Tin Biển Đông – 10/08/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

TQ âm mưu dùng ‘sát thủ diệt hạm’ kiểm soát Biển Đông

Việc Trung Quốc vừa tập trận phóng tên lửa “diệt hạm” DF-26 có thể ẩn chứa thông điệp thể hiện sức mạnh kiểm soát vùng biển rộng lớn ở tây Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông.

Tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 6.8 đưa tin lực lượng tên lửa trực thuộc quân đội Trung Quốc (PLA) vừa tổ chức tập trận và nội dung có khai hỏa tên lửa Đông Phong 26 (DF-26).

Đây là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên đến 4.000 km, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. DF-26 có phiên bản dùng để tấn công tàu sân bay nên được Bắc Kinh giới thiệu bằng các danh xưng như là “sát thủ diệt hạm”, “sát thủ tiêu diệt tàu sân bay”. Thậm chí, truyền thông Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia quân sự nước này cho rằng với DF-26 thì Bắc Kinh có thể tổ chức tấn công cả căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam. Cũng vì thế, Trung Quốc còn có một danh xưng là “sát thủ diệt Guam”. Khi tầm bắn của DF-26 vươn đến đảo Guam thì đồng nghĩa với việc bao trùm cả Biển Đông.

Tập trận phối hợp

Trả lời Thanh Niên ngày 8.8, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét: “Thời gian qua, Trung Quốc đẩy nhanh quá trình phát triển quy cách hoạt động và chiến thuật sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM). Từ thực tế này, việc PLA vừa tập trận DF-26 có hai mục đích”.

“Đầu tiên, đây là bước đi mới nhất nhằm gửi thông điệp cứng rắn đến Mỹ, cũng như các nước trong khu vực và cả dư luận nội bộ Trung Quốc, rằng Bắc Kinh đủ sức ngăn cản Washington hoạt động ở Biển Đông. Các cuộc tham gia trước đó, có sự tham gia của oanh tạc cơ tầm xa và tàu chiến, cũng nhằm phục vụ cho kế hoạch này”, cựu đại tá Schuster đánh giá.

Các cuộc tập trận mà ông Schuster đề cập chính là việc Trung Quốc điều động các oanh tạc cơ chiến lược tầm xa H-6G và H-6J gần đây. Cụ thể, tờ South China Morning Post đêm 30.7 dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cùng ngày cho hay nước này vừa triển khai chiến đấu cơ H-6G và H-6J tập trận ở khu vực Biển Đông.

Máy bay H-6G và H-6J thuộc dòng H-6 đều là những oanh tạc cơ có thể mang tên lửa hành trình kết hợp radar cho phép xác định mục tiêu tàu chiến với độ chính xác cao. Ngoài ra, các dòng máy bay này còn có thể kết nối dữ liệu để các hệ thống phóng từ mặt đất khai hỏa tên lửa tấn công.

Chính vì thế, động thái triển khai oanh tạc cơ H-6G và H-6J tập trận, kết hợp cùng cuộc tập trận khai hỏa DF-26 trên cho thấy Bắc Kinh đang muốn thúc đẩy nhanh quá trình phối hợp tác chiến để thể hiện khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông.

Đại tá Schuster nhận xét thêm: “Thứ hai, cuộc tập trận bắn tên lửa DF-26 cũng nhằm củng cố khả năng của lực lượng tên lửa chiến lược trong việc hỗ trợ các lực lượng khác trên biển nếu xảy ra xung đột. Chiến tranh hải quân hiện đại không còn kết hợp giữa tàu chiến và máy bay chiến đấu, mà còn cần phải có sự phối hợp từ nhiều loại khí tài hỗ trợ khác. Nếu lực lượng tên lửa từ đất liền hỗ trợ đủ nhanh và đủ hiệu quả thì sức mạnh tấn công của lực lượng trên biển, trên không càng trở nên mạnh mẽ. Tuy nhiên, để sự phối hợp này phát huy hiệu quả thì cần nhiều thời gian thực hành”

Từ đó, ông Schuster dự báo: “Nhiều khả năng, trong thời gian tới, lực lượng tên lửa và hải quân Trung Quốc sẽ sớm có cuộc tập trận chung”.

Tàu sân bay Mỹ có dễ bị tiêu diệt?

Đầu tháng 7, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài bình luận, trong đó có đoạn phân tích như sau: “Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của quân đội Trung Quốc, và bất cứ chuyển động nào của tàu sân bay Mỹ cũng luôn bị theo sát bởi quân đội Trung Quốc – vốn đang triển khai tên lửa Đông Phong 21 (DF-21) và DF-26 là các “sát thủ” đối với tàu sân bay”.

Thời gian qua, DF-26 hay DF-21 không ngừng được Trung Quốc tự hào giới thiệu có sức công phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, muốn đánh chìm tàu thì trước hết tên lửa phải bắn trúng tàu chiến. Trong khi đó, mỗi tàu sân bay Mỹ luôn hoạt động cùng nhiều chiến hạm khác để hình thành nên một nhóm tác chiến.

“Tàu sân bay Mỹ luôn được hộ tống bởi các tàu khu trục, tàu tuần dương vốn tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân. Do đó, dù là một nguy cơ nhưng tên lửa siêu thanh DF-21 hay DF-26 khó có thể dễ dàng bắn hạ tàu sân bay. Để tác chiến hiệu quả thì cần có sự phối hợp đồng bộ nhiều khí tài, từ máy bay hỗ trợ đến tàu chiến nhằm đảm bảo khả năng chỉ huy, kiểm soát, kết nối…”, ông Schuster phân tích.

Vì vậy, việc khai hỏa tên lửa diệt hạm để tấn công tàu sân bay Mỹ chẳng hề dễ dàng.

Ngày 8.8, trang web Bộ Tư lệnh Indo-Pacific của Mỹ đưa tin tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ vừa tập trận chung với lực lượng không quân nước này ngoài khơi Nhật Bản.

Theo đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, phi đội tấn công điện tử số 131 của hải quân và không đoàn tiêm kích số 35 của không quân tập trận chung vào ngày 1.8. Nội dung tập trận gồm các chiến dịch trên không, tìm kiếm, cứu nạn trong chiến đấu và phòng không nhằm tăng cường năng lực phối hợp ứng phó với các tình huống bất ngờ, đồng thời duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Sĩ quan Michael Rovenolt chỉ huy không đoàn tàu sân bay số 5 cho biết việc tập trận giúp tăng cường năng lực và khả năng sẵn sàng hỗ trợ cam kết lâu dài với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

http://biendong.net/bi-n-nong/36271-tq-am-muu-dung-sat-thu-diet-ham-kiem-soat-bien-dong.html