Tin Biển Đông – 13/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 13/09/2018

Biển Đông: Xuồng Bay

Trần Khải

Hải quân Trung Quốc đang suy tính bàn cờ tác chiến ở Biển Đông ra sao? Làm thêm hàng không mẫu hạm? Đóng thêm tàu ngầm? Đóng thêm phi cơ robot?

Trên trang We Are The Mighty của Hoa Kỳ, phóng viên Ryan Pickrell tiết lộ rằng Trung Quốc đang suy tính kiểu mới: xuồng bay tác chiến.

Có thể gọi là thủy phi cơ, vừa là phi cơ, vừa chạy dưới nước, nhưng lớn hơn tất cả các kiểu đương hữu hiện nay.

Xuồng bay này có tên là AG600 Kunlong, nhìn thì thấy là phi cơ, do Trung Quốc ráp, lớn bằng chiếc phi cơ Boeing 737, mới đây đã thử nghiệm trên một chiếc hồ miền trung Hoa Lục, theo báo South China Morning Post, dẫn theo tin của China Aviation News, đang hôm 9/9/2018.

Phi cơ này có thể đáp trên mặt biển đầy sóng.

Trong khi thử nghiệm ở tỉnh Hubei, phi cơ thử một loạt trên mặt nước và bay chậm.

Thực ra kiểu đầu tiên là hồi tháng 12/2017, nhưng chiếc AG600 Kunlong có 4 động cơ.

Khi cấp cứu có thể chở 50 người, trên nguyên tắc là sẽ dùng để cứu hỏa, có thể chở thêm khoảng 12 tấn nước.

Các chuyên gia nghi ngờ rằng khả năng chở một đại đội tác chiến trên các khu vực nhiều sóng gió mặt biển, sẽ không thực tế nhằm cứu hỏa, vì có thể sẽ gắn thêm vũ khí tối tân cho đại đội tác chiến đó.

Trong khi đó, chính phủ TQ vẫn lộ vẻ hòa dịu, như chỉ muốn làm thương mại. Bản tin RFI kể một quan chức TQ đứng giữa Hà Nội đã lớn tiếng hàm ý chỉ trích TT Trump.

RFI viết rằng: Tại Diễn đàn Kinh tế ASEAN tổ chức tại Hà Nội, hôm nay 12/09/2018 phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) cho rằng các biện pháp bảo hộ mậu dịch là «mối nguy hiểm lớn». Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang vất vả đối phó với cuộc chiến tranh thương mại do Washington khởi xướng.

Theo ông Hồ Xuân Hoa, «các biện pháp bảo hộ đơn phương của một số nước làm phương hại nặng nề đến hệ thống thương mại đa phương (…), gây nguy hiểm rất lớn cho nền kinh tế thế giới». Cũng theo phó thủ tướng Trung Quốc, «chủ nghĩa cô lập sẽ không đi đến đâu, chỉ có mở cửa với tất cả các nước mới là con đường tốt đẹp».

Lời đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump là sẽ đánh thuế 25% trên 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc, có thể trong tháng Chín này, đang là trung tâm chú ý của hội nghị quy tụ các nhà lãnh đạo và chủ doanh nghiệp châu Á diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13/9.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được theo dõi sát sao tại Đông Nam Á. AFP dẫn lời chuyên gia của văn phòng luật sư Baker McKenzie tại Việt Nam nhận định, các nước như Việt Nam và Cam Bốt vốn dựa vào xuất khẩu, có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến này.

Nhiều công ty Trung Quốc đã di dời sản xuất sang các nước khác trong khu vực để né tránh thuế quan của Mỹ. Trước đó không ít nhà máy Trung Quốc đã chuyển dịch sang Đông Nam Á do giá nhân công Hoa lục tăng lên.

Trong khi đó, VN từ từ mở cửa đón hàng và người TQ vào.

Bản tin VOA kể: Việt Nam và Trung Quốc vừa khai thông cửa khẩu biên giới Chi Ma – Ái Điểm tại tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, củng cố hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt.

Báo Dân Trí cho biết, với việc mở thêm cửa khẩu này, tỉnh Lạng Sơn đã có 12 cửa khẩu song phương và quốc tế với phía Trung Quốc.

Cũng theo tờ báo này, cặp cửa khẩu song phương Chi Ma – Ái Điểm được mở với sự đồng ý của chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc, Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc và các bộ, ngành trung ương hai nước.

Truyền thông trong nước trích lời ông Tôn Đại Vỹ, Phó Bí thư Khu ủy Quảng Tây nói: “Việt Nam và Quảng Tây núi liền núi, sông liền sông, giao thương đi lại mật thiết. Cách đây hơn 100 năm, Chi Ma đã là cửa khẩu giao thương của Việt Nam và Trung Quốc, là cửa khẩu có vai trò quan trọng trong mậu dịch quốc tế.”

VOA ghi rằng sau khi khai thông cửa khẩu hôm 10/9, Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ đã đến thăm lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 11/9, và đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như sữa, các sản phẩm sữa, hoa quả, thủy sản, lợn, thịt lợn…

Ông Lộc Tâm Xã, Bí thư Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, được truyền thông Việt Nam trích lời nói rằng ông mong muốn 2 bên đẩy mạnh trao đổi về các dự án kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông.

Theo báo Thanh Niên, trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hàn Chính, ông Huệ đề nghị Trung Quốc tiếp tục có các chính sách và biện pháp hữu hiệu để cải thiện hơn nữa tình trạng nhập siêu của Việt Nam; phối hợp thúc đẩy việc giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc ở một số công trình, dự án doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, xây dựng tại Việt Nam.

Vào ngày 12/10 sắp tới, doanh nghiệp và người dân tại 7 tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, trong đó có Lạng Sơn, sẽ được phép sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong các giao dịch xuất nhập khẩu xuyên biên giới.

Trong khi đó, bản tin RFA ghi rằng Việt Nam và Trung Quốc, vào ngày 11 tháng 9 năm 2018 hứa hẹn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Bản tin ghi rằng Tân Hoa Xã loan tin vừa nêu vào ngày 12 tháng 9, cho biết thêm lời cam kết vừa nêu được tuyên bố tại buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa ở Hà Nội, nhân dịp ông Hồ sang dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018).

Trong buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa nói rằng lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện những chương trình cấp cao và các kế hoạch chiến lược cho sự phát triển mối quan hệ song phương hai nước. Ông Hồ nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Việt Nam theo hướng mà lãnh đạo của hai phía đã thống nhất với nhau nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc.

Tân Hoa Xã dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam luôn đặt ưu tiên hàng đầu đối với mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc và Việt Nam sẽ tham gia vào Sáng kiến Một vành đai-Một con đường của Trung Quốc.

Có nghĩa là gì? Phải chăng dự luật thiết lập 3 đặc khu của VN là nằm trong mắc xích Sáng kiến Một vành đai-Một con đường do Hoa Lục vẽ ra?

Và có phải xài tiền nhân dân tệ là một phần trong chính sách đó?

Dưới biển thì xuồng bay, trên đất thì tiền bay?

https://vietbao.com/p123a285403/bien-dong-xuong-bay

 

TBT Trọng kêu gọi Trung Quốc hợp tác

“giải quyết vấn đề” Biển Đông

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 12/9 tiếp Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc và đề nghị quốc gia láng giềng cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề trên Biển Đông.

Trong buổi tiếp đón ở Hà Nội mà VOV gọi là ‘thân mật’, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường tiếp xúc cấp cao, phát huy tốt các cơ chế hiện có, thực hiện tốt những nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, trong đó có ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.’”

Ông Trọng còn kêu gọi Trung Quốc hãy cùng Việt Nam “nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình” trong cuộc gặp với ông Hồ Xuân Hoa, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ở Hà Nội để dự hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN.

Bộ Ngoại giao Việt Nam gần đây đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên vùng biển có nhiều tranh chấp.

Gần đây nhất là ngày 23/8 khi phó phát ngôn viên BNG Nguyễn Phương Trà cho biết phản ứng của Hà Nội sau khi có thông tin cho thấy Trung Quốc có thể đã điều động vũ khí hạt nhân tới Biển Đông.

Không nêu tên Trung Quốc, nhưng bà Phương Trà kêu gọi “các bên liên quan” phải có nghĩa vụ đóng góp cho mục tiêu “duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Ngày 10/8, phát ngôn viên BNG Lê Thị Thu Hằng đã nêu đích danh nước láng giềng phương Bắc của Việt Nam khi bà tuyên bố Hà Nội “kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động kỷ niệm sáu năm thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” tại quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong khu vực được coi là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2014 đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Trong hơn một năm qua, Trung Quốc còn gây sức ép, buộc Việt Nam hai lần ngừng khoan thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha trên Biển Đông. Mặc dù vậy, chính phủ Việt Nam chưa bao giờ chính thức lên tiếng trước các thông tin được truyền thông quốc tế đưa ra này.

Tại buổi gặp mặt hôm 12/9, ông Hoa nói Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam củng cố không ngừng và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc,” theo Tân Hoa Xã. Ông Hoa cũng đề nghị hai bên “củng cố tin cậy chính trị” và “thúc đẩy kết nối chiến lược” nhằm “thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh trong thời gian tới.”

https://www.voatiengviet.com/a/tbt-trong-keu-goi-trung-quoc-hop-tac-giai-quyet-van-de-bien-dong/4570161.html