Tin Biển Đông – 12/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 12/07/2018

Trung Quốc dùng vũ lực ở Biển Đông :

Nước thứ ba có thể can thiệp ?

Thụy My

Trung Quốc có sử dụng vũ lực hay cưỡng chế ở Biển Đông hay không ? Đối với người Việt nhất là ngư dân mưu sinh trên biển, thì đây là một câu khẳng định chứ không phải ở thể nghi vấn. Tuy nhiên theo phân tích của tiến sĩ Constantinos Yiallourides (*) trên The Diplomat, sức nặng của từ ngữ là rất đáng kể.

Căng thẳng thường xuyên tăng lên tại Biển Đông trong những năm gần đây do các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc, ngày nay đã trở thành một chuỗi các căn cứ quân sự hoàn chỉnh, được trang bị các phi đạo, thiết bị chiến tranh điện tử, hỏa tiễn chống hạm tầm xa và hỏa tiến địa-không.

Bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ hôm 03/06/2018 đã ra một thông cáo chung, truyền đạt « sự phản đối mạnh mẽ » của chính phủ các nước này « về việc sử dụng vũ lực và cưỡng bức cũng như các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng, và lợi dụng tính chất tranh chấp cho mục đích quân sự tại Biển Đông ».

Gần đây nhất, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis tố cáo Trung Quốc dùng quân đội« cho mục đích đe dọa và cưỡng bức », cảnh báo nếu tiếp tục sẽ nhận lãnh « những hậu quả ».

Sự chọn lựa từ ngữ đặc biệt này, nhất là dùng từ « cưỡng bức » để mô tả các hành động của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, theo nhà nghiên cứu Yiallourides, không phải là vô tình. Ngược lại, « mục đích cưỡng bức » là một trong những tiêu chí mà theo đó hành động của một Nhà nước có thể bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế về việc cấm sử dụng vũ lực, như đã quy định ở Điều 2 Khoản 4 Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Theo chuyên gia về việc sử dụng vũ lực, giáo sư Olivier Corten, « mục đích cưỡng bức » phản ánh mục tiêu rõ ràng hoặc tác động của việc « áp đặt lên ý chí của một Nhà nước khác », buộc phải chấp nhận một hiện trạng mới.

« Mục đích cưỡng bức » đặc biệt liên quan đến các tình huống như triển khai quân đội và chiếm đóng một lãnh thổ tranh chấp mà không lâm chiến. Chẳng hạn như việc Ấn Độ sáp nhập vùng Goa một cách chớp nhoáng năm 1961, hay Nga chiếm Crimée năm 2014, và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đưa quân sang chiếm đóng quần đảo Socotra của Yemen năm 2018.

Trong vụ Israel dựng lên một bức tường tại lãnh thổ Palestine chiếm đóng năm 2004, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) nhận định đây là sự chiếm hữu lãnh thổ bằng vũ lực, vi phạm Điều 2 (4) Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Dù phía Israel bảo đảm rằng bức tường này chỉ là tạm thời, ICJ vẫn cho rằng « việc xây dựng bức tường tạo ra ‘việc đã rồi’ trên mảnh đất này, và rất có thể trở thành vĩnh viễn » – như đã được chứng minh – « tương đương với việc sáp nhập trên thực tế ».

Cho dù vào năm 2015, ICJ vẫn chưa phân xử việc Nicaragua khi gởi quân sang vùng biển tranh chấp với Costa Rica là sử dụng vũ lực hay không, thẩm phán Patrick Robinson vẫn đưa ra ý kiến riêng về vấn đề này.

Ông Robinson nhận định « không có phát súng nào được bắn ra, không có loại vũ khí hạng nặng nào được sử dụng và chắc chắn là chẳng cần phải giết ai cả, trước khi một Nhà nước được cho là đã vi phạm điều khoản cấm ». Tuy vậy ông lý luận « ý định và mục đích » cũng như« động cơ »của Nhà nước xâm chiếm nằm trong các yếu tố liên quan để phán xét xem đây có phải là một sự xâm phạm bất hợp pháp khu vực tranh chấp hay không, cho dù không đi kèm với xung đột vũ trang, vẫn vi phạm Điều 2 (4).

Trong trường hợp đặc biệt này, « sự hiện diện kéo dài » của các nhân viên và doanh trại quân đội Nicaragua, cùng với việc từ chối rút quân khỏi lãnh thổ tranh chấp, việc « chĩa vũ khí »vào các máy bay của Costa Rica rõ ràng cho thấy Nicaragua có « mục đích cưỡng bức », cụ thể là« sẵn sàng sử dụng vũ lực mỗi khi Nicaragua cảm thấy cần thiết », như là phương tiện « để thách thức các quyền chủ quyền của Costa Rica ». Theo thẩm phán Robinson, cách xử sự của Nicaragua dẫn đến kết luận là nước này đã sử dụng vũ lực, vi phạm Điều 2 (4) Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Vì vậy, dù Trung Quốc bảo đảm « sẽ không sử dụng vũ lực » để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, các hoạt động đào đắp và tiếp tục quân sự hóa các lãnh thổ tranh chấp, rõ ràng đã tạo ra việc đã rồi trên thực địa, cưỡng bức các bên yêu sách chủ quyền khác phải chấp nhận hiện trạng mới. Điều này cấu thành việc bành trướng lãnh thổ bất hợp pháp thông qua vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế. Chắc chắn là với việc quân sự hóa các đảo tranh chấp, Trung Quốc đã buộc các đối thủ không có chọn lựa nào khác : hoặc ngậm ngùi chấp nhận hiện trạng mới, hoặc phải đối mặt với một cuộc chiến tranh nhiều tổn thất trước một Nhà nước hùng mạnh, có vai trò chiến lược trong khu vực.

Ngay cả sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 đã phán quyết yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông của Bắc Kinh là vô căn cứ, Trung Quốc vẫn đều đặn tiếp tục các hành động bành trướng trong khu vực. Theo nhà chính trị học hàng đầu, giáo sư Taylor Fravel, Trung Quốc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ nhằm « tỏ ra cứng rắn về mặt chủ quyền và răn đe các đối thủ khác trong mọi xung đột ».

Vì sao việc phân loại này là quan trọng trong luật pháp quốc tế ? Có gì khác biệt về phương diện luật pháp, khi đánh giá các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông là sử dụng vũ lực, theo ý nghĩa của Điều 2 (4) Hiến chương Liên Hiệp Quốc ?

Trước hết, việc đánh giá các hành động của Trung Quốc ở Trường Sa như là sử dụng vũ lực, theo luật pháp quốc tế sẽ mở ra khả năng đáp ứng bằng hành động tự vệ. Tuy nhiên, tự vệ chỉ có thể coi là chính đáng nếu đối mặt với một cuộc tấn công vũ trang (Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc), như ICJ đã nêu trong phán quyết giữa Nicaragua và Hoa Kỳ, một trong « những dạng thức sử dụng vũ lực trầm trọng nhất », khác với những dạng khác ít nặng nề hơn.

Việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc là tương đối nhỏ để có thể coi là tấn công vũ trang theo nghĩa pháp luật, nhưng là một phần của các hành động vũ trang tiệm tiến, mà khi cộng dồn lại sẽ trở thành một sự chuyển đổi mang tính chiến lược trên lãnh thổ, có lợi cho Trung Quốc. Như vậy, theo tác giả, cho dù mỗi lần triển khai lực lượng đơn lẻ không đủ nghiêm trọng để coi là tấn công vũ trang, nhưng nhìn một cách tổng thể, các hành động này có thể nằm trong phạm vi của Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc (được gọi là lý thuyết « tích lũy các sự kiện »).

Thứ hai, điều này có thể mở ra cánh cửa cho các biện pháp đối phó của bên thứ ba. Có một sự đồng thuận rộng rãi là việc cấm sử dụng vũ lực là một nghĩa vụ « erga omnes » (theo công pháp quốc tế, có nghĩa là nghĩa vụ mà một Nhà nước phải thuận theo « cộng đồng quốc tế nói chung »). Chẳng hạn một nước có quyền xử lý các hành động hải tặc, diệt chủng, nô lệ…xảy ra trên lãnh thổ mình, bởi công dân một nước không trừng trị những hành động trên. Trong trường hợp xảy ra vi phạm nghĩa vụ « erga omnes », có nghĩa là tất cả các Nhà nước khác đều có quyền dùng biện pháp đối phó không mang tính cưỡng bức để chấm dứt vi phạm, như là họ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng vũ lực này.

Có nhiều ví dụ khác nhau trên thực tiễn cho thấy các Nhà nước có thể đáp trả những vi phạm nghĩa vụ « erga omnes » bằng cách sử dụng những biện pháp đối phó hợp pháp. Có thể kể : những trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Liên Xô cũ vì đóng quân dọc theo biên giới Ba Lan, được coi là đe dọa hòa bình thế giới ; Cộng đồng châu Âu trừng phạt Achentina vì đã xâm lược vũ trang quần đảo Falkland và bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án là « vi phạm hòa bình ».Hoặc các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đối với Nga vì đã sáp nhập Crimée và can thiệp vào miền đông Ukraina.

Theo đó, nếu việc Trung Quốc chiếm đóng và đơn phương triển khai lực lượng vũ trang trên quần đảo Trường Sa được coi là sử dụng vũ lực chống lại các nước đòi hỏi chủ quyền, cấu thành vi phạm tiêu chí « erga omnes », thì các nước thứ ba dù không bị ảnh hưởng trực tiếp vẫn có thể viện đển trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc. Với vi phạm này, có nghĩa là các quốc gia khác ngoài các bên đòi hỏi chủ quyền Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan) cũng có thể áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.

Tuy vậy, nước nào có thể sẵn sàng sử dụng các biện pháp đối phó như trên thì còn phải chờ xem. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, liệu có quốc gia nào quyết tâm đưa Trung Quốc ra trước Tòa án Công lý Quốc tế ?

(*) Tiến sĩ Constantinos Yiallourides chuyên nghiên cứu Luật quốc tế về tranh chấp lãnh thổ tại Viện Luật quốc tế và so sánh của Anh quốc (BIICL) và là tác giả chính của công trình nghiên cứu, được công bố vào tháng Bảy năm 2018 « Sử dụng vũ lực liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ».

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180712-trung-quoc-dung-vu-luc-o-bien-dong-nuoc-thu-ba-co-the-can-thiep

 

Biểu ngữ ‘Philippine, Một tỉnh của Trung Quốc’

gây giận dữ

Biểu ngữ xuất hiện vào ngày 12 tháng 7 tại một số địa điểm ở thủ đô Manila với nội dung “Chào mừng đến Philippines, một tỉnh của Trung Quốc’ gây phẩn nộ trên mạng xã hội ở nước này.

Reuters loan tin cho biết những cụm từ ‘tỉnh của Trung Quốc’ và ‘Nam Hải’ nổi bật trên Twitter và thông tin những biểu ngữ màu đỏ với nội dung như vừa nêu có hằng ngàn chia sẻ và bình luận trên Facebook.

Ngày 12 tháng 7 năm nay kỷ niệm đúng hai năm Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế PCA ở La Haye ra phán quyết về vụ kiện đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc vạch ra tại Biển Đông với phần thắng thuộc Philippines.

Cho đến lúc này chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm việc treo những biểu ngữ viết bằng cả hai thứ tiếng Anh và Hoa với nội dung gây phẩn nộ tại Philippines như vừa nêu.

Tin cho biết Cơ quan chức năng thủ đô Manila tiến hành tháo gỡ những biểu ngữ đó tại ít nhất 5 địa điểm được phát hiện.

Phát ngôn nhân Harry Rogue của tổng thống Philippines lên tiếng cho rằng những biểu ngữ như vừa nêu là ‘ngớ ngẩn’ và đưa ra nhận định chắc hẳn kẻ thù của chính phủ đứng đằng sau hành động đó.

Một số cư dân mạng cũng cáo buộc phía đối lập chính trị tại Philippines cho thực hiện việc treo biểu ngữ nhằm làm giảm uy tín của chính phủ của tổng thống Rodrigo Duterte trong việc cho tăng cường mối quan hệ với Bắc Kinh.

Một số khác lại tiếp tục chỉ trích chính phủ của ông Duterte là không mạnh mẽ thách thức Trung Quốc trước cương quyết tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông của Bắc Kinh.

Reuters trong bản tin phát đi vào chiều ngày 12 tháng 7 từ Manila cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa trả lời thư yêu cầu bình luận về vụ việc này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-province-of-china-signs-stir-anger-on-anniversary-of-arbitration-win-07122018103841.html

 

Không êm tí nào… Không êm tí nào…

Trần Khải

Báo The Rappler loan tin rằng hai năm sau khi Philippines thắng kiện Trung Quốc ở tòa quốc tế The Hague, Tổng Thống Rodrigo Duterte vẫn bỏ lơ kết quả phiên tòa, để mặc các nước lớn quậy phá Biển Đông trong khi ngư dân Filipinos vẫn đầy nỗi lo.

Tới mức các chính phủ Mỹ, Úc, Nhật phải ra bản văn hối thúc Philippines hãy thực hiện quyền của người thắng kiện ở Biển Đông.

Đối với quyền Bộ Trưởng Tư Pháp Antonio Carpio, chính phủ Duterte không chịu thi hành quyền quốc gia thắng kiện chủ quyền Biển Đông là “không giải thích” nổi…

Lạnh cẳng, lạnh cẳng… chỉ nói được như thế.

Trong khi đó, bản tin từ thông tấn RFI ghi nhận tình hình Trung Quốc liên tục bành trướng ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương.

Trung Quốc đang dự trù họp thượng đỉnh với các lãnh đạo những đảo ở Thái Bình Dương, vào lúc mà New Zealand cảnh báo là Bắc Kinh đang tìm cách lấp chỗ trống tại một vùng từ lâu bị bỏ quên.

Theo thông báo của thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neil hôm 09/07/2018, nhân chuyến viếng thăm cấp Nhà nước ở Papua New Guinea, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn họp riêng với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) từ 12/11 đến 18/11 năm nay tại Port Moresby, thủ đô Papua New Guinea.

Thủ tướng O’Neil không nói rõ nghị trình cuộc họp, nhưng việc ông Tập Cận Bình họp riêng với lãnh đạo các đảo quốc nhỏ trong vùng Thái Bình Dương chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của hai nước là Úc và New Zealand.

Từ lâu Úc và New Zealand vẫn xem vùng Đại Dương Châu là sân sau của họ, nhưng trong một thập niên qua, Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này. Theo thẩm định của Viện Lowy, Úc, trong

khoảng thời gian từ 2006 đến 2016, Bắc Kinh đã cấp tổng cộng 1,78 tỷ đôla cho các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương.

Vùng này là nơi quy tụ số đồng minh ít ỏi còn lại của Đài Loan, sau khi Trung Quốc dùng chính sách ngoại giao đôla để lôi kéo về phía mình nhiều nước còn công nhận Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan).

Sau nhiều năm án binh bất động, đến năm nay, Úc và New Zealand mới gia tăng đáng kể các khoản viện trợ, mong chiêu dụ trở lại các đảo quốc nhỏ. Đồng thời hai nước này thông báo các kế hoạch tăng cường tiềm lực quân sự, Úc đầu tư vào máy bay không người lái, New Zealand đặt mua máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ.

RFI ghi rằng vào tháng trước, thủ tướng Malcom Turnbull thông báo là Úc sẽ thương lượng một hiệp ước an ninh với Vanuatu, sau khi cách đó hai tháng, báo chí Úc loan tin là Trung Quốc đã thăm dò phản ứng của Vanuatu về khả năng mở một căn cứ quân sự ở đảo quốc Thái Bình Dương này.

Trên đài phát thanh New Zealand hôm Thứ Tư, quyền thủ tướng Winston Peters báo động là căng thẳng trong khu vực đang gia tăng và những nước khác đang tìm cách lấp chỗ trống tại đây. Ông Peters không nói «những nước khác» là nước nào, nhưng mới tuần trước, New Zealand vừa công bố một sách trắng về quốc phòng, nêu rõ Trung Quốc là mối đe dọa đối với nước này.

Trong khi đó, bản tin BBC ghi nhận tình hình Biển Đông: TQ khuyến khích đầu tư ở đảo nhân tạo…

Trung Quốc đang khuyến khích đầu tư vào các hòn đảo và vùng biển ở Biển Đông, tập trung ở quần đảo Hoàng Sa, theo một thông báo vào tuần trước.

Sở Hải dương và Ngư nghiệp của tỉnh Hải Nam, tỉnh quản lý các đảo và vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, sẽ cho phép các cá nhân thuê các đảo nhỏ cho mục đcíh du lịch và xây dựng với thời gian có thể lên đến 50 năm.

Dự án phát triển sẽ tập trung chủ yếu ở các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, hay còn gọi là Tây Sa theo cách gọi của Bắc Kinh, theo tờ Japan Times.

Theo bản thông báo này, các dự án nuôi trồng thủy sản sẽ được phép sử dụng trong 15 năm, các dự án du lịch và giải trí được 25 năm, ngành công nghiệp muối mỏ 30 năm, phúc lợi xã hội 40 năm và các dự án xây dựng cầu cảng là 50 năm.

“Việc phát triển trên các hòn đảo không người ở sẽ đảm bảo sự ổn định của Nam Hải và loại bỏ các mục đích xâm lược và xâm chiếm của các nước khác đối với chủ quyền lãnh thổ của chúng ta,” nghiên cứu sinh tại Học viên quốc gia Hải Nam, Chen Xiangmao nói.

BBC nhắc rằng Quần đảo Hoàng Sa đã thuộc quyền sở hữu không chính thức của Trung Quốc kể từ sau trận Hải chiến Hoàng sa năm 1974.

Kể từ đó Trung Quốc đã xây dựng nhiều tiền đồn, đặc biệt là tại đảo Phú Lâm, hay còn được Bắc Kinh gọi là đảo Vĩnh Hưng – cơ sở đầu não cho các hoạt động của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp.

Tờ Japan Times nhận định các chuyên gia cho rằng các dự án này là để thắt chặt quyền kiểm soát không chính thức của Trung Quốc tại các đảo ở Biển Đông, nơi có ba đảo nhân tạo của Trung Quốc nằm ở chuỗi đảo Trường Sa phía nam Hoàng Sa – trên ba bãi đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn – đều có sân bay cấp quân sư.

Cũng trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã nâng cấp nhanh chóng cơ sở và thiết bị quân sự tại Biển Đông…

Đầu tháng Năm, Trung Quốc bắt đầu thiết lập hệ thống tên lửa chống tàu và hệ thống tên lửa đất-đối-không trên một số tiền đồn ở quần đảo Trường Sa.

Đến giữa tháng Năm, Trung Quốc lần đầu tiên cho phi cơ ném bom hạ cánh xuống các tiền đồn ở Hoàng Sa.

Đến đầu tháng Bảy, lại có thông tin Trung Quốc đang bí mật thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử mới được lặp đặt ở các tiền đồn ở Hoàng Sa.

Trong khi đó, Việt Nam giỏi đánh võ trên mạng…

Bản tin VOA ghi lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ra chỉ đạo cho Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) giám sát việc xử lý của Facebook đối với bản đồ ‘nhầm’ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Ngày 1/7, các trang mạng trong nước đăng tải phát hiện của họ về bản đồ hiển thị livestream của Facebook đề tên Sansha (là tên mà Trung Quốc đặt cho đảo Tam Sa) tại hai vị trí quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Ngay sau khi được biết về bản đồ có thông tin ‘sai’ về Biển Đông, Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam đã yêu cầu Facebook giải quyết vụ việc.

Facebook đưa ra lời giải thích rằng “đây là lỗi kỹ thuật và chúng tôi đã sửa lỗi này” và họ chỉ lên tiếng xin lỗi vào ngày 5/7 sau khi cộng đồng người dùng mạng xã hội lớn nhất thế giới này ở Việt Nam kêu gọi tẩy chay và yêu cầu Facebook xin lỗi.

Mặc dù Facebook nói đã chỉnh sửa bản đồ bị ‘sai lệch’ trên toàn cầu nhưng một người dùng Facebook ở Việt Nam cho biết công ty có trụ sở ở California, Mỹ, “chỉ mới tháo ra khi bạn truy cập bản đồ Trung Quốc với các truy cập từ Việt Nam thôi.”

Thôi thì… nhân quả trước sau không trật… Hình như ông Hồ chịu ơn quê vợ Hàng Châu quá nhiều

https://vietbao.com/p123a283179/bien-dong-khong-em