Tin Biển Đông – 11/03/2017
Trung Quốc ‘sẽ thường xuyên’ đưa du khách ra Trường Sa
Chính quyền tỉnh Hải Nam ở miền nam Trung Quốc cho biết sẽ tổ chức các chuyến du lịch thường xuyên ra quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) ở Biển Đông vào năm 2020, ít ngày sau khi đưa hàng trăm khách du lịch ra Hoàng Sa.
Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ tiến hành việc này với tần suất ra sao. Tân Hoa Xã còn dẫn lời một tờ báo du lịch địa phương hôm 10/3 đưa tin rằng tỉnh Hải Nam sẽ cải thiện trải nghiệm của du khách với đội tàu mới cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng và các gói tour tốt hơn.
Truyền thông Trung Quốc cho biết rằng tỉnh Hải Nam đang nâng cấp các cảng biển và có kế hoạch tổ chức các tuyến tàu du lịch khắp vùng Biển Đông gồm các nước thuộc “Con đường tơ lụa trên biển”.
Thông tin mới nhất trên được đăng tải ít ngày sau khi Trung Quốc đưa một chiếc du thuyền với hơn 300 người ra Hoàng Sa từ thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam.
Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức đưa tàu biển du lịch ra quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) năm 2013, và kể từ đó tới nay, hai tàu biển du lịch đã thực hiện hơn 100 chuyến với hơn 20 nghìn du khách.
Giới quan sát cho rằng các động thái trên của Trung Quốc nhằm “khẳng định tuyên bố chủ quyền ở vùng biển chiến lược”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về các hoạt động du lịch mới nhất của Trung Quốc tới vùng biển tranh chấp, nhưng báo chí do nhà nước kiểm soát đã chỉ trích hành động này.
TT Trump sẽ ‘lãnh đạo’ thế giới, hướng về Biển Đông?
0:03:04
Trong bài viết với tựa đề “Trung Quốc ngang ngược triển khai du lịch tàu biển đến Trường Sa”, trang tin của Thông Tấn Xã Việt Nam nói rằng Hà Nội “đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tổ chức những chuyến du lịch trái phép tới Hoàng Sa”.
VNA dẫn lại một tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói hôm 24/6/2016 rằng “việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các bãi đá tại khu vực quần đảo Trường Sa hay tổ chức các tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”.
Ông Bình được trích lời nói tiếp: “Những hành động phi pháp như vậy không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này”.
Năm 2015, tin cho hay, TP HCM lập kế hoạch thí điểm tuyến du lịch ra Trường Sa, cũng như xây dựng kế hoạch phát triển du lịch biển đảo cho tới năm 2020. Tuy nhiên, hiện chưa rõ việc này đã được triển khai ra sao.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-se-thuong-xuyen-dua-nguoi-ra-truong-sa/3761354.html
Trung Quốc bác phát biểu
của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines
Trung Quốc ngày 10/3 nói phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines là võ đoán vô căn cứ và yêu cầu ông Delfin Lorenzana nỗ lực hơn đóng góp cho sự tin cậy giữa đôi bên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, đưa ra bình luận này tại một cuộc họp báo thường nhật, đáp câu hỏi về chuyện Bộ trưởng Quốc phòng Philippines quan ngại vì những tháng gần đây tàu bè Trung Quốc xuất hiện tại nhiều địa điểm gần Philippines.
Tin cho hay ông Lorenza tuyên bố là tàu bè Trung Quốc bị phát hiện tại các vùng biển gần Benham Rise, nơi mà Liên hiệp quốc công nhận là một phần lãnh thổ Philippines.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Ủy ban Liên hiệp quốc về Giới hạn Thềm Lục địa CLCS năm 2012 chấp thuận đơn đăng ký của Philippines về vùng lãnh hải 200 hải lý bên ngoài giới hạn thềm lục địa Benham Rise, vì vậy, Manila có thể khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đây nhưng không thể xem vùng này là lãnh thổ của Philippines.
Vẫn theo lời ông Cảnh Sảng, quyền của các nước ven biển về thềm lục địa không ảnh hưởng đến tự do hàng hải của tàu bè nước ngoài cũng như quyền lưu thông vô tư trong các vùng biển thuộc lãnh thổ một quốc gia theo luật quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của Liên hiệp quốc.
Ông Cảnh nói một số tàu bè nghiên cứu năm ngoái qua lại vùng biển ngoài khơi đảo Luzon và những hoạt động của các tàu này chắc chắn nằm trong khuôn khổ của “quyền tự do hàng hải và quyền lưu thông vô tư.”
Ông Cảnh nhấn mạnh Bộ Ngoại giao của hai nước đã trao đổi quan điểm vào tháng 1 vừa qua, làm rõ các sự kiện và giải quyết thỏa đáng.
Phát ngôn viên này cũng bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines rằng Trung Quốc đã hủy bỏ kế hoạch bồi đắp trên bãi cạn Scarborough vì áp lực của Mỹ.
Ông Cảnh khẳng định Trung Quốc làm gì hay không trên bãi cạn Scarborough hoàn toàn là quyền chủ quyền của Trung Quốc.
Trung Quốc khẳng định
không cố tình đi vào vùng biển Philippines
Theo báo chí Philippines, đại sứ quán Trung Quốc ở Manila hôm nay, 11/03/2017, khẳng định là các tàu của Trung Quốc đã không cố tình đi vào một khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Hôm thứ Năm vừa qua, bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, tố cáo là các tàu của Trung Quốc đã được phát hiện trong những tháng gần đây tại các khu vực gần Philippines. Theo lời ông Lorenzana, hình ảnh vệ tinh do các đồng minh cung cấp cho thấy trong suốt ba tháng vào năm ngoái, các tàu của Trung Quốc đã hoạt động ở Benham Rise, khu vực mà Liên Hiệp Quốc đã công nhận là thuộc thềm lục địa của Philippines. Ông Lorenzana nghi ngờ là các tàu của Trung Quốc đã cố thăm dò khu vực Benham Rise, nằm ở phía đông đảo Luzon của Philippines và là một nơi được cho là có rất nhiều khí đốt.
Nhưng đại sứ quán Trung Quốc ở Manila hôm nay khẳng định rằng các tàu của Trung Quốc chỉ hành xử quyền tự do hàng hải và quyền qua lại vô hại (innocent passage), chứ không hề có những hoạt động như mô tả của phía Philippines.
Trên trang web của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao nước này – ông Cảnh Sảng – hôm qua cũng tuyên bố là các tàu của họ có quyền tự do hàng hải tại vùng biển nói trên và xác nhận là các tàu « nghiên cứu » của Trung Quốc năm 2016 đã đi ngang qua khu vực phía Bắc đảo Luzon của Philipines.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170311-trung-quoc-khang-dinh-khong-co-tinh-di-vao-vung-bien-philippines