Tin biển Đông – 12/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin biển Đông – 12/09/2017

Biển Đông: TQ Giăng Lưới

Trần Khải

Trong khi chính phủ Hoa Kỳ lựng khựng — dùng dằng nửa như muốn bỏ, nửa như muốn giữ Biển Đông; lúc thì dứt khoát rút khỏi TPP, lúc thì đưa taù chiến vào tới gần các đảo Biển Đông — Trung Quốc không có gì lựng khựng, dứt khoát một điều: lập vòng vây toàn cầu, nắm các hải cảng lớn trên thế giới, và xâu chuỗi thành vòng ngọc trai.

Báo Washington Times hôm Thứ Hai nói rằng nhiều hơn chuyện thương mại, chủ yếu là Trung Quốc sử dụng mạng lưới hải cảng để khống chế Eurasia — tức là, ảnh hưởng cả Châu Âu, Châu Á.

Đó là chiến lược “Một Vòng Đai, Một Con Đường” do Tập Cận Bình đưa ra…  viết tắt là chiến  lược OBOR, bề ngoài là phát triển kinh tế khu vực Âu-Á, nhưng sẽ là viên gạch nền để TQ trở thành siêu cường toàn cầu.

OBOR là mạng lưới các xa lộ đường bộ và tuyến đường sắt dọc Đường Lụa nối TQ, Trung Á, Trung Đông và Châu Âu.

Con đường là một mạng lưới các hải cảng dọc các tuyến hải hành nối TQ tới Châu Âu xuyên Biển Đông, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.

OBOR đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế nối kết trong 65 quốc gia với 4.4 tỷ người.

Báo Washington Times nói rằng OBOR từ khi khởi động năm 2013 đã xây đường sắt ở Lào, Kenya và Ethiopia, mở rộng các hải cảng ở Pakistan  và Hy Lạp.

HSBC, ngân hàng Châu Á hàng đầu, nói rằng OBOR sẽ đầu tư 5 ngàn tỷ đôla trong 15 năm tới…

Hãy suy nghĩ: tiền rải như mưa, Việt Nam sẽ chạy vào đâu? Lâu dài, TQ sẽ là chủ nợ của VN?
Trong khi đó, VN và TQ đều bày tỏ như giao hảo, bất kể tranh chấp Biển Đông… Hay phaỉ chăng, tranh chấp chỉ là bề ngoài?

Bản tin VnExpress hôm Thứ Hai, 11/9/2017 kể rằng: Phó thủ tướng CSVN Trương Hòa Bình hôm Thứ Hai hội kiến người đồng cấp Trung Quốc, trao đổi tình hình Biển Đông và biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương.

Bản tin này nói:

“Cuộc hội kiến giữa Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và người đồng cấp Trung Quốc Trương Cao Lệ diễn ra chiều nay tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, trong khuôn khổ chuyến thăm Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tham dự Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại Đầu tư Trung Quốc – ASEAN lần thứ 14 của Phó thủ tướng, theo thông cáo Bộ Ngoại giao.”

Cùng lúc là một hội nghị ở Hà Nôi về Biển Đông. Đó là Hội thảo “Hướng đến những vùng biển mở và tự do ở châu Á: Vai trò của Luật Biển trong việc duy trì trật tự trên biển” diễn ra hôm 12/9/2017 tại Hà Nội.
Báo Tiền Phong ghi lời .Ông Kentaro Nishimoto, Phó giáo sư ngành luật quốc tế tại ĐH Tohoku, Nhật Bản, nhận định ngày 11/9 tại Hà Nội khi trao đổi với phóng viên, rằng:

“…TS Nishimoto nói phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 khẳng định rất rõ ràng rằng, yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên biển Đông là đi ngược lại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trung Quốc đã từ chối tuân thủ phán quyết, gây ra tình thế khó khăn trên biển Đông.

Dù vậy, phán quyết đang thay đổi động lực các mối quan hệ trên biển Đông và sẽ có tác động cụ thể trong dài hạn. “Vì sao Trung Quốc liên tục nói họ không chịu ràng buộc của phán quyết nếu thực sự phán quyết đó không có ý nghĩa gì với họ? Tôi nghĩ họ đang tính toán xem liệu họ có thể làm gì khác ngoài việc phớt lờ phán quyết dựa trên những tính toán về chính trị và sức mạnh mà họ có ở khu vực”, TS Nishimoto nói.”(ngưng trích)

Nghĩa là, VN vẫn đang vận động dư luận quốc tế về Biển Đông… trong khi đưa ông Phó thủ tướng sang Quảng Tây vuốt ve…

Trong khi đó bản tin VOA hôm Thứ Hai nêu nghi vấn về “Việt Nam bắn tên lửa, diễn tập trên biển: Tín hiệu cho Trung Quốc?”

Bản tin này nói Việt Nam tiến hành một đợt huấn luyện trên biển với sự tham gia của hàng nghìn cảnh sát cơ động, ít ngày sau vụ phóng thử tên lửa Israel, dẫn tới nhận định rằng Hà Nội đang tìm cách phát tín hiệu cứng rắn tới Trung Quốc, nhất là sau khi Bắc Kinh “đe dọa hành động quân sự nếu Hà Nội tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính ở Trường Sa”.

Báo chí trong nước hôm 9/9 đã đưa tin về đợt diễn tập đối phó với một cơn bão lớn đổ bộ vào bờ biển khu vực Đông Bắc ở tỉnh Quảng Ninh.

Đoạn video ngắn lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh lực lượng công an tham gia bơi dưới biển giữa những tiếng súng nổ liên tiếp, tàu bè cháy cũng như cảnh người dân được đưa tới nơi an toàn.
Từ Australia, Giáo sư Carl Thayer nhận định với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam thường phải đối mặt với bão lũ nên cần phải có chiến lược ứng phó khẩn cấp tốt để đối phó.

Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam này còn cho rằng những kỹ năng “ứng cứu thường dân từ tàu thuyền có thể được áp dụng trong tình thế chiến đấu”.

Ít ngày trước cuộc thao dượt này, truyền thông nhà nước cũng đưa tin và đăng hình ảnh về việc Việt Nam bắn thử tên lửa phòng không có tên gọi Spyder nhập từ Israel.

Giáo sư Thayer nói rằng hai sự kiện trên cho thấy “xu hướng ngày càng minh bạch hóa” về an ninh và quốc phòng ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Nhà nghiên cứu này nhận định thêm về “tầm quan trọng của các diễn biến này”:

“Trước hết, chúng là một phần của cuộc chiến thông tin nhằm phát tín hiệu rằng khả năng phòng vệ của Việt Nam đang gia tăng. Thời điểm của vụ thử tên lửa Spyder khá quan trọng vì nó diễn ra sau khi Trung Quốc đe dọa hành động quân sự với với Việt Nam nếu [Hà Nội] tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư chính [ở Trường Sa]”.

Trong khi đó, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ thử tên lửa mua của Israel “có thể nói là một sự trả lời để thấy rằng các nước khác, kể cả Việt Nam, không thể nào có thể ngồi yên và nhìn những tình huống căng thẳng và sức ép từ phía Trung Quốc”.

Đặc biệt, bản tin RFI cho thấy VN khôngc ô đơn, vì:

“Mặc dù không phải là quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Indonesia cũng đang có những hành động kiên quyết hơn trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở vùng biển này. Đó là nội dung một bài báo được đăng trên trang mạng tờ nhật báo The Straits Times của Singapore hôm nay, 11/09/2017.

Trong suốt nhiều thập niên, chính sách chính thức của Jakarta vẫn là Indonesia không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, khác với các nước láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Thế nhưng, giữa Indonesia và Trung Quốc đã từng xảy ra 3 vụ đụng độ trên biển vào năm 2016, trong đó có vụ chiến hạm Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc và các thuyền viên của tàu này. Những vụ đó xảy ra ngay trong vùng đặc quyền kinh tế chung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Nguyên nhân là vì, đối với Bắc Kinh, hai nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên biển, điều mà Jakarta vẫn cực lực bác bỏ. Indonesia cũng phản đối việc Trung Quốc gộp vùng biển chung quanh quần đảo Natuna của nước này vào khu vực “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vạch ra để khẳng định chủ quyền.

Vào tháng 7 vừa qua, chính phủ Jakarta đã đặt lại tên vùng biển phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia trên Biển Đông là Biển Bắc Natuna. Đây là khu vực có hoạt động khai thác dầu của Indonesia. Bắc Kinh đã ngay lập tức đã phản ứng, cho rằng hành động nói trên của Inodnesia là “hoàn toàn vô nghĩa”. Nhưng theo giới quan sát, việc đặt tên Biển Bắc Natuna chính là nhằm bác bỏ yêu sách “ đường 9 đoạn” của Trung Quốc….”(ngưng trích)

Có nên lạc quan chăng, khi vòng đai các hải cảng và các tuyến đường OBOR của TQ thực ra  bao trùm xa hơn Biển Đông?

Có vẻ như tiền của TQ rải khắp nơi, rồi sẽ tới một ngày đồng tiền trở thành lưỡi câu và mạng lưới để siết chặt nhiều nước, trong đó có  VN khi nợ công ngày càng tăng…

Lúc đó, nói gì một Biển Đông, nhiều vùng biển khác nữa về lâu dài sợ cũng khó thoát.

https://vietbao.com/p122a272053/bien-dong-tq-giang-luoi