Tin Biển Đông – 12/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 12/03/2017

Kết thúc cuộc tập trận Mỹ – Nhật ở biển Hoa Đông

Hải quân Mỹ và Nhật Bản hôm 10/3 thông báo rằng họ đã hoàn tất cuộc thao dượt chung kéo dài 4 ngày trên biển Hoa Đông, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực sau vụ thử tên lửa của Bắc Hàn.

Trong cuộc tập trận mà báo chí Nhật cho là để thể hiện sức mạnh, hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson và tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer cùng các tàu khu trục của Nhật Bản là Sazanami và Samidare “tăng cường các kỹ năng hàng hải cơ bản cũng như cải thiện khả năng phản ứng”, theo AFP.

Tờ Japan Today trích thông cáo của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho biết rằng các cuộc thao dượt tập trung vào việc “huấn luyện chiến thuật”, nhưng không cho biết thêm chi tiết cụ thể.

Trong khi đó, tờ Sankei Shimbun vốn có chủ trương bảo thủ của Nhật nhận định rằng cuộc tập trận nhằm phát đi cảnh báo tới quốc gia trang bị hạt nhân Bắc Hàn thông qua việc “thể hiện sức mạnh cũng như khả năng ngăn chặn của liên minh Nhật – Mỹ”.

Cuộc diễn tập chung bắt đầu một ngày sau khi Bắc Hàn phóng bốn quả tên lửa đạn đạo và ba trong số đó rơi xuống gần Nhật Bản, quốc gia mà Hoa Kỳ phải có nghĩa vụ bảo vệ theo một hiệp ước về an ninh song phương, theo AFP.

Bình Nhưỡng tuyên bố rằng vụ phóng là cuộc huấn luyện về khả năng tấn công các căn cứ của Mỹ ở Nhật và được đích thân lãnh tụ Kim Jong Un giám sát.

Seoul và Washington cũng tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chung khác ở Hàn Quốc.

Theo tờ Sankei Shimbun, cuộc tập trận Nhật – Mỹ còn chứng tỏ sự hiện diện chung của hai nước ở biển Hoa Đông, nơi Tokyo và Trung Quốc đang tranh chấp về một chuỗi đảo không người ở.

http://www.voatiengviet.com/a/my-nhat-ban-ket-thuc-cuoc-tap-tran-o-bien-hoa-dong/3761568.html

 

Ngư dân Việt ‘dạt’ sang Australia vì Trung Quốc?

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một trong các lý do khiến các ngư dân Việt Nam phải chuyển hướng sang đánh bắt cá trái phép ở vùng lãnh hải của Australia, hãng tin ABC đưa tin hôm 10/3.
Cơ quan truyền thông của Úc này dẫn lời ba ngư dân Việt mới bị tống giam nói tại tòa ở Queensland rằng “họ bị Trung Quốc đẩy ra khỏi ngư trường truyền thống gần Trường Sa”.

Họ cho biết đã phải “dạt” sang đánh bắt trong lãnh hải các nước láng giềng và thậm chí là phải tới cả Australia. Gần 30 ngư dân Việt trên hai tàu cá bị bắt ngoài khơi Queensland hôm 15/2 vì đánh bắt hải sâm trái phép.

Vì sao Việt Nam phải hướng về Trung Quốc ngày 18/3?

Trung Quốc ‘sẽ thường xuyên’ đưa du khách ra Trường Sa

Mới đây, 14 người trong số đó phải ra tòa. 11 người chịu án tù treo vì vi phạm lần đầu. Hai người bị tống giam 4 tháng tù, còn một người chịu án 6 tháng, theo ABC.

Truyền thông Úc dẫn lời đại diện của cơ quan quản lý đánh bắt cá của Australia cho biết rằng có sự gia tăng đáng kể các tàu cá của Việt Nam đánh bắt trái phép trên lãnh hải Australia. “Chúng tôi thực hiện 13 vụ bắt giữ trong vòng 11 tháng qua”, quan chức này nói.

Không chỉ Australia, nhiều nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan hay Palau thời gian qua đã bắt nhiều ngư dân Việt, cáo buộc họ đánh bắt hải sản trái phép.

Trung Quốc mới đây đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực lãnh hải gần quần đảo Hoàng Sa từ từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình sau đó lên tiếng chỉ trích hành động đó là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền” của Hà Nội đối với Hoàng Sa.

Bất chấp lệnh cấm, quan chức Hội Nghề cá Việt Nam trước đây vẫn luôn kêu gọi ngư dân “tiếp tục duy trì sự hiện diện trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc làm đó “đẩy ngư dân vào tình thế nguy hiểm”.

http://www.voatiengviet.com/a/ngu-dan-viet-dat-sang-uc-vi-trung-quoc/3761589.html

 

Chiến đấu cơ tàng hình của Trung Quốc ‘đi vào hoạt động’

TQ trình làng chiến đấu cơ tối tân, người Việt nghĩ gì?

Chiến đấu cơ tàng hình của Trung Quốc J-20 đã chính thức đi vào hoạt động, trong một động thái được cho là để thu hẹp khoảng cách về sức mạnh quân sự với Mỹ.

Trong bản tin hôm 9/3, kênh truyền hình quốc phòng của Trung Quốc xác nhận rằng máy bay chiến đấu thế hệ mới của nước này đã đi vào hoạt động, dù không đưa tin chi tiết, theo Reuters.

Chiếc J-20 xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái tại một cuộc triển lãm hàng không, 6 năm sau khi hình ảnh của chiến đấu cơ này lần đầu được ghi lại. Khi ấy, người Việt ở trong nước được cho là “rất quan tâm” tới sự kiện này.

Vì sao Việt Nam phải hướng về Trung Quốc ngày 18/3?

Ngoại trưởng Mỹ ‘xuống thang’ về Biển Đông?

Các nhà quan sát nhận định rằng J-20 giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách về công nghệ quân sự với Hoa Kỳ, trong bối cảnh Bắc Kinh đang ngày càng thể hiện củng cố tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Tuy nhiên, Reuters đưa tin rằng hiện vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu chiếc chiến đấu cơ tàng hình này của Trung Quốc có khả năng “né” radar tốt như các máy bay chiến đấu F-22 hoặc F-35 của Mỹ hay không.

Trung Quốc từng cho biết đang phát triển một loại máy bay chiến đấu tàng hình khác là J-31 năm 2014, trùng với thời điểm Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Barack Obama tới tham dự một hội nghị thượng đỉnh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trung Quốc hôm 5/3 tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm nữa cho quân đội, trong đó có việc củng cố phòng thủ hàng hải và hàng không, nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước, nhưng Bắc Kinh không cung cấp con số chi tiêu cụ thể cho năm 2017, dù cam kết sẽ minh bạch.

Phát ngôn viên của quốc hội, bà Phó Oánh, hôm 4/3 cho biết rằng chi tiêu quốc phòng cho năm nay sẽ tăng khoảng 7%, tức chiếm khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội, tỷ lệ giống với những năm trước.

http://www.voatiengviet.com/a/chien-dau-co-tang-hinh-cua-trung-quoc-di-vao-hoat-dong/3761459.html

 

Tòa tối cao Trung Cộng mở rộng quyền tài phán

trên mọi vùng biển đang kiểm soát, kể cả Biển Đông

Tòa án nhân dân tối cao Trung Cộng vừa mở rộng quyền tài phán trên biển ra mọi vùng biển được cho là thuộc chủ quyền của nước này, trong khi Bắc Kinh tăng cường kiểm soát vùng Biển Đông có tranh chấp.

Tân Hoa Xã trích dẫn một báo cáo do tòa tối cao Trung Cộng gửi cho quốc hội hôm Chủ Nhật 12/03, cho biết Trung Cộng sẽ cương quyết bảo vệ các quyền lợi trên biển của mình. Chánh án tòa tối cao Zhou Qiang nói trong bản báo cáo rằng, quyền tài phán trên biển của Trung Cộng sẽ bao trùm mọi vùng biển thuộc chủ quyền của nước này, và đây là một quy định đóng góp vào chiến lược của Trung Cộng để trở thành một cường quốc hàng hải.

Theo báo cáo của ông Zhou, công dân Trung Cộng và người ngoại quốc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tham gia đánh bắt trái phép hoặc giết động vật nguy cấp trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Cộng.

Trung Cộng tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông. Năm quốc gia khác gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Việt Nam cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong vùng. Hồi tháng 8 năm ngoái, tòa tối cao Trung Cộng đưa ra một quy định diễn giải tư pháp, nhằm xác định rõ quyền tài phán của nước này trên các vùng lãnh hải của mình, nhằm vô hiệu hóa phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông. Bản báo cáo của ông Zhou cũng cho biết các tòa án Trung Cộng đã xử hơn 16,000 vụ án hàng hải năm 2016.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/toa-toi-cao-trung-cong-mo-rong-quyen-tai-phan-tren-moi-vung-bien-dang-kiem-soat-ke-ca-bien-dong/