Tin Biển Đông – 14/02/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 14/02/2020

Xây dựng mạng lưới vệ tinh giám sát ở Biển Đông:

Bước đi đầy tham vọng của TQ trong năm 2020

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hiện đang làm việc trên một đội gồm 10 vệ tinh để theo dõi những chuyển ở Biển Đông. Năm 2020, cơ quan này dự định sẽ phóng hai vệ tinh có cảm biến siêu âm, được thiết kế để phát hiện các di chuyển trên mặt biển.

Những thông tin liên quan cho thấy TQ sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống vệ tinh giám sát ở Biển Đông

Vào cuối năm 2019, Viện Viễn thám Sanya của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc dự định phóng ba vệ tinh mới với máy ảnh và cảm biến quang học, sẽ theo dõi di chuyển và bề mặt ở Biển Đông. Bộ vệ tinh hình ảnh đầu tiên này sẽ cung cấp vùng phủ sóng rộng của khu vực, với độ phân giải phù hợp để theo dõi các tàu cỡ trung. Một bộ thứ hai gồm ba vệ tinh được trang bị camera sẽ theo sau. Yang Tianling, Giám đốc Viện Viễn thám cho biết mỗi rạn san hô và đảo cũng như mỗi tàu ở Biển Đông sẽ nằm dưới sự giám sát của “con mắt không gian”. Hệ thống sẽ củng cố chủ quyền quốc gia, bảo vệ nghề cá và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Năm 2020, Trung Quốc dự định phóng hai vệ tinh có cảm biến siêu âm, được thiết kế để phát hiện thành phần vật chất của các vật thể bề mặt. Một hai vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp bổ sung sẽ cung cấp khả năng cảm biến mọi thời tiết. Hạm đội sẽ được triển khai để bao phủ một khu vực từ 30 độ Bắc đến 30 độ Nam, cung cấp phạm vi bảo hiểm đầy đủ của khu vực.

Trước đó, Trung Quốcđã tiến hành phóng tàu vũ trụ Thiên Châu 1 từ bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam. Thiên Châu-1 là tàu vũ trụ chở hàng đóng kín hoàn toàn do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, kết cấu hai khoang, trọng lượng cất cánh 13 tấn, có thể chở 6 tấn vật tư. Thiên Châu-1 chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ như vận chuyển hàng cho thí nghiệm không gian, nhiên liệu, thiết bị và dụng cụ sửa chữa, thiết bị thử nghiệm, đồng thời sẽ chuyển về những phế liệu từ một số trạm không gian; tiến hành kết nối với tàu vũ trụ Thiên Cung-2 để “tiếp dầu” cho Thiên Cung-2 ở trong không gian vũ trụ, triển khai thử nghiệm các công nghệ như sửa chữa và bổ sung nhiên liệu trên quỹ đạo. Bắc Kinh cũng phóng thành công tàu Thường Nga-5, có trọng lượng 8,2 tấn; là tàu vũ trụ có độ khó lớn nhất, nhiệm vụ phức tạp nhất do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo cho đến nay. Thường Nga-5lần đầu tiên tiến hành kết nối tự động trên quỹ đạo Mặt Trăng ngoài 380.000 km và cũng lần đầu tiên đưa mẫu đất từ Mặt Trăng về Trái Đất. Ngoài ra, Trung Quốc đã phóng thành công cụm vệ tinh Bắc Đẩu-3. Nó được thiết kế với các chức năng được tích hợp như truyền tín hiệu giữa các vệ tinh, truyền tín hiệu với mặt đất, bảo đảm kết nối giữa trạm mặt đất với các vệ tinh trên quỹ đạo cao và quỹ đạo thấp; tuổi thọ vệ tinh lên tới 12 năm. Việc đưa Bắc Đẩu-3 vào quỹ đạo đã mở rộng phạm vi phủ sóng trên toàn cầu của Trung Quốc. Nó góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các mục đích quân sự (kiểm soát đường biên giới, định vị mục tiêu quân sự, hỗ trợ định vị đường bay của tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo…), và kiểm soát thực địa ở Biển Đông (kiểm soát tàu, thuyền các nước ở Biển Đông). Trung Quốccũng đã phóng 6 vệ tinh thông tin (Thực Tiễn-13, Thực Tiễn-18, Trung Tinh-9A, Trung Tinh-9C) hỗ trợ kết nối mạng trên máy bay, đường sắt cao tốc. Trước đó, Trung Quốc (2016) phóng thành công 21 tên lửa vào quỹ đạo.

Hồi đầu năm 2019, phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc thông báo Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống định vị khu vực có độ chính xác cao, hay còn gọi là hệ thống Bắc Đẩu dưới nước, trong một chương trình thí điểm tại Biển Đông nhằm cung cấp thông tin về vị trí, định vị và liên lạc dành cho người dùng toàn cầu. Hệ thống định vị trên biển, còn được gọi là UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho mạng lưới dưới biển của Trung Quốc, đặc biệt cho các tàu lặn. Hệ thống UGPS sẽ hoạt động dựa trên hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc. Hệ thống Bắc Đẩu do Trung Quốc tự phát triển và sử dụng dịch vụ định vị của nước này, thay vì dịch vụ định vị toàn cầu GPS của Mỹ.

Ý đồ của TQ khi thúc đẩy nhanh xây dựng mạng lưới vệ tinh do thám ở Biển Đông trong năm 2020

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc sử dụng mạng lưới do thám để độc chiếm khu vực địa-chiến lược ở Biển Đông. Việc nắm quyền kiểm soát vùng biển này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc phá vỡ thế bao vây của các nước trên biển. Đây là lý do chính của việc Trung Quốc nhất quyết muốn biến Biển Đông thành một khu vực bất khả xâm phạm nhằm thực hiện những mưu đồ chiến lược quân sự của Bắc Kinh. Ngoài ra, thông qua việc kiểm soát khu vực này, Trung Quốc sẽ bố trí tàu ngầm chiến lược đến các vị trí nằm có thể sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tấn công tới Mỹ. Hiện quan hệ giữa hai nước chủ yếu vẫn là ngờ vực ngay cả khi cả hai đang cố gắng hết sức để duy trì đối thoại, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng, nhằm tránh những sự cố có thể biến thành xung đột; Trung Quốc luôn coi Mỹ là một kẻ thù tiềm tàng, ngược lại Mỹ cũng không hề tin tưởng vào những hành xử hòa bình của Trung Quốc trong tương lai. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng muốn tận dụng hoạt động do thám để độc chiếm các nguồn tài

nguyên, khoáng sản, hản sản ở Biển Đông cũng là một trong những mục đích quan trọng của Bắc Kinh để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 – 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 – 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới.

http://biendong.net/bien-dong/32993-xay-dung-mang-luoi-ve-tinh-giam-sat-o-bien-dong-buoc-di-day-tham-vong-cua-tq-trong-nam-2020.html

 

Cảnh báo mới: Tình trạng cướp biển tăng mạnh

tại các khu vực ngoài khơi Đông Sabah,

Sulu-Celebes, eo biển Singapore

Năm 2019 có tổng cộng có 82 sự cố cướp biển và cướp có vũ trang (gồm 71 sự cố thực tế và 11 sự cố bất thành) đã được báo cáo ở châu Á. Con số này tăng 8% về tổng số sự cố và tăng 15% về số sự cố thực tế được báo cáo so với năm 2018.

Theo thông tin do Đại diện Phòng An toàn – An ninh hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, Trung tâm Chia sẻ thông tin thuộc Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống lại cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu tại châu Á (ReCAAP ISC) vừa công bố Báo cáo thường niên về cướp biển và cướp có vũ trang nhắm vào tàu năm 2019. Theo kết quả được công bố, năm 2019 có tổng cộng có 82 sự cố cướp biển và cướp có vũ trang (gồm 71 sự cố thực tế và 11 sự cố bất thành) đã được báo cáo ở châu Á. Con số này tăng 8% về tổng số sự cố và tăng 15% về số sự cố thực tế được báo cáo so với năm 2018. Từ các số liệu trên cho thấy, phần lớn các sự cố được báo cáo là các vụ cướp có vũ trang nhằm vào tàu. Rủi ro cướp biển bắt cóc thuyền viên ở vùng biển Sulu-Celebes và vùng biển ngoài khơi Đông Sabah vẫn ở mức cao. Đáng chú ý là sự gia tăng các sự cố khi tàu hành trình tại eo biển Singapore trong năm 2019. Theo thống kê, đã có 31 sự cố được báo cáo vào năm 2019 tại khu vực này (tăng 24 sự cố so với năm 2018). Ngoài ra, còn gia tăng các sự cố đối với tàu neo đậu ngoài khơi Bandar Penawar, Johor, Malaysia. Trước sự gia tăng các sự cố cướp biển, ReCAAP ISC khuyến nghị các cơ quan thực thi pháp luật ở châu Á tăng cường giám sát, đẩy mạnh hoạt động tuần tra, ứng phó kịp thời với các sự cố do tàu báo cáo. Ngoài ra, ReCAAP cũng đề nghị thuyền trưởng, thuyền viên tăng cường cảnh giác khi cho tàu đi qua các khu vực quan tâm, duy trì cảnh giác liên tục đối với các tàu đáng ngờ trong vùng lân cận, báo cáo tất cả các sự cố ngay lập tức đến Quốc gia ven biển gần nhất và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn.

Trước đó, Cục Hàng hải Việt Nam (30/12/2019) yêu cầu các Cảng vụ phổ biến đến tất cả thuyền trưởng, chủ tàu, công ty khai thác tàu về diễn biến cướp biển và yêu cầu các thuyền trưởng thực hiện nghiêm kế hoạch an ninh đã được Cục Đăng kiểm phê duyệt; đồng thời khuyến cáo các tàu biển tăng cường biện pháp bảo vệ, kế hoạch an ninh khi hành trình qua khu vực eo biển phía đông Singapore và vùng biển Sulu – Celebes và eo biển Malacca để đảm bảo an toàn cho thuyền viên và tàu.

Theo giới chuyên gia, học giả để ngăn ngừa các vụ cướp biển trong khu vực, thì các nước trong khu vực cần phải hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, cụ thể: Các nước liên quan, nhất là các nước ven Biển Đông cần tăng cường hợp tác, tuần tra song phương, đa phương trong khu vực, trong đó tập trung vào việc chia sẻ thông tin, tình hình cướp biển và cướp có vũ trang; công tác huấn luyện, diễn tập, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; thiết lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các đường dây nóng giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi nước; thiết lập và tăng cường cơ chế tuần tra chung giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi quốc gia ở các vùng biển giáp ranh… Không những vậy, các nước cũng cần tăng cường sức mạnh lực lượng tuần duyên, cảnh sát biển, trang bị vũ khí hiện đại như súng máy, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ; lắp đặt hệ thống giám sát bờ biển sử dụng radar, trang bị hệ thống

nhận dạng tự động, cũng như nhiều thiết bị quản lý hiện đại khác… nhằm bảo đảm lực lượng thực thi pháp luật của mỗi quốc gia có đủ năng lực kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi cướp biển và cướp có vũ trang. Ngoài ra, mỗi quốc gia trong khu vực cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền cho các doanh nghiệp và đội ngũ thuyền viên, nhất là thuyền viên các tàu vận tải. Đồng thời, có các khuyến cáo, chỉ dẫn về huấn luyện, các biện pháp phòng vệ, phương án thông tin liên lạc khẩn cấp khi bị cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tấn công; yêu cầu các chủ tàu trang bị hệ thống tự động nhận dạng (AIS); Hoàn thiện cơ chế phản ứng nhanh và cài đặt điểm an toàn xung quanh vùng biển Sabah, điểm nóng của tệ nạn cướp biển trong khu vực Biển Đông; hỗ trợ xây dựng, đào tạo lực lượng, diễn tập để nâng cao trình độ kỹ thuật, khả năng phối hợp chiến đấu.

Các tin khác

Australia – Indonesia phản đối hành vi quân sự hóa phi pháp của TQ trên Biển Đông – 14/02/2020 13:00

Xây dựng mạng lưới vệ tinh giám sát ở Biển Đông: Bước đi đầy tham vọng của TQ trong năm 2020 – 14/02/2020 12:00

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Nga ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Nga giai đoạn 2020-2025 – 14/02/2020 11:00

Nội bộ Philippines lại bất đồng trong việc lựa chọn mối quan hệ đồng minh cũ với Mỹ và quan hệ gần gũi mới với TQ – 14/02/2020 10:00

Eo biển Hormuz, Bắc Phi và Biển Đông là 3 điểm nóng chính trị gây ra các vấn đề kinh tế toàn cầu quan trọng hiện nay – 14/02/2020 09:00

http://biendong.net/bien-dong/32996-canh-bao-moi-tinh-trang-cuop-bien-tang-manh-tai-cac-khu-vuc-ngoai-khoi-dong-sabah-sulu-celebes-eo-bien-singapore.html

 

Australia – Indonesia phản đối hành vi

quân sự hóa phi pháp của TQ trên Biển Đông

Trong khuôn khổ chuyến thăm Australia, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước hành vi quân sự hóa trên Biển Đông.

Phản đối hành vi quân sự hóa Biển Đông

Theo đó, Tuyên bố chung nhấn mạnh, Australia – Indonesia bày tỏ quan ngại nghiêm trọng đối với hành vi quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp trên khu vực Biển Đông; khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực; bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước những phát triển gần đây ở Biển Đông, bao gồm việc quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp. Hai nước cũng kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên nhấn mạnh,việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông cần đảm bảo phù hợp luật pháp quốc tế, không làm phương hại đến lợi ích và quyền lợi của bên thứ ba hoặc các quốc gia khác.Được biết, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (9-11/2) thăm chính thức Australia. Trong chuyến thăm, ông Joko Widodo đã hội đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison, gặp Toàn quyền David Hurley… nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác quan hệ song phương. Hai bên đã công bố Kế hoạch hành động 100 ngày để thực hiện Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện giữa 2 nước (IA-CEPA) và Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2020-2024 trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đáng chú ý, trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định: Indonesia mong muốn hợp tác với Australia để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương. Hai nước phải trở thành bạn bè thực sự của các quốc gia Thái Bình Dương, hợp tác với tư cách là đối tác phát triển để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu,đói nghèo và bất bình đẳng xã hội. Hai bên cần ủng hộ khôi phục các nguyên tắc kinh tế mở, tự do và công bằng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

Quan hệ song phương vững mạnh

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Indonesia và Australia đang không ngừng được củng cố và phát triển, nhất là dưới thời Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông Scott Morrison (30/8/2018) đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Indonesia. Trước đó, ông

Malcolm Turnbull (11/2015), trên cương vị Thủ tướng Australia, cũng chọn Indonesia là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Nếu chuyến thăm của ông Turnbull (2015) là nhằm hàn gắn quan hệ hai nước và thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với đất nước vạn đảo thì chuyến thăm của ông Morrison (2018) tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Indonesia trong chính sách đối ngoại Australia, nhất là về phương diện kinh tế. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia – Australia (IA-CEPA) được ký kết tháng 3/2019 sẽ là động lực để hiện thực hóa các cam kết hợp tác kinh tế giữa hai nước, vốn đã có nhiều bước phát triển với thương mại hai chiều trị giá 16,5 tỷ USD trong năm 2017 và Indonesia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 13 của Australia.

Bên cạnh đó, Sách trắng về Chính sách đối ngoại (Foreign Policy White Paper) Australia năm 2017, được công bố lần đầu tiên sau 14 năm, khẳng định Indonesia là đối tác quan trọng đối với Australia trong tầm nhìn cân bằng lợi ích và ảnh hưởng của Australia tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific), Indonesia cũng được Australia đánh giá là quốc gia chủ chốt tại Đông Nam Á. Với tư cách là hai trung cường cùng thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), Australia và Indonesia chia sẻ những đường hướng của nền ngoại giao trung cường với sự ưu tiên cho ngoại giao kênh II và nền ngoại giao đa phương năng động.

Không những vậy, là một trong những thành viên đầu tiên của ASEAN, Indonesia, với uy tín và tầm nhìn tiến bộ, đã được kiểm nghiệm qua lịch sử. Việc chính quyền mới tiếp tục xem trọng mối quan hệ với Indonesia phản ánh rằng Australia tin tưởng khả năng Indonesia, trong tương lai sẽ hội đủ tiềm năng để đóng vai trò trụ cột và tiền tiêu trong ASEAN, và nhờ đó giúp thúc đẩy sự hiện diện và nâng cao vai trò của Australia tại Đông Nam Á. Trong lịch sử, khu vực địa lý phía Bắc luôn là mối quan tâm thường trực của Australia. Quốc gia láng giềng của Australia là Indonesia cũng từng được xem như một mối đe dọa cho an ninh của Australia.

Hợp tác trong vấn đề Biển Đông

Trong vấn đề Biển Đông, hợp tác quân sự Australia – Indonesia được tăng cường trong những năm gần đây, mà đề xuất tập trận giữa hải quân hai nước và các cuộc đối thoại quốc phòng là nổi bật, cũng giúp thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong hai năm vừa qua (2016 và 2017), phía Indonesia đã đề xuất với Australia về việc cùng tập trận chung ở Biển Đông; dự định này sau đó đã bỏ ngỏ vì phía Australia lo ngại kích động phản ứng từ phía Trung Quốc. Trong các đối thoại 2+2, gồm Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng 2 nước, cũng như tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), lãnh đạo hai nước thường xuyên bàn về nội dung thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Hợp tác quân sự Australia – Indonesia, được khôi phục vào tháng 2/2017, trải dài trên nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh biển. Đây là chỉ dấu cho những bước phát triển, dẫu rằng hai quốc gia vẫn cần nhiều quyết tâm chính trị và lòng tin trong hợp tác quân sự, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Trong thế kỷ XXI, với tầm nhìn hội nhập vào châu Á, Australia rất cần củng cố và phát triển quan hệ với Indonesia. Tầm quan trọng của Indonesia trong các vấn đề liên quan đến địa chính trị Đông Nam Á càng cung cấp nhiều chỉ dấu cho tầm quan trọng chiến lược trong quan hệ song phương. Trong ASEAN, Indonesia vẫn là quốc gia có quy mô dân số lớn nhất, cung cấp một thị trường rộng khắp và nguồn nhân lực dồi dào cho các công ty Australia. Indonesia nằm giữa hai đại dương lớn là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là vùng đệm chiến lược, có khả năng kết nối với hai cường quốc hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Indonesia còn án ngữ ba eo biển Malacca, Sunda và Lombok – giữ vai trò chi phối các tuyến đường hàng hải và dòng thương mại qua châu Á, đặc biệt là qua Biển Đông. Quan trọng nữa là, tầm nhìn của Indonesia đang phản ánh khát vọng hướng biển mạnh mẽ. Tháng 11/2014, Tổng thống Widodo đã công bố “Học thuyết Trục biển toàn cầu” (World Maritime Axis) như là kim chỉ nam cho chính sách phát triển quốc gia. Tầm nhìn này được phát triển với Chính sách biển (Indonesian Ocean Policy) công bố vào tháng 6/2017.

Tất cả các lợi thế này đã giúp Indonesia giành được sự quan tâm của các cường quốc, trên cơ sở đó, thúc đẩy quan hệ với Indonesia giúp Australia gia tăng sự hiện diện và ưu thế tại khu vực. Trong bối cảnh chính sách biển của Indonesia, về cơ bản là có thể chia sẻ và dung hòa với chính sách phát triển về phía biển của Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ thì Australia rất cần tranh thủ quan hệ với Indonesia, một bước đi để chia sẻ tầm nhìn với Indonesia nói riêng và các cường quốc nói chung. Chính sách đối ngoại độc lập, linh hoạt của Indonesia cũng có thể cung cấp nhiều giá trị tham khảo cho Australia.

http://biendong.net/bien-dong/32995-australia-indonesia-phan-doi-hanh-vi-quan-su-hoa-phi-phap-cua-tq-tren-bien-dong.html