Tin biển Đông – 14.01.2018
Biển Đông: vì sao Trung Quốc ‘phủ đầu’ ngay đầu năm?
BBC – 4 tháng 1 2018
Trung Quốc trong năm 2018 tiếp tục chính sách chính của mình là ‘tằm ăn dâu’, đồng thời có các động thái chủ động ngăn chặn, răn đe các nước khác cạnh tranh ‘chủ quyền’ của họ trên Biển Đông thông qua chiến thuật ‘đánh phủ đầu’, theo một nhà phân tích chính trị và bang giao quốc tế từ Hoa Kỳ.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 13/01, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu thuộc Đại học George Mason, giải thích động thái mà mới đây theo truyền thông quốc tế Trung Quốc đã ‘phản đối mạnh mẽ’ việc Việt Nam mời Ấn Độ tham gia, hợp tác đầu tư, khai thác dầu khí ở Biển Đông, ông nói:
“Trước hết, khi Ấn Độ khai thác với Việt Nam, thì những khu thăm dò và khai thác ở trong lĩnh vực thẩm quyền của Việt Nam mà Việt Nam cho là có độc quyền, nhưng Trung Quốc lại cho là của họ bởi vì nó ở trong vòng của đường ‘Lưỡi bò’ [bản đồ đường chín đoạn], nếu Ấn Độ khai thác chỗ này, coi như Ấn Độ công nhận chủ quyền của Việt Nam ở vùng này.
“Thành ra họ [Trung Quốc] phải đánh phủ đầu ngay lập tức. Đó là lý do vì sao Trung Quốc phản ứng nhanh như vậy. Về vấn đề hợp tác dầu khí, chúng ta thấy gần đây Việt Nam đã gia hạn 2 năm cho công ty khai thác dầu của Ấn Độ với Việt Nam, hỗ trợ hành động như đó là đã đạt được khung hành động nếu họ muốn.
“Điểm thứ hai, về quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng lên nhiều năm nay và nhất là gần đây Việt Nam đã gửi một số người sang Ấn Độ để học tập về không quân, hải quân, thành ra việc đó [hợp tác] xảy ra là thông thường, mà đây chỉ là tiếp tục thôi.
“Nhưng tôi nghĩ đây là Trung Quốc chặn đầu, tức là bất cứ điều gì xảy ra là Trung Quốc chặn đầu, làm hai động thái. Động thái thứ nhất là ‘tằm ăn dâu’, Trung Quốc cứ từ từ tiến những bước một mà không gây ra những gì thật là đụng độ lớn, cứ từ từ tiến.
“Nhưng mặt khác, Trung Quốc cứ ‘đánh phủ đầu’, chặn những chuyện khác mà có thể làm ngược lại Trung Quốc, thành ra điều đó dễ hiểu thôi,” người đồng thời là nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), một Think Tank của Mỹ, nói với BBC.
‘Ấn Độ khác xa Tây Ban Nha’
Từ Tokyo, Nhật Bản, nhà báo và nhà phân tích Đỗ Thông Minh liên hệ và so sánh vụ việc từng xảy ra trong hợp tác của Việt Nam với hãng Repsol của Tây Ban Nha năm ngoái 2017 trên Biển Đông dưới áp lực của Trung Quốc và hợp tác Việt – Ấn hiện nay, ông nói:
“Về mặt ngoại giao, từ trước đến giờ Ấn Độ vẫn có quan hệ với nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại, cho nên khi đi vào Biển Đông, chắc chắn họ hiểu tình hình và Ấn Độ khác với Tây Ban Nha ở chỗ Tây Ban Nha là một xứ tây phương quá xa xôi, [Repsol] chỉ đơn thuần là một công ty, sau lưng không có một sự hỗ trợ về thế lực hay quân sự nào cả.
“Nhưng Ấn Độ thì không phải như vậy, những đoàn tàu chiến của Ấn Độ khi đi thăm các nơi, thì cũng thường ghé Cam Ranh hoặc ghé Đà Nẵng, và quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ sau này, từ vấn đề quân sự cho đến vấn đề kinh tế và kỹ thuật đã gia tăng rất nhiều.
“Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng Ấn Độ không dễ dàng rút lui và chấp nhận, và Việt Nam cũng không có dễ dàng buông Ấn Độ. Trường hợp của công ty Repsol cũng hơi lạ là chưa thấy Trung Quốc có những động thái mạnh mẽ lắm, mà Việt Nam đã yêu cầu Repsol rút lui, thì chúng tôi thấy là hơi quá sớm.
“Ít nhất là nó phải đi tới một sự căng thẳng nào đó và nhất là dựa vào những quan hệ quốc tế để tìm đồng minh, thì chưa có gì hết, nghĩa là ngay cả áp lực bên trong như thế nào, chúng ta cũng chưa rõ. Chắc chắn là chưa có gì ghê gớm lắm mà Việt Nam đã nhượng bộ, thì chúng tôi thấy là hơi sớm.
“Nhưng trường hợp vừa là cái thế, nhưng chúng ta thấy là trục Ấn Độ – Thái Bình Dương và trước đây Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra một hình ảnh là ‘viên Kim cương’.
“Hình ảnh viên Kim cương với bốn góc, trên đỉnh, đây không nói là đỉnh cao, nhưng hình dáng đỉnh là Nhật Bản, đáy là nước Úc và một bên, bên trái là Ấn Độ và bên phải là Mỹ. Thành ra đó là một thế liên kết mà ông Abe muốn tạo dựng,” nhà báo Đỗ Thông Minh nói với BBC Tiếng Việt từ Tokyo, Nhật Bản.
‘Phản đối việc lấy cớ hợp tác‘
Được biết, hôm 11/01/2018, Thời Báo Kinh tế của Ấn Độ dẫn nguồn từ hãng tin PTI của nước này, đưa tin cho hay Trung Quốc đã phản đối việc Việt Nam mời Ấn Độ đầu tư ở một khu vực có dầu và khí đốt tự nhiên tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Theo nguồn này, Trung Quốc nói rằng nước này phản đối mạnh mẽ việc vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc bằng cách ‘lợi dụng’ việc phát triển các quan hệ song phương ‘như một cái cớ’.
Theo thời báo của Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Tôn Sinh Thành hôm 09/01/2018 đã nói với một kênh tin tức của Ấn Độ rằng Việt Nam ‘hoan nghênh đầu tư của Ấn Độ ở Biển Đông.”
Phản hồi nhận xét này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng được các hãng tin quốc tế dẫn lời nói: “Trung Quốc không phản đối sự phát triển quan hệ song phương bình thường của các nước liên quan trong khu vực láng giềng của chúng ta.”
“Nhưng Trung Quốc phản đối mạnh mẽ bên liên quan nào lợi dụng điều này như một cái cớ để xâm phạm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Hoa Nam [tức Biển Đông] và làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực”, người phát ngôn này nói.
Đại sứ Việt Nam ở Ấn Độ, ông Tôn Sinh Thành, cũng được các báo Ấn Độ dẫn lời cho hay hợp tác quốc phòng là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng và hiệu quả nhất giữa Ấn Độ và Việt Nam và Ấn Độ có thể hữu ích trong việc giúp mở rộng các năng lực quốc phòng của Việt Nam.
Trung Quốc đã phản đối Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) khai thác dầu tại các giếng mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong suốt nhiều năm, còn Ấn Độ luôn khẳng định rằng việc thăm dò của ONGC là một hoạt động thương mại và không liên quan đến tranh chấp, vẫn theo các báo Ấn Độ.
Mời quí vị tham khảo thêm bài về Biển Đông:
Quí vị cũng có thể bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn các ý kiến bình luận về chủ đề trên tại chương trình Phỏng vấn Cuối tuần của BBC Việt ngữ hôm 13/01/2018.
Trung Quốc có hệ thống giám sát dưới biển mới
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết Trung Quốc đã cho triển khai một hệ thống giám sát dưới biển công nghệ cao mới. Nhiều chuyên gia đánh gia hệ thống này sẽ giúp tàu ngầm Trung Quốc theo dõi tàu của địch tốt hơn, đồng thời bảo vệ cho lợi ích của nước này dọc theo ‘Con đường Tơ lụa trên biển’, kéo từ bán đảo Triều Tiên đến bờ đông châu Phi.
Dự án triển khai hệ thống do Phòng nghiên cứu Hải dương Nam Hải (SCSIO) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, chịu trách nhiệm. Hệ thống thu thập thông tin về môi trường dưới biển, đặc biệt là nhiệt độ và độ mặn của nước. Hải quân có thể dùng những thông tin này để theo dấu tàu của địch chính xác hơn cũng như phục vụ cho công tác định hướng và xác định vị trí.
Theo SCMP, đây là một phần trong nỗ lực mở rộng sức mạnh quân đội, thách thức sức mạnh trên biển quân đội Mỹ của Bắc Kinh.
Theo ông Du Vĩnh Cường, nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và là thành viên của nhóm chuyên gia theo dõi mạng lưới giám sát dưới biển của Trung Quốc, cho biết việc triển khai được một hệ thống công nghệ cao mới cho thấy sự tiến bộ trong khả năng tác chiến tàu ngầm của nước này, nhưng so với hệ thống của Mỹ thì còn thua kém.
“Chúng ta chỉ mới bước được một bước nhỏ trong một cuộc trường chinh dài”, ông Du đánh giá.
Theo ông Du, ngay tại Biển Đông thì những chỉ huy tàu ngầm Mỹ đã nắm bắt được tình trạng nhiệt độ và độ mặn của nước biển ở đây tốt hơn so với người đồng cấp phía Trung Quốc, vì họ đã có hàng thập kỷ nghiên cứu khu vực này.
Theo phần giới thiệu kỹ thuật đăng trên trang thông tin của SCSIO, hệ thống giám sát dưới biển mới của Trung Quốc hoạt động dựa trên một mạng lưới các phao nổi, tàu hoạt động trên biển, vệ tinh và thiết bị lặn dưới nước.
Thông tin ở Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương được mạng lưới này thu thập sẽ được gửi về ba trung tâm nằm ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), tỉnh Quảng Đông và Nam Á. Trong đó, trung tâm ở Nam Á là cơ sở chung, chịu trách nhiệm xử lý và phân tích thông tin.
Không chỉ có khả năng đo lường, hệ thống giám sát còn có thể dự đoán nhiệt độ và độ mặn của bất cứ địa điểm, ở bất cứ độ sâu và bất cứ lúc nào. Điều này rất có ích cho các tàu ngầm Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ tuần tra “Con đường tơ lục trên biển”, một phần của sáng kiến Một vành đai Một con đường.
Các tàu ngầm thường dùng kỹ thuật lan truyền sóng âm thanh dưới nước (sonar) để xác định vị trí, nhận diện và theo dõi tàu khác. Tốc độ và hướng của sóng âm lại bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ và độ mặn của vùng nước tàu chạy qua. Nếu chỉ huy tàu ngầm không xem xét đến những yếu tố này khi xác định được vị trí của tàu địch thì họ không thể nào bắn trúng mục tiêu.
Theo nhà nghiên cứu Du, ngoài giúp tăng khả năng xác định các mục tiêu, hệ thống mới còn đảm bảo cho tàu ngầm hoạt động an toàn hơn ở những vùng nước nguy hiểm. Nhiệt độ và độ mặn có tác động không nhỏ đến mật độ nước, và bất cứ thay đổi đột ngột nào của các yếu tố này có thể khiến tàu mất kiểm soát một cách hiệu quả. Bằng cách dự đoán trước những thay đổi này, hệ thống giám sát giúp chỉ huy các tàu ngầm không gặp rắc rối.
Trong một thông cáo báo chí ngắn, SCSIO cho hay sau nhiều năm xây dựng và thử nghiệm, hệ thống giám sát đã được bàn giao cho hải quân Trung Quốc, cho kết quả sử dụng tốt.
Sóng âm tàu ngầm dùng để định vị tàu khác chịu ảnh hưởng lớn của độ mặn và nhiệt độ nước – Ảnh: Science News
Một vành đai Một con đường là sáng kiến giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của hơn 60 quốc gia. Sau khi sáng kiến này được triển khai, một lượng lớn tiền đầu tư, trong đó phần lớn là của Bắc Kinh, đã được đổ ra để xây dựng hàng chục dự án cơ sở hạ tầng như cảng biển, đường sắt cao tốc. Cùng với tiến độ triển khai ngày càng nhanh, Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề bảo vệ mạng lưới lợi ích và đầu tư của nước này ở các quốc gia khác.
Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc chưa có kinh nghiệm hoạt động ngoài biên giới. Điều này đặt ra yêu cầu phải có thêm nhiều công nghệ hỗ trợ cho hoạt động của lực lượng nước này.
SCMP cho biết ngoài hệ thống giám sát dưới biển, Bắc Kinh cũng đã phát triển một hệ thống trang bị trên tàu ngầm, dùng các thuật toán để dự đoán tình trạng vùng nước hoạt động ngay cả khi các cảm biến chỉ thu được một lượng dữ liệu rất ít. Công nghệ này rất có ích khi tàu ngầm phải “tàng hình” dưới biển trong hàng tuần/hàng tháng, không thể nổi lên để nhận thông tin từ các trạm thông tin đất liền và vệ tinh.
Cẩm Bình (theo SCMP)
Nguy hiểm đơn vị đổ bộ đường biển của… Lục quân TQ
- Ngày đăng 12-01-2018 – BĐN
Truyền thông Trung Quốc vừa đăng tải chùm ảnh về cuộc tập trận của Lữ đoàn cơ giới đổ bộ trực thuộc Tập đoàn quân số 73.
Trong các cuộc tập trận đổ bộ hay đánh chiếm đảo từ trước tới nay, hình ảnh thường thấy trên báo chí và truyền hình Trung Quốc đó là nhiệm vụ được giao cho các đơn vị Thủy quân lục chiến trực thuộc Hải quân Trung Quốc (PLAN).
Tuy nhiên lực lượng đảm trách vai trò trên trong biên chế Quân đội Trung Quốc không chỉ có vậy mà còn được bổ sung nhiều lữ đoàn cơ giới đóng quân tại khu vực miền Đông hoặc miền Nam nước này, những nơi có tiếp giáp với biển.
Vũ khí trang bị của các lữ đoàn cơ giới đổ bộ trực thuộc Lục quân Trung Quốc hoàn toàn tương đồng với Thủy quân lục chiến, bao gồm mũi xuyên phá cấu thành từ xe tăng lội nước ZTD-05 và xe chiến đấu bộ binh lưỡng cư ZBD-05, yểm trợ hỏa lực là nhiệm vụ của pháo tự hành đổ bộ PLZ-07B.
ZBD-05 là chiếc thiết giáp được phát triển từ khung gầm xe chiến đấu bộ binh ZBD-2000, nhiệm vụ chính là chuyên chở phân đội lính thủy đánh bộ với đầy đủ trang bị vượt qua màn hỏa lực cỡ nhỏ của đối phương đến địa điểm đổ quân.
Vũ khí của ZBD-05 bao gồm 1 pháo tự động cỡ 30 mm, kết hợp với 1 súng máy phòng không 12,7 mm và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm. Kíp lái gồm 3 người, chuyên trở được 8 lính thủy đánh bộ, vỏ giáp của xe chịu được sức công phá của các loại vũ khí bộ binh hạng nhẹ.
Trong khi đó ZTD-05 là phiên bản xe tăng hạng nhẹ cùng dựa trên khung cơ sở ZBD-2000, với sửa đổi chính là được trang bị pháo 105 mm có thể bắn nhiều loại đạn, trong đó gồm cả tên lửa chống tăng có điều khiển.
Ngoài ra, ZTD-05 còn được trang bị hệ thống đo xa laser hiện đại, thiết bị quan sát ảnh nhiệt phục vụ tác chiến ban đêm, động cơ được thay bằng loại có công suất 1.475 mã lực, kíp chiến đấu 4 người và không có khả năng chở lính như ZBD-05.
PLZ-07B là loại pháo tự hành đổ bộ đường biển hiện đại, nó sử dụng khung gầm của xe chiến đấu bộ binh ZBD-04 và gắn pháo chính cỡ nòng 122 mm được coi là một bản sao từ lựu pháo mặt đất D-30 của Liên Xô.
Pháo tự hành PLZ-07B có tầm bắn tối đa 18 km với đạn thường hoặc lên tới 27 km khi bắn đạn rocket tăng tầm, trên nóc tháp pháo còn được gắn thêm 1 súng máy hạng nặng QJC-88 12,7 x 108 mm để phòng không hoặc chống bộ binh tiếp cận.
Không chỉ có phương tiện mặt đất, khi thực hiện nhiệm vụ thì lực lượng trên sẽ được yểm trợ hỏa lực từ trên không bởi các loại trực thăng vũ trang Z-9, Z-10 và Z-19 trực thuộc chính tập đoàn quân đó.
Những lữ đoàn cơ giới đổ bộ trên chính là khối dự bị chiến lượng cho các đơn bị Lính thủy đánh bộ của Hải quân Trung Quốc, phục vụ cho chiến lược bành trướng thế lực trên biển của họ, cần phải đặc biệt chú ý lưu tâm đến khối tác chiến đặc biệt này.