Tin Biển Đông – 11/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 11/11/2018

Canada cử tàu chiến tới Biển Đông

và các khu vực tranh chấp

Canada đã cử tàu khu trục HMCS Calgary tới tham gia cuộc tập trận chung với Nhật và Mỹ trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương, một động thái cho thấy sự quan tâm của quốc gia Bắc Mỹ này đối với việc giữ gìn an ninh trên những khu vực biển tranh chấp.

“Hi vọng rằng nếu không phải hai thì là một tàu chiến [của Canada] sẽ tham gia với các đồng minh thực hiện nhiệm vụ trên khu vực [biển] này hàng năm”, Blair Saltel, thuyền trưởng tàu Calgary nói với tờ Yokosuka, Japan.

Tàu Calgary đã cập cảng căn cứ hải quân gần Tokyo cùng với tàu hậu cần, cũng của Canada, có tên Asterix. Tàu khu trục được thiết kế để chống tàu ngầm Nga đã rời Canada hồi tháng Bảy, đã đi qua biển Hoa Đông, Úc và vào Biển Đông nơi nó đã chạm trán tàu chiến Trung Quốc, theo Reuters.

Tuần trước, tàu Calgary đã tham gia cùng các tàu chiến Nhật và Mỹ, bao gồm cả tàu sân bay USS Ronald Reagan, thực hiện các bài tập chống tàu ngầm ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương.

“Đây là cơ hội để chứng tỏ rằng chúng tôi có kinh nghiệm làm việc với những đồng minh trong các liên minh”, ông Saltel nói.

Quyết định cử tàu Calgary tham gia tập trận chung với Mỹ, Nhật của Canada diễn ra trong bối cảnh Anh, Pháp và một số nước khác đã nhiều lần điều tàu chiến tới Biển Đông để hỗ trợ Hoa Kỳ ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên vùng biển này.

Từ đầu năm tới nay, Anh đã cử 3 tàu chiến đến Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm cả tàu tấn công đổ bộ lớn nhất mà nước này sở hữu, HMS Albion. Con tàu có trọng tải 22.000 tấn, và với 120 lính thủy quân lục chiến, đã tiến gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.

Phản ứng trước việc này, Trung Quốc nói rằng hành động của tàu HMS Albion là “khiêu khích” khi nó di chuyển tới gần các đảo mà Bắc Kinh nói rằng đang ở trạng thái “hoà bình”, với ngụ ý không có tranh chấp.

Cũng thực hiện các hành động tương tự, Pháp, Nhật, Úc hay Ấn Độ đã cử các tàu chiến của mình tới Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế.

Trước khi trở về Canada trong tháng này, Calgary sẽ tới căn cứ quân sự Sasebo ở miền tây Nhật Bản, để thực hiện thêm các bài tập chống tàu ngầm với lực lượng hải quân của Nhật và Mỹ.

http://biendong.net/bi-n-nong/24656-canada-cu-tau-chien-toi-bien-dong-va-cac-khu-vuc-tranh-chap.html

 

Mỹ Trung tiếp tục tranh cãi về Biển Đông

Tại đối thoại ngoại giao an ninh giữa Trung Quốc và Mỹ ở Washitong DC hôm thứ Sáu, ngày 9/11, lãnh đạo hai nước tiếp tục cho thấy có những bất đồng liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đối thoại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ tiếp tục bày tỏ những lo ngại về những hoạt động quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc, và yêu cầu Trung Quốc phải hành xử đúng như những cam kết của nước này trong khu vực.

Thông cáo báo chí sau cuộc gặp từ phía Mỹ cho biết Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc phải rút các giàn tên lửa khỏi các thực thể mà nước này cho xây lấp ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với một số nước châu Á khác, yêu cầu tất cả các quốc tia nên tránh giải quyết tranh chấp qua xâm lấn hay đe doạ.

Đáp lời, ông Dương Khiết Trì, Uỷ viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng Trung Quốc cam kết không đối đầu nhưng Bắc Kinh có quyền xây dựng những cơ sở quốc phòng cần thiết trên các khu vực mà nước này cho là thuộc chủ quyền của mình. Ông Dương cũng thúc giục Washington phải ngừng ngay lập tức việc điều tàu chiến và máy bay chiến đấu đến Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói Washington sẽ không nghe Theo đòi hỏi này của Trung Quốc, khẳng định Hoa Kỳ chỉ thực hiện các hoạt động theo luật quốc tế để đảm bảo quyền tự do hàng hải của Mỹ và các nước khác tại khu vực Biển Đông.

Bất chấp những bất đồng còn tồn tại, thông cáo sau đối thoại nhấn mạnh hai bên đồng ý ủng hộ một giải pháp hoà bình các tranh chấp và các vấn đề khác trong khu vực.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/11 cho biết đối thoại giữa hai bên mang tính xây dựng và có kết quả.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-us-sparring-about-scs-11102018092341.html

 

Cần hợp tác

thực chất giải quyết tranh chấp Biển Đông

Các học giả trong nước và quốc tế đánh giá Biển Đông ngày càng trở thành một trong những vấn đề chính được nhiều nước quan tâm khi hoạch định chính sách.

Ngày 8.11, tại TP.Đà Nẵng, Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia VN tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”. Tham dự sự kiện có 220 đại biểu VN và quốc tế, 22 cơ quan đại diện nước ngoài tại VN, cùng 110 phóng viên trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, đánh giá qua 10 năm tổ chức, hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội cũng như những người hoạch định chính sách về Biển Đông ở nhiều nước, dựa trên thông tin đa chiều, đa dạng hơn.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, nỗ lực của khu vực và quốc tế nhằm giảm căng thẳng ở Biển Đông để hướng tới những giải pháp hòa bình và đảm bảo an ninh vẫn chưa được như mong muốn. Gốc rễ của tranh chấp Biển Đông được bàn đến nhưng chưa được xử lý về mặt chính sách và thực tiễn. Ông đánh giá nguyên trạng Biển Đông tiếp tục bị thay đổi theo hướng làm xói mòn trật tự quốc tế, hạn chế các thành phần hợp tác và xói mòn lòng tin giữa các nước liên quan.

Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee, Tòa án luật biển quốc tế ITLOS thì cho rằng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông cần dựa trên các thành tố: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát. Ông khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất, đồng thời kiềm chế, không làm phức tạp tình hình.

Chia sẻ với báo giới, GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) cho rằng, trong suốt 10 năm qua, thành quả VN đạt được trong việc duy trì ổn định và hòa bình Biển Đông chính là sự đoàn kết và thống nhất; xây dựng, củng cố sức mạnh quốc phòng cùng với chính sách ngoại giao quốc phòng linh hoạt và khôn khéo. “Tôi nhấn mạnh, sự đoàn kết và thống nhất, quan điểm chính trị ngoại giao mạnh mẽ, chính là cách mà VN đã thể hiện để bảo vệ chủ quyền của mình. Nhân dân các bạn tin tưởng vào điều đó”, ông Thayer nói.

Trả lời Thanh Niên, GS Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển (Đại học Philippines), nhận định trong tương lai gần, tổng thể về Biển Đông sẽ tương đối hòa bình. Xung đột chung vẫn có nhưng hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ thiết lập được cơ chế để giải quyết. “Tôi nghĩ đó là mục tiêu cơ bản và hàng đầu mà các bên muốn đạt được, bởi vì nếu không đạt được cơ chế, khu vực sẽ trở nên bất ổn. Tôi nghĩ VN đang làm tốt trong bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng nhất là phải cương quyết bảo vệ quan điểm về chủ quyền của mình”, ông Batongbacal nói.

http://biendong.net/bi-n-nong/24654-can-hop-tac-thuc-chat-giai-quyet-tranh-chap-bien-dong.html