Tin Biển Đông – 13/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 13/01/2018

TQ “tung” vũ khí mới giúp độc chiếm các đảo tranh chấp?

Ngày đăng 12-01-2018 
… 
Hôm 10/1, hải quân Trung Quốc đã cho ra mắt một tàu đổ bộ Type 071 mới mà theo giới chuyên gia quân sự, con tàu này sẽ giúp Trung Quốc giành thế độc chiếm đối với các đảo tranh chấp.
Tàu đổ bộ Type 071
Theo trang thepaper.cn, với lượng giãn nước toàn tải tối đa 29.000 tấn, tàu Long Hổ Sơn dài 210 m và rộng 28 m hiện là tàu tấn công đổ bộ lớn nhất do Trung Quốc tự thiết kế.
Còn theo Cục dân chính tại tỉnh Giang Tây, tàu Long Hổ Sơn được đặt tên theo một ngọn núi ở huyện Ưng Đàm.
“Trung Quốc đang phát triển các thế hệ tàu Type 071 đáp ứng được yêu cầu tham chiến bao gồm cả cuộc chiến tranh chấp chủ quyền giành các hòn đảo trong tương lai.
Những chiếc tàu này sẽ giúp quân đội Trung Quốc giành ưu thế trong các vụ tranh chấp chủ quyền cũng như vấn đề sáp nhập Đài Loan”, ông Song Zhongping, một chuyên gia quân sự Trung Quốc chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu.
Ông Song cho hay, Trung Quốc hiện sở hữu 4 – 5 tàu tấn công đổ bộ. Các tàu Type 071 còn chở theo trực thăng để hoạt động trên các đảo nằm ngoài biển.
Ngoài ra, các tàu Type 071 hoàn toàn có thể phối hợp hành động với các tàu tấn công đổ bộ Type 075 đồng thời giúp hải quân Trung Quốc nắm quyền kiểm soát trên không trong quá trình đổ bộ.
Thậm chí, các tàu Type 071 còn được trang bị vũ khí phòng vệ để đối phó trước các đợt tấn công và giúp hải quân Trung Quốc áp sát các đảo mục tiêu, ông Song nhấn mạnh.
Ông Zhang Junshe, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu hải quân Trung Quốc nói thêm, bên cạnh nhiệm vụ tấn công đổ bộ, các tàu Type 071 đã tham gia cùng hải quân tiến hành nhiệm vụ hộ tống kể từ năm 2008.
“Trung Quốc có số lượng tàu tấn công đổ bộ ít hơn Mỹ nhưng hải quân Trung Quốc đang cố gắng mở rộng số lượng”, ông Zhang chia sẻ.

Mỹ tố Bắc Kinh ‘quân sự hóa đầy khiêu khích’ ở biển Đông

Ngày đăng 13-01-2018 
Mỹ lên tiếng chỉ trích các hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại các quần đảo có tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra tự do hàng hải tại vùng biển này.
Báo South China Morning Post của Hong Kong cho biết trong cuộc họp báo qua điện thoại vào ngày 9-1, ông Brian Hook – cố vấn cấp cao về chính sách châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nhấn mạnh rằng Mỹ phản đối mọi hành động đơn phương mà Trung Quốc đã thực hiện tại Biển Đông.
Quan chức này nêu rõ việc Trung Quốc tiến hành các hành động quân sự hóa tại Biển Đông đang “thách thức luật pháp quốc tế”, đồng thời cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, tiến hành bay và cho tàu thuyền qua lại bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
“Các hành động quân sự hóa của Trung Quốc đang khiến các nước nhỏ trong khu vực cũng có những hành động tương tự gây ảnh hưởng cả tiến trình”, ông Hook khẳng định.
Theo cố vấn cấp cao trên, Mỹ duy trì quan điểm Trung Quốc “cần phải tuân thủ các trật tự được quy định bởi luật pháp vốn là nền tảng của hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới”.
Như một sự trùng lặp, hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng lên tiếng tố cáo việc Trung Quốc không giữ lời hứa, tiếp tục thực hiện các hành động quân sự hóa tại các thực thể mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
Cho đến nay, Mỹ luôn chỉ trích Trung Quốc có các hoạt động tôn tạo, xây dựng trái phép tại các vùng biển tranh chấp. Bất chấp sự phản đối của Mỹ và các bên liên quan, hồi tháng trước, các bức ảnh vệ tinh của Tổ chức sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) ở Mỹ cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng trạm ra đa tần số cao tại khu vực Đá Chữ Thập và các hầm chứa đạn dược tại Đá Subi.
Hồi tháng 9 năm ngoái  nhật báo Wall Street Journal của Mỹ dẫn nguồn tin giới chức Mỹ cho biết Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã lên lịch trình cho các cuộc tuần tra hải quân bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông, nhằm tăng cường sự hiện diện thường xuyên của Mỹ tại vùng biển này.
Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ xây dựng lịch trình tuần tra hải quân cụ thể trên Biển Đông, đánh dấu bước ngoặt đáng kể so với các hoạt động trên Biển Đông dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Bắc Kinh lại phản đối Việt Nam mời Ấn Độ khai thác dầu khí Biển Đông

Mai Vân
mediaBiển Đông : Các lô dầu khí tại vùng biển phía nam Việt NamẢnh chụp màn hình twitter.com
Chỉ một hôm sau khi đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết là Hà Nội hoan nghênh việc New Delhi đầu tư vào Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) hôm 11/01/2018 đã lên tiếng phản đối.
Theo hãng tin Ấn Độ PTI, được báo chí Ấn Độ trích dẫn, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cho rằng Bắc Kinh không phản đối việc phát triển quan hệ song phương bình thường giữa các nước láng giềng của Trung Quốc, nhưng “cực lực phản đối các bên liên quan dùng điều đó làm cớ để xâm phạm quyền lợi chính đáng của Trung Quốc tại Biển Đông và tác hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực“.
Hôm 10/01/2018, khi trả lời truyền thông Ấn Độ, ngoài vấn đề khai thác dầu khí, đại sứ Việt Nam Tôn Sinh Thành, còn nói đến hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia. Đây là một lãnh vực hợp tác quan trọng và Ấn Độ có thể giúp phát triển năng lực phòng thủ của Việt Nam.
Vấn đề khai thác dầu khí ở Biển Đông vô cùng nhạy cảm giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên khoảng 90% diện tích Biển Đông, và đã từng phản đối việc tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC thăm dò ở những nơi mà Việt Nam khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, nhưng bị Trung Quốc cho là của họ.
New Delhi cho đến nay luôn khẳng định rằng việc ONGC thăm dò, khai thác ở Biển Đông là một vấn đề thuần túy thương mại, không liên can gì đến tranh chấp.
Hãng PTI nhắc lại rằng Ấn Độ đang tăng cường quan hệ với Việt Nam, và đã kêu gọi tôn trọng quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

Căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc có gì?

12/01/2018, 13:05 (GMT+7)

Các bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Du Lâm (Yulin) đã trở thành căn cứ hải quân quan trọng nhất của Trung Quốc dành cho tàu ngầm ở Biển Đông. Vịnh Du Lâm ở phía đảo cực nam Hải Nam, Trung Quốc, là căn cứ có vai trò chiến lược cho các tàu ngầm nước này…
Vịnh Du Lâm ở phía đảo cực nam Hải Nam, Trung Quốc, là căn cứ có vai trò chiến lược cho các tàu ngầm nước này, đặc biệt là các tàu ngầm hạt nhân, giúp chúng có thể luồn lách dưới biển mà không bị phát hiện hoặc đánh chặn, theo Diplomat.

Ảnh hưởng chiến lược

Tình báo Mỹ phân tích các bức ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 1/9 năm ngoái, nhận định rằng Du Lâm ngày càng có ý nghĩa cốt yếu với Trung Quốc, từ khi nó được xây dựng vào năm 2001. Du Lâm cũng là yếu tố chiến lược trong cuộc cạnh tranh giành ngôi vị cường quốc biển khu vực giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
10-46-29_du-lm1
Tàu ngầm Trung Quốc xuất phát từ căn cứ Du Lâm
Du Lâm được coi là căn cứ tàu ngầm mang tên lửa đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Nơi này có một đường hầm làm bãi đỗ và sửa chữa tàu ngầm. Nó giúp tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng xâm nhập Biển Đông rồi từ đó qua Ấn Độ Dương (IOR), sau đó quay lại châu Á Thái Bình Dương.
Hiện tại, đây là căn cứ duy nhất được biết tới của Trung Quốc, triển khai các tàu ngầm lớp Tấn 94 (Type 94 Jin) và lớp Hán 91 (Type 91 Han) hoặc lớp Thương 93 (Type 93 Shang).
Giới quan sát nhận định Hải quân nhân dân Trung Quốc (PLAN) đang ngày càng nguy hiểm hơn với việc dùng Du Lâm để giám sát hoạt động của hải quân Ấn Độ, đặc biệt là khả năng tấn công hạt nhân của New Delhi trên biển.
Du Lâm cũng giúp PLAN đưa tàu ra đối kháng với các mục tiêu của Ấn Độ, cả trên không lẫn trên đất liền.
Tầm quan trọng của vịnh Du Lâm trở thành tâm điểm chú ý của thế giới vào ngày 1/4/2001, khi một máy bay do thám của hải quân Mỹ bị buộc hạ cánh xuống sân bay Lăng Thủy của Trung Quốc sau vụ va chạm với chiến đấu cơ của Bắc Kinh. Lúc đó, máy bay Mỹ đang giám sát việc Trung Quốc xây đường hầm chiến lược ở vịnh Du Lâm.
Hệ thống radar dẫn đường AN/APS-115 trên máy bay Mỹ bị tổn hại nghiêm trọng sau vụ va chạm, buộc nó phải hạ cánh xuống sân bay Trung Quốc. Phi hành đoàn được thả về Mỹ sau các nỗ lực ngoại giao, song chiếc máy bay do thám bị giữ lại. Điều này khiến chương trình thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc tăng trưởng đáng kể.

Điểm yếu

Căn cứ tàu ngầm Du Lâm nằm cách cảng Du Lâm khoảng 15km về phía đông, thuộc thành phố Tam Á, trên mũi đảo Hải Nam. Việc xây dựng được cho là bắt đầu từ năm 2000 đến năm 2007. Việc mở rộng và phát triển kéo dài đến năm 2010.
10-46-29_du-lm2
Một tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc ở Du Lâm
Kiến trúc ngầm trong núi của cảng vừa che mắt được vệ tinh quân sự của Mỹ, vừa bảo đảm cung ứng và phòng vệ cho lực lượng tàu ngầm chiến lược trước đe doạ các loại tên lửa tầm xa.
Căn cứ này có hai đê chắn sóng, một đường hầm cho tàu ngầm, 4 bến tàu ngầm chính, một bến phụ dùng cho duy tu, bảo dưỡng và hai bến cho hạm đội hỗ trợ. Người ta cho là Du Lâm có 7 kho chứa với mái vòm, có thể dùng để lưu trữ và sửa chữa tên lửa.
Đường hầm cho tàu ngầm rộng khoảng 16 – 20m, dài 900 – 1.000m, đủ chỗ cho 5 – 6 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân, theo tình báo Mỹ. Việc xây dựng đường hầm này dựa trên thiết kế của Nga. Nơi này cũng có khoảng 30 đường hầm, có thể thông nhau và thông với đường hầm cho tàu ngầm. Có một con đường rộng 7m, dài 1.450m giữa các đường hầm, được bảo vệ bởi hệ thống phòng không. Các chuyên gia quân sự cho rằng nó được dùng làm tuyến vận chuyển đạn dược.
Căn cứ này cũng là nơi Trung Quốc dùng để khử từ, biện pháp duy nhất giúp tàu ngầm tránh thủy lôi và bị phát hiện bởi các tàu hay máy bay săn ngầm. Cơ sở khử từ tại Du Lâm được xây từ năm 2007 đến 2008, khi tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Type-94 của Trung Quốc lần đầu đến đây. Du Lâm cũng được một số chuyên gia quân sự coi là nơi khử từ duy nhất cho tàu ngầm Trung Quốc.
Ảnh vệ tinh ngày 23/10/2017 của Mỹ cho thấy Trung Quốc đã đưa máy bay cảnh báo sớm KQ-200 hoặc Y-8GX6 tới Du Lâm, động thái được cho là chống lại những mối đe dọa từ trên không, mặt đất hoặc dưới biển. Trung Quốc dường như cũng đã đưa 5 xe satcom, một phần trong hệ thống điều khiển mặt đất để kiểm soát các thiết bị bay không người lái tới Du Lâm.
Trang mạng quân sự Tiexue của Trung Quốc có không ít bài ca ngợi Du Lâm, song nhiều chuyên gia quân sự thế giới và cả của nước này, cho rằng căn cứ tàu ngầm bị định vị quá rõ ràng lại là điểm yếu chết người, mục tiêu tấn công dễ dàng cho tên lửa chiến thuật, chiến lược của đối phương. Đó là chưa kể đến việc Du Lâm cũng dễ bị tổn thương bởi các cuộc không kích. Những năm qua Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Hải Nam, song khả năng tự vệ của Du Lâm vẫn bị phương Tây đánh giá thấp.
VĂN VIỆT