Tin Biển Đông – 13/04/2018
Tập Cận Bình chỉ huy tập trận Biển Đông
từ tàu Liêu Ninh
Lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình tới dự một cuộc tập trận hải quân lớn nhất từ trước tới nay trên vùng Biển Đông mà hiện vẫn có các tranh chấp chủ quyền.
Hơn 10.000 binh sỹ hải quân, 76 máy bay chiến đấu và hạm đội gồm 48 tàu và tàu ngầm tham gia vào cuộc diễn tập.
Phát biểu từ một địa điểm không tiết lộ, ông Tập nói rằng nhu cầu cho một lực lượng hải quân mạnh “chưa bao giờ bức thiết hơn”, theo CCTV 12/04.
TQ rầm rộ đưa hơn 40 tàu vào Biển Đông
Bàn tròn BBC: Xung đột ở Syria, chỉnh đảng ở VN
TQ tập trận quy mô lớn trên Biển Đông
Tập Cận Bình nói TQ không được tự mãn
Cá Rồng Đỏ: Có thực sự VN bị TQ ‘đe dọa’?
Cuộc tập trận hải quân này diễn ra trước các cuộc diễn tập bắn đạn thật của quân đội Trung Quốc ở vùng eo biển chia cách nước này với Đài Loan vào 18/4.
Đoạn phim phát trên đài truyền hình Trung Quốc cho thấy ông Tập chỉ huy các lực lượng trên tàu khu trục trước khi xem các máy bay phản lực cất cánh từ hàng không mẫu hạm duy nhất của nước này.
Truyền thông Trung Quốc mô tả đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay.
Tuy truyền thông Trung Quốc không nói địa điểm tàu Liêu Ninh hoạt động khi đón ông Tập lên thăm và chỉ huy tập trận, nhưng ảnh vệ tinh từ cuối tháng 3 cho thấy đội tàu đi về phía Nam của đảo Hải Nam.
Ảnh vệ tinh chụp hôm 26/3 do Planet Labs Inc cung cấp cho thấy hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đang cùng chừng 40 tàu chiến và tàu ngầm đã đi vào phía Nam đảo Hải Nam trong đợt phô trương sức mạnh mới nhất của Trung Quốc.
Kể từ hôm đó cho đến khi CCTV của Trung Quốc công bố hình ông Tập trên chiếc Liêu Ninh, có khả năng đội tàu này đã đi xa hơn nữa.
Xếp theo đội hình thẳng, một đội hình phù hợp hơn với phô diễn quân sự hơn là tác chiến, nhóm tàu có vẻ được dẫn đầu bởi các tàu ngầm, với phi cơ bay ở phía trên.
Bắc Kinh có quân đội đông quân nhất thế giới và tìm cách mở rộng lực lượng hải quân trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông liên quan đến một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền một phần trên Biển Đông và đã tham gia vào việc xây dựng đảo.
Trong khi đó Hoa Kỳ đã gửi các tàu quân sự và máy bay đến khu vực này trong cái mà nước này mô tả là “tự do hoạt động hàng hải”.
Mới đây nhất, một hàng không mẫu hạm năng lượng hạt nhân của Mỹ đã vượt qua vùng biển tranh chấp trên Biển Đông hồi tháng Ba.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-43748612
Hải quân Trung Quốc
phô diễn sức mạnh tại Biển Đông
Một cuộc diễu binh trên biển của Hải Quân Trung Quốc được cho là lớn nhất từ trước đến nay được tiến hành tại khu vực Biển Đông vào ngày 12 tháng tư.
Tin tức cho biết cuộc diễu binh Hải quân này do chính Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc tổ chức và đích thân chủ tịch Tập Cận Bình thị sát hoạt động này.
Đây cũng là lần đầu tiên nhóm tàu tác chiến do hàng không mẫu hạm Liêu Ninh dẫn đầu tham gia cuộc phô diễn sức mạnh trên biển của Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc.
Số tàu chiến tham gia cuộc diễu binh hải quân tại Biển Đông như vừa nêu là 48, cộng thêm 76 máy bay. Tổng số nhân sự tham gia được nói là hơn 1 ngàn.
Phát biểu khi thị sát cuộc diễu binh hải quân của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông vào ngày 12 tháng tư, ông Tập Cận Bình nhắc lại rằng yêu cầu xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh chưa bao giờ cấp bách đối với Bắc Kinh như hiện nay. Kỳ vọng của người đứng đầu đảng và nhà nước Trung Quốc là xây dựng cho được một lực lượng hải quân hàng đầu trên thế giới.
Cũng đồng thời trong ngày 12 tháng tư, Bắc Kinh thông báo sẽ tiến hành cuộc diễn tập bắn đạt thật tại khu vực Eo Biển Đài Loan vào tuần tới.
Thông báo được đưa ra chỉ ít giờ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát cuộc diễu binh trên biển của Hải Quân Trung Quốc.
Cụ thể cuộc diễn tập bắn đạn thật tại Eo Biển Đài Loan dự kiến bắt đầu vào ngày 18 tháng tư tới đây. Như thế đó là cuộc diễn tập hải quân đầu tiên do Trung Quốc tiến hành ở vùng biển này tính từ tháng 9 năm 2015.
Hoạt động diễn tập bắn đạn thật của Trung Quốc lúc đó diễn ra vào thời điểm Đài Loan chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống mà kết quả là ứng viên của Đảng Dân Tiến có khuynh hướng độc lập cho đảo quốc này thắng cử. Đó là bà Thái Anh Văn.
Tranh chấp Biển Đông:
Bản đồ ‘có giá trị giới hạn’
BBC mới đây đã đăng bài viết của phóng viên Bill Hayton nhận định “tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Trường Sa thực ra là một sai lầm”.
Ông Bill Hayton cũng cho rằng “tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chỉ mới nổi lên, phát sinh từ việc biên dịch tồi và những đánh dấu không đúng trên bản đồ hồi thập niên 1930”.
Chủ quyền TQ ở Trường Sa đến từ ‘lỗi dịch thuật’?
VN ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ sau Cá Rồng Đỏ?
Cá Rồng Đỏ: Có thực sự VN bị TQ ‘đe dọa’?
Tìm hiểu thêm phản ứng từ Việt Nam, BBC đã hỏi ông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TPHCM. Thành viên Ban nghiên cứu luật biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Hoàng Việt: Có điểm tôi đồng ý với nhà báo Bill Hayton ở chỗ là Trung Quốc đã đưa ra các bằng chứng chủ quyền của họ lệch lạc so với tài liệu nguyên gốc của chính họ.
Nhưng có điểm tôi không đồng ý với Bill Hayton ở chỗ là, không phải do bị nhầm lẫn hoặc dịch thuật sai mà Trung Quốc mới đưa ra yêu sách chủ quyền như vậy trên Biển Đông.
Mà đúng ra là bởi vì người Trung quốc họ đã nhìn thấy các lợi ích to lớn về biển cả mang lại, nên họ phải tìm mọi cách để chiếm hữu Biển Đông, để từ đó họ mở cánh cửa vươn ra thống trị thế giới.
Dựa trên mục tiêu đó, họ cố tình phải tìm mọi cách để chứng minh và thực hiện việc chiếm hữu của họ đối với Biển Đông. Và vì thế, họ đã cố tình ngụy tạo, biến đổi các tài liệu lịch sử mà họ có để phụ họa cho luận điểm của họ.
Gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc tuyên bố là họ đã chiếm hữu các quần đảo ở Biển Đông từ thời nhà Hán (trước Công nguyên). Làm gì có chuyện đó chứ. Với các bằng chứng lịch sử và sự hình thành quốc gia dân tộc cùng với sự ra đời của luật quốc tế trên thế giới đều không thấy yêu sách kiểu đó là nghiêm túc.
BBC:Ông từng được tiếp cận với những bản đồ nào cho cái nhìn khác về chủ quyền trên Biển Đông, so với tuyên bố hiện nay của Trung Quốc?
Các bản đồ chỉ có một giá trị giới hạn trong việc chứng minh chủ quyền của một quốc gia trên một vùng lãnh thổ thất định.
Các bản đồ càng về sau, với các yếu tố kỹ thuật chính xác thì còn có giá trị pháp lý cao hơn. Còn các bản đồ cổ, với sự hạn chế về kỹ thuật lúc đó, chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong việc chứng minh chủ quyền của một quốc gia.
Việc khẳng định chủ quyền của một quốc gia phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Các tài liệu lịch sử Trung Quốc cho thấy rõ ràng là cho đến năm 1932, lãnh thổ Trung Quốc chỉ kéo dài đến đảo Hải Nam mà thôi.
Có rất nhiều bản đồ của cả phương Tây và của cả Trung Quốc đều chứng minh vấn đề này. Chúng ta còn nhớ năm 2016, Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết là yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc trong đường lưỡi bò là vô căn cứ, vô giá trị.
BBC: Các tư liệu bản đồ về chủ quyền trên Biển Đông đã và có thể đóng góp gì cho Việt Nam trong việc khẳng định/bảo vệ chủ quyền của mình trên vùng biển tranh chấp?
Như đã nói ở trên, các bản đồ nói chung chỉ đóng một vai trò hạn chế trong việc xác định chủ quyền quốc gia trên một vùng lãnh thổ.
Tuy vậy, việc có nhiều bản đồ cùng chứng minh rõ là Trung Quốc hoàn toàn không dựa trên các bằng chứng lịch sử một cách nghiêm túc, khách quan và rõ ràng thì cũng cho thấy mục đích thực sự của người Trung Quốc là thế nào.
Cũng như các bằng chứng họ đưa ra chỉ là ngụy tạo. Điều đó cũng giúp cho nhân dân trên thế giới hiểu thêm về Trung Quốc và cái gọi là yêu sách của họ trên Biển Đông.
BBC:Tại sao cho tới nay các bản đồ này rất ít được biết đến?
Các bản đồ này trong giới nghiên cứu thì biết khá nhiều, nhưng nói chung người dân bình thường thì khó tiếp cận, chưa kể khả năng hiểu và phân tích bản đồ cổ không mấy người làm được, cho nên mức độ quảng bá các bản đồ này chưa nhiều.
Thêm một điều nữa là ở Việt Nam hiện nay, những người thực sự nghiên cứu sâu về bản đồ cổ không nhiều, và các nghiên cứu này cũng chưa được công bố trên các ấn phẩm quốc tế bằng tiếng Anh nên người dân trên thế giới nói chung khó tiếp cận. Điều này cần phải được khắc phục trong thời gian sắp tới.
BBC: Nếu phân tích của nhà báo Bill Hayton là đúng, điều này có ý nghĩa gì đối với Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên biển?
Phân tích của Bill Hayton giúp chúng ta làm rõ một điều, các chứng cứ và lập luận cho yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc rất yếu.
Qua phán quyết của phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, chúng ta đã thấy rõ điểm yếu này.
Và như vậy, yêu sách trên Biển Đông của Việt Nam có thế mạnh nhất định, điều quan trọng là Việt Nam phải phát huy được thế mạnh ấy trên thực tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-43753447
Ông Duterte gặp ông Tập
bàn chuyện khai thác chung trên Biển Đông
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte vừa có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn về khả năng hợp tác khai thác chung trên Biển Đông.
Hãng tin CNN dẫn lời ông Cayetano thuật lại lời ông Tập nói rằng các vấn đề xoay quanh các vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông rất là phức tạp, nhưng nếu được giải quyết hợp lý, sẽ tạo ra một khu vực hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Ông Duterte đáp lại rằng điều quan trọng là người dân thấy được lợi ích của tình hữu nghị giữa Philippines và Trung Quốc.
Ông Cayetano phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hồng Kông hôm 11/4: “Phát biểu này của hai nhà lãnh đạo quan trọng như thế nào? Rất quan trọng, bởi vì về cơ bản, đây là tín hiệu để hướng tới một khuôn khổ, mà nếu được cả hai bên chấp nhận, sẽ cho phép chúng ta thực hiện các dự án thăm dò chung.”
Tờ Bloomberg cho biết ông Duterte gặp ông Tập bên lề Diễn đàn Châu Á Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, trước khi khởi hành đi Hong Kong vào tối ngày 10/4.
Ông Duterte không ngớt ca tụng Bắc Kinh và thậm chí, tuyên bố “yêu” ông Tập vào lúc khởi hành chuyến đi thăm Trung Quốc lần thứ ba để thúc đẩy mối quan hệ nồng ấm giữa Manila và Bắc Kinh, mà có lúc từng bị căng thẳng vì vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Trước đó tại một buổi họp báo ngày 9/3, ông Duterte phát biểu: “Hơn bất kỳ ai khác tại thời điểm này trong lịch sử đất nước, tôi rất cần Trung Quốc.”
Ông Duterte nói thêm rằng sự trợ giúp của Trung Quốc là một “yếu tố vô cùng quan trọng” trong kế hoạch thúc đẩy cải tạo cơ sở hạ tầng trị giá 180 tỉ đôla của ông.
Ông Cayetano nói thêm ông cũng đã nói chuyện với những nước khác có tranh chấp trên Biển Đông và trấn an các nước này rằng Philippines sẽ chỉ bàn chuyện khai thác chung với Trung Quốc trong những khu vực chỉ có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc mà thôi.