Tin Biển Đông – 11/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 11/01/2019

Tuần tra ở Hoàng Sa: Mỹ đáp trả cứng rắn

các tuyên bố khiêu khích của TQ

Ngày 07/1, Hải quân Mỹ đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như đáp trả các tuyên bố khiêu khích mới đây của Trung Quốc.

Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa

Trong khi phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu cuộc đàm phán hai ngày 7-8/1 ở Bắc Kinh để thảo luận về chiến tranh thương mại giữa hai bên. Đài CNBC dẫn lời Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Rachel McMarr (07/1) cho biết, Hải quân Mỹ đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép. Bà Rachel McMarr cho biết hoạt động tuần tra trên nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và “bảo vệ quyền tiếp cận những tuyến đường hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”; cho biết “Các lực lượng của Mỹ hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một cách thường xuyên, trong đó có Biển Đông và mọi chiến dịch đều được thực hiện đúng với luật pháp quốc tế, thể hiện quyết tâm của Mỹ hoạt động tại vùng trời, vùng biển và bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Điều này được áp dụng với Biển Đông và nhiều nơi khác trên thế giới”.

Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông những năm qua, thách thức các tuyên bố hàng hải phi lý của Trung Quốc trên vùng biển có mật độ giao thông lớn hàng đầu thế giới. Trung Quốc trong thời gian qua vẫn tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự trong vùng biển với nhiều cuộc tập trận, tiến hành cải tạo và quân sự hóa trái phép nhiều thực thể trên Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế và sự phản đối của nhiều nước trong và ngoài khu vực. Bắc Kinh thường phản ứng giận dữ trước các hoạt động tuần tra của Mỹ và đồng minh trong vùng biển. Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều nhà quan sát lo ngại rủi ro va chạm hải quân.

Trong năm 2018, Mỹ và các nước đồng minh đã tiến hành nhiều chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông

Mỹ liên tục cử tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông: (1) Tháng 12/2017, Mỹ đã triển khai tàu trinh sát Henson từ căn cứ tại Manilia, Philipines (cách đảo Phú Lâm 128 hải lý về phía Đông Nam) tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (2) Ngày 17/01/2018, Mỹ triển khai tàu khu trục USS Hopper đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Hoàng Nham/Scarborough. Phía Trung Quốc cho rằng tàu USS Hopper đã xâm phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc đồng thời tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu thuyền và công dân Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn Scarborough; đe dọa “sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền”. (3) Ngày 24/3, Hải quân Mỹ cử tàu khu trục Mustin tiến hành hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (4) Ngày 27/5/2018, Mỹ triển khai 02 chiến hạm là Antiem (CG54) mang tên lửa hành trình và tàu khu trục USS Higgins (DDG-76) tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, đảo Lincon, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (5) Ngày 26/6/2018, Mỹ triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan với hơn 70 máy bay các loại tuần tra trên Biển Đông sau đó cập cảng Manila của Philippines. (6) Ngày 30/9, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải và thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ về việc duy trì các quyền sử dụng vùng biển và không phận quốc tế theo đúng quy định. (7) Ngày 29/11, Hải quân Mỹ điều tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Mỹ cũng liên tục cử máy báy ném bom chiến lược tuần tra tự do hàng không ở Biển Đông:(1) Ngày 27/4, Không quân Mỹ điều máy bay ném bom B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, sau đó bay tới gần Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đào tạo và tuần tra tự do hàng không trong khu vực Biển Đông. (2) Ngày 19/5, Mỹ cử máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm P8-A Poseidon thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, thì bị Trung Quốc cử máy báy chiến đấu áp sát, gây nguy hiểm cho máy báy và phi công của Mỹ. (3) Tháng 6/2018, Mỹ tiếp tục điều 02 máy bay ném bom B-52 bay cách các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 30km. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết những máy bay đồn trú ở Guam và tham gia “nhiệm vụ huấn luyện thường nhật”, bay từ căn cứ không quân Andersen đến cơ sở hỗ trợ hải quân của Mỹ ở Diego

Garcia, vùng lãnh thổ của Anh trên Ấn Độ Dương. Chiến dịch này là một phần trong sứ mệnh “hiện diện liên tục máy bay ném bom” (CBP) của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nhằm “duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ”. (4) Ngày 01/8, Mỹ điều 02 chiếc B-52H thuộc Phi đội ném bom viễn chinh 96 tham gia đợt diễn tập chống tàu ngầm cùng với máy bay do thám và săn tìm tàu ngầm P8-A Poseidon trên khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông. (5) Ngày 03/8, Mỹ triển khai các máy bay B-52H thực hiện những chuyến bay diễn tập và huấn luyện ở Biển Đông trong không phận hợp pháp theo các quy định quốc tế. (6) Ngày 27/8, Mỹ điều hai máy bay B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông. Ngày 30/8, Mỹ tiếp tục điều hai máy bay B-52H đã tiến hành nhiệm vụ bay tuần tra Biển Đông. (7) Mỹ (23/9 và 27/9) liên tiếp điều 04 máy bay B-52H qua khu vực Biển Đông. Trung tá Dave Eastburn (26/9) cho biết, các máy bay ném bom của Mỹ đang tham gia vào “chiến dịch hỗn hợp định kỳ” và đây là một phần của “những hoạt động định kỳ nhằm tăng cường sự sẵn sàng và tính tương tác với các đối tác cũng như đồng minh của Mỹ trong khu vực”, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi tàu qua vùng biển và hoạt động ở bất kỳ nơi đâu luật quốc tế cho phép vào những thời điểm và khu vực do Mỹ lựa chọn. (8) Ngày 16/10, Không quân Mỹ điều hai chiếc B-52 bay từ căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam tiến gần các điểm đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. (9) Ngày 19/11, không quân Mỹ đã điều hai máy bay ném bom B-52H tham gia sứ mệnh huấn luyện thường xuyên gần Biển Đông.

Ngoài Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Australia cũng tằng cường các hoạt động tuần tra trong khu vực Biển Đông: (1) Tháng 1/2018, Hải quân Hoàng gia Anh điều tàu HMS Sutherland với 220 thành viên thủy thủ đoàn đã lên đường tới châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có đi qua Biển Đông để thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự hóa khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại. Trước đó, tàu khu trục HMS Sutherland và Type 23 của Hải quân Hoàng gia Anh (3/2018) cũng đã tiến hành tuần qua hàng hải ở Biển Đông, sau khi tham gia huấn luyện với Hải quân Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Mỹ, Anh, Australia và các nước khác đang tăng cường “khẳng định giá trị của mình” ở Biển Đông. Việc Anh điều tàu đến Biển Đông để góp phần duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cho thấy sự ủng hộ của họ đối với quy tắc dựa trên luật pháp quốc tế. Cũng trong năm 2018, Anh đã đưa các tàu chiến gồm tàu khu trục nhỏ chống ngầm Sutherland, tàu HMS Albion và HMS Argyll tới Biển Đông. Theo đó, tàu đổ bộ HMS Albion thuộc Hải quân Hoàng gia Anh (31/8) đã di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và phản bác các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã điều một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức hành động của tàu HMS Albion nhưng hai bên vẫn bình tĩnh trong cuộc chạm trán này. Mặc dù tàu chiến của Anh không đi vào vùng 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa, song hành động của họ thể hiện rằng Anh không công nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực. (2) Tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh và các chiến hạm Australia (7/2018) đãẽ tham gia một hoạt động tuần tra hàng hải trên Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. (3) Tháng 5/2018, Pháp đã cho tàu đổ bộ tấn công Dixmude và một tàu hộ vệ đi qua Biển Đông, gần một số bãi đá nhân đạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trong khu vực Trường Sa. Trong khi đó, Không quân Pháp (8/2018) đã triển khai 3 máy bay chiến đấu Rafale B, 1 máy bay vận tải quân sự A400M và 1 máy bay tiếp nhiên liệu C135 tới thực hiện cuộc diễn tập quân sự Sứ mệnh Pegase cùng lực lượng không quân các quốc gia châu Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ. Trong quá trình triển khai kế hoạch, các máy bay của Pháp đã bay trên vùng trời phía Nam của Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. (4) Bộ Quốc phòng Nhật Bản (26/8 – 10/2018) đã điều ba tàu khu trục đến Biển Đông và Ấn Độ Dương. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (13/9) đã cử tàu ngầm điện-diesel SS-596 Kuroshio, lớp Oyashio cùng tàu sân bay trực thăng JS Kaga đã tiến hành cuộc tập trận trên Biển Đông. Đây là một phần trong các hoạt động của lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF).

Phản ứng ngang ngược của Trung Quốc

Trước hoạt động của Mỹ ở Hoàng Sa, trong cuộc họp báo thường ngày 7/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lên tiếng trước thông tin tàu khu trục Mỹ USS McCampbell đi vào vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Theo ông Lục Khảng, ngay sau khi vụ việc phát sinh, Bắc Kinh đã lập tức cử máy bay quân sự để xác minh và nhận dạng tàu Mỹ, đồng thời cảnh cáo xua đuổi tàu chiến Mỹ và đưa ra giao thiệp nghiêm khắc với phía Mỹ. Ông Lục Khảng đã ngang ngược cho rằng tàu USS McCampell “tự ý đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà chưa được phép của TQ”, cho rằng động thái của tàu chiến Mỹ đã “vi phạm luật pháp quốc tế liên quan…, phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trật tự của vùng lãnh hải này”, đồng thời lớn tiếng cảnh cáo “Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động liên quan của Mỹ và kêu gọi Mỹ ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích tương tự. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc”.

Cũng tại buổi họp báo, trước câu hỏi “Hành động này của Mỹ có ảnh hưởng tới các cuộc tham vấn thương mại Trung-Mỹ đang được tổ chức ở Bắc Kinh không?”, ông Lục Khảng cho biết, giải quyết ổn thỏa các vấn đề tồn tại giữa Trung Quốc và Mỹ, bao gồm các vấn đề kinh tế và thương mại, đều sẽ có lợi cho hai nước và thế giới. “Cả hai bên phải có trách nhiệm tạo ra bầu không khí tốt đẹp cần thiết cho việc này”, ông này nhấn mạnh.

Các nước tuyên bố sẽ tiếp tục tự do hàng hải ở Biển Đông bất chấp phản ứng của Trung Quốc

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (16/11) khẳng định Biển Đông không thuộc về bất cứ một nước nào và Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép cũng như các lợi ích quốc gia của Mỹ yêu cầu. Thời gian qua, Mỹ đã tiến hành một loạt hoạt động thực thi tự do hàng hải ở những khu vực còn tranh chấp ở Biển Đông. Việc này đã chọc giận Trung Quốc do Bắc Kinh cho rằng những hoạt động đó đe dọa chủ quyền của họ. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa kỳ John Sullivan (27/9) lên tiếng khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì tự do hàng hải và tôn trọng luật quốc tế ở Biển Đông.

Phát biểu tại Hội thảo quân sự ở Adelaide, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (24/9) cho biết bà có dự định thảo luận với Australia về việc cải thiện các hoạt động phối hợp tại Biển Đông, nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải trong khu vực này. Bà Parly cho biết Pháp không nghiêng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục cho tàu đi qua vùng biển này. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (3/6) cho biết Pháp sẽ cử một nhóm công tác hàng hải đi cùng trực thăng và tàu biển của Anh ghé thăm Singapore, sau đó “tiến vào một số khu vực ở Biển Đông”. Dù không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng bà Parly dường như nhấn mạnh tàu Anh và Pháp sẽ đi qua vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép. Bà Florence Parly cho biết bằng cách thực thi hoạt động tự do hàng hải với các đồng minh và bạn bè, Paris đã góp phần thiết lập trật tự dựa trên những quy tắc ở Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Anh (21/7) cũng cho biết tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ được triển khai đến Biển Đông để tham gia một cuộc tuần tra tự do hàng hải, nhằm đối phó vớicác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Dự kiến hoạt động này sẽ được thực hiện từ năm 2021, sau khi tàu HMS Queen Elizabeth được trang bị đầy đủ vũ khí, cũng như được thử nghiệm xong. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson nhấn mạnh rằng, Anh cùng với Pháp và Australia muốn đảm bảo quyền tự do qua lại ở Biển Đông; cho biết Anh đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tự do hàng hải là điều quan trọng sống còn đối với London. Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones (22/8) cho biết, Anh sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển Đông, bất chấp phản ứng gần đây của Bắc Kinh cho rằng London có hành vi khiêu khích.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbul (29/6) cho biết, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng BAE của Anh đã được chọn để cung cấp 9 tàu chiến mới thuộc lớp Hunter, trong chương trình trị giá 35 tỷ AUD (khoảng 25,74 tỷ USD) cho Hải quân Hoàng gia Australia. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết Anh và Australia sẽ hợp tác để triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Thái Bình Dương và sẽ có những cuộc tuần tra chung với các tàu chiến của Australia. Trong khi đó, Ngoại trưởng Julie Bishop cũng khẳng định, Australia sẽ tiếp tục các hành động mà nước này đã làm trong thời gian qua như cử tàu và

máy bay đến vùng biển quốc tế ở Biển Đông” và có thể là sẽ nâng tầng xuất của sự xuất hiện này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (11/2018) đã tái khẳng định mục tiêu duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, khu vực vận chuyển hàng hóa quan trọng cho các quốc gia Đông Nam Á. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết, cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề tồn đọng trên Biển Đông, trong đó Tổng thống Duterte nhấn mạnh cam kết của Philippines trong việc duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và các hoạt động hợp pháp khác, thực hiện sự tự kiềm chế, cũng như giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Thượng viện Canada (24/4) đã thông qua bản kiến nghị của nghị sĩ đảng Bảo thủ chỉ trích hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Kiến nghị “lên án hành vi thù địch và leo thang” của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi toàn bộ các bên liên quan đến những tranh chấp tại Biển Đông đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển.

http://biendong.net/bi-n-nong/25782-tuan-tra-o-hoang-sa-my-dap-tra-cung-ran-cac-tuyen-bo-khieu-khich-cua-tq.html

 

Mỹ có vai trò gì trong sự kiện TQ

đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 45 năm?

Cách đây 45 năm, tháng 01 năm 1974, Trung Quốc ngang nhiên đưa quân xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đất nước Việt Nam vẫn đang còn chia cắt, miền Nam Việt Nam vẫn đang còn chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) do Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống và chính quyền này cũng vẫn đang là đồng minh thân cận của Mỹ. Hoàng Sa khi đó đang thuộc quyền quản lý của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Cớ sao khi một đồng minh thân thiết với Mỹ như vậy bị Trung Quốc cộng sản xâm lăng một phần lãnh thổ mà phải một thân, một mình tiến hành trận hải chiến Hoàng Sa, để rồi kết cục quần đảo này bị rơi vào tay Trung Quốc. Lần lại sách sử để xem xét, chiêm nghiệm thêm những bài học về bạn bè, đồng minh, có lẽ cũng là điều cần thiết.

Hải chiến Hoàng Sa 1974 khai hỏa

Sách sử có chép rằng:

Ngày 11/01/1974, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố lên án chính quyền VNCH “xâm lấn đất đai của Trung Quốc”, cho rằng “tất cả các quần đảo ở Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ Trung Quốc”.

Ngày 12/01/1974, chính quyền VNCH ra tuyên bố bác bỏ lập trường phi lý của Trung Quốc, khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, nhưng cũng đồng thời phát hiện Trung Quốc điều quân tiếp cận các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa là Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng và cắm cờ lên các đảo trên.

Ngày 15/01/1974, Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân hùng hậu, bao gồm cả nhiều tàu cá vũ trang tiến đến Hoàng Sa.

Ngày 16/01/1974, chính quyền VNCH họp báo tố cáo âm mưu và hành động của Trung Quốc xâm chiếm các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc.

Ngày 17/01/1974, chính quyền VNCH điều tàu chiến và lực lượng hải quân ra bảo vệ các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa và Duy Mộng. Nhưng vấp phải lực lượng hải quân Trung Quốc tại đây.

Ngày 19/01/1974, Phó đô đốc hải quân VNCH Hồ Văn Kỳ Thoại hạ lệnh nổ súng, trận chiến chống quân Trung Quốc xâm lược nổ ra khốc liệt trong bối cảnh tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Sau hơn một giờ đọ súng, phía Trung Quốc bị chìm 2 tàu, 2 tàu khác bị bắn cháy nhưng lực lượng vẫn đông hơn. Phía VNCH bị chìm tàu Nhật Tảo, các tàu khác đều bị thương, 74 người tử trận trong đó có cả Hạm trưởng Ngụy Văn Thà. Phía Trung Quốc chiếm giữ các đảo ở Hoàng Sa. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao chính quyền

VNCH họp báo tố cáo Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Sau sự kiện trên, ngày 20/01/1974, Bộ trưởng Ngoại giao chính quyền VNCH Vương Văn Bắc đã thông báo tình hình tới ông Graham Martin, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn và yêu cầu Mỹ cho biết có dành cho VNCH sự ủng hộ nào về vật chất, chính trị với tư cách là nước thân hữu và đồng minh, cũng như với tư cách là một quốc gia đã ký kết và bảo đảm cho Hiệp định Paris năm 1973 về chiến tranh Việt Nam hay không. Nhưng không nhận được câu trả lời từ phía Mỹ.

Ngày 21/01/1974, chính quyền VNCH gửi công hàm cho các thành viên ký kết Hiệp định Paris đề nghị các thành viên lên án và đòi nhà cầm quyền Trung Quốc không được xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam.

Ngày 22/01/1974, đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viết thư gửi Tổng thống Mỹ Nixon thông báo về sự kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Anthus Hammer trả lời: Mỹ không quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa.

Thế là Mỹ khoanh tay ngồi nhìn, để mặc đồng minh thân cận bao năm nay của mình đứng ngồi không yên khi mất đi một phần chủ quyền lãnh thổ. Phải chăng Mỹ thiển cận, vô can khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang có triển vọng kết thúc bằng việc thực thi Hiệp định Paris, Mỹ không muốn “dính” vào nữa.

Lại phải lần tìm sách sử xem có đúng thế không.

Còn nhớ, năm 1972, diễn ra sự kiện được coi là“bước ngoặt trong lịch sử thế giới”, đó là Mỹ – Trung ra “Thông cáo chung Thượng Hải”, tuyên bố hai bên bình thường hóa quan hệ với nhau. Bản thông cáo trên được đưa ra ngay trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon từ ngày 21/02 đến ngày 28/02/1972, theo lời mời của chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Đương nhiên, bản thông cáo không đề cập gì nhiều về cuộc chiến tranh Việt Nam, càng không nói gì về quan hệ giữa Mỹ với VNCH hay quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng đằng sau hoạt động ngoại giao con thoi của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Kissinger và những cuộc tiếp xúc kín giữa Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai với Tổng thống Nixon, không phải không có câu chuyện liên quan đến Việt Nam mà mãi sau này, chính Kissinger hay Nixon tiết lộ ra trong hồi ký của mình. Đó là, khi đến Bắc Kinh, tiếp xúc với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Nixon nói: “Giả sử tôi có thể ngồi đối diện với bất cứ ai là người lãnh đạo của Bắc Việt Nam và giá như hai bên có thể thương thuyết một cuộc ngừng bắn và trả lại tù binh cho chúng tôi thì tất cả quân đội Mỹ sẽ được triệt thoái khỏi Việt Nam trong vòng sáu tháng kể từ ngày đó”. Rõ ràng, Tổng thống Mỹ đã chuyển tới Trung Quốc một thông điệp mà lãnh đạo Trung Quốc nhận ngay ra rằng, Mỹ đã tính tới khả năng rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Lợi ích và vị thế của Trung Quốc trong câu chuyện này ở đâu? Một khi Mỹ rút, Trung Quốc sẽ hành động như thế nào để đạt được lợi ích tối đa? Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa từng nằm trong vòng ngắm từ lâu nay của Trung Quốc dường như đã có lời giải.

Không lâu sau chuyến thăm Bắc Kinh của Nixon, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ cam kết rút quân ra khỏi chiến tranh Việt Nam. Những điều Trung Quốc nhận thấy đang diễn ra nhãn tiền, thời cơ đang đến.

Nhưng liệu Mỹ có nói thật không, hay khi Trung Quốc hành động, Mỹ sẽ lại can dự thì hỏng chuyện. Để cho chắc, năm 1973, Trung Quốc cử đoàn quân sự cấp cao thăm Mỹ. Trong các cuộc tiếp xúc với phía Mỹ, đáng chú ý nhất là cuộc tiếp xúc giữa trưởng đoàn quân sự Trung Quốc với một quan chức của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, một con người có bộ óc cực kỳ thông thái nhưng cũng khét tiếng diều hâu và chống cộng, sau này trở thành Cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Jimmy Carter. Trưởng đoàn Trung Quốc thăm dò vị quan chức này về việc Trung Quốc sẽ hành động ở Hoàng Sa thì Mỹ có ý kiến gì, phản ứng ra sao. Vị quan chức trên im lặng không nói gì. Trưởng đoàn Trung Quốc gặng hỏi lần nữa, ông ta vẫn im lặng. Trưởng đoàn Trung Quốc vui mừng ra về vì hiểu rằng “im lặng là đồng ý”.

Sau cuộc tiếp xúc trên, tổng thống Mỹ hỏi vị quan chức an ninh quốc gia rằng, “sao người ta hỏi về vấn đề Hoàng Sa, ông lại im lặng không nói gì?”. Quan chức trên đáp: “Thưa ngài, tôi biết chắc Trung Quốc sẽ đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Cứ để cho họ đánh. Làm như vậy, chúng ta sẽ nhét được cục xương gà vào cổ họng hai thằng cộng sản này. Ba mươi năm sau, chúng nó sẽ nuốt không trôi mà khạc cũng không ra. Ngài tin tôi đi!”

Thế là trận hải chiến Hoàng Sa đã diễn ra như sách sử đã chép ở trên. Bóng dáng người Mỹ mất tăm trong câu chuyện này.

Và đúng là đến nay, 45 năm rồi chứ không phải 30 năm, vấn đề Hoàng Sa, vấn đề Trường Sa, rộng hơn là vấn đề Biển Đông không ngày nào yên. Nó không chỉ là cục xương khiến Trung Quốc nuốt không trôi, Việt Nam khạc không được mà cả các nước có liên quan trong khu vực cũng đang nghẹn họng. Thương thay cho Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu vẫn ngây thơ tin vào lá thư Tổng thống Nixon viết gửi cho ông ngày 31/12/1971, trước khi sang thăm Trung Quốc, có nội dung rằng: “Ngài có thể chắc chắn tuyệt đối rằng, tôi sẽ không đi tới một thỏa thuận nào tại Bắc Kinh nếu nó phương hại tới các quốc gia khác, hoặc là những vấn đề có liên hệ tới các nước khác… Ngài có thể tiếp tục tin cậy vào sự yểm trợ của Mỹ trong những nỗ lực của ngài hầu đem lại hòa bình cho Việt Nam và xây dựng nền thịnh vượng mới cho nhân dân Việt Nam”, nên mới gửi thư cấp báo về Hoàng Sa với Nixon. Thế mới biết, người Mỹ thâm hiểm và tráo trở đến mức nào.

Ngày nay, bóng dáng người Mỹ, tàu Mỹ lại xuất hiện ở Biển Đông. Nhiều người tại các nước trong khu vực lại nhen lên hy vọng người Mỹ sẽ lại đến “giúp” mình. Người ta mong lắm Mỹ sẽ có những hành động “hào hiệp” yểm trợ cho những kẻ yếu đang bị bắt nạt ở đây. Thậm chí còn mong có những quan hệ đồng minh mới xuất hiện để “thêm bạn bớt thù”. Xem ra được thế thì cũng tốt, nhưng câu chuyện sách sử chép lại về sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và vai trò của Mỹ trong sự kiện này, liệu có phải là bài học kinh nghiệm xương máu cho tất cả các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc không nhỉ?

http://biendong.net/bi-n-nong/25780-my-co-vai-tro-gi-trong-su-kien-tq-danh-chiem-hoang-sa-cua-viet-nam-cach-day-45-nam.html