Tin Biển Đông – 13/03/2018
Biển Đông: Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson
thao dượt cùng với Hải Quân Nhật
Theo thông báo của hải quân Mỹ ngày 13/03/2018, được tờ báo Nhật The Japan Times trích dẫn, cụm tàu sân bay USS Carl Vinson vừa bắt đầu các cuộc thao dượt chung với các chiến hạm của hải quân Nhật Bản ở Biển Đông, trong đó có một trong những chiếc lớn nhất của hạm đội Nhật, chiếc khu trục hạm Ise, chở theo 3 trực thăng.
Hải quân Mỹ thông báo là cuộc thao dượt chung này là nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa hải quân của hai nước đồng minh lâu đời này. Cuộc diễn tập đã bắt đầu từ hôm Chủ nhật, khi chiếc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và chiếc khu trục hạm USS Wayne E. Meyer đi ngang qua vùng Biển Đông.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hai chiến hạm này sẽ ở cùng một nơi trong thời gian thao dượt chung với hải quân Nhật, theo lời của phát ngôn viên cụm tàu sân bay tấn công Carl Vinson. Phát ngôn viên này cho biết là thời gian của cuộc diễn tập sẽ được thông báo sau, nhưng chắc chắn là sẽ kéo dài nhiều ngày.
Hải quân Nhật và hàng không mẫu hạm Carl Vinson đã từng thao dượt chung tại vùng tây Thái Bình Dương vào tháng 4 vừa qua và ở vùng Biển Hoa Đông tháng 3.
Cụm tàu sân bay Carl Vinson mở cuộc thao dượt chung với hải quân Nhật Bản ngay sau khi vừa kết thúc chuyến viếng thăm lịch sử tại Đà Nẵng, Việt Nam vào ngày 09/03. Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ghé thăm một cảng của Việt Nam.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180313-thao-duot-chung-giua-hai-quan-my-nhat-o-bien-dong
Tháng ba với Gạc Ma và USS Carl Vinson
Trong 2 tuần đầu của tháng 3 này có 2 sự kiện thu hút mối quan tâm lớn của nhiều người dân trong nước và truyền thông quốc tế. Đó là chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975 và mốc lịch sử 30 năm trận thảm sát lính Việt Nam mà Trung Quốc ra tay tại bãi đá Gạc Ma năm 1988.
Hai sự kiện này trong toàn cảnh Biển Đông được những người quan sát nhìn nhận thế nào?
USS Carl Vinson và Đà Nẵng
Người dân thành phố Đà Nẵng đã trải qua 4 ngày được gọi là những ngày hội giao lưu văn hoá khi nhóm tàu tác chiến do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu thả neo tại Vịnh Đà Nẵng thực hiện chuyến thăm được cho là lịch sử từ ngày 5/3 đến ngày 9/3/2018 kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Giới quan sát cho rằng sự kiện này chứng tỏ mối quan tâm của Hoa Kỳ đến vùng biển tranh chấp có tuyến đường hàng hải quan trọng mà Trung Quốc muốn kiểm soát.
Theo giáo sư Tương Lai, một vị nhân sĩ được nhiều người biết đến tại Việt Nam, thì khoảng 1 tháng trước đây, ông Nguyễn Tiến Hưng, từng là Quốc Vụ khanh thời Việt Nam Cộng Hoà, và là người am hiểu về tình hình trước và sau năm 1975 có 1 bài phân tích ông cho là rất hay.
“Bài phân tích đó nói về Đà Nẵng và chiến lược của Hoa Kỳ với Viêt Nam. Đà Nẵng luôn luôn là 1 điểm nhạy cảm vào bậc nhất trong quá trình xúc tiến cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng như kết thúc cuộc chiến tranh đó.”
TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới chính phủ, trả lời báo trong nước khẳng định rằng “hợp tác quốc phòng – quân sự là một trong những nội dung quan trọng, nếu không muốn nói là chủ yếu, trong quan hệ song phương, mang ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ, nhất là giữa các đồng minh, đối tác”.
Phó Đô đốc chỉ huy hạm đội Bảy của Mỹ ở Thái Bình Dương là ông Phillip Sawyer đã trả lời các nhà báo ở Đà Nẵng rằng sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Carl Vinson, cũng như sự có mặt của ông ở Đà Nẵng là vì Việt Nam, vì quan hệ toàn diện Mỹ Việt trong đó có quan hệ quân sự.
Tàu này đến, nên đặt trong phạm vi chiến lược toàn cầu của Mỹ và vấn đề chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam. – GS Tương Lai
USS Carl Vinson và Trung Quốc
Viện dẫn cùng với ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, nhân vật được Giáo sư Tương Lai nhìn nhận là người am hiểu về Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh Biển Đông hiện nay, nói rằng “Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện của hải quân trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng này, là Mỹ ngay dưới thời Tổng thống Trump vẫn hết sức quan tâm đến Biển Đông và khu vực Đông Nam Á này”, và ông nói thêm:
“Tàu này đến, nên đặt trong phạm vi chiến lược toàn cầu của Mỹ và vấn đề chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam.”
Do đó, trả lời cho câu hỏi liệu sự hiện diện của Carl Vinson ở Đà Nẵng có phải là câu trả lời của Hoa Kỳ đối với sự bành trướng ở Biển Đông hay không, Giáo sư Tương Lai khẳng định:
“Theo tôi điều đó là có. Biểu thị đó không phải chỉ là ở chỗ sự hiện diện của Carl Vinson mà thôi mà của những nhà lãnh đạo hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.”
Chuyến thăm này đã được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thống nhất từ tháng 10 năm ngoái nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sang Mỹ, và được xác định chính thức trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1 năm nay của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ trong lần trả lời phỏng vấn của RFA đã đưa ra nhận định:
“Ở cấp độ cao cấp nhất của Đảng, nước Việt Nam đã muốn và sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của tàu sân bay ở Việt Nam. Đó là chỉ dấu của sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước Mỹ và Việt Nam.”
Ở cấp độ cao cấp nhất của Đảng, nước Việt Nam đã muốn và sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của tàu sân bay ở Việt Nam. Đó là chỉ dấu của sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước Mỹ và Việt Nam. – GS Nguyễn Mạnh Hùng
Theo Giáo sư Tương Lai, chính tờ Washington Times cũng có 1 bài viết dẫn lời Chuẩn đô đốc – Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson John Fuller nói về sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Đà Nẵng nói riêng và Biển Đông nói chung.
“Sự hiện diện của Hoa Kỳ có ý nghĩa lớn. Tôi nghĩ điều rõ ràng là chúng tôi có mặt trong vùng biển Nam Trung Hoa và đang hoạt động ở đây. Mục tiêu của tàu Carl Vinson ở Biển Đông để thúc đẩy tự do hàng hải, để bay lá quốc kỳ của Mỹ, và hợp tác với đối tác và đồng minh. Tất cả để gửi thông điệp cho Trung Quốc, vùng biển này không phải của riêng họ.
Cho nên vấn đề người Trung Quốc không thích chuyện này là điều quá rõ.”
Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc Bắc Kinh hôm 7/3/2018 bình luận rằng Trung Quốc không hài lòng việc tàu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam, nhưng không nói rõ lý do. Tuy nhiên bài báo nhấn mạnh sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ không thể làm đảo lộn cán cân quân sự tại Biển Đông, không thể gây sức ép đặc biệt nào lên Trung Quốc, và người Mỹ chỉ phí tiền để làm việc đó mà thôi.
USS Carl Vinson, Gạc Ma
Hãng thông tấn Reuters từng đưa ra nhận định sự hiện diện của Carl Vinson ở Đà Nẵng cho thấy sự phức tạp trong quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề biển Đông.
Mấy ngày sau đến thời điểm đánh dấu một sự kiện khác mà bấy lâu nay nhiều người Việt Nam kêu gọi nhau ‘không thể quên’: đó là trận thảm sát tại bãi đá Gạc Ma – Trường Sa nơi 64 tử sĩ đã nằm xuống vào ngày 14/3/1988 dưới lằn đạn của Trung Quốc .
Năm nay, đánh dấu tròn 30 năm sự kiện Gạc Ma – Trường Sa, Giáo sư Tương Lai phân tích với chúng tôi quan điểm của ông khi được hỏi liệu phải chăng mốc thời gian diễn ra sự có mặt của USS Carl Vinson ở Đà Nẵng có vẻ như là 1 sự trùng hợp có chủ ý?
“Người Mỹ chẳng hơi đâu nghĩ đến những vấn đề 30 năm kỷ niệm Gac Ma, không nằm trong tư duy chiến lược của họ.”
Người Mỹ chẳng hơi đâu nghĩ đến những vấn đề 30 năm kỷ niệm Gac Ma, không nằm trong tư duy chiến lược của họ. – GS Tương Lai
Trong khi đó Giáo sư Tương Lai tiết lộ 1 chi tiết từ những nguồn tin mà ông có được liên quan vấn đề Gạc Ma:
“Ngày 27/2 trong 1 giao ban báo chí, có 1 ý người ta cân nhắc và bình luận nhiều, đó là kỷ niệm 30 năm Gạc Ma được tuyên truyền cổ vũ cho tinh thần anh hùng chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma. Có 1 câu như thế. Chúng tôi đang chờ, đến ngày 14/3 sắp tới, trong ứng xử người ta ứng xử thế nào thì mới bình luận được.”
Xét ở một góc độ nào đó, có thể về chiến lược quân sự, chính trị, ngoại giao hay chỉ là sự trùng hợp về cột mốc thời gian như đã đề cập ở trên, có thể thấy sự tương quan giữa Carl Vinson, Gạc Ma và Biển Đông hay không?
Phân tích điều này theo ý kiến cá nhân, giáo sư Tương Lai cho rằng ‘có khả năng đó”.
“Gắn 3 sự kiện này rất đúng vì nó là thời điểm diễn ra.”
Biển Đông là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc Trung Quốc liên tục gia tăng xây dựng các cơ sở quân sự và bồi đắp các đảo nhân tạo ở khu vực đang tranh chấp đã làm các nước lo ngại.
CCB: ‘Lễ cầu siêu liệt sĩ Gạc Ma
không phải do nhà nước tổ chức’
Thân nhân và các cựu chiến binh tổ chức lễ cầu siêu vào sáng sớm ngày 13/3 tại Đà Nẵng cho các binh sĩ Việt Nam tử trận tại Gạc Ma cách đây 30 năm. Ở Hà Nội, một nhóm các nhà hoạt động tưởng niệm tại một nghĩa trang nơi an nghỉ của nhiều liệt sĩ thời chiến tranh 1979.
Cầu siêu này không phải của cấp nhà nước. Cầu siêu đây của những người lính, hội cựu chiến binh, những đồng đội, cùng với nhau về đấy, làm đấy, tổ chức.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương
Cựu chiến binh đồng thời là nhân chứng trận Gạc Ma, ông Nguyễn Văn Chương, nói với VOA rằng khoảng 100 người tham gia lễ cầu siêu trên một khu đất cạnh cảng cá Thọ Quang để tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh hôm 14/3/1988 tại bãi Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Chương cho biết thêm:
“Cầu siêu này không phải của cấp nhà nước. Cầu siêu đây của những người lính, hội cựu chiến binh, những đồng đội, cùng với nhau về đấy, làm đấy, tổ chức, không có cấp nhà nước nào cả”.
Báo Thanh Niên mô tả rằng theo nghi thức cầu siêu, một bàn thờ lớn được lập với 64 bài vị đặt trang trọng trên 2 kệ dài. Ban tổ chức cúng đồ chay và chuẩn bị một số lễ vật để thả theo hoa đăng vào chiều cùng ngày.
Các tài liệu của Việt Nam nói cách đây 30 năm, hải quân Việt Nam đã điều 3 tàu vận tải với lính công binh cùng vật liệu ra cắm cờ và xây dựng tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao “để khẳng định chủ quyền của Việt Nam”. Đó là một phần trong chiến dịch có tên “Chủ quyền 88” của Việt Nam.
Ngày 14/3/1988, 3 tàu chiến Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản công việc của các binh sĩ Việt Nam, sau đó đã nổ súng vào họ cũng như các tàu Việt Nam. Hành động này làm 64 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng, nhiều người bị thương. Sau biến cố đẫm máu này, Trung Quốc làm chủ Gạc Ma, Việt Nam giữ Cô Lin và Len Đao.
Trang Zing News của Việt Nam đăng một bài dài nói về sự kiện này với hàng tít “Gạc Ma 30 năm – không hy sinh nào vô nghĩa”, trong đó trích lời chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói rằng: “Trận Gạc Ma theo tôi không phải là một trận hải chiến. Hải quân Việt Nam có bắn lại hải quân Trung Quốc phát súng nào đâu … Tôi gọi trận Gạc Ma là một trận thảm sát của hải quân Trung Quốc với hải quân Việt Nam … Vụ Gạc Ma phải nói thẳng cho thế giới biết rằng đó là một cuộc thảm sát”.
Một video hơn 4 phút của Zing tóm tắt về vụ bắn giết ở Gạc Ma có dòng chú thích “Gạc Ma 14/3/1988, cuộc thảm sát hèn hạ”.
Tại buổi cầu siêu sáng 13/3, bà Phan Thị Lê, người có em trai là Phan Văn Sự hy sinh tại Gạc Ma, nói với báo Thanh Niên: “Mất mát nào cũng đau khổ nhưng sự hy sinh của Sự cho Tổ quốc cũng là niềm tự hào của gia đình”.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương bày tỏ cảm xúc với VOA:
“Hôm nay tôi dự lễ cầu siêu đó, lễ tưởng nhớ đến 64 chiến sĩ ở đảo Gạc Ma. Đồng đội đã ngã xuống thì đối với bản thân phải nói là … [im lặng] … cái này cảm động quá mình không nói được đâu”.
Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa (thời kỳ 1984 -1988) tại TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Tấn, cho Thanh Niên biết sau lễ cầu siêu, ngày 14/3, ban liên lạc có kế hoạc tổ chức buổi gặp mặt nhằm “ôn lại truyền thống của đơn vị, thăm hỏi động viên cán bộ chiến sĩ từng tham gia chiến dịch Chủ quyền 88 tại quần đảo Trường Sa”.
Cũng trong ngày 13/3, một nhóm 10 nhà hoạt động đã đặt vòng hoa và căng biểu ngữ tưởng niệm các liệt sĩ và sự kiện Gạc Ma tại nghĩa trang liệt sĩ Tây Tựu ở ngoại ô Hà Nội. Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người tham gia cuộc tưởng niệm nói với VOA:
“Hôm nay, người phụ trách, trông nom ở nghĩa trang họ đề nghị chúng tôi không được căng biểu ngữ. Thế nhưng chúng tôi có giải thích với họ về việc cần thiết phải tưởng niệm, thì họ cũng đồng ý cho chúng tôi đứng gần nơi thắp hương. Và họ cũng không có sự ngăn cản quyết liệt mà họ chỉ đề nghị làm nhanh xong thôi”.
Bà Hạnh cho biết thêm các nhà hoạt động vẫn có kế hoạch dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ ở trung tâm Hà Nội đúng ngày 14/3. Cuộc tưởng niệm trước một ngày ở Tây Tựu, theo bà Hạnh, là để bảo đảm rằng các nhà hoạt động vẫn bày tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến các liệt sĩ trận Gạc Ma, đề phòng trường hợp “chính quyền ngăn cản” cuộc tưởng niệm vào đúng ngày.
… không tưởng nhớ đến sự kiện Gạc Ma, không tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thì đấy không những là thiếu sót, mà là một tội ác đối với dân tộc và đối với những người đã khuất …
nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh
Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam chưa tổ chức lễ tưởng niệm chính thức cấp nhà nước về sự kiện tháng 3/1988 ở Trường Sa, cũng như về cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc nổ ra năm 1979. Việc này đã dẫn đến nhiều chỉ trích trong công chúng.
Hiện chưa có thông báo chính thức nào cho biết liệu nhà nước có tổ chức tưởng niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma vào ngày 14/3 hay không.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh nêu quan điểm nếu nhà nước không tưởng niệm:
“Hiện nay, Trung Quốc đang ngày càng áp đảo, lấn chiếm đất đai, biển đảo của ta, mà lại không tưởng nhớ đến sự kiện Gạc Ma, không tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thì đấy không những là thiếu sót, mà là một tội ác đối với dân tộc và đối với những người đã khuất, và cả đối với những người đang còn sống đây. Nhà cầm quyền nếu làm như thế thì nhân dân không thể chấp nhận được”.
Khi được VOA hỏi nhà nước hay quân đội có nên tổ chức lễ tưởng niệm chính thức 30 năm trận Gạc Ma hay không, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương nói:
“Cái đó thì bây giờ tôi cũng không biết đâu”.
Sau biến cố cách đây 30 năm, hiện nay, Gạc Ma được Trung Quốc xây dựng thành một đảo lớn “trông như một thành phố nổi”, theo lời mô tả của một số phóng viên Việt Nam đã đến đảo Cô Lin, cách đó khoảng 3,5 hải lý.