Tin Biển Đông – 11/08/2020
Biển Đông: Trung Quốc ‘dọa’ Philippines giống hệt cách đã dọa Việt Nam? – Quốc Phương
Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông
Trung Quốc đang sử dụng chung một chiêu bài nước lớn ‘ăn hiếp’ và ‘đe dọa’ nước nhỏ, khi vừa ‘khiêu khích, cài bẫy’ Philippines ở khu vực bãi Cỏ Rong, Trường Sa, hệt như cách vẫn ‘đe dọa’ Việt Nam lâu nay, tuy cách xử lý của Philippines có sự khác biệt, một nhà nghiên cứu chính trị quốc tế từ Sài Gòn nói với BBC News Tiếng Việt.
Biển Đông: Việt Nam cần tính đến kịch bản Trung Quốc ‘tấn công’ từ nhiều hướng?
TQ diễn tập bắn đạn thật ‘hỏa lực mạnh’ ở Biển Đông
Bình luận về động thái Phó Đô đốc Hải quân Philippines vừa lên tiếng trước truyền thông nước này kêu gọi chính quyền của tổng thống Rodrigo Duterte phản đối sự hiện diện của hai tàu nghiên cứu Trung Quốc tại một khu vực tranh chấp ở Biển Đông, qua đường ngoại giao, đồng thời nói Philippines sẽ không ‘mắc bẫy’ của Trung Quốc để nổ súng trước, hôm 11/8/2020, Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nói:
“Tôi nghĩ, qua động thái này có thể thấy Philippines đang đưa ra một cách xử lý rất sáng suốt. Có nghĩa là họ ‘chơi bài ngửa’ với Trung Quốc rằng tôi biết trước chiêu trò của anh và tôi la toáng lên với thế giới biết rằng tôi sẽ luôn cảnh giác với mọi hành động của anh.
“Điều này chúng ta cũng thấy rằng là nếu so với trước đây, Philippines luôn thể hiện ngoại giao mang tính hữu hảo của Tổng thống Rodrigo Duterte đối với chính quyền Trung Quốc, nhưng hiện nay có thể thấy rằng Philippines thực sự là cảnh giác đối với Trung Quốc.
“Họ cho rằng Trung Quốc luôn luôn có ý đồ xấu và điều này cho thấy Manila không tin tưởng những hành động của Bắc Kinh.”
“Theo tôi đây là một cách mà Philippines đã thể hiện một bước trước rằng nếu có một sự việc nào xảy ra, thì cái đó hoàn toàn là do lỗi của Trung Quốc chứ không phải là do lỗi của Philippines.
“Có thể coi đây là một hành động khá thông minh của Philippines cho cộng đồng quốc tế biết trước là Philippines sẽ hành động như thế nào.”
Trung Quốc ‘cũng làm thế’ với Việt Nam?
Cho rằng qua những gì Philippines vừa lên tiếng, có thể thấy Trung Quốc cũng áp dụng ‘nhất quán bài vở’ hay ‘chiêu trò này với Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung nói tiếp:
“Còn đối với hành động của Trung Quốc, tôi nghĩ đây cũng thể hiện quan điểm và hành động khá nhất quán của Trung Quốc trong thời gian gần đây.
“Có nghĩa là mặc dù có sự phản đối rất nhiều của các quốc gia trên thế giới, bắt đầu từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ và thậm chí là các quốc gia Asean trong đó có Việt Nam, Malaysia, Indonesia, những nước thường được coi là nhỏ, yếu hơn… bắt đầu lên tiếng phản đối Trung Quốc, thậm chí chính quyền Duterte của Philippines từng không đề cập phán quyết thắng lợi với họ ở tòa PCA năm 2016, thì bây giờ họ đề cập vấn đề đó, thì Trung Quốc vẫn không hề nao núng.
“Và bây giờ Trung Quốc vẫn thực hiện biện pháp mang tính tham vọng ở khu vực tại Biển Đông, hay đe dọa sử dụng vũ lực, quấy rối, khiêu khích, đặt bẫy các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam ở vùng biển khu vực.
“Có thể tóm lược thấy, hành động, bài vở của Trung Quốc thể hiện ở hai khía cạnh, đầu tiên là họ không bao giờ lùi bước, nao núng về tham vọng và những yêu sách, những điều được gọi là ‘bằng chứng lịch sử, pháp lý’ của họ ở trên Biển Đông.
“Và thứ hai, họ luôn luôn thể hiện rằng nếu mà có vấn đề gì xảy ra, thì thủ đoạn của họ sẽ là luôn lu loa lên rằng họ bị khiêu khích trước và cáo buộc rằng các quốc gia khác liên minh với Mỹ để ‘bắt nạt’ Trung Quốc.
“Cách thức, chiêu bài này sẽ đem lại hiệu ứng với người dân trong nước ở Trung Quốc rằng hiện tại nước này đang bị o ép bởi các nước phương Tây và đồng minh của Mỹ và khối này.”
“Đó là cách thức mà ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay gửi thông điệp cho quốc tế lẫn người dân trong nước của họ rằng Trung Quốc luôn mạnh mẽ bảo vệ yêu sách của họ ở khu vực Biển Đông và không lùi bước trước các chỉ trích gần đây về các yêu sách phi lý về chủ quyền của họ ở khu vực này.”
Đối đầu giữa tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu tuần duyên Trung Quốc trên Biển Đông năm 2014
Duterte ‘cũng có bài’ của mình?
Gần đây, Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, người được cho là đã không khai thác chiến thắng của Philippines tại phiên tòa PCA trước Trung Quốc bốn năm trước, phát biểu công khai rằng Philippines không thể so sánh được với Trung Quốc về tiềm lực, sức mạnh quân sự, nên sẽ không lựa chọn ‘đối đầu’ với Trung Quốc, mà sẽ lựa chọn biện pháp ngoại giao.
Nhân dịp này nhà nghiên cứu chính trị, bang giao quốc tế từ Sài Gòn bình luận về lựa chọn và đối sách của Tổng thống Duterte trước các tranh chấp mà Trung Quốc đặt ra với Philippines ở vùng biển khu vực.
“Các nhà phân tích chính trị không chỉ nhìn vào diễn ngôn của các nhà lãnh đạo, mà họ còn nhìn vào thực tế hành động của nhà chính trị đó.
“Có một số nhà chính trị lên tiếng rất mạnh mẽ, nhưng hành động của họ không tương xứng với những tuyên bố giống như vậy và ngược lại.
“Chính vì vậy, với các tuyên bố của ông Duterte thì tôi nghĩ rằng nhằm để phản ứng với vấn đề đối nội nhiều hơn là đối với vấn đề mang tính quan hệ quốc tế mà Philippines có điểm khó trước Trung Quốc, nhưng Tổng thống Duterte cũng có cách đi riêng của mình.
“Thường có nhiều người nói ông Duterte phải tuyên bố mạnh mẽ thì mới thể hiện được vai trò của Philippines, nhưng tôi nghĩ điều mà ông tuyên bố hay không, thì điều mà ông Duterte đã hành động thể hiện rằng ông đã tính toán kỹ rằng trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ của ông, ông có chính sách được cho là khá mềm mỏng đối với Trung Quốc và gần gũi Trung Quốc nhiều hơn.
“Mặt khác, thực chất quan hệ các quốc gia không thể chỉ nhìn vào các phát biểu dù là ‘chỉ trích’ của lãnh đạo nước này với nước khác, như trong trường hợp ông Duterte có lúc chỉ trích Mỹ, nhưng điều đó trên thực tế không ngăn cản những hiệp ước, thỏa thuận mà Philippines đã ký kết với Mỹ trong mấy năm qua.
“Tức là chính trị có những tầng sâu và đôi khi nó khác hoàn toàn về bản chất với những diễn ngôn công khai của các lãnh đạo, hay chính trị gia…
“Tuy nhiên tôi cho rằng ông Duterte cũng tính toán có một số sai lầm, mặc dù ông tỏ ra ông là một con người thực dụng, bởi vì nếu chỉ đơn thuần tính như trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ rằng tạm đẩy căng thẳng, tranh chấp trên Biển với Trung Quốc sang một bên, rồi tập trung vào đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc thì sẽ giúp kinh tế Philippines phát triển hơn.
“Nhưng điều đó không hẳn là như vậy nếu chúng ta nhìn vào các chỉ số kinh tế của Philippines trong thời gian vừa qua, phát triển thương mại giữa hai nước, hay sự đầu tư của Trung Quốc vào Philippines là khá khiêm tốn.
“Không chừng, nếu không tính toán tốt, thì Philippines tự gác bỏ một lợi thế của mình, trong khi về mặt kinh tế, thương mại lại lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và nếu không thận trọng, về mặt lâu dài sẽ phát sinh những hệ quả làm cho Philippines suy yếu. Tóm lại, nếu tính toán theo chính chủ nghĩa thực dụng, thì lợi tức, lợi ích thu được, có thể đã không nhiều, không lớn bằng những ‘chi phí’, ‘tổn phí’ mà Philippines dưới nhiệm kỳ của ông Duterte đã bỏ ra hay hy sinh để đánh đổi,” nhà phân tích nói với BBC hôm thứ Ba, từ Sài Gòn.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), đồng thời là Trưởng Bộ môn Chính trị Quốc tế thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ông chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực an ninh quốc tế, chính trị học so sánh, kinh tế chính trị quốc tế, và chính trị các cường quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53737290
Biển Đông: Hải quân Philippines cảnh báo
về sự ‘khiêu khích’ của Trung Quốc
Người đứng đầu Hải quân Philippines kêu gọi chính quyền của tổng thống Rodrigo Duterte phản đối sự hiện diện của hai tàu nghiên cứu Trung Quốc tại một khu vực tranh chấp ở Biển Đông, qua đường ngoại giao, theo SCMP.
Phó Đô đốc Giovanni Bacordo nói với Hiệp hội Phóng viên Nước ngoài của Philippines hôm thứ Hai rằng tàu Trung Quốc đã đến gần Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) “khoảng một tuần rồi” và với tốc độ “khoảng 3 hải lý/giờ”, có thể kết luận rằng các tàu này “thực hiện các cuộc nghiên cứu”.
Philippines quyết không thỏa hiệp với Trung Quốc về Biển Đông
Biển Đông: Philippines nói Trung Quốc ‘vi phạm chủ quyền và luật quốc tế’
Biển Đông: Việt Nam chèo lái ASEAN vững vàng trước Trung Quốc?
VN bị ảnh hưởng gì khi Philippines muốn ‘gần Trung, xa Mỹ’?
Ông Bacordo, 55 tuổi, cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo việc này [với Chỉ huy Lực lượng Vũ trang và Bộ Quốc phòng]… và yêu cầu đệ trình một văn bản phản đối ngoại giao.
“Chúng tôi đã kiểm tra xem các tàu này có được cấp phép vào đó hay không. Chúng tôi phát hiện ra là không có.”
Bãi Cỏ Rong là một khu vực tranh chấp, giàu năng lượng ở Biển Đông mà Philippines tuyên bố là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình – một tuyên bố đã được Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague ủng hộ vào năm 2016.
Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục tranh chấp quyền kinh tế ở khu vực này – nằm cách đảo Palawan của Philippines 85 hải lý và cách bờ biển tỉnh Hải Nam của Trung Quốc 595 hải lý. Các cuộc đàm phán nhằm phá vỡ bế tắc về một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung đang bị đình trệ.
Lời kêu gọi của ông Bacordo được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr nói rằng “theo như tôi biết thì chúng tôi đã cho dừng tất cả các cuộc khảo sát biển của tàu nước ngoài bởi vì, trong khi họ tuân theo quy tắc rằng [bất kỳ cuộc khảo sát nào] cũng phải có thủy thủ Philippines đi theo .. . [Thì các thủ thủy của chúng tôi bị đối xử] tệ: được cho ăn [không đầy đủ] và bị kìm kẹp trong bóng tối. “
Khiêu khích
Ông Bacordo nói rằng bất chấp lập trường này, các tàu của hải quân và tuần duyên Trung Quốc, cũng như các tàu đánh cá, vẫn tiếp tục “xâm phạm” vùng EEZ của Philippines và đôi khi hải quân Trung Quốc dường như đang cố gắng khiêu khích Philippines.
Ông nói rằng ngay sau khi ông đảm nhận chức vụ vào tháng Hai, một tàu hải quân của Trung Quốc đã “đánh động” một tàu hải quân Philippines, kích hoạt radar kiểm soát hỏa lực từ tàu hộ tống Conrado Yap. “Sĩ quan chỉ huy đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tự vệ” và vụ việc đã khiến Manila phải đệ trình một phản đối ngoại giao.
“Theo cách tôi phân tích, trong cuộc tranh chấp ở khu vực đó, ai bắn phát đầu tiên sẽ trở thành người thua cuộc. Vì vậy, họ sẽ làm mọi thứ để chúng tôi có hành động gây hấn. Nhưng chúng tôi phải kiên nhẫn với điều đó,” ông nói.
“Tôi chắc chắn rằng họ muốn chúng tôi khai hỏa phát súng đầu tiên nhưng chúng tôi sẽ không thực hiện. Hải quân nào nổ phát súng đầu tiên trong khu vực đó sẽ mất đi sự hỗ trợ của quốc tế.”
Ông Bacordo, phát biểu trong lần họp báo chính thức đầu tiên với các nhà báo nước ngoài, phủ nhận rằng các đơn phản đối ngoại giao đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là vô ích.
Ngoài việc đệ đơn phản đối, ông cho biết hải quân đã “tận dụng” các mối quan hệ đối tác và liên minh chiến lược của mình. Ví dụ, khi các lãnh đạo hải quân của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) hoặc Hội nghị chuyên đề về Hải quân Tây Thái Bình Dương họp, “những vi phạm” của Trung Quốc ở Biển Đông luôn được thảo luận.
Năm 2014, hội nghị chuyên đề – gồm 31 lãnh đạo hải quân bao gồm cả Trung Quốc – đã nhất trí về Bộ quy tắc cho các cuộc chạm trán ngoài kế hoạch trên biển (CUES) nhằm giảm thiểu sự cố ở vùng biển tranh chấp.
Theo CUES, khi hải quân Philippines chạm trán với tàu hải quân Trung Quốc, họ chỉ cần liên lạc với tàu này, hỏi nó đi đâu, đến từ cảng nào và ý định của tàu.
Tăng cường
Ông Bacordo cũng nói rằng một phần trong kế hoạch “tăng cường” khả năng phòng thủ của Manila là mua lại 100 ha căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Vịnh Subic và đưa trang thiết bị và người đến đó.
Ông cho biết: Vịnh Oyster ở phía bắc tỉnh Palawan cũng sẽ được phát triển như một căn cứ hải quân của Philippines.
Đảo Fuga, ở mũi phía bắc của Philippines, cũng sẽ có một đơn vị hải quân hoạt động như một “trạm giám sát”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53732866
Biển Đông: Trung Quốc gặp gió ngược
nhưng Việt Nam vẫn dè dặt
Trọng Nghĩa
Tháng 7/2020 đánh dấu một thay đổi quan trọng trong tình hình Biển Đông. Ngay sau khi chính quyền Donald Trump khẳng định trở lại, nhưng một cách mạnh mẽ hơn, lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông, nhiều nước trong và ngoài vùng, bằng cách này hay cách khác đều có tuyên bố phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển Đông Nam Á. Dứt khoát khác thường là công hàm của Úc gởi lên Liên Hiệp Quốc.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là Việt Nam, nước hiện đang ở tuyến đầu trong mặt trận chống những hành vi áp đặt yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông, sẽ phản ứng thế nào trước những chuyển biến trên đây, được cho là rất có lợi cho Hà Nội.
Trong bài phân tích “Phản ứng của Việt Nam trước những thay đổi trong cách Mỹ tiếp cận Biển Đông”, đăng ngày 03/08/2020 trên trang mạng của trung tâm tham vấn Mỹ Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại CFR (Council on Foreign Relations), chuyên gia Lê Thu Hường, thuộc viện nghiên cứu Úc ASPI, đã ghi nhận thái độ khá thận trọng của Việt Nam trước các chuyển biến mới đây trong vấn đề Biển Đông.
Mỹ: Từ trung lập sang cáo buộc các hành vi “phi pháp” của Trung Quốc
Đối với tác giả bài phân tích, yếu tố quan trọng nhất cần phải chú ý trong tình hình Biển Đông hiện nay là sự kiện Hoa Kỳ đã thay đổi thái độ, chuyển từ một quan điểm trung lập cứng ngắt, không đứng về bên tranh chấp nào, sang một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, bác bỏ các yêu sách biển của Bắc Kinh bị xem là quá đáng và bất hợp pháp.
Theo chuyên gia Lê Thu Hường, chính quyền Donald Trump đã phản bác các yêu sách của Trung Quốc, căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS năm 1982, cũng như phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016 phủ nhận tính hợp pháp của các yêu sách trong “đường lưỡi bò” Trung Quốc.
Tác giả đặc biệt ghi nhận lời lẽ cứng rắn ngày 13/07 của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong bản tuyên bố “Quan điểm của Mỹ về tranh chấp ở Biển Đông – U.S. Position on Maritime Claims in the South China Sea.” ghi nhận rằng Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý muốn lên vùng” và các đòi hỏi của Trung Quốc “không có bất kỳ cơ sở nào trong luật quốc tế”.
Thông cáo của ngoại trưởng Mỹ đã được trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, David Stillwell, cụ thể hóa thêm sau đó nhân hội nghị lần thứ 10 về Biển Đông tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, đả kích các hành vi của Trung Quốc phớt lờ quyền của các láng giềng Đông Nam được tiếp cận với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Úc: Lâp trường ủng hộ Mỹ một cách rõ rệt
Quan điểm mạnh bạo của Úc cũng được chuyên gia Lê Thu Hường nhấn manh, nhắc lại nội dung công hàm mà Canberra gởi đến Liên Hiệp Quốc ngày 23/07.
Ngoài các từ ngữ rất giống với thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ. thời điểm Úc gởi công hàm rất đáng chú ý vì diễn ra trước cuộc họp bộ trưởng Mỹ-Úc2+2 tại Washington, gồm ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Úc Marise Payne, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và đồng nhiệm Úc Linda Reynolds.
Văn kiện Úc cũng được công bố ngay sau khi Canberra đưa ra một bản cập nhật chiến lược mới (Strategic Update 2020 and Force Structure Plan), nhắm điều chỉnh hướng đi cho tương ứng với mối đe dọa ngày càng cao đến từ Trung Quốc.
Theo chuyên gia Lê Thu Hường chuyển biến lập trường gần đây tại Washington và Canberra không mới lạ mà cũng không đáng ngạc nhiên. Mỹ và Úc chỉ khẳng định lại quan điểm với ngôn từ dứt khoát hơn mà hai nước từng có liên quan đến phán quyết 2016.
Tuyên bố của Mỹ và Úc: Một cái mốc quan trọng trong vấn đề Biển Đông
Trong chiều hướng quan hệ đang xấu đi của hai nước này với Trung Quốc, những tuyên bố mới của Mỹ và Úc dù không có gì là đột ngột, nhưng đã đánh dấu một cái mốc quan trọng liên quan đến Biển Đông, bác bỏ một cách rõ ràng hơn yêu sách của Trung Quốc và hậu thuẫn công khai cho vai trò của luật quốc tế.
Tuy nhiên, chuyên gia Úc đã thấy rằng các nước Đông Nam Á đã có phản ứng khác nhau trước các thông báo của Mỹ và Úc, có một số ít công khai và trực tiếp nêu lên những thông cáo, và một vài nước khác thì lại cho rằng quan điểm có vẻ mới của Mỹ thật ra không phải là để đề cao luật quốc tế, mà là để leo thang căng thẳng với Trung Quốc.
Việt Nam: Hoan nghênh Mỹ-Úc, nhưng thận trọng trước Trung Quốc
Về phản ứng của Việt Nam, tiến sĩ Lê Thu Hường ghi nhận rằng những diễn biến kể trên đã được chính phủ Việt Nam hoan nghênh, mặc dù phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn giữ thái độ thận trọng khi phản ứng trước các động thái của Hoa Kỳ và Úc.
Có nhiều lý do để Việt Nam phấn khởi trước việc Mỹ và Úc thay đổi giọng điệu về Biển Đông. Với việc các quốc gia Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Philippines và Malaysia thường tránh chỉ trích công khai các hành động của Trung Quốc, Việt Nam ngày càng cảm thấy bị cô lập trong khu vực.
Ngoài ra, vào lúc toàn thế giới bị dịch Covid-19 chi phối, và các quốc gia Đông Nam Á bị Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề, những nỗ lực gần đây của Việt Nam nhằm đánh động quốc tế về những điều mà Việt Nam xem là hành vi sách nhiễu và bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông có vẻ như vô hiệu, ít ra là cho đến gần đây.
Trong bối cảnh không có gì có thể kềm hãm các hành vi của Bắc Kinh, Việt Nam đã bị thiệt hại cả về chiến lược và kinh tế. Một ví dụ cụ thể: Áp lực liên tục của Bắc Kinh và những hành vi của Trung Quốc nhằm giới hạn các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong các vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, theo một ước tính, đã khiến cho Việt Nam bị thiệt hại khoảng 1 tỷ đô la.
Tuy nhiên, việc Hà Nội hoan nghênh các cách tiếp cận cứng rắn hơn của Hoa Kỳ và Úc đối với Biển Đông không nhất thiết có nghĩa là Việt Nam sẽ tranh thủ cơ hội này để khởi động các vụ kiện đã được xem xét từ lâu nhằm chống lại Trung Quốc, hoặc thậm chí đẩy nhanh tiến độ hình thành một quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ trên nền tảng quan hệ đối tác toàn diện hiện có.
Hà Nội sẽ tránh đưa ra những quyết định lớn cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngã ngũ, thế nhưng, theo tác giả bài phân tích, Việt Nam vẫn hy vọng rằng các tuyên bố mới của Hoa Kỳ và Úc là dấu hiệu phản ánh một cam kết rõ ràng của hai cường quốc này sẽ dấn thân mạnh mẽ hơn vào hồ sơ Biển Đông.