Tin Biển Đông – 10/12/2019
Mỹ tái khẳng định cam kết tăng cường
tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông
Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương Charles Q. Brown (6/12) khẳng định không quân Mỹ duy trì các hoạt động tuần tra tự do hàng không ở Biển Đông trong 15 năm qua.
Theo tướng Charles Q. Brown, Không quân Mỹ đã bay trong và xung quanh Biển Đông trong suốt 15 năm qua và xin thông báo rằng không quân Mỹ vừa có hoạt động như vậy trong tuần này; đồng thời khẳng định mục tiêu của không quân Mỹ là đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề và thách thức chung, đồng thời tăng cường năng lực và tương tác giữa các đối tác và đồng minh. Tuyên bố được tướng Brown đưa ra khi được hỏi vì sao không quân Mỹ không tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông như các chiến dịch mà hải quân nước này thường thực hiện ở khu vực. Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương giải thích rằng các hoạt động của không quân tại Biển Đông ít được chú ý hơn hải quân, dù chúng vẫn được tiến hành định kỳ; cho biết máy bay quân sự Mỹ thường xuyên bay qua Biển Đông, gồm các oanh tạc cơ, máy bay tuần thám P-3 Orion, P-8 Poseidon, máy bay trinh sát U-2 hay RQ-4.
Trong một diễn biến liên quan, Không quân Mỹ (5/12) đã điều ít nhất hai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress được cho là cất cánh từ căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam đã bay qua khu vực Biển Hoa Đông. B-52 Stratofortress là máy bay ném bom chiến lược của Mỹ được Boeing
thiết kế và chế tạo và được Không quân Mỹ vận hành từ những năm 1950. Theo báo cáo, các máy bay ném bom đã bay qua eo biển Miyako, tuyến đường thủy giữa đảo Miyako và đảo Okinawa của Nhật Bản, trước khi bay qua khu vực Biển Hoa Đông. Các máy bay B-52 đã kích hoạt hệ thống phát thanh giám sát phụ thuộc tự động để thông báo về sự hiện diện và đường bay của chúng.
Được biết, trong năm 2019, Mỹ liên tục triển khai nhiều hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Theo đó, Hải quân Mỹ (7/1) đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; Hạm đội 7 (11/2) đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa; Mỹ (19/5) điều tàu USS Preble (DDG-88) trang bị tên lửa Tomahawk đã đi dọc theo bãi cạn Scarborough ở Biển Đông nhằm thách thức những yêu sách của Trung Quốc tại khu vực này;Hải quân Mỹ (6/5) điều hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa; Hải quân Mỹ (28/8) đã điều tàu khu trục USS Wayne E. Meyer áp sát đá Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa; Hải quân Mỹ Mỹ (13/9) điều khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer áp sát khu vực quần đảo Hoàng Sa…
Không chỉ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, Mỹ còn nhiều lần cử máy bay tuần tra tự do hàng không trong khu vực Biển Đông. Theo đó, Mỹ (13/3) đã điều hai máy bay ném bom chiến thuật B-52 tuần tra trong khu vực Biển Đông. Đây là lần thứ hai trong vòng 10 ngày qua máy bay B-52 di chuyển trên Biển Đông, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Bộ chỉ huy Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (14/3) thông báo hai máy bay ném bom chiến thuật B-52H Stratofortress của Mỹ vừa bay ngang Biển Đông; khẳng định máy bay quân sự chỉ tiến hành hoạt động huấn luyện thường kỳ nhằm hỗ trợ các đồng minh, duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở… Kể từ 2004, Mỹ đã luân phiên điều máy bay ném bom tầm xa B-1, B-52 và B-2 rời Guam và diễn tập ở châu Á; đồng thời cáo buộc Bắc Kinh triển khai tên lửa chống hạm, thiết bị gây nhiễu điện tử và tên lửa đất đối không tới các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Triển khai tổng hợp các biện pháp để ngăn chặn
hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông
Với việc Trung Quốc bất chấp thủ đoạn và luật pháp quốc tế để xâm chiếm biển đảo của nước khác, gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và trật tự khu vực, cộng đồng quốc tế cần chung tay tiến hành tổng hợp các biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước liên quan trực tiếp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã tìm mọi biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh lợi dụng sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao để ngăn chặn, cản phá và không chịu hợp tác, khiến tất cả những giải pháp đưa ra đều rơi vào bế tắc. Có lẽ đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần chung tay phối hợp để ngăn chặn Bắc Kinh, nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Đầu tiên, cộng đồng quốc tế cần gia tăng sức ép, buộc Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trong giai đoạn hiện nay, hòa bình và đe dọa hòa bình, chiến tranh và nguy cơ chiến tranh hầu như đan xen nhau, lúc ở xứ này, lúc ở khu vực kia và có lúc lên tới quy mô toàn cầu. Cuốn theo nó không chỉ công sức và thời gian mà còn là triệu triệu sinh mạng con người và những khối lượng của cải vật chất khổng lồ không sao tính hết. Hiện nay, mặc dù nguy cơ chiến tranh hủy diệt đã bị đẩy lùi nhưng nguy cơ chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang ở Biển Đông vẫn hiện hữu với tính chất ngày càng phức tạp. Thực tế này buộc các quốc gia phải phát huy tối đa khả năng của chính mình đồng thời không ngừng thúc đẩy sự hợp tác với các quốc gia khác trong phạm vi khu vực cũng như trên quy mô toàn cầu nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Thực tế những năm vừa qua, tình hình an ninh – chính trị ở Biển Đông có nhiều diễn biến rất phức tạp, trong đó phải kể đến các diễn biến liên quan việc Trung Quốc sử
dụng vũ lực xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, tiến hành cải tạo, quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép, tăng cường hiện diện quân sự, chủ động đâm va, khiêu khích tàu cá, tàu chấp pháp các nước…
Nếu như trước đây các quốc gia có thể tự bảo đảm an ninh hoặc trông cậy váo sự giúp đỡ hạn chế của một vài đồng minh thì ngày nay khả năng tự giải quyết một cách đơn phương ấy đã trở lên khó khăn trong môi trường thế giới ngày càng gia tăng sự tùy thuộc vào lẫn nhau giữa các quốc gia. Điều kiện phát triển và tương quan của các mối quan hệ quốc tế hiện hành đòi hỏi phải có những viên pháp và cơ chế pháp lý quốc tế cần thiết, trong đó tồn tại hệ thống an ninh tập thể vừa có tính khu vực, vừa có tính toàn cầu, với việc sử dụng hiệu quả các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp và xung đột quốc tế, kết hợp thực hiện liên tục các biện pháp giải trừ quân bị và củng cố lòng tin bằng nhiều hoạt động cụ thể giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Trong khi đó, luật quốc tế đã thừa nhận việc bảo vê, giữ gìn hòa binh an ninh là một trong những hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt, có tính bắt buộc đối với mọi quốc gia thành viên. Điều này được cụ thể hóa ở ngay trong những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế mà cụ thể là nguyên tắc cấm đe dọa dùng vũ hay dùng vũ lực lực và chứa đựng trong một số nguyên tắc khác như nguyên tắc hòa bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một lần nữa vào năm 1984, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết 39/11 tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong mục đích họat động của mình. Đối với các xung đột, tranh chấp, ủng hô các giải pháp hòa bình dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, trong đó quan trọng nhất là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Có thể nói việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ trong quan hệ quốc tế là yếu tố quyết định đảm bảo hòa bình, an ninh, đồng thời là những điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động của cộng đồng quốc tế.
Do đó, cộng đồng quốc tế cần phối hợp gia tăng sức ép hơn nữa, buộc Trung Quốc – một trong năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cần tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982… để giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực; duy trì xu thế hòa bình, hợp tác ở Biển Đông và tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của các nước ven Biển Đông; chấm dứt các hành động phi pháp, khiêu khích, xâm phạm chủ quyền nước khác.
Thứ hai, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông cần thống nhất lập trường, quan điểm trong việc ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; tích cực đưa ra các tuyên bố lên án, chỉ trích hành động ngang ngược của Bắc Kinh tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Cụ thể:
Tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế và khu vực, lãnh đạo các nước liên quan cần tích cực đưa ra các tuyên bố, phát ngôn chỉ trích, lên án những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Thời gian qua, rất nhiều nước, đặc biệt là những nước lớn trong khu vực cũng như trên thế giới đã tích cực thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc lên án những hành động khiêu khích, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Anh, Philippines, Singapore… đều nhiều lần đưa ra các tuyên bố thể hiện sự quan ngại, phản đối các hành động đơn phương, quân sự hóa của Bắc Kinh đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có các hành động cụ thể nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như hòa bình, ổn định trong khu vực.
Các nước liên quan cũng cần tăng cường can thiệp ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc nhằm thể hiện thái độ, quan điểm của mình đối với vấn đề Biển Đông. Trong những năm gần đây, tại các cuộc gặp cấp cao giữa một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam… với Trung Quốc, các nước đều đề cập quan điểm, thái độ liên quan tình hình Biển Đông. Hành động này của các nước liên quan đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực và kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông.
Các nước liên quan tranh chấp cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất, tác động và ảnh hưởng của tranh chấp Biển Đông đối với hòa bình, ổn định của khu vực cũng như trên thế giới. Trên thực tế, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vốn là một vấn đề quốc tế, nhưng nó đang bị Trung Quốc kiềm hãm và tìm cách ngăn cản cộng đồng quốc tế can thiệp vào, khiến tình hình tranh chấp ngày càng xấu đi.
Các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN, NATO, EU… cần thể hiện vai trò của mình trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, ngăn chặn các hành động phi pháp, khiêu khích trong khu vực, vì nếu tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của
cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước trong khu vực, những nước có hoạt động giao thương hàng hải qua Biển Đông.
Nhìn chung, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… cần gia tăng mức độ can dự ở Biển Đông bằng nhiều hình thức khác nhau; phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp và ngăn chặn Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông; chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương quốc tế hóa vấn đề Biển Đông; coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực. Các nước cần thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông bằng cách kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tại các diễn đang quốc tế.
Thứ ba, trước các hành động ngày càng bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và Vùng đặc quyền kinh tế với Trung Quốc cần tăng cường sức mạnh quân sự và có các hành động cụ thể để bảo vệ những tuyến đường biển, cầu cảng cũng như các đường biên giới biển quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu, cung cấp nhiên liệu.
Các nước cần đầu tư, mua sắm trang thiết bị quân sự để đề phòng bị Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo, đá ở Biển Đông. Tuy khả năng xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn là không cao, song không thể loại trừ việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để xâm chiếm các đảo, đá ở Biển Đông và ép các nước, trong đó có Việt Nam phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, phần lớn các nước ASEAN tập trung mua sắm vũ khí hiện đại, đáp ứng cho hoạt động phòng không và phòng vệ trên biển như tàu chiến, tàu tuần tra, hệ thống radar, máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tên lửa chống hạm. Chuyên gia phân tích Công nghiệp Quốc phòng châu Á Thái Bình Dương Jon Grevatt (tạp chí IHS Jane’s) nhận định, “bảo vệ chủ quyền là mục tiêu hàng đầu của chính phủ các nước trong khu vực. Rõ ràng các hoạt động của Trung Quốc đã làm gia tăng vấn đề về bảo vệ lãnh thổ”.
Các nước cần tăng cường các hoạt động tập trận, tuần tra trong khu vực. Những hoạt động trên không chỉ góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đối phó với các mối đe dọa về an ninh phi truyền thống mà còn có tác dụng trực tiếp răn đe, ngăn chặn các hoạt động khiêu khích của Bắc Kinh. Trong những năm gần đây, việc Mỹ và các nước đồng minh liên tục tiến hành tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực là một trong những ví dụ điển hình về việc ngăn chặn và thách thức hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ và các nước đồng minh đã liên tục cử tàu chiến (bao gồm tàu ngầm, tàu sân bay, tàu khu trụ…), máy bay chiến đấu (máy bay trinh sát, máy bay ném bom B-52, máy bay tuần tra…) đến hoạt động trong khu vực Biển Đông. Đáng chú ý, những nước này đã nhiều lần cử tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa nhằm phản đối yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh và qua đó thể hiện quyết tâm bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Gần đây, Mỹ (27/5) tiếp tục cử tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam tiến vào khu vực 12 hải lý gần các đảo Cây, Phú Lâm, Tri Tôn và Linh Côn (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Đây là một phần trong hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không của các tàu và máy bay Mỹ trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Christopher Logan khẳng định, lực lượng Mỹ hoạt động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương mỗi ngày (bao gồm cả khu vực Biển Đông), nhấn mạnh mọi hoạt động của Mỹ đều tuân thủ theo luật pháp quốc tế và Mỹ sẽ điều máy bay, tàu chiến thực hiện nhiệm vụ ở bất cứ đâu luật quốc tế cho phép. Trước đó, Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động tuần tra ở Biển Đông như điều tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (10/4), tàu sân bay USS Carl Vinson (17/2) tuần tra Biển Đông, tàu khu trục hạm USS Mustin (23/3) tuần tra trong vùng biển sát đá Vành Khăn…
Tăng cường các hoạt động quân sự, đáp trả hành vi vi phạm pháp luật của Trung Quốc. Nổi bật nhất là việc Mỹ hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Chris Logan thông báo Mỹ đã rút lại lời mời Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 nhằm phản ứng bước đầu đối với tình trạng Trung Quốc liên tục quân sự hóa ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc hành động của Trung Quốc chỉ đẩy căng thẳng leo thang và gây bất ổn cho khu vực, nhấn mạnh hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận RIMPAC.
Thứ tư, để đảm bảo tối đa lợi ích kinh tế ở Biển Đông, các nước liên quan cần tăng cường phối hợp, hình thành các liên minh, hợp tác khai thác tài nguyên, khoáng sản, hải sản và dấu khí trong khu vực. Việc hợp tác kinh tế không chỉ giúp các nước đẩy nhanh quá trình thăm dò, khai thác tài nguyên ở Biển Đông mà còn giúp các nước hỗ trợ lẫn nhau trong việc ngăn chặn, đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể:
Các nước có thể hình hành một cơ chế hợp tác đánh bắt hải sản ở Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc là nước đầu tiên ở ven Biển Đông đơn phương đưa ra những quy định phi pháp về lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm ở Biển Đông. Hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đánh bắt hợp pháp các của các nước trong khu vực. Không những vậy, Trung Quốc còn thường xuyên sử dụng các lực lượng chấp pháp, các lực lượng bán vũ trang và cả những tàu cá trá hình để tấn công, đâm va, bắt bớ, thậm chí là nổ súng bắn phá tàu cá, ngư dân các nước. Nếu các nước ven Biển Đông có thể hình thanh một cơ chế hợp tác có thể sẽ ngăn chặn được các hoạt động phi pháp này của Trung Quốc.
Các nước cần tăng cường hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong khu vực. Nhìn chung, các nước ven Biển Đông đều có trình độ khoa học kỹ thuật lạc hậu hơn so với Trung Quốc, chính vì vậy, việc thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Để khai thác được nguồn tài nguyên phong phú này, các nước liên quan cần tăng cường hợp tác với những nước có trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại và có đủ khả năng răn đe cũng như đáp trả các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ… Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng vị thế quốc tế cũng như sức mạnh quân sự để đe dọa, ngăn chặn (phi pháp) các nước hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Ngoài ra, các nước liên quan cũng cần có các biện pháp chế tài về kinh tế, thương mại để phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Tuy Trung Quốc vừa là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, vừa là công xưởng sản xuất và thị trường lớn trên thế giới, nhưng nếu cộng động quốc tế cùng hợp tác ngăn chặn Trung Quốc thì hoàn toàn có thể thực hiện được. Chỉ đơn cử một ví dụ, tất cả các nước cùng ngừng nhập khẩu các mặt hàng do Trung Quốc khai thác, đánh bắt trái phép ở Biển Đông thì sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với nền kinh tế của Bắc Kinh. Và đương nhiên, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải có các biện pháp điều chỉnh chiến lược, ngừng các hành động leo thang căng thẳng cũng như hoạt động khiêu khích trong khu vực.
Thứ năm, các nước liên quan trực tiếp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc và các nước có lợi ích trong khu vực cùng kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế khi cần thiết. Việc Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc đưa ra yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp các đảo, đá, bãi cạn ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam), không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016)… tạo tiền đề hợp pháp để các nước liên quan triển khai các biện pháp pháp lý đối phó với Trung Quốc. Các nước cần chuẩn bị sẵn sàng về hồ sơ tài liệu để kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế về việc vi phạm các quy định, cam kết liên quan vấn đề Biển Đông. Philippines là nước đầu tiên đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông. Theo đó, Philippines đã yêu cầu tòa lên tiếng trên 15 điểm, liên quan đến một số vấn đề chính: Tính bất hợp pháp của bản đồ “đường 9 đoạn” được Trung Quốc sử dụng để đòi hỏi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông, con đường huyết mạch cho giao thương quốc tế; phân loại và xác định quy chế cho các thực thể, để qua đó xác định các vùng biển cho 9 thực thể bao gồm Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven; những tác động đối với nghề đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, những quyền lợi kinh tế, môi trường an ninh hàng hải của Philippines; Manila còn cáo buộc Bắc Kinh vi phạm UNCLOS vì đã tiến hành đánh cá và các hoạt động xây dựng gây phương hại đến các quyền lợi biển của Philippines; Philippines đã kêu gọi tòa án lên tiếng để Trung Quốc không tuyên bố các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các thực thể trong khu vực quần đảo Trường Sa. Không những vây, các nước liên quan cũng có thể khởi kiện Trung Quốc về việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực xâm chiếm phi pháp các đảo, đá ở Biển Đông; khởi kiện những hành động của Trung Quốc (quân sự hóa, cấm đánh bắt cá…) đe dọa các hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, cũng như đe dọa hòa bình ổn định ở Biển Đông. Ngoài ra, các nước cũng có thể khởi kiện Trung Quốc về việc vi phạm các quy định liên quan nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, cũng như việc vi phạm các cam kết do chính Trung Quốc đưa ra đối với khu vực.
Nhìn chung, để đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực và buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế thì cộng đồng quốc tế cần chung tay phối hợp mới đủ sức nặng để răn đe, gây áp lực được với Bắc Kinh. Trung Quốc cần nghiêm túc nhìn lại quá trình phát triển của mình và chấm dứt ngay các hành vi sai trái ở Biển Đông.