếp chuyển thông điệp tới phía TQ, cảnh báo rằng, TQ không nên “chơi trò chơi laser” (mà TQ từng làm), vì hành động này vi phạm Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES – một thỏa thuận đa phương thông qua tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương năm 2014 nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố giữa các cường quốc quân sự trên biển).
Đáp lại, Bắc Kinh giữ thái độ im lặng, không rằng có, cũng không rằng không, khác hẳn trước kia, trong các trường hợp tương tự, TQ phản ứng tức thì, gây nên những cuộc đấu khẩu ầm ĩ giữa hai bên.
Câu hỏi đặt ra là: nếu cáo buộc của Washington đúng, với vụ việc trên, TQ muốn gì ?
Nói đến biển Đông, ai chẳng biết, khu vực này đang là điển hình cho tham vọng của TQ. Biển Đông bao la, được đánh giá là có trữ lượng rất lớn dầu khí, băng cháy – nguồn năng lượng của tương lai – và các nguồn lợi biển khổng lồ khác.
Biển Đông, đó cũng chính là tuyến thương mại hàng hải quan trọng với lượng hàng hóa qua lại trị giá khoảng 4.000 tỷ USD/năm.
Thế nên, với “tầm nhìn xa” nhưng tối mắt bởi lợi ích hẹp hòi, TQ đưa ra yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” nuốt tới 85% biển Đông, bỏ ngoài tai việc bị cộng đồng quốc tế gọi một cách mỉa mai, nhưng đúng bản chất rằng, “đường 9 đoạn” đó chính là “đường lưỡi bò” tham lam vô độ.
Yêu sách này vấp phải phản ứng 5 nước, 6 bên trong khu vực, trong đó, quyết liệt nhất là Việt Nam, Philippines, Maylaysia, Indonesia.
Cậy thế đô vật, TQ đe dọa, gây hấn, quấy nhiễu hoạt động dầu khí với các quốc gia trên; cải tạo, bồi đắp, biến các đảo chiếm hữu bất hợp pháp thành các cứ điểm quân sự…
Dù quyết liệt, nhưng trong thế yếu, về cơ bản, các nước trên đành chọn giải pháp hòa bình trong cuộc đấu với TQ, cho tới nay, vẫn cố tránh những cuộc đối đầu súng đạn.
TQ cay cú nhất thời điểm này là Mỹ. Họ cho rằng: Mỹ bên kia bán cầu, chẳng có lý do gì nhảy bổ vào câu chuyện biển Đông; rằng, biết điều thì Mỹ nên “tránh ra” một bên để họ đấu tay đôi với các các nước ASEAN, nếu không một “sự cố khó lường” có thể xảy ra.
Cơn giận của TQ những năm gần đây như lên tới đỉnh khi Mỹ thường xuyên cho tàu chiến, máy bay tuần tra khu vực tranh chấp và ngạo nghễ thách thức TQ rằng: các hoạt động đó là một phần của các chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông của Mỹ; rằng: “các tàu chiến và máy bay của Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi lại và hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật quốc tế cho phép”.
Nói là làm, năm 2019, Mỹ đã tiến hành kỷ lục 9 hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, tăng từ 5 lần năm 2018 và 6 lần năm 2017. Tháng 1/2020, tàu chiến ven biển USS Montgomery đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ trong năm 2020, tiến sâu một vài dặm vào bên trong Đá Chữ Thập (Fiery Cross) mà TQ tuyên bố chủ quyền.
Đương nhiên, gần đây, TQ cũng hẳn khó chịu khi VN cho phép đoàn tàu Hải quân Mỹ gồm tàu sân bay, tàu tuần dương và tàu khu trục thăm thành phố Đà Nẵng những ngày đầu tháng 3 vừa qua.
Vậy nên, côn đồ gặp Mỹ – đối thủ tới thời điểm này vẫn “to con” hơn – nên mánh “tùy thời”: lúc khoe tên lửa đạn đạo, lúc “chơi trò chơi laser” lại được TQ sử dụng.
http://biendong.net/dam-luan/33507-trung-quoc-gay-su-voi-my.html
Chiến lược “Trục hàng hải quốc tế”, con đường
giúp Indonesia bảo vệ lợi ích ở phía nam Biển Đông
Là quốc gia nằm nối liền giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Indonesia có trên 17.000 hòn đảo lớn, nhỏ và chiều dài bờ biển trên 20.000km. Quốc đảo hồi giáo này được cộng đồng quốc tế đánh giá là đất nước rất giàu tiềm năng về biển. Nhưng suốt bảy thập kỷ qua, Indonesia hầu như “lãng quên” vai trò của biển trong tiến trình phát triển đất nước.
Phải đến thời ông Joko Widodo lên làm Tổng thống, chính quyền nước này mới khắc phục những thiếu sót trong chính sách phát triển về biển. Theo đó, ngay sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước, tháng 5/2014 trước Quốc hội Indonesia, Tổng thống Widodo đã công bố chiến lược “Trục hàng hải quốc tế” với mục tiêu chính là đưa Indonesia trở thành “cường quốc biển” hàng đầu châu Á và thế giới; điểm kết nối của các tuyến vận tải biển quốc tế, đồng thời trở thành trung tâm hàng hải của thế giới vào năm 2025.
Chiến lược “Trục hàng hải quốc tế” của Indonesia mang tham vọng rất lớn. Tuy nhiên, ban đầu chiến lược trên chỉ đề ra các nguyên tắc chung, thiếu các biện pháp cụ thể, vì thế khi thực hiện, các bộ, ngành và địa phương của Indonesia có nhiều cách hiểu, diễn giải và triển khai khác nhau. Để giải quyết tình trạng bất cập đó, tháng 6/2017, Tổng thống Widodo tiếp tục ban hành Sắc lệnh số 06/2017 về “Chính sách biển” nhằm hiện thực hóa chiến lược trên với 76 biện pháp cụ thể, trong đó tập trung vào 7 nhóm trụ cột chính: (1) Tiềm lực hàng hải và phát triển nguồn nhân lực; (2) Tăng cường quốc phòng – an ninh, thực thi pháp luật và an toàn trên biển; (3) Quản trị đại dương; (4) Phát triển kinh tế biển, cơ sở hạ tầng
và sự phồn vinh cho người dân; (5) Quản lý không gian biển và bảo vệ môi trường biển; (6) Xây dựng văn hóa biển; (7) Xây dựng ngoại giao biển.
Sau hơn 5 năm thực hiện chiến lược, chính quyền Tổng thống Widodo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là:
Thứ nhất, đã xây dựng được một hệ thống cảng biển quốc tế có quy mô lớn, hiện đại vào tốp đầu trong khu vực với 27 cảng biển mới, có công suất vận chuyển hàng hóa 10 triệu tấn/năm/cảng, được phân bổ khắp đất nước, trong đó có nhiều cảng biển quốc tế có quy mô rất lớn.
Thứ hai, giúp Indonesia hiện đại hóa quốc phòng và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ASEAN nằm ven Biển Đông. Với việc thực hiện chiến lược “Trục hàng hải quốc tế”, Indonesia đã mở ra cơ hội hiện đại hóa quốc phòng, thông qua tăng chi tiêu quốc phòng từ 20 tỷ USD năm 2018 lên 22 tỷ USD năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 30 tỷ USD vào năm 2022. Trong đó, chi cho Hải quân sẽ tăng từ 5 tỷ USD năm 2018 lên 10 tỷ USD năm 2022.
Đáng lưu ý, tại quần đảo Natuna, Indonesia đã nâng cấp căn cứ không quân, xây dựng một cảng mới đáp ứng cho hoạt động của các tàu chiến và máy bay chiến đấu. Năm 2016, Tổng thống Widodo đã hai lần đến quần đảo này trực tiếp thị sát các cuộc diễn tập, đồng thời chỉ đạo Quân đội Indonesia phải luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngày 19/05/2019, Indonesia tổ chức một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn tại quần đảo Natuna với sự tham gia của 5.900 binh lính cùng nhiều máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu chiến…
Bên cạnh đó, Indonesia còn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác hải quân với Philippines thông qua việc ký kết Thỏa thuận phối hợp, chia sẻ tin tức tình báo (GSOMIA) về những thông tin liên quan đến hải tặc ở eo biển Sunda và chia sẻ thông tin về hoạt động của các nhóm khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Maute ở Đông Sulavesi và đảo Mindanao ở Philipines; phối hợp với Malaysia và Philippines tiến hành các cuộc tuần tra hải quân chung nhằm ngăn chặn sự trở về của các phần tử IS từ Xyri, Irắc vì các phần tử này có thể gây ra nhiều bất ổn về an ninh cho nước này. Với Việt Nam, chính quyền của Tổng thống Widodo cũng thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng chia sẻ thông tin về chống tội phạm trên biển, đánh bắt cá trái phép và ký tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước giai đoạn 2017 – 2020.
Những hoạt động trên vừa nâng cao khả năng sức mạnh cho lực lượng Hải quân Indonesia, vừa thiết thực đối phó với những nguy cơ đến từ động thái “bành trướng” của Trung Quốc tại Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở quần đảo Natuna, nơi mà Bắc Kinh cũng tuyên bố “chủ quyền” qua “đường chín khúc”. Đồng thời, tạo cơ sở để Indonesia có thể triển khai lực lượng quốc phòng thông qua sự phối hợp với Mỹ và các nước ASEAN, củng cố hơn nữa sự hiện diện của nước này tại Biển Đông.
Trong giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều năm qua, Indonesia luôn đóng vai trò trung gian hòa giải; chủ động tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và các cuộc thảo luận về các vấn đề kỹ thuật, cũng như những rào cản khác trong hợp tác giữa các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Thứ ba, thông qua triển khai chiến lược “Trục hàng hải quốc tế”, thể hiện quyết tâm kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở phần phía nam Biển Đông của chính quyền Indonesia. Do “đường chín khúc” mà Trung Quốc tuyên bố chồng lấn lên Vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông, nên Indonesia kịch liệt phản đối yêu sách trên, hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (07/2016), đồng thời thẳng thừng từ chối lời đề nghị của Trung Quốc về việc ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong bác bỏ phán quyết của PCA, bất chấp sự ràng buộc về lợi ích kinh tế giữa hai nước là rất lớn. Bởi phán quyết của PCA đã bác bỏ các “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước bên trong “đường chín khúc” và xác định các thực thể ở Trường Sa chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý, thì có thể khẳng định rằng, vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia không có bất kỳ sự chồng lấn, tranh chấp nào đối với “đường chín khúc” hay bất cứ yêu sách nào khác của Trung Quốc.
Ngày 14/07/2017, Indonesia chính thức đổi tên vùng biển phía bắc quần đảo Natuna thành “Biển Bắc Natuna”. Việc làm này tuy ít có giá trị về mặt pháp lý, nhưng lại đạt được mục đích ngoại giao và tuyên truyền trong việc khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Indonesia tại vùng biển Natuna.
Thứ tư, giúp Indonesia từng bước trở thành trung tâm hàng hải quốc tế tại không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thành tựu lớn nhất mà Indonesia đạt được trong chiến lược “Trục hàng hải quốc tế” là đã xây dựng được 4 trung tâm hàng hải quốc tế ở 4 vùng biển của đất nước, đó là: (1) Trung tâm miền Đông với cảng biển quốc tế Bitung là mũi nhọn. (2) Trung tâm miền Tây với cảng Sabang và Kuala
Tanjung ở Bắc Sumatra làm nòng cốt. (3) Trung tâm miền Bắc với cảng Morotai ở Bắc Kalimantan, cảng biển chiến lược này đã giúp Indonesia mở rộng hợp tác kinh tế thương mại với các nước ASEAN, bảo vệ được hành lang kinh tế biển từ eo biển Malacca tới đảo Natuna và phối hợp với Mỹ trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) để bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Natuna.. (4) Trung tâm thủ đô với cảng Tanjung Priok ở Thủ đô Jakarta làm trụ cột.
Những thành tựu quan trọng trên đã bước đầu đưa Indonesia trở thành trung tâm hàng hải của khu vực châu Á.
Việc Indonesia thể hiện vai trò tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông nói chung và tăng cường sức mạnh quân sự tại quần đảo Natuna nói riêng không chỉ góp phần khẳng định chủ quyền của nước này, mà còn có tác động lớn đến việc hạn chế Trung Quốc mở rộng yêu sách “đường chín khúc” xuống phía nam Biển Đông, góp phần tạo tiếng nói chung trong ASEAN lên án Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, khi Indonesia khai thác và thúc đẩy mạnh hơn nữa chiến lược “Trục hàng hải quốc tế” thì nó cũng sẽ gây ra một số tác động tiêu cực đối với khu vực, bao gồm:
Một là, việc Indonesia áp dụng biện pháp cứng rắn, đánh chìm hoặc đốt cháy tàu cá của ngư dân các nước vi phạm vùng biển của nước này để bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển được cho là tương đối cực đoan, trái với luật pháp quốc tế. Nếu Indonesia vận động thành công Liên Hợp Quốc ủng hộ chiến dịch chống đánh bắt cá trong vùng biển của họ thì nước này có thể sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với ngư dân các nước, không những gây cho ngư dân các nước những thiệt hại nặng nề về kinh tế, mà còn có thể tổn thất cả về sinh mạng.
Hai là, việc Indonesia đổi tên vùng biển phía bắc quần đảo Natuna thành “Biển Bắc Natuna” mà không tham vấn trước các nước có liên quan, đặc biệt là Việt Nam, Malaysia, có thể dẫn đến tranh chấp trong tương lai. Trung Quốc có thể mượn cớ việc đổi tên này để đẩy mạnh hoạt động sang vùng biển trên, thách thức tính “hợp pháp” của “Biển Bắc Natuna”, khiến tình hình ở khu vực càng trở nên phức tạp hơn.
Ba là, việc Indonesia củng cố năng lực quân sự của nước này tại quần đảo Natuna chẳng khác gì xây dựng bức “tường thành” chặn đứng con đường tiến xuống phía nam của Trung Quốc. Trong khi đó, Malaysia, Philippines là hai nước cũng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gần đây lại “cầu cạnh” Trung Quốc, chủ trương tránh đối đầu với Trung Quốc, cục diện trái ngược trên như “liều thuốc” kích thích Trung Quốc đẩy mạnh gây sức ép không chỉ về ngoại giao, mà cả trên thực địa với các nước còn lại có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, đe dọa tới hòa bình và chủ quyền, lợi ích an ninh quốc gia của các nước đó.
Phải công nhận rằng, với việc đề ra và thực hiện chiến lược “Trục hàng hải quốc tế”, Indonesia đã bước đầu giành được thành công trong phát huy các lợi thế có được để đưa đất nước vươn lên trở thành “cường quốc biển” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong tương lai. Đồng thời, phần nào giúp Indonesia thành công trong bảo vệ lợi ích quốc gia ở phía nam Biển Đông. Tuy nhiên, thời gian tới, tình hình khu vực được dự báo là sẽ có nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến các hành động nhằm khẳng định “chủ quyền” của các nước lớn, đe dọa đến chủ quyền và lợi ích biển của các nước xung quanh Biển Đông, trong đó có Indonesia. Vì vậy, để thúc đẩy chiến lược trên phát triển hơn nữa, Indonesia nên đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, giải quyết hài hòa các thách thức ở Biển Đông; phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN nhằm sớm hoàn thiện một COC thực chất và hiệu quả, có tính pháp lý cao, góp phần xây dựng Biển Đông trở thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.