Tin Biển Đông – 12/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

AMTI : Dân quân biển Trung Quốc

là mối đe dọa với an ninh Biển Đông

Trọng Thành

Căng thẳng tại Biển Đông gia tăng với việc nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường bố trí các vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, đe dọa còn đến từ « dân quân biển », một lực lượng vốn ít được chú ý. Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) vừa tiến hành một cuộc điều tra công phu, với kết quả ban đầu cho thấy lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đang hiện diện ngày càng đông đảo và là một mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực.

Hôm 09/01/2019, trong buổi khai trương dự án « Môi trường Đại dương và An Ninh Toàn cầu » của Trung Tâm CSIS, tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải đã trình bày về thực trạng « dân quân biển » ở Biển Đông, đặc biệt là dân quân biển Trung Quốc, dựa trên kết quả 6 tháng nghiên cứu trong năm 2018, với sự cộng tác của Vulcan’s Skylight Maritime Initiative. Nghiên cứu của AMTI được thực hiện với nhiều phương tiện như Bộ đo bức xạ hình ảnh hồng ngoại (Visible Infrared Imaging Radiometer Suite/VIIRS), Rađa khẩu độ tổng hợp (Synthetic Aperture Radar/SAR), Hệ thống nhận dạng tự động(Automatic Identification System/AIS).

Kết luận ban đầu được giám đốc AMTI Gregory Polling đưa ra là : các hoạt động của dân quân biển của Trung Quốc ở Biển Đông có quy mô quan trọng hơn nhiều so với những gì được biết. Sự hiện diện đông đảo của dân quân biển Trung Quốc, thường là các tàu cá vừa đánh bắt hải sản, vừa tham gia vào các hoạt động quân sự, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Trường Sa, làm tăng khả năng va chạm giữa các tàu thuyền và nguy cơ đụng độ giữa lực lượng vũ trang các nước ven Biển Đông.

Giám đốc AMTI cho biết cụ thể là ngày càng có nhiều tàu cá mang danh khai thác hải sản, nhưng chỉ dành một phần thời gian cho hoạt động này, và được sử dụng như một phương tiện của lực lượng dân quân biển chính thức của Trung Quốc. Lãnh đạo AMTI kêu gọi các nước quan tâm thích đáng hơn đến vấn đề dân quân biển tại Biển Đông.

Nghị sĩ Philippines lên án Bắc Kinh

Ngày 11/01/2019, một nghị sĩ đối lập Philippines, ông Gary Alejeno, dựa trên các kết quả nghiên cứu mới của AMTI, đã lên án việc ngư dân Trung Quốc gia tăng các hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Tây Philippines (tức Biển Đông), thuộc chủ quyền của Philippines. Đối với nghị sĩ Gary Alejeno, đây là những hành động « trộm cướp », đồng thời ông nhấn mạnh đến mối nguy dân quân biển Trung Quốc, một phương tiện mà Bắc Kinh sử dụng để thực thi chiến lược lấn chiếm từng bước một, để tiến đến khẳng định chủ quyền tại khu vực này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190112-amti-dan-quan-bien-trung-quoc-de-doa-an-ninh-bien-dong

 

Đàm phán thương mại Trung – Mỹ,

Nhà Trắng gây sức ép bằng con bài Biển Đông

Ngày 07.01.2019, một phái đoàn đàm phán thương mại cấp thứ trưởng Mỹ đã đến Bắc Kinh, bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới nhất. Đây là cuộc đàm phán quan trọng mà Nhà Trắng phải thắng, vì vậy chiến hạm Mỹ đi vào vùng nước Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ những năm 1970), tiếp tục gây sức ép địa chính trị căng thẳng lên Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán được tiến hành trong các nhóm khác nhau, nghiên cứu các giải pháp miễn thuế trong những lĩnh vực như: sở hữu trí tuệ, nông nghiệp và thương mại công nghiệp.

Theo các nguồn tin giấu tên và một bức ảnh của Bloomberg, phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tham dự ngày khai mạc cuộc hội đàm. Theo kế hoạch ban đầu, các cuộc đàm phán sẽ chỉ có sự tham gia của các đại diện quan chức cấp thấp hơn từ phía Trung Quốc.

Hãng tin SCMP cho biết, ông Lưu Hạc không tham dự cuộc đàm phán đầu tiên, mà chỉ đến chào đón đoàn Mỹ.

Dẫn đầu phái đoàn thương mại Mỹ là phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish. Các bên đặt ra hạn chót là là ngày 01.03.2018 để đạt được một thỏa thuận thương mại. Trong trường hợp ngược lại, Mỹ có thể tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Ngày 04.01.2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố, phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ đến Trung Quốc “để có những cuộc thảo luận tích cực và mang tính xây dựng với các đối tác Trung Quốc về hiện thực hóa sự đồng thuận quan trọng, đạt được giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ ở Argentina.”

Ngày 06.01.2019, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang tiến triển tốt và “sự yếu kém trong nền kinh tế Trung Quốc là lý do để Bắc Kinh đàm phán, hướng tới một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ.”

Ông nói: “Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt. Tôi thực sự tin rằng họ muốn có một thỏa thuận”. Theo tổng thống Donald Trump, hàng rào thuế quan Mỹ gây tổn thất nặng cho Trung Quốc. Ông nhấn mạnh:

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn giải quyết khó khăn này. Nền kinh tế của họ không hoạt động hiệu quả được”, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng. “Tôi nghĩ rằng điều đó khiến họ có động lực lớn để đàm phán”.

SCMP dẫn lời phát biểu của Lawrence J. Lau, giáo sư kinh tế tại Đại học Hồng Kông, Trung Quốc, cựu thành viên của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc, cho biết ông đã dự đoán về một thỏa thuận ngừng cuộc chiến thương mại.

Theo ông, thỏa thuận ngừng cuộc chiến thương mại sẽ làm giảm đi sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vài ngày trước khi có chuyến viếng thăm của phái đoàn thương mại Mỹ.

Tôi tin rằng các bên sẽ nghĩ ra một phương án nào đó có thể chấp nhận được, ông Lau nói. Đây sẽ là một vấn đề cụ thể và cuối cùng nếu có điều chỉnh, thì không nên có bất kỳ mức tăng thuế nào.

SCMP cho biết, kể từ khi thỏa thuận ngừng chiến tranh thương mại tháng 1 được sự đồng thuận giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc đã có một số nhượng bộ, bao gồm lùi việc áp thuế bổ sung đối với các xe hơi Mỹ nhập khẩu, tiếp tục mua đậu nành của Mỹ, giảm thiểu một số nội dung trong chiến lược Made in China 2025, đề xuất sửa đổi luật đầu tư nước ngoài về nội dung chuyển giao công nghệ.

Trong khi cả hai bên đều lạc quan về cuộc đàm phán làm giảm thiểu leo thang chiến tranh thương mại , Mỹ đã tiến hành một động thái, được cho là gia tăng sức ép trên bàn đàm phán với phía Trung Quốc.

 

Ngày 07.01.2019, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết trong một tuyên bố gửi qua email đến các phương tiện thông tin đại chúng, khu trục hạm tên lửa có điều khiển USS Campbell của Mỹ thực hiện chuyến hải trình trong khuôn khổ chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải FONOP của hải quân Mỹ trong khoảng cách 12 hải lý thuộc quần đảo Hoàng Sa, thách thức những tuyên bố phi pháp từ phía Bắc Kinh.

Hoạt động này không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào hoặc được coi là một tuyên bố chính trị, phát ngôn viên McMarr nhấn mạnh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng, hành vi của chiến hạm Mỹ xâm phạm luật pháp Trung Quốc và quốc tế, Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc nhất và kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động “khiêu khích” này.

Ông Lục Khảng cũng cho biết, Trung Quốc đưa tàu quân sự và máy bay chiến đấu nhằm giám sát và cảnh báo chiến hạm Mỹ.

Khi được hỏi liệu hoạt động này có gây khó khăn cho cuộc đàm phán thương mại hay không, ông Lục Khảng nói rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều có trách nhiệm xây dựng bầu không khí tích cực, cần thiết cho đàm phán.

Việc chiến hạm USS Campbell của Mỹ thực hiện tuần tra trong vùng nước lân cận quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, thực tế là một sức ép trực tiếp lên chính quyền Bắc Kinh, cảnh báo một thực tế khắc nghiệp sẽ diễn ra trên các vùng nước thuộc Biển Đông, biển Hoa Đông và là một động thái buộc Trung Quốc phải nhân nhượng trên bàn đàm phán thương mại.

Mặc dù có áp lực lớn, cuộc đàm phán thương mại vẫn đang tiếp tục diễn ra vào ngày 08.01.2019, Nhà Trắng tin rằng Bắc Kinh sẽ nhượng bộ dưới sức ép của Mỹ.

http://biendong.net/bi-n-nong/25731-dam-phan-thuong-mai-trung-my-nha-trang-gay-suc-ep-bang-con-bai-bien-dong.html