Tin Biển Đông – 11/04/2017
Tàu chiến Nhật thăm cảng Cam Ranh
Chiếc tàu chiến Nhật Bản Fuyuzuki vào ngày 11 tháng tư đến cảng Cam Ranh bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tại đó.
Tin cho biết tàu Fuyuzuki trong thời gian thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam từ ngày 11 đến ngày 15 tháng tư, thủy thủ đoàn trên tàu có những cuộc viếng thăm chào hỏi Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Chỉ huy vùng 4 hải quân Việt Nam, thăm tàu hải quân Việt nam, và thi đấu bóng chuyền với thủy thủ Việt Nam.
Tàu Fuyuzuki là một tàu khu trục dùng để hộ tống các tàu chở trực thăng, và các tàu mang hỏa tiễn. Nhiều trang thiết bị trên tàu Fuyuzuki được cải tiến rất hiện đại như hệ thống radar, và hệ thống chống thủy lôi. Đặc biệt là tàu này có một hệ thống bắn hỏa tiễn loại RIM-162 của Mỹ, dùng để chống lại các hỏa tiển hành trình diệt chiến hạm.
Xin được nhắc lại là cảng Cam Ranh của Việt Nam là một cảng tự nhiên rất thuận lợi cho các hạm đội hải quân, và cảng này nằm rất gần con đường thương mại tấp nập nhất thế giới đi xuyên qua biển Đông.
Trong quá khứ Cam Ranh từng là căn cứ quân sự của Mỹ, rồi Liên Xô. Hiện nay Việt Nam tuyên bố rằng cảng Cam Ranh là một cảng quốc tế, sẽ không được dùng làm căn cứ quân sự cho bất cứ quốc gia nào khác ngoài Việt Nam. Thời gian gần đây Cam Ranh đã đón nhiều chiến hạm của các quốc gia khác nhau như Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Úc, Trung Quốc, và Nhật Bản.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/japan-war-ship-visit-cam-ranh-bay-04112017094330.html
Philippines nói củng cố chứ không quân sự hóa ở Biển Đông
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 10 tháng 4 loan báo lệnh của ông cho quân đội củng cố những khu vực do Manila kiểm soát tại Biển Đông là để cân bằng địa chính trị, đồng thời đảm bảo với Trung Quốc là “không có vũ khi tấn công” được đặt ở đây.
Ông Duterte nói Philippines muốn hòa bình và hữu nghị với Trung Quốc nhưng nước ông cần củng cố lãnh thổ kiểm soát tại quần đảo Trường Sa vì “các nước đều chiếm” các đảo và bãi cạn trong vùng biển tranh chấp.
Tổng thống Philippines thứ năm tuần trước ‘rung chuông báo động’ các nước kể cả Bắc Kinh, khi tuyên bố đã ra lệnh quân đội chiếm các đảo nhỏ không người và những bãi cạn mà Philippines tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa.
Các giới chức Philippines sau đó nói kế hoạch nhằm nâng cấp các cơ sở hiện có và không chiếm đóng lãnh thổ mới.
Ông Duterte phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng ông ra lệnh triển khai quân đội ra 9, 10 đảo gần bờ biển của Philippines vì đang có căng thẳng trong những vấn đề địa chính trị và có thể có chiến tranh tại đây.
Ông nói Philippines sẽ không tham gia vào hành động củng cố vị thế quân sự, nhưng Hoa Kỳ sẽ làm.
Ông Duterte đã đảo ngược chính sách ngoại giao của Philippines bằng cách hướng về Trung Quốc và chống đối mạnh mẽ đồng minh truyền thống Hoa Kỳ. Ông Duterte muốn Trung Quốc là nhà đầu tư chính tại Philippines.
Ông Duterte đổ lỗi cho Washington gây nên tình hình căng thẳng hiện nay vì không can thiệp để ngăn Trung Quốc xây dựng và vũ trang các đảo nhân tạo tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Ông ít khi chỉ trích Trung Quốc về những hành động của nước này tại Biển Đông và ngày 10/4 ông nhấn mạnh là bất cứ hành động trong tương lai nào của Philippines tại Trường Sa sẽ không có tính cách thù nghịch.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc , Hoa Xuân Oánh, nói tại buổi họp báo thường kỳ là “có liên lạc chặt chẽ và hữu hiệu” giữa Bắc Kinh và Manila.
Bà nói: “Chúng tôi hy vọng Philippines có thể tiến tới với Trung Quốc và tiếp tục xử lý thỏa đáng các tranh chấp và tạo ra một bầu không khí thuận lợi.”
http://www.voatiengviet.com/a/philippines-noi-cung-co-chu-khong-quan-su-hoa-bien-dong-/3805054.html