Tin Biển Đông – 12/12/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 12/12/2019

Tàu cá TQ lại bị tố chiếu ánh sáng laser

gây nguy hiểm nghiêm trọng

cho máy bay các nước ở Biển Đông

Đài ABC của Australia hôm 6/12 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Australia cho hay các tàu dân quân biển của Trung Quốc đã chiếu laser, đe doạ nghiệm trọng an toàn cho các máy bay của Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) ở Biển Đông và các sự việc xảy ra ngày càng nhiều.

Các quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Australia cho rằng các tàu dân quân biển Trung Quốc hoạt động dưới vỏ bọc tàu cá “nổi tiếng” về việc hay chiếu tia laser vào các máy bay quân sự bay qua Biển Đông. Tiến sĩ Euan Graham tại Đại học La Trobe cũng nói chính các tàu cá Trung Quốc chiếu tia laser nhằm gây khó khăn cho quân đội các nước hoạt động ở Biển Đông. “Điều đó vô cùng nguy hiểm vì bất cứ thứ gì làm mù tầm mắt của phi công, thậm chí tạm thời vô hiệu hóa họ cũng có thể tăng nguy cơ xảy ra va chạm hay hạ cánh khẩn cấp”, ông Graham cảnh báo.

Tàu cá Trung Quốc nhiều lần bị phát hiện đã cố tình sử dụng các loại vũ khí ánh sáng laser cường độ mạnh để gây nhiễu hoặc ngăn cản máy bay các nước hoạt động ở Biển Đông. Hồi tháng 5/2019, các phi công trực thăng hải quân Australia cũng đã bị tia laser nhắm vào và buộc phải hạ cánh trong khi tiến hành một cuộc tập luyện trên Biển Đông. Học giả Euan Graham, người có mặt trên chiến hạm HMAS Canberra của hải quân hoàng gia Australia trên hải trình từ Việt Nam tới Singapore, cho biết tia laser được bắn ra từ những tàu cá di chuyển qua ngang qua, trong khi tàu Canberra bị đeo bám bởi một tàu chiến của Trung Quốc. “Có phải là những ngư dân đã giật mình và phản ứng trước tình huống bất ngờ? Hay đó là một vụ phối hợp quấy rối làm liên tưởng đến lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc? Khó có thể nói chắc chắn, nhưng các sự cố tương tự đã xảy ra ở Tây Thái Bình Dương”, ông Graham viết trên website The Strategist do Viện chính sách chiến lược Australia điều hành. Cho đến nay, phương Tây đã cáo buộc Trung Quốc duy trì lực lượng dân quân trên biển hùng hậu tại biển Đông, bao gồm các tàu cá được trang bị đủ để thực thi nhiệm vụ tác chiến. Bắc Kinh áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý đối với hơn 80% diện tích vùng biển quốc tế trên biển Đông, và thường tỏ ra nhạy cảm khi các tàu chiến nước ngoài thực thi quyền tự do hàng hải trong khu vực – đặc biệt là tàu của Mỹ và các nước đồng minh như Australia.

Những năm gần đây, Bắc Kinh tăng cường nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí sử dụng laser để triển khai ở Biển Đông. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mới đây phát phóng sự cho thấy Trung Quốc đang thử nghiệm một hệ thống vũ laser chiến thuật có nhiều nét tương đồng với tổ hợp vũ khí laser thế hệ mới (LaWS) được Mỹ phát triển từ năm 2014. Theo Sina, vũ khí này dự kiến được triển khai cả trên bộ lẫn trên biển để thực hiện nhiệm vụ phòng không hoặc phòng thủ tầm gần. Các chuyên gia Trung Quốc nhận định vũ khí này có thể còn được lắp đặt trên tàu khu trục Type 055 nhằm thay thế tổ hợp tên lửa phòng không HHQ-10. Trung Quốc gần đây đầu tư nhiều vào phát triển vũ khí laser trong nỗ lực hiện đại hóa công nghệ và trang thiết bị quân sự. Bắc Kinh hồi tháng 11/2018 lần đầu giới thiệu tổ hợp pháo laser LW-30 tại triển lãm hàng không ở Chu Hải. Tổ hợp LW-30 bao gồm một xe chỉ huy và liên lạc, xe chiến đấu với pháo laser và thiết bị hỗ trợ, được thiết kế để theo dõi và vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái (UAV), các loại máy bay hạng nhẹ và hệ thống dẫn đường quang điện tử trên vũ khí đối phương. Pháo laser của LW-30 có thể phát chùm tia có công suất lên tới 30 kW, phá hủy mục tiêu ở khoảng cách 25 km. Hồi tháng 5/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ từng cáo buộc vũ khí laser của Trung Quốc tại căn cứ Djibouti là thủ phạm khiến hai phi công Mỹ bị tổn thương mắt và các sự cố tương tự xảy ra tại khu vực này trong nhiều tuần. Các quan chức Mỹ đã công hàm ngoại giao đến Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc.

http://biendong.net/bien-dong/32086-tau-ca-tq-lai-bi-to-chieu-anh-sang-laser-gay-nguy-hiem-nghiem-trong-cho-may-bay-cac-nuoc-o-bien-dong.html

 

Tư lệnh Không quân từ 18 quốc gia

tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tập trung thảo luận

về tình hình Biển Đông, lên án các hành vi của TQ

Tại Hội nghị chuyên đề các Tư lệnh Không quân tại Thái Bình Dương (PACS) diễn ra tại Căn cứ Hickam, Hawaii (Mỹ) từ ngày 3 – 6/12, Lãnh đạo Không quân các nước đã thảo luận về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian gần đây, trong đó lên án mạnh mẽ các hành vi đi ngược lại với các chuẩn mực luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.

Hội nghị với chủ đề “Khía cạnh cộng tác cho an ninh khu vực”, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dưới dự chủ trì của Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Goldfein và Tư lệnh không quân Thái Bình Dương của Mỹ (PACAF) Charles Brown Jr. 18 nước tham gia bao gồm: Australia, Bangladesh, Brunei, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam, đại diện cho hơn 1 triệu quân nhân không quân từ khắp nơi trong khu vực.

Đây là sự kiện được tổ chức nhằm thảo luận cách thức phát triển một kiến trúc an ninh chung cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, từ đó tìm ra biện pháp giải quyết các thách thức xảy ra trên địa bàn khu vực nhưng có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Trong cuộc họp báo hôm 6/12, Tham mưu

trưởng không quân Mỹ David Goldfein và Tư lệnh không quân Thái Bình Dương của Mỹ (PACAF) Charles Brown Jr đã đề cập đến diễn biến ngày càng phức tạp tại khu vực, vốn được Bộ Quốc phòng Mỹ xem là mặt trận chủ lực. Tướng Brown xác nhận Biển Đông là chủ đề được thảo luận liên tục tại hội nghị. “Tất cả chúng tôi đều có cùng mối quan tâm là làm sao duy trì được an ninh ở Biển Đông và nghiên cứu các biện pháp để có thể phát hiện những hoạt động bất hợp pháp (đi ngược lại luật quốc tế) diễn ra tại đây. Đó là chủ đề quan trọng và tôi cho rằng đóng vai trò trung tâm cho mọi khía cạnh liên quan đến an ninh ở khu vực”, tướng Brown nhấn mạnh. Trong khi đó, tướng Goldfein cho biết Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các khí tài quân sự tới khu vực như tiêm kích tàng hình F-35 và máy bay quân sự đa nhiệm CV-22. Một khi các đồng minh Mỹ tiếp nhận thêm các máy bay hiện đại này, ông Brown cho rằng khả năng F-35 xuất hiện trong các hoạt động diễn tập tại Đông Nam Á sẽ gia tăng.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng 150 – 200 tàu các loại qua lại Biển Đông. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Xin-ga-po và cả Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông. Biển Đông có những eo biển quan trọng như eo biển Ma-lắc-ca, eo biển Đài Loan là những eo biển khá nhộn nhịp trên thế giới. Do đó, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa – chiến lược, an ninh quốc phòng, giao thông hàng hải và kinh tế.

Biển Đông cũng có vai trò hết sức quan trọng đối với các nước lớn. Đối với Mỹ, Biển Đông có vai trò quan trọng về kinh tế – chính trị và quân sự. Nhiều lần các quan chức lãnh đạo Mỹ đã khẳng định, Mỹ có lợi ích ở Biển Đông, nhất là vấn đề về an ninh hàng hải. An toàn hàng hải và tự do giao thông là quyền lợi chiến lược trọng yếu của Mỹ. Năm 2011, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton phát biểu “Với tư cách là một nước thuộc khu vực Thái Bình Dương và là một cường quốc khu vực, chúng tôi có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tự do tiếp cận tuyến đường biển chủ chốt của châu Á, duy trì hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông”. Biển Đông được coi là một mắt xích hết sức quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Mỹ ngày càng mạnh dạn, thẳng thắn, công khai tuyên bố có lợi ích ở Biển Đông và không chấp nhận sự áp đặt của bất kỳ quốc gia nào đối với vấn đề an ninh, an toàn, tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với các hoạt động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Gần đây, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục khẳng định “Về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ không đặc biệt đứng về phía một quốc gia nào. Chúng tôi ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách công bằng và hòa bình, vì tự do hàng hải. Ngày nay, những nguyên tắc này đang bị thách thức bởi hoạt động của Trung Quốc”. Đối với Nhật Bản, Biển Đông là cánh cửa của con đường vận chuyển dầu lửa quan trọng từ Trung Đông về Nhật Bản. Việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải cho tuyến đường vận tải trên biển qua Biển Đông là một trong những vấn đề hết sức quan trọng đối với Nhật Bản. Việc độc quyền kiểm soát Biển Đông của bất kỳ một quốc gia nào đều là mối lo ngại đối với Nhật Bản. Việc Nhật Bản thông qua Hiệp ước về an ninh với Mỹ là nhằm dựa vào Mỹ để bảo vệ con đường vận tải chiến lược của họ trên Biển Đông. Đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã công bố đường lối chỉ đạo chiến lược đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng, trong đó có những nội dung cơ bản liên quan đến tình hình tranh chấp ở khu vực Biển Đông. Năm 2010, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada đã khẳng định “Nhật Bản không thể không quan tâm đến vấn đề Biển Đông”. Những năm gần đây, Nhật Bản ngày càng quan tâm đến vấn đề an ninh an toàn hàng hải tại khu vực này, thậm chí còn cung cấp trang thiết bị quân sự, công nghệ quốc phòng, tàu tuần tra cho một số nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc và cân nhắc khả năng tham gia các cuộc tuần tra trên không với Mỹ ở Biển Đông để đối phó với những hành động ngày càng gia tăng căng thẳng của Trung Quốc. Đối với Nga, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng luôn có một vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia. Mặc dù tình hình kinh tế, chính trị của Nga trong những năm gần đây vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng chiến lược của Nga đối với khu vực này vẫn được xác định nhất quán. Từ các nhà lãnh đạo chính trị đến các nhà khoa học đều thừa nhận rằng, Biển Đông ngày càng có vị trí quan trọng và triển vọng lớn, nước Nga cần tăng cường hợp tác và xác lập vị trí của mình. Chủ trương của Nga là duy trì và mở rộng quan hệ về kinh tế, quân sự, ngoại giao đối với tất cả các nước trong khu vực Biển Đông và phối hợp với các nước khác để góp phần giải quyết tranh chấp ở khu vực này, nâng cao ảnh hưởng và vị thế của Nga ở khu vực, thậm chí năm

2016 còn tuyên bố sẵn sàng tập trận ở Biển Đông với các nước đối tác của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương.

http://biendong.net/bien-dong/32090-tu-lenh-khong-quan-tu-18-quoc-gia-tai-an-do-duong-thai-binh-duong-tap-trung-thao-luan-ve-tinh-hinh-bien-dong-len-an-cac-hanh-vi-cua-tq.html