Tin Biển Đông – 11/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 11/03/2020

Cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và TQ ở Biển Đông

 trong 3 năm qua: Từ các tuyên bố đến diễn biến

trên thực địa và đối sách cho ASEAN

Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp với các hoạt động cơ động lực lượng của nước Mỹ nhằm đối phó với những diễn biến chiến lược do các hoạt động của hải quân và tàu dân sự của Trung Quốc gây ra trong vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc với bốn nước ASEAN. “Chương trình” bảo đảm quyền tự do hàng hải của Hải quân Mỹ có qui mô toàn cầu nhằm ngăn ngừa những yêu sách chủ quyền biển thái quá của nhiều quốc gia.

Từ năm 2017, Hải quân Mỹ đã tăng cường các hoạt động vào khu vực Châu Á, trong đó có Biển Đông cũng như cử các chiến hạm của mình tham gia các cuộc tập trận trên biển nhằm tăng cường quan hệ với lực lượng vũ trang các nước trong khu vực. Đối với Trung Quốc, ngoài các hoạt động nhằm mục đích chiến lược, Trung Quốc cũng muốn tạo ra các mối quan hệ thân thiện hơn với ASEAN nói chung và từng nước thành viên nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình đối với việc cai quản các vùng biển đang có tranh chấp. Các nước có yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần Biển Đông bao gồm: Brunei, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Việt Nam. Đứng trước sự cạnh tranh giữa hai Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn, các nước ASEAN đang cố gắng giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao, không đứng về phía nào.

Thứ nhất, hoạt động của Mỹ bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông

Mỹ vẫn duy trì sự có mặt quân sự mạnh nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhưng các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông chủ yếu được tiến hành dưới dạng gọi là “bảo đảm quyền tự do hàng hải” (FONOP), theo đó, các chiến hạm của Hải quân Mỹ chạy gần các đảo hay bãi đá mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền để chứng tỏ Mỹ luôn coi đó là vùng biển quốc tế. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017-2018, Hải quân Mỹ đã tiến hành chín hoạt động như vậy. Một phần trong các hoạt động này của Hải quân Mỹ là tiến hành các cuộc tập trận với hải quân các nước trong khu vực xung quanh các vùng biển thuộc khu vực tranh chấp. Hoạt động FONOP đầu tiên trong năm 2019 được tiến hành trong những ngày đầu tháng 1/2019, khi tàu khu trục trang bị tên lửa lớp “Arleigh Burke” chạy gần các đảo tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan trên Biển Đông. Tàu khu trục McCamp Bell chạy trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa nhằm “thách thức” yêu sách chủ quyền thái quá của Trung Quốc. Theo lời người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương, hành động này không nhằm vào nước nào, cũng không hàm ý một tuyên bố chính trị. Tuy nhiên, thời điểm tuyên bố này được phát ra ngay vào lúc cuộc thương lượng về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh, vòng đàm phán trực diện đầu tiên kể từ khi hai bên ký thỏa thuận tạm ngừng cuộc chiến tranh thương mại 90 ngày, một cuộc chiến tranh đã làm chao đảo các thị trường quốc tế.

Vào tháng 2/2019, hai tàu khu trục là Spruance và Preble của Hải quân Mỹ đã đi vào trong vùng biển 12 hải lý xung quanh quần đảo Trường Sa. Hoạt động FONOP lần này được tiến hành xung quanh Đá Vành khăn, một rạn san hô phía Đông quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã bồi đắp thành một đảo có đường băng cho máy bay và xây dựng cơ sở quân sự. Nhìn thấy trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, FONOP tuân thủ luật quốc tế và các lực lượng Mỹ thường xuyên hoạt động trong hải phận và không phận quốc tế.

Vào tháng 3/2019, chiến hạm Blue Ridge đã ghé thăm Vịnh Manila ở Philippines, biểu hiện mới nhất khẳng định liên minh chặt chẽ giữa Mỹ và Philippines. Theo phát biểu của Tư lệnh Hạm đội 7, chiến hạm Mỹ ghé thăm Manila thể hiện “quyết tâm chung trong việc duy trì quyền tự do hàng hải trong vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Sau chuyến ghé thăm cảng, chiến hạm Blue Ridge tiếp tục tiến

về đảo Langkawi (Malaysia) để cùng với chiến hạm Preble tham dự cuộc triển lãm hàng hải và hàng không vũ trụ quốc tế ở Langkawi (Langkawi International Maritime and Aerospace-LIMA).

Trong một loạt sự kiện mới diễn ra trên Biển Đông, Mỹ đã cử tàu đổ bộ tiến công USS Wasp tới gần Bãi cạn Scarborough, một rạn san hô ở vị trí có tầm quan trọng chiến lược mà cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền, chỉ cách bờ biển Philippines 230 km và cách bờ biển Đông Nam Trung Quốc 1.000 km. Các ngư dân địa phương đã nhìn thấy máy bay liên tục hạ và cất cánh từ chiếc tàu đổ bộ này. Tuy người phát ngôn quân sự Mỹ không khẳng định, cũng không phủ nhận sự hiện diện của chiếc tàu đổ bộ ở đó nhưng xác nhận rằng chiến hạm USS Wasp có tham gia huấn luyện với Hải quân Philippines trong Vịnh Subic và vùng biển quốc tế trên Biển Đông trong một số ngày. Chiến hạm USS Wasp đã tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines mang tên “Balikatan 2019” kéo dài từ ngày 1-12/4/2019 nhằm nâng cao khả năng bảo đảm an ninh hàng hải và tác chiến đổ bộ đường biển, cũng như khả năng tương tác đa quốc gia thông qua các hoạt động giao lưu quân sự. Chỉ riêng sự có mặt của chiến hạm và máy bay Mỹ trên Biển Đông cũng là dấu hiệu đủ để thu hút sự chú ý của Trung Quốc, vì đó là lần đầu tiên cuộc tập trận hàng năm mang tên Balikatan có sự tham gia của Mỹ bằng chiến hạm Wasp cùng với máy bay tiêm kích tàng hình F-35B “Lightning II” của Hải quân đánh bộ Mỹ. Người phát ngôn quân sự Mỹ nói rằng, sự hiện diện của cả hai phương tiện chiến lược này chứng tỏ Mỹ tăng cường khả năng quân sự, quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải và quyền lui tới vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Không chỉ nước Mỹ tiến hành diễn tập bảo vệ quyền tự do hàng hải. Ngày 31/8/2018, tàu đổ bộ “Albiom” cỡ 22.000 tấn của Hải quân Hoàng gia Anh chở một phân đội Hải quân đánh bộ Hoàng gia đã đi quanh vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Lúc này, chiếc Albion đang trên đường tới thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam sau một đợt triển khai hoạt động ở Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố Trung Quốc phản đối hành động của chiến hạm Albion của Hải quân Hoàng gia Anh là vi phạm luật quốc tế và xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, người phát ngôn của Hải quân Hoàng gia Anh nói rằng chiếc Albion thực hiện quyền tự do hàng hải theo đúng các quy định và luật Quốc tế.

Thứ hai, những hành vi, biện pháp đối phó của TQ

Từ Bộ Quốc phòng, sự có mặt của các chiến hạm Mỹ trên Biển Đông hiển nhiên là nguyên nhân khiến Trung Quốc lên tiếng phản đối. Bắc Kinh cho rằng các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Trong thời gian Mỹ tiến hành các hành động FONOP hồi tháng 1/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố hành động của chiến hạm Mỹ đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và vi phạm luật pháp quốc tế và Trung Quốc “cương quyết phản đối”, “chúng tôi (Trung Quốc) yêu cầu phía Mỹ lập tức chấm dứt kiểu hành động khiêu khích này” và nói thêm rằng Trung Quốc đã cho chiến hạm và máy bay ra xác định và cảnh báo chiến hạm Mỹ.

Khi được hỏi về việc Mỹ tiến hành hoạt động này vào lúc đang diễn ra cuộc đàm phán về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Lục Khảng nói việc giải quyết vấn đề này sẽ có lợi cho cả hai nước và thế giới. “Cả hai bên đều có trách nhiệm không tạo không khí tiêu cực cần thiết cho việc giải quyết những vấn đề này”. Tuy nhiên, Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược và thường lên tiếng phản đối Mỹ và các nước đồng minh về việc tiến hành các hoạt động thực hiện quyền tự do hàng hải gần các đảo do Trung Quốc chiếm đóng.

Trung Quốc từng tìm cách ngăn chặn các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông. Năm 2018, một chiến hạm của Hải quân Trung Quốc đã ngăn chặn một tàu khu trục của Hải quân Mỹ khi chiến hạm này đang tiến hành hoạt động quyền tự do hàng hải trong Quần đảo Trường Sa khi tiến sát đến mức mà Hải quân Mỹ nói là chỉ còn cách mũi chiến hạm Mỹ 40 “foot” (khoảng 12m), khiến chiến hạm Mỹ phải vòng tránh; nếu không có lẽ hai chiến hạm đã đâm vào nhau. Hoạt động FONOP tiến hành hồi tháng 2/2019 chủ yếu diễn ra trên vùng biển xung quanh “Đá Vành Khăn”. Hải quân Trung Quốc đã cảnh cáo, xua đuổi hai chiếc tàu khu trục Spruance và Preble của Hải quân Mỹ khi hai chiến hạm này tiến gần các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, quần đảo mà tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố “Những hành động của các chiến hạm Mỹ đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự trong các vùng biển liên quan.

Từ Bộ Ngoại giao và học giả, các tuyên bố ngoại giao của Trung Quốc cho rằng nước này luôn luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải… nhưng kiên quyết phản kháng bất kỳ nước nào lợi dụng danh nghĩa đó để xâm phạm chủ quyền và an ninh của các nước ven biển” và cho rằng tàu đổ bộ USS Wasp của Hải quân Mỹ triển khai hoạt động gần bãi cạn Scarborough đụng chạm đến lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở vùng biển này. Theo các chuyên gia, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough (Trung

Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) vì rạn san hô vòng này có vị trí chiến lược quan trọng, có thể giúp Trung Quốc tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông. Kiểm soát hoàn toàn bãi cạn này, Trung Quốc có thể tạo được một “tam giác chiến lược”, gồm Đảo Phi Lâm trong Quần đảo Hoàng Sa ở phía Tây Bắc đến những tiền đồn trên các đảo nhỏ thuộc Quần đảo Trường Sa ở phía Nam, nhờ đó Bắc Kinh có thể kiểm soát “vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông. Một số chuyên gia cho rằng với tam giác chiến lược đó, Trung Quốc sẽ có thể bao quát toàn khu vực bằng ra đa, tên lửa và máy bay, có thể “đảo ngược thế cờ” trong quan hệ cường quốc khu vực.

Khuyến nghị phản ứng và chính sách cho ASEAN

Bất cứ quyết định nào của Trung Quốc về việc dùng vũ lực chiếm một tập hợp bãi đá, bãi ngầm để cải tạo thành đảo đều rất có thể sẽ vấp phải sự phản kháng của Mỹ, Philippines và các nước khác.

Các nước thành viên ASEAN đang “chơi con bài” ngoại giao trong hàng loạt sự kiện, dù rằng họ chịu sức ép trong cuộc tranh chấp quyền lực giữa các nước siêu cường. Theo các nguồn tin ngoại giao và các nhà quan sát, các hoạt động duy trì quyền tự do hàng hải do Mỹ và các nước đồng minh trên Biển Đông đã làm trầm trọng thêm thế lưỡng nan của ASEAN giữa Trung Quốc và Mỹ.

Nhiều người cho rằng các hoạt động thường xuyên hơn của Hải quân Mỹ và các nước đồng minh trong các vùng biển tranh chấp có thể góp phần củng cố những quy định theo luật quốc tế đối với chương trình xây dựng các công trình quân sự trong các vùng biển tranh chấp. Nhưng họ không tin rằng những hoạt động đó sẽ có tác dụng đủ để ngăn chặn những yêu sách lãnh thổ mang tính gây hấn của Trung Quốc và các nước nhỏ lo ngại họ có thể phải trả giá cho những hành động của Mỹ.

Những diễn biến gần đây cũng làm cho các nước trong khu vực này lâm vào thế kẹt giữa hai cường quốc. Các nhà phân tích cho rằng, tuy việc tăng cường các hoạt động của Mỹ và các nước đồng minh bao gồm cả Australia, Anh và Pháp, có thể có tác dụng làm giảm phần nào các hoạt động gây hấn nhưng khó có thể ngăn chặn Trung Quốc. Một chuyên gia cho rằng một cuộc đối thoại ASEAN – Mỹ về Bộ Quy ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có thể giúp cho việc xác định và làm rõ những điểm cùng quan tâm, tương đồng hay bổ trợ nhau ở Biển Đông để trong những cuộc thương lượng tiếp theo với Trung Quốc, ASEAN có thể nhận thức rõ hơn và cân nhắc những mối quan tâm của khu vực và bên ngoài khu vực trong quá trình thương lượng. Đó cũng có thể là cơ hội để ASEAN và Mỹ xác định rõ vai trò tương ứng của nhau và phương hướng ứng phó với Trung Quốc. Nhưng điều này cũng có nghĩa là các nước ASEAN cần có cách ứng xử cân bằng “tế nhị” hơn. Theo nhà phân tích này, “ở chừng mực nào đó, điều này có thể có tác dụng, dựa trên giả định rằng các nước ASEAN ít nhất có thể có chỗ dựa là các cường quốc ngoài khu vực và không nhất thiết phải chịu nhượng bộ trước những yêu sách của Trung Quốc liên quan đến COC”.

Tuy nhiên, các nước ASEAN sẽ nhất thiết phải xem xét không chỉ cam kết của các cường quốc bên ngoài đối với khu vực, điều mà một số người nhận thấy ở chính quyền Mỹ hiện thời có lẽ là rất mong manh, mà cả các mối quan hệ lâu dài giữa họ với Trung Quốc, nước láng giềng kề cận có nhiều mối quan hệ kinh tế quan trọng. Hồi tháng 02/2019, Tư lệnh Hải quân Mỹ là Đô đốc Philip Davidson phát biểu rằng: Ông mong muốn các nước đồng minh và đối tác tiếp tục trợ giúp nước Mỹ ở Biển Đông “trong những tháng tới” và nước Mỹ đang giúp ASEAN trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc về COC mà từ lâu Trung Quốc đã coi đó là một cách giảm đối đầu trong các vùng biển tranh chấp.

Ngày 08/3/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng ngày càng có nhiều nước ASEAN tán thành đề xuất về việc đẩy nhanh tiến độ các cuộc thương lượng nhằm tiến tới hiệp ước Biển Đông. Bên lề các cuộc họp của ngành lập pháp ở Bắc Kinh, Vương Nghị nói bản thân các nước trong khu vực cần đề ra và tôn trọng COC. Vượng Nghị nói, “Chúng tôi hoan nghênh ý kiến đóng góp thiện chí nhưng không chấp nhận sự bôi nhọ chính trị hay can thiệp. Các nước trong khu vực nên tự mình quyết định vấn đề hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Các cuộc thương lượng về COC nhằm đề ra những chuẩn mực về cách ứng xử trong các vùng biển tranh chấp đã bắt đầu từ tháng 3/2017 sau khi thông qua văn kiện khung cho COC.

http://biendong.net/bien-dong/33468-canh-tranh-anh-huong-giua-my-va-tq-o-bien-dong-trong-3-nam-qua-tu-cac-tuyen-bo-den-dien-bien-tren-thuc-dia-va-doi-sach-cho-asean.html

 

Cuộc triển chạy đua công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)

 giữa các nước lớn trên thế giới

và khu vực Biển Đông hiện nay

Trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ vũ khí trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển và là lực lượng tác chiến với loại hình mới, tính chất mới, sẽ làm thay đổi quy luật, phương thức tác chiến chiến tranh. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ đang tích cực chạy đua trong lĩnh vực AI và Biển Đông cũng không nằm ngoài xu thế này.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã phát triển vô cùng nhanh chóng. Là công nghệ mũi nhọn chiến lược, trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người đều được ứng dụng công nghệ này, đồng thời trở thành động lực quan trọng khiến cách mạng khoa học công nghệ, cách mạng sản xuất và cách mạng quân sự mới liên tục đi vào chiều sâu, phát triển đan xen lẫn nhau. Trí tuệ nhân tạo sẽ nâng cao rất nhiều tính năng, hiệu quả tác chiến của vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự, làm thay đổi phương thức tác chiến và hình thái chiến tranh trong tương lai. Khi cuộc cách mạng tin học hóa đi vào chiều sâu, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong lĩnh vực quân sự mới như: Nhận biết tình thế, xử lý thông tin, chỉ huy điều khiển, hỗ trợ quyết sách, tăng cường hệ thống tác chiến tự động, tiềm năng con người.

Những cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc đều coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ mũi nhọn chiến lược có tiềm năng ứng dụng nhiều nhất vào lĩnh vực quân sự, nhanh chóng nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị thông minh hóa, đồng thời có ý đồ thông qua triển khai cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự để chiếm ưu thế trong cuộc chạy đua quân sự quyết liệt.

Mỹ coi trí tuệ nhân tạo là trụ cột quan trọng để giữ ưu thế quân sự, giữ quyền chủ đạo cuộc chạy đua nước lớn, duy trì địa vị bá chủ toàn cầu. Thông qua đổi mới công nghệ và đổi mới lý luận, phát triển công nghệ mang tính cách mạng, nhằm triệt tiêu sức mạnh quân sự đang tăng lên nhanh chóng của Trung Quốc, Nga,… Trí tuệ nhân tạo, hệ thống tự động hóa, mini hóa, dữ liệu lớn (big data), chế tạo vật liệu mới,… được xác định là các lĩnh vực phát triển trọng điểm. Gần đây, Mỹ đã đưa dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, hệ thống năng lượng mini, vũ khí năng lượng cao, nâng cấp tiềm năng con người,… là những ngành công nghệ then chốt để duy trì ưu thế quân sự của Mỹ.

Nga coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ then chốt để hiện đại hóa vũ khí trang bị. Trong “Chủ trương phát triển vũ khí quốc gia 2018-2025” do Nga công bố năm 2017, việc nghiên cứu phát triển và trang bị vũ khí trí tuệ nhân tạo được đưa vào nội dung trọng điểm, bao gồm hệ thống phòng thủ trên không và trên vũ trụ, lực lượng hạt nhân chiến lược, hệ thống thông tin liên lạc, trinh sát, chỉ huy điều khiển, trang bị tác chiến điện tử, máy bay không người lái, rô-bốt, hệ thống phòng hộ cá nhân người lính,… Hệ thống tác chiến tự hoạt được coi là trọng điểm phát triển của vũ khí trang bị trí tuệ nhân tạo. Căn cứ theo yêu cầu “Kế hoạch tổng hợp các dự án chuyên ngành phát triển trang bị kỹ thuật rô-bốt quân sự tiên tiến năm 2025”. Điển hình sự phát triển và sử dụng trong thực tiễn tác chiến của xe không người lái có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như: Trinh sát tầm xa, xử lý thông tin tình báo, rà phát mìn và chướng ngại vật, tiến công hỏa lực,…

Cùng với công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng hoàn thiện và kinh nghiệm sử dụng trong thực tiễn chiến đấu được tích lũy phong phú cùng khả năng nâng cao đáng kể năng lực tác chiến, vũ khí trang bị sử dụng trí tuệ nhân tạo trở thành trang bị vũ khí tác chiến chủ yếu. Trong tương lai, nhiệm vụ tác chiến ở mặt trận dưới nước phần lớn sẽ do hệ thống tác chiến không người lái đảm nhiệm, tàu ngầm chủ yếu sẽ chỉ là phương tiện chuyên chở, phóng thả (thu hồi) và là trung tâm chỉ huy tác chiến dưới nước, không trực tiếp tham gia tác chiến. Trong điều kiện tác chiến trên không, hệ thống quản lý chiến đấu gắn trên máy bay được phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo có thể nhận biết tình thế chính xác hơn, nhanh chóng hơn, phản ứng nhanh nhạy hơn, lựa chọn chiến thuật, quản lý và sử dụng vũ khí hiệu quả hơn so máy bay có người lái. Thực tiễn trên chiến trường Syria, Quân đội Nga đã đưa vào sử dụng xe tác chiến không người lái (UGV) và máy bay không người lái (UAV) phối hợp với Quân đội chính phủ Syria tiến công một điểm cao do lực lượng vũ trang IS chiếm giữ, đây là trận chiến đấu trên bộ đầu tiên trên thế giới do hệ thống tác chiến tự hoạt giữ vai trò chủ đạo. Cùng với sự thâm nhập của yếu tố trí tuệ nhân tạo trong toàn bộ các yếu tố trang bị, quá trình tác chiến, lĩnh vực chiến tranh, tác chiến sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành phương thức tác chiến chủ đạo. Chiến tranh trí tuệ nhân tạo là một hình thái chiến tranh phát triển từ chiến tranh thông tin hóa đến một giai đoạn cao hơn. Trong chiến tranh hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ quyết sách chỉ huy điều khiển sẽ giúp xua tan dần “đám mây mù” chiến tranh. Phương thức ra quyết sách chỉ huy điều khiển truyền thống ngày càng khó thích ứng với nhu cầu của chiến tranh thông tin hóa. Công nghệ xử lý dữ liệu trí tuệ nhân tạo như dữ liệu lớn, học máy,… có ưuthế lớn chưa từng thấy mà con người không thể sánh nổi trên các mặt như: Tìm kiếm, lưu trữ, tính toán, khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ; đặc biệt là thích ứng với xử lý các loại dữ liệu mục tiêu như hình ảnh vệ tinh, tín hiệu ra đa. Sau khi thông qua xử lý và nhận biết mục tiêu, dữ liệu thông tin quân sự sẽ được cung cấp cho sĩ quan và người lính, dùng để phán đoán, nhận định tình hình và những thay đổi trên chiến trường một cách nhanh chóng, chính xác, từ đó nâng cao đáng kể chất lượng quyết sách.

Trang bị số lượng lớn vũ khí trí tuệ nhân tạo buộc phải thay đổi biên chế, thể chế và tổ chức tác chiến, đồng thời ra đời phương thức tác chiến trí tuệ nhân tạo. Tiêu biểu là khái niệm tác chiến “Bầy ong máy bay không người lái, “sát thương dạng phân tán” mà Quân đội Mỹ đã nghiên cứu phát triển, thông qua tiến hành tổ chức biên chế hỗn hợp hệ thống tác chiến không người lái số lượng lớn có tính năng tác dụng khác nhau, lựa chọn hình thức bố trí phân tán, tổ chức thành nhóm tác chiến kết hợp các khả năng trinh sát thám trắc, gây nhiễu điện tử, tiến công mạng, giáng đòn hỏa lực, thực hiện tác chiến của cụm vũ khí trang bị sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Ở Biển Đông, Trung Quốc cũng liên tục đưa vào ứng dụng các loại AI mới. Vào tháng 7/2017, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã đưa ra kế hoạch tạo “bước đột phá lớn” trong công nghệ AI vào năm 2025. Chính quyền Bắc Kinh hy vọng sẽ thúc đẩy thương mại hóa AI trong các lĩnh vực khác nhau tại Trung Quốc như thành phố thông minh và khả năng ứng dụng AI vào các mục đích quân sự. Trong diễn biến khác, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (9/2018) đã phát hành Sách Trắng về phát triển trí tuệ nhân tạo năm 2018. Sách Trắng đề cập tới các lĩnh vực phát triển AI của Trung Quốc, trong đó có phát triển và ứng dụng giọng nói thông minh, thị giác máy tính và phát triển các thuật toán về nhận dạng giọng nói. Hiện Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng khu công nghệ trị giá 13,8 tỷ nhân dân tệ (2,1 tỷ USD) để phát triển trí tuệ nhân tạo. Nó sẽ được xây dựng trong vòng 5 năm và nằm ở quận Mentougou ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. Khu công viên công nghệ trên sẽ có khoảng 400 doanh nghiệp và dự kiến sẽ tạo ra một giá trị sản lượng hàng năm khoảng 50 tỷ nhân dân tệ. Một trong những trọng tâm nghiên cứu, phát triển của các doanh nghiệp này là điện toán đám mây, sinh trắc học và AI.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ngân sách cho dự án này lên tới 1,1 tỷ NDT, tương đương 160 triệu USD. Trung Quốc sẽ sử dụng các tàu ngầm robot để thăm dò nền biển, ghi lại các sinh vật tồn tại dưới đáy biển và tìm khoáng thạch, sau đó nó các robot trên sẽ tự động phân tích các mẫu vật và gửi kết quả về trung tâm kiểm soát trên mặt đất. Về địa điểm đặt căn cứ, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng chỉ có khu vực rãnh Manila gần Philippines đạt được yêu cầu đưa ra. Theo đó, rãnh này có độ sâu 5.400 m. Rãnh này cũng nằm gần bãi cạn Scarborough, vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc triển khai kế hoạch trên sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn. Theo đó, thách thức lớn nhất trong kế hoạch trên là tìm ra được vật liệu có khả năng chống lại áp lực nước ở độ sâu hàng nghìn mét. Vật liệu này vừa phải cứng, vững chắc, vừa phải đủ độ linh hoạt để có thể kết nối với tàu điện ngầm. Ngoài ra, đáy biển là khu vực có môi trường khắc nghiệt, áp lực cao, xói mòn, địa chất yếu và động đất có khả năng đe dọa bất cứ cấu trúc nào ở đáy biển. Rãnh Manila cũng là một trong những khu vực có nguy cơ động đất mạnh nhất thế giới. Một cuộc nghiên cứu của Viện địa chất thuộc Cơ quan Động đất Trung Quốc năm nay dự đoán một trận động đất lớn tại rãnh Manila có thể tạo ra sóng thần cao tới 4m về phía đồng bằng Châu Giang, bao gồm Hong Kong, trong vòng 3 giờ đồng hồ.

Trung Quốc tìm cách triển khai dự án trên là nhằm phục vụ âm mưu chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Một là, căn cứ trên có khả năng thu thập thông tin về cấu tạo địa chất dưới đáy biển, môi trường dưới nước, đặc biệt là nhiệt độ và độ mặn; khiến Bắc Kinh nắm bắt được sự thay đổi về môi trường sinh thái ở các vùng biển và đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế biển phù hợp với đặc điểm từng vùng. Hai là, căn cứ trên cũng hỗ trợ các hoạt động của hải quân Trung Quốc, nhất là lực lượng tàu ngầm chiến lược và tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trong việc định hướng, xác định mục tiêu và theo dõi tàu chiến của các nước khác. Không những vậy, Trung Quốc có thể sự dụng các tàu ngầm AI cho các nhiệm vụ thu thập tình báo, trinh sát, đặt thủy lôi và tiến hành các cuộc tấn công cảm tử kiểu ‘kamikaze’ vào các mục tiêu có giá trị cao trên biển như tàu ngầm, tàu sân bay, tàu chiến và các giàn khoan dầu mỏ. Ba là dự án này không chỉ là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh hải quân bằng công nghệ AI, nó còn nhằm các mục tiêu tuyên truyền, quảng bá sức mạnh hải quân Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ tư, ngoài việc thực hiện nghiên cứu khoa học, theo dõi sự thay đổi môi trường và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển, dự án tàu ngầm robot của Trung Quốc còn nhằm theo dõi, ngăn chặn và tấn công các lực lượng Mỹ trên các vùng biển chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.

Sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc bắt đầu theo đuổi kế hoạch lập một đội tàu lặn tự hành, hay còn được gọi là “Phương tiện không người lái dưới nước” (Extra Large Underwater Unmanned Vehicles, XLUUV). Những con tàu này có khả năng làm nhiệm vụ từ theo dõi cá voi đến hoạt động chống tàu sân bay. Tất cả hoạt động nhờ vào trí tuệ nhân tạo. Có thể vượt qua hàng nghìn hải lý, tùy thuộc vào kích cỡ của đội tàu mà Trung Quốc có thể xuất hiện ở khắp nơi trong khu vực. Khi di chuyển dưới đại dương, đội tàu ngầm tự hành này sẽ có khả năng hoạt động trên phạm vi rộng lớn, từ chiến tranh điện tử đến rà mìn (mine warfare), cũng như nhiều khả năng tấn công khác. Hiện Trung Quốc đã xây dựng cơ sở thử nghiệm lớn nhất thế giới dành cho các tàu không người lái trên mặt nước ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Dự kiến, nước này sẽ triển khai tàu ngầm AI vào đầu thập niên 2020. Có thông tin cho rằng tàu ngầm không người lái của Trung Quốc nặng 50 kg, do Đại học công nghiệp Tây Bắc hợp tác thiết kế, chế tạo. Theo giới thiệu, tàu ngầm AI của Trung Quốc sẽ tự triển khai các kế hoạch, tự xử lý nhiệm vụ được giao và trở về căn cứ riêng. Chúng có thể liên lạc với chỉ huy ở mặt đất theo định kỳ để cập nhật thông tin, nhưng hoàn toàn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà không cần đến sự can thiệp của con người. Các chuyên gia nghiên cứu quân sự của Trung Quốc cũng đang phát triển một hệ thống hỗ trợ giúp các chỉ huy đưa ra những nhận định nhanh và chính xác trong tình huống chiến đấu. Theo thiết kế, tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ rất khó bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) dò tìm được. Chúng có thể xâm nhập cảng biển của đối phương trong tình hình đối phương không hề cảnh giác. Ngoài ra, một trong những ưu thế chính của tàu ngầm tự lái là chi phí vận hành tương đối thấp, bởi vì mọi chi phí để tạo ra môi trường cho phép con người có thể tồn tại trong tàu ngầm được loại bỏ. Điều này cho phép tàu hoạt động linh hoạt hơn. Hệ thống trí tuệ nhân tạo cho phép tàu xác định tình hình xung quanh và không cần quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng thủy thủ bên trong tàu. Tuy nhiên, tàu ngầm AI cũng có hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai và do các mẫu khí tài không người lái, dưới nước hiện nay hầu hết có kích thước tương đối nhỏ, hạn chế về tầm hoạt động và trọng tải tối đa. Việc triển khai và thu hồi chúng về căn cứ đòi hỏi sự điều động thêm tàu nổi hoặc tàu ngầm khác. Không những vậy, các tàu ngầm AI còn phải tự dự vào trí tuệ nhân tạo để đối phó với môi trường phức tạp trên biển. Chúng phải tự quyết định liên tục: thay đổi lộ trình và độ sâu để tránh bị phát hiện; phân biệt dân thường với các tàu quân sự; chọn cách tiếp cận tốt nhất để đến được một vị trí được chỉ định. Không loại trừ khả năng một thiết bị ngầm tự động không người lái, bị mất kiểm soát, vì công nghệ trí tuệ nhân tạo vẫn còn chưa hoàn chỉnh, nên có thể bắn vào tàu hải quân hoặc tàu dân sự. Trung Quốc có thể sẽ gây ra một cuộc tấn công quy mô nhỏ kiểu như vậy nhắm vào các tàu nước ngoài, sau đó tuyên bố tai nạn xảy ra ngoài ý muốn vì “sự cố công nghệ”. Phát triển hệ thống thiết bị tự động dưới lòng biển nằm trong chiến lược “Vạn lý trường thành dưới nước” của Trung Quốc. Dự án bao gồm cả một mạng lưới máy dò, được đặt ngầm trong khu vực Biển Đông, nhằm phục vụ cho quốc phòng. Lợi ích chiến lược chính của dự án này là nhằm phát hiện tàu ngầm của Mỹ, Nga, đồng thời loại bỏ lợi thế hiện nay của những nước này trong lĩnh vực hải quân.

Vào tháng 3/2019, Trung Quốc loan báo về kế hoạch xây dựng “Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu dưới nước”. Dự án nằm trong một chương trình rộng hơn nhằm cung cấp các dịch vụ định vị, hoa tiêu và liên lạc cho người sử dụng trên toàn cầu. Hoạt động thí điểm được cho là sẽ được thực hiện trên Biển Đông. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết hệ thống định vị dưới biển sâu này là dự án UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ công nghệ trọng yếu phục vụ hoạt động phân định ranh giới dưới vùng biển nước sâu, đặc biệt là phục vụ các tàu lặn sâu của nước này. Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc sẽ xây dựng một khu vực ứng dụng UGPS, bao phủ diện tích khoảng 250.000 km2.

http://biendong.net/bien-dong/33467-cuoc-trien-chay-dua-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-ai-giua-cac-nuoc-lon-tren-the-gioi-va-khu-vuc-bien-dong-hien-nay.html

 

Chỉ huy Thủy quân lục chiến:

Mỹ muốn có tên lửa tấn công tàu đang di chuyển

ở Biển Đông để đối phó với các mối đe dọa từ TQ

Phát biểu điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 5/3, Chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết họ cần các tên lửa phóng từ mặt đất có thể tìm kiếm và bắn hạ các tàu địch đang đi trên các tuyến hàng hải có tranh chấp như Biển Đông. Động thái được xem là nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger cho biết một phần trong các chương trình huấn luyện mà Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã thực hiện trong 6 tháng qua cho thấy Mỹ sẽ cần phải hoạt động như một lực lượng hải quân tích hợp trong tương lai. Điều đó có nghĩa là Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ đảm nhận một vai trò mới chưa hề có trong 20 năm qua, đó là đóng góp vào việc kiểm soát biển và chống tiếp cận trên biển, ông David Bergernói thêm.

Thủy quân lục chiến Mỹ đã thực hành tấn công các tàu đang thả neo hay cập cảng/đảo từ trên bộ và trên biển bằng hệ thống tên lửa cơ động cao (HMARS), nhưng giờ đây, lực lượng này này muốn tiến thêm một bước là tấn công tàu khi nó đang di chuyển.

Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Trung tướng Eric Smith, Tư lệnh Tác chiến của Thủy quân Lục chiến, cho biết Thủy quân lục chiến Mỹ muốn một hệ thống vũ khí có năng lực chủ động tìm kiếm và đuổi theo một con tàu đang di chuyển, thứ mà hiện nay họ chưa có. “Chúng ta phải có một hệ thống có thể đuổi theo tàu. Đó là thứ quan trọng trong một môi trường tranh chấp ở Biển Đông hoặc trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”, tướng Smith nói với các nhà lập pháp Mỹ.

Thủy quân lục chiến Mỹ hiện đang xem xét loại tên lửa tấn công hải quân (NSM), có tầm bắn khoảng 1400 km, và đây có thể là dòng tên lửa bờ đối hải (GBASM) được lựa chọn. Tướng Smith cho biết thủy quân lục chiến Mỹ sẽ thử nghiệm hệ thống này vào tháng 6 tới. NSM có khả năng bay sát mặt biển, khả năng cơ động cao và có thể tấn công mục tiêu từ phía bên, thay vì từ trên xuống.

Tên lửa này cũng đã được triển khai trên các tàu tác chiến ven bờ của Hải quân Mỹ, một trong số đó được triển khai tới Thái Bình Dương cùng với tên lửa vào năm 2019. NSM sẽ được bắn từ một bệ phóng trên xe chiến thuật hạng nhẹ không người lái. Hệ thống này đã chứng minh tính hiệu quả trong các cuộc tập trận đạn thật và giả lập trên máy tính, theo lời tướng Berger. Vũ khí này chắc chắn sẽ làm thay đổi tính toán của kẻ thù, tướng Berger nói. Quân đội Mỹ và Trung Quốc trong vài năm trở lại đây thường xuyên đối đầu trên Biển Đông hay Hoa Đông, Nam Thái Bình Dương.

Phát biểu trên của tướng David Berger tương tự như phát biểu trước đây của ông vào tháng 10/2019, khi đó ông cho biết lực lượng này đang triển khai các hoạt động để đảm bảo luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với kịch bản chiến tranh với Trung Quốc hoặc Nga. Các hoạt động này bao gồm tăng cường huấn luyện tác chiến đổ bộ. Theo tướng Berger, Thủy quân lục chiến Mỹ cần cơ động hơn và tập trung nhiều hơn vào mặt trận hàng hải để đối phó với “mối đe dọa hiện hữu kéo dài” từ Trung Quốc nhằm vào Mỹ. Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ “đặt trọng tâm ưu tiên vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng như các hoạt động nguy hiểm của Bắc Kinh” tại Biển Đông và Hoa Đông. Chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ tin rằng các lực lượng quân sự hiện tại của Trung Quốc chưa đủ khả năng để răn đe hay ngăn cản các lực lượng Mỹ hoạt động tại các vùng biển.

http://biendong.net/bien-dong/33466-chi-huy-thuy-quan-luc-chien-my-muon-co-ten-lua-tan-cong-tau-dang-di-chuyen-o-bien-dong-de-doi-pho-voi-cac-moi-de-doa-tu-tq.html