Tin Biển Đông – 11/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 11/07/2017

Một năm sau phán quyết Biển Đông,

Philippines tiếp tục đàm phán với Trung Quốc

Thụy My

Dinh tổng thống Philippines hôm nay 11/07/2017 khẳng định đàm phán giữa Manila và Bắc Kinh về tranh chấp ở Biển Đông đang diễn tiến tốt đẹp, và đó là bằng chứng về sự tiến triển trong quan hệ đôi bên. Tuyên bố này được đưa ra vào dịp kỷ niệm một năm phán quyết Biển Đông của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye (PCA).

Phát ngôn viên tổng thống, ông Ernesto Abella, được báo trên mạng Rappler.com trích dẫn, cho biết : « Một năm sau phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, nay Philippines và Trung Quốc đang đối thoại ». Theo quan chức này, trong cuộc đàm phán song phương đầu tiên hồi tháng Năm, hai bên đã tái khẳng định « cam kết hợp tác và tìm ra phương cách củng cố lòng tin trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông ».

Manila và Bắc Kinh đã « trao đổi quan điểm về các vấn đề thời sự liên quan », đồng ý gặp lại vào nửa cuối năm 2017 để thảo luận về « các phương pháp mà đôi bên đều có thể chấp nhận được » nhằm giải quyết tranh chấp trên biển.

Được hỏi các cuộc thương lượng có đề cập đến hoàn cảnh của những ngư dân, hiện chưa biết họ có thể hành nghề tại vùng biển bị Trung Quốc yêu sách hay không, ông Abella nói rằng đây là một vấn đề được nêu ra trong các cuộc họp.

Ngày mai 12/7 là đúng một năm sau chiến thắng của Philippines trước Trung Quốc tại Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, với phán quyết khẳng định đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vạch ra để đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông là « bất hợp pháp ».

Tuy nhiên tổng thống Rodrigo Duterte đã đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm Benigno Aquino, tỏ ra thân thiện với Bắc Kinh. Mặc cho tình bạn mới mẻ này, bản thân ông Duterte đã thừa nhận chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đe dọa sẽ gây chiến nếu Phillippines tiếp tục dựa vào phán quyết của Tòa Trọng Tài.

Ông Duterte cũng đã nhiều lần cúi đầu dưới áp lực của Trung Quốc, như phải « chỉnh » lại các phát biểu của cựu ngoại trưởng Perfecto Yasay Jr, từ bỏ lời thề sẽ đến thăm đảo Thị Tứ ở Trường Sa (Manila gọi là đảo Pagasa) vào ngày quốc khánh, và để cho Bắc Kinh lũng đoạn trong dịp Philippines làm chủ tịch luân phiên hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170711-mot-nam-sau-phan-quyet-bien-dong-philippines-tiep-tuc-dam-phan-song-phuong-voi-trung

 

Biển Đông : Việt Nam tìm hậu thuẫn từ Ấn Độ

Thanh Phương

Nhân cuộc họp thường niên giữa ASEAN với Ấn Độ, mang tên Đối thoại New Delhi, vào tuần trước, trang mạng The Interpreter của Viện Lowy, một viện nghiên cứu của Úc, đã có bài viết về việc Việt Nam đang tìm hậu thuẫn từ Ấn Độ trên Biển Đông, vào lúc mà tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này có vẻ đang khiến quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh căng thẳng trở lại.

The Interpreter nhắc lại tuyên bố của bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh tại Đối thoại New Delhi ngày 04/07/2017 rằng Việt Nam “hy vọng Ấn Độ sẽ tiếp tục là một đối tác trong nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh chiến lược và tự do hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và các công ước”. Ông Phạm Bình Minh còn bày tỏ tin tưởng rằng “ ASEAN sẽ hưởng lợi từ kinh nghiệm của Ấn Độ, giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.”

Theo The Interpreter, việc Hà Nội kêu gọi New Delhi đóng vai trò quan trọng hơn ở Đông Nam Á và Biển Đông là điều không hoàn toàn bất ngờ. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam kêu gọi hậu thuẫn từ một quốc gia không có những lợi ích trực tiếp trong khu vực. Cách đây vài tháng, Hà Nội đã ra một lời kêu gọi tương tự đến Hàn Quốc, tuy nước này chưa phải là một “đối tác chiến lược” của Việt Nam.

Vài ngày sau tuyên bố nói trên của ông Phạm Bình Minh, Việt Nam đã triển hạn thêm 2 năm cho công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh thăm dò tại một lô dầu khí của Việt Nam nằm trong một khu vực tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Công ty dầu khí này đã ký hợp đồng thăm dò dầu khí ở lô 128 từ năm 2006. Đến năm 2012, ONGC Videsh đã rút khỏi khu vực đó. Họ khẳng định đây là một quyết định mang tính thương mại, nhưng nhiều người ở Việt Nam lúc ấy tin rằng quyết định đó là do áp lực của Trung Quốc.

The Interpreter nhắc lại rằng trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Narendra Modi vào năm ngoái, Việt Nam đã tuyên bố Ấn Độ là “đối tác chiến lược toàn diện”, mức cao nhất trong quan hệ giữa Việt Nam với nước ngoài.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ cho rằng các quan hệ đối tác của Ấn Độ với các Đông Á như Việt Nam có thể giúp trì hoãn việc Trung Quốc triển khai sức mạnh hải quân sang vùng Ấn Độ Dương. Quan hệ đối tác với Ấn Độ cũng rất quan trọng đối với Việt Nam, vì Hà Nội xem các hoạt động hải quân của những cường quốc như Ấn Độ và Hoa Kỳ là rất cần thiết trước mối đe dọa Trung Quốc.

Việt Nam vẫn hoan nghênh mọi hành động cụ thể hoặc những tuyên bố về bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, vì những hành động hoặc tuyên bố này có thể giúp ngăn chận Trung Quốc có những hành động xâm lấn hoặc những hành động khác như vụ giàn khoan 981 năm 2014. Vào lúc đó, Trung Quốc đã đặt giàn khoan này ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, gây ra khủng hoảng giữa hai nước và khiến dư luận Việt Nam phẫn nộ, dẫn đến nhiều vụ biểu tình dữ dội phản đối Bắc Kinh.

Hiện nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông, nhưng hợp tác hàng hải và những hỗ trợ tài chính từ những cường quốc như Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam ít ra bảo vệ được những vị trí của mình ở vùng biển này.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170711-chu-de-muc-moi-ngay-mot-su-kien-bien-dong-viet-nam-tim-hau-thuan-tu-an-do