Tin Biển Đông – 10/08/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phóng viên CNN chứng kiến

cảnh quân sự hóa của TQ ở Biển Đông

Một nhóm phóng viên CNN ngày 10 tháng 8 đã lên một chiếc máy bay của Hải quân Mỹ, bay qua quần đảo Trường Sa và tận mắt chứng kiến tình trạng quân sự hóa nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chiếc máy bay đã bay qua khu vực đá Subi, Chữ Thập, Gạc Ma và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Qua cửa sổ máy bay, nhóm phóng viên thấy rõ sân bay và hệ thông radar được Bắc Kinh xây dựng trên những đảo nhân tạo đó. Tại đá Subi, hệ thống cảm biến trên máy bay đã phát hiện tổng cộng 86 tàu Trung Quốc gồm nhiều tàu hải cảnh, được mô tả neo đậu trong một âu tàu lớn. Trong khi đó họ nhìn thấy nhiều dãy nhà chứa máy bay nằm bên cạnh một đường băng dài tại đá Chữ Thập.

Trong suốt chuyến bay, nhóm phóng viên CNN nhận được 6 cảnh báo từ quân đội Trung Quốc nói rằng họ đang ở trong lãnh thổ của Trung Quốc và yêu cầu họ rời đi ngay lập tức để tránh hiểu lầm xảy ra. Đáp lại, phi hành đoàn Mỹ nói rằng họ đang tiến hành hoạt động quân sự hợp pháp trên không phận quốc tế.

Trước đó vào tháng 9 năm 2015, nhóm phóng viên CNN cũng bay ngang qua khu vực Biển Đông trên một máy bay của quân đội Mỹ và cũng nhận được những cảnh báo tương tự. So với năm 2015, tình trạng quân sự hóa của Trung Quốc được nói là phát triển một cách nhanh chóng.

Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông nhằm đối phó với tham vọng mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc. Quốc hội Mỹ vừa qua đã thông qua một đạo luật yêu cầu Lầu Năm Góc phải thường xuyên báo cáo về hoạt động quân sự của Hoa Lục trên Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-navy-plane-carrying-cnn-reporters-warned-over-scs-08102018085504.html

 

Mỹ có những lá bài nào

đối phó Trung Quốc trên Biển Đông?

Đưa ra những biện pháp trừng phạt đánh vào những cá nhân có liên quan và giới tinh hoa Trung Quốc nói chung, tăng cường sự hiện diện quân sự ở quanh Biển Đông (trong đó có Việt Nam), tiếp tục hỗ trợ các nước nhỏ nâng cao năng lực trên biển, thực thi quyền tự do hàng hải thường xuyên bên ngoài các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) và tham gia vào các nỗ lực ngoại giao giải quyết tranh chấp là các giải pháp Mỹ cần xem xét để đối phó với đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Những đề xuất này được ông Michael Mazza, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện American Enterprise Institute (AEI) của Mỹ đưa ra trong một công trình nghiên cứu có tựa đề ‘Chiến lược của Mỹ đối với vùng đông nam Á’ vừa được công bố vào tháng 8 năm 2018.

‘Tam giác chiến lược’

Tác giả Mazza nhìn nhận rằng ‘bước tiến chậm rãi nhưng chắc chắn của Trung Quốc trong việc mở rộng kiểm soát trên Biển Đông đã khiến họ ngày càng có lợi thế hơn trước Mỹ’.

Hiện giờ, Bắc Kinh đã có vị thế tốt hơn để đe dọa quyền tự do lưu thông trên Biển vốn là nền tảng cho lợi ích thương mại và an ninh của Mỹ cũng như để thực thi sức mạnh đối với các nước tranh chấp khác để ép những nước này nhượng bộ bằng các biện pháp đe dọa hay cưỡng ép, theo nhận định của tác giả.

“Tất cả các bên liên quan, kể cả Mỹ, đang nhanh chóng tiến đến ngưỡng mà họ phải có lựa chọn một trong hai khả năng: hoặc là chịu để mặc cho Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, hoặc là phải kháng cự mạnh mẽ.”

Mục tiêu kháng cự đầu tiên là phải khiến cho Trung Quốc ngưng việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể mà họ kiểm soát trên Biển Đông. Nếu như việc yêu cầu Trung Quốc phải phá bỏ các căn cứ đã xây để trả Biển Đông về nguyên trạng như trước là ‘mục tiêu quá tham vọng’ thì trong giai đoạn hiện nay Mỹ nên dừng lại ở mục tiêu là Bắc Kinh đóng băng mọi hoạt động xây cất thêm.

Vẫn theo phân tích của Mazza thì Bắc Kinh có thể thành công trong việc quân sự hóa Biển Đông vì ‘cho đến giờ này, Bắc Kinh không phải trả một cái giá nào cho hành động của họ’ ngoài việc thanh danh của họ bị tổn hại ‘một cách khiêm tốn’.

Hiện nay, Bắc Kinh đã xây dựng tiền đồn trên đảo Phú Lâm (mà họ gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa và trên một số thực thể mà họ kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc hiện cũng đang kiểm soát bãi cạn Scarborough mà họ giành được từ tay Philippines hồi năm 2012. Giới quan sát đang dự đoán rằng không sớm thì muộn Bắc Kinh cũng sẽ tiến hành bồi đắp và xây dựng trên bãi cạn này. Điều này, theo Mazza, là ‘đặc biệt đáng quan ngại’.

“Nếu Trung Quốc xây dựng căn cứ ở đó (bãi cạn Scarborough) thì họ sẽ hoàn tất ‘tam giác chiến lược’ (cùng với đảo Phú Lâm và căn cứ ở Trường Sa),” Mazza phân tích, “Trung Quốc sẽ có vị thế có thể kiểm soát hầu hết Biển Đông… và dọn đường cho việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.”

Nếu điều này trở thành hiện thực thì đó sẽ là ‘thay đổi mang tính căn bản’ đối với môi trường an ninh trên Biển Đông và sẽ giúp cho Bắc Kinh ‘tăng cường thách thức quyền tự do lưu thông trên vùng biển và vùng trời quốc tế’.

Các biện pháp trừng phạt

Để răn đe hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, ông Mazza đề xuất Mỹ nên áp đặt chế tài đối với các công ty Trung Quốc tham gia bồi đắp đảo và triển khai các máy bay tác chiến điện tử luân phiên đến Philippines để phá sóng lực lượng của Trung Quốc. Trường hợp Trung Quốc triển khai lực lượng ra Đá Vành Khăn mà họ chiếm của Philippines hồi năm 1995 thì Washington cần đáp trả bằng việc triển khai binh lực ra các thực thể mà Manila hiện kiểm soát.

Ngoài ra, ông Mezza còn đề xuất Mỹ nên tạm dừng cấp thị thực du học cho con em các quan chức và các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc, treo lại chương trình thị thực đầu tư EB-5 cho các công dân Trung Quốc và cho phép các quan chức chạy trốn chiến dịch truy quét tham nhũng mang tên ‘Săn cáo’ của Chính phủ Trung Quốc được trú ẩn ở Mỹ. “Điều này sẽ gây áp lực trực tiếp lên giới lãnh đạo Trung Quốc,” ông phân tích.

Một biện pháp leo thang đáp trả mà ông Mezza cho rằng Mỹ nên tính tới là tấn công vào những điều mà Bắc Kinh cho là ‘lợi ích cốt lõi’ của họ – tức là những lợi ích mà Bắc Kinh không thể nào nhượng bộ dù chỉ một chút và sẵn sàng dùng tất cả các biện pháp, kể cả quân sự, để bảo vệ. Tấn công vào các ‘lợi ích cốt lõi’, bao gồm Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng, do đó, sẽ khiến Trung Quốc tổn thương nặng và khiến họ đáp trả quyết liệt.

Theo đó, ông đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ nên công bố báo cáo về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng và Tân Cương và nêu ra những lập trường có thể của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền này (riêng về Đài Loan, Mỹ đã có lập trường đối với chính sách ‘Một Trung Quốc’ kể từ Thông cáo Thượng Hải năm 1972 cũng như đạo Luật về Quan hệ với Đài Loan năm 1979) và thiết lập Viện Mỹ ở Dharamsala để nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và chính phủ lưu vong Tây Tạng.

Tăng cường hiện diện quân sự

Để đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, thì bên cạnh các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) vốn được các chính quyền Barack Obama và Donald Trump tiến hành nhưng không thường xuyên, ông Mezza còn đề xuất rằng Mỹ cần thực hiện liên tục quyền tự do hàng hải của tàu bè đi lại trên Biển Đông.

Ông cho rằng số liệu hiện nay cho thấy mặc dù mỗi ngày Mỹ ít nhất có từ hai đến ba tàu bè đi lại trên Biển Đông, nhưng con số này là ‘không đủ’ so với thách thức hiện nay từ Trung Quốc, và rằng sự di chuyển của tàu bè thông thường sẽ không mang tính khiêu khích đối với Bắc Kinh như FONOP.

Ngoài ra, theo ông Mezza, Washington cần tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự, nếu cần có thể thiết lập thêm căn cứ thường trực, trên Biển Đông để gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng việc họ đang tìm cách kiểm soát vùng biển và vùng trời Biển Đông ‘là vô ích’. Ông Mezza đặc biệt nhắm đến các đối tác Philippines, Singapore và Việt Nam.

Dưới chính sách xoay trục về châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama để kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc (sau này đã bị Tổng thống Donald Trump bãi bỏ và thay bằng chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do), Mỹ đã củng cố mối quan hệ an ninh với các đối tác xung quanh Biển Đông.

Đối với Philippines, vốn là một đồng minh có hiệp ước của Mỹ, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hợp tác Phòng vệ Tăng cường (EDCA) hồi năm 2014. Nhưng hiệp ước này có nguy cơ bị lung lay dưới thời của Tổng thống Rodrigo Duterte vốn ngày càng xích lại gần Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc gặp tại Manila hồi tháng 11 năm 2017, Tổng thống Trump và Tổng thống Duterte đã tái khẳng định mối quan hệ đồng minh có hiệp ước cũng như đảm bảo cam kết với EDCA.

Trong khi đó Singapore ngày càng nổi lên như là một đối tác an ninh đáng tin cậy của Mỹ đến gần mức độ như là ‘đồng minh không chính thức’. Họ đã cho Mỹ triển khai máy bay quân sự Poisedon 8 đến lãnh thổ của họ và cho phép tàu chiến thân cạn (LCS) luân phiên đồn trú.

Còn đối với Việt Nam, chính quyền Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương và hỗ trợ tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển. Một giới chức Mỹ gần đây cho VOA biết Hà Nội cũng đã thương thảo hợp đồng vũ khí trị giá gần 100 triệu đô la với Washington. Ông Mezza dự báo rằng về lâu dài phía Mỹ có thể bán cho Việt Nam máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công.

Tuy nhiên, mục tiêu của Mỹ đối với Việt Nam ‘nên là căn cứ thường trực hoặc được phép cho quân đội ra vào cảng Cam Ranh một cách luân phiên’. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ của Hà Nội, hay còn được biết đến là chính sách ‘3 không’ khiến Washington khó lòng đạt được mục tiêu này.

“Nếu các nước đông nam Á thật lòng muốn có sự hiện diện quân sự của Mỹ để có thể thay đổi tính toán của Trung Quốc thì họ cần phải có bước đi để tạo điều kiện cho sự hiện diện đó,” ông viết.

Nếu Mỹ có thể tăng cường sự hiện diện ở Philippines (đông Biển Đông), thiết lập sự hiện diện ở Việt Nam (tây Biển Đông) và với sự hiện diện sẵn có ở Singapore (nam Biển Đông), thì Mỹ có thể ‘đáp trả nhanh chóng các vụ việc xảy ra trên các chuỗi đảo tranh chấp hay các hành vi Trung Quốc quấy rối và tấn công lực lượng hải quân và không quân của Mỹ cũng như của các nước đồng minh’.

Sự hiện diện dàn trải ở khắp nơi trên Biển Đông như thế, theo ông Mezza, sẽ phức tạp hóa việc hoạch định chính sách quân sự và tính toán chính trị của Bắc Kinh do họ phải ‘tính toán đến việc tấn công vào nhiều quốc gia có chủ quyền’. Ngoài ra, việc rải lực lượng như thế còn có thể giúp các lực lượng Mỹ có thể hỗ trợ lẫn nhau nếu xảy ra khủng hoảng.

Ngoài ra, Mỹ cũng cần tiếp tục tăng cường năng lực cho các nước đối tác này để họ có thể kiểm soát vùng biển chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của họ một cách hiệu quả, ông đề xuất. Mặc dù năng lực quân sự của những nước này không thể nào bằng được Trung Quốc nhưng việc họ tăng cường khả năng quân sự có thể khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi có hành động cưỡng chế.

Tham gia giải quyết tranh chấp

Trên mặt trận ngoại giao, ông Mezza đề xuất Mỹ nên tích cực tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp với các bên thay vì giữ lập trường trung lập như lâu nay. “Hóa ra là Mỹ có lợi ích trong việc tranh chấp được giải quyết như thế nào,” ông nhận định.

Theo ông, nếu như tranh chấp được giải quyết theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc thì đó sẽ là hồi chuông báo động đối với Mỹ.

“Hãy tưởng tượng nếu như Trung Quốc có thể đảm bảo chủ quyền với với tất cả các thực thể có tranh chấp trên Biển Đông mà không phải tốn một viên đạn. Do Trung Quốc có thái độ chống lại các chuẩn mực thông thường như tự do hàng hải và tham vọng bá quyền rõ ràng của họ ở châu Á thì một thực tế như thế sẽ là một bước ngoặt không thể nào chấp nhận được đối với Mỹ và các đồng minh,” ông phân tích.

Trước mắt, một trong những hành động ngoại giao mà Mỹ có thể làm là hối thúc các bên nhanh chóng hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Kể từ Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử (DOC) được đưa ra hồi năm 2002, quá trình đàm phán COC đã kéo dài mãi bất chấp sức ép từ phía Mỹ. Một phần lý do là Trung Quốc không muốn bị ràng buộc bởi các quy định về COC trước khi họ hoàn tất các công việc xây dựng và bố trí lực lượng trên Biển Đông. Một số các nhà quan sát còn cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng câu giờ COC cho đến khi họ hoàn tất bố trí lực lượng trên bãi cạn Scarborough.

Ông đề xuất Mỹ và các đối tác bên ngoài nên khuyến khích các bên đàm phán trong ASEAN đặt ra thời hạn chót – tối đa là sáu tháng – để hoàn tất việc đàm phán COC và trong khi đàm phán các bên phải đóng băng việc xây dựng trên các thực thể. Trường hợp Bắc Kinh không đồng ý thì các nước ASEAN sẽ bắt đầu một tiến trình ngoại giao mới để đàm phán về các chuẩn mực ứng xử và tiến tới phân định ranh giới chủ quyền mà không có Bắc Kinh tham gia, theo kiến nghị của tác giả.

“Bắc Kinh có thể chọn lựa tham gia vào đàm phán hay chứng kiến các tranh chấp được giải quyết mà không có ý kiến của họ,” ông viết.

“Các nước có tranh chấp sẽ không có bước đi này nếu như họ không tin vào sự hậu thuẫn của Mỹ. Mỹ nên nói rõ ràng họ sẽ ủng hộ và bảo vệ các thỏa thuận đạt được miễn là chúng tôn trọng luật pháp quốc tế và xâm phạm lợi ích của Mỹ.”

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%C3%B3-nh%E1%BB%AFng-l%C3%A1-b%C3%A0i-n%C3%A0o-%C4%91%E1%BB%91i-ph%C3%B3-trung-qu%E1%BB%91c-tr%C3%AAn-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-/4522511.html

 

Biển Đông: Trung Quốc dùng doanh nghiệp Nhà nước

 làm công cụ lấn chiếm

Mai Vân

Một công trình nghiên cứu mới do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore công bố gần đây, và được hãng tin Anh Reuters phân tích hôm 09/08/2018 đã nêu bật một khía cạnh ít được nói đến trong tranh chấp Biển Đông. Đó là việc Bắc Kinh đã dùng các tập đoàn Nhà nước làm công cụ lấn chiếm và áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông.

Báo cáo của nhà nghiên cứu Cung Tuyết (Xue Gong) đã ghi nhận là doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc đang đóng một vai trò ngày càng tăng ở Biển Đông và góp phần giúp Bắc Kinh củng cố thế thống trị trong những năm tới đây.

Công trình đã nêu bật các hoạt động của các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc trong việc phát triển hạ tầng cơ sở, du lịch cũng như dầu khí, mà một số nằm trong vùng tranh chấp với các láng giềng. Bắc Kinh, theo bản nghiên cứu, đã khuyến khích hoạt động của các tập đoàn này. Đối với một số chuyên gia và nhà ngoại giao, hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ cản trở bất kỳ giải pháp tương lai nào cho khu vực nếu Bắc Kinh bảo vệ họ bằng quân sự và chính trị.

Tập đoàn Trung Quốc phục vụ lợi ích chiến lược

Điểm được ghi nhận đầu tiên là các tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong một môi trường phức tạp và thường không rõ ràng, phục vụ cho lợi ích chiến lược của Bắc Kinh trong lúc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Trả lời Reuters, chuyên gia Cung Tuyết nhấn mạnh là các tập đoàn này : « không thể hoạt động độc lập, nhưng năng nổ tranh thủ cơ hội, và khi môi trường về chính sách thuận lợi thì họ lao vào… Chúng ta đã thấy những dấu hiệu về cách hành xử này ở Biển Đông. »

Đối với tác giả bản nghiên cứu, nếu chính quyền Trung Quốc duy trì được thế thượng phong và quyền định đoạt trong khu vực, đồng thời ổn định được tình hình, thì sẽ có nhiều cơ hội lớn cho các công ty này.

Riêng trong lãnh vực tài chánh, bản nghiên cứu đã nêu lên các khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin, nhưng đánh giá là công việc cải tạo 7 bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo đã tốn kém hàng tỷ đô la.

Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, riêng việc xây dựng Đá Chữ Thập – giờ đây có một phi đạo dài 3 cây số, cơ sở quân sự, có cả hỏa tiễn, radar – đã tốn khoảng 11 tỷ đô la.

Chính việc tiếp tục xây dựng các công trình trên 7 bãi đá này đã gây lo ngại cho Hoa Kỳ và các láng giềng khu vực của Trung Quốc.

Hợp đồng béo bở ở Biển Đông

Nghiên cứu của chuyên gia Cung Tuyết cho thấy cách thức Tâp Đoàn Xây Dựng Viễn Thông Trung Quốc CCCC (China Communications Construction Corporation) và các công ty con, tận dụng chính sách mà ông Tập Cận Bình tung ra vào năm 2012 để phát triển năng lực hoạt động trên biển nhờ các hợp đồng ở Biển Đông, trong đó có việc đóng tàu nạo vét thuộc loại lớn nhất thế giới.

Tập đoàn CCCC đã lập ra những đơn vị kinh doanh mới tập trung khai thác vùng Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam, và nhắm vào lãnh vực du lịch, cơ sở hậu cần, đánh cá, xây dựng.

Tập đoàn đã cam kết đầu tư 15 tỷ đô la vào những lãnh vực khác nhau. Bản nghiên cứu của bà Cung Tuyết nhận định rằng kế hoạch đó « xuất phát từ việc tập đoàn này đã hưởng lợi từ việc bồi đắp đảo ở Biển Đông nằm trong kế hoạch của nhà nước. »

CCCC cũng hợp tác với những tập đoàn Nhà nước khác, trong đó có tập đoàn du lịch China Travel Service Group (CTSG), để phát triển tuyến du lich đến Hoàng Sa bằng tàu thủy, sau khi giới lãnh đạo không còn ngần ngại ủng hộ những hoạt động như trên.

Theo số liệu của Cơ Quan An Toàn Hàng Hải Hải Nam vào tháng Giêng năm nay, đã có hơn 70.000 khách đi du ngoạn ở Biển Đông từ khi tuyến du lịch Hoàng Sa được mở ra vào tháng 4/2013.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2017, đã có khoảng 680 chuyến bay thương mại đáp xuống đảo Phú Lâm, nơi đặt Tam Sa, thủ phủ hành chính phụ trách các chiến dịch ở Biển Đông.

Trọng lượng của tập đoàn dầu khí CNOOC

Bản nghiên cứu cũng nêu chi tiết cách thức mà Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc CNOOC đã dùng để vận động nguồn tài trợ và lôi kéo Trung Quốc dấn thân sâu rộng hơn vào Biển Đông cách đây một thập kỷ, sau khi bị chỉ trích từ giới học giả lo ngại trước hoạt động của những nước tranh chấp khác.

CNOOC là tập đoàn đã dành 32 tỷ đô la cho việc thăm dò dầu khí và đã cho xây dựng giàn khoan nước sâu khổng lồ mà Trung Quốc đã kéo vào cắm đặt trong vùng biển ngoài khơi miền Trung Việt Nam năm 2014, làm dấy lên căng thẳng với Việt Nam.

Theo kết quả quý đầu năm nay thì, giá trị cổ phiếu các đơn vị phụ trách thăm dò và khai thác dầu khí Biển Đông của tập đoàn CNOOC đã tăng 45% so với 43% vào năm ngoái, và chỉ đứng sau những hoạt động ở Bột Hải. Báo cáo thường niên mới nhất của CNOOC đã ghi nhận 8 khám phá mới ở Biển Đông, trên tổng số 19 khu vực tìm kiếm ngoài khơi của Trung Quốc năm 2017.

Theo chuyên gia Cung Tuyết, những tập đoàn giống như CNOOC « đã cho thấy là họ có hiệu năng cao hơn trong việc huy động phương tiện gây ảnh hưởng đối với chính sách Nhà nước, trong lúc một số tác nhân khác, như các tập đoàn du lịch, chỉ đáp ứng khi được Nhà nước tài trợ ».

Trong một thông cáo gởi đến Reuters, CNOOC nói là đã có một chiến lược phát triển tại vùng biển nước sâu ở Biển Đông và dự kiến gia tăng đầu tư vào việc thăm dò và phát triển trong tương lai. Thông cáo cũng mời chào : « Tất cả các công ty dầu khí trên địa cầu đều được mời cùng tham gia đầu tư và khai thác vùng biển ngoài khơi Trung Quốc để cùng thành công với CNOOC ».

Một loạt tập đoàn khác được cho là đang chú ý đến những hoạt động khác ở Biển Đông, từ điện hạt nhân, viễn thông, cho đến đánh cá, ngân hàng.

Khó đạt giải pháp cho tranh chấp Biển Đông ?

Theo đánh giá của Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS tại Singapore, « Bắc Kinh đang khuyến khích các doanh nghiệp trở nên những tác nhân quan trọng ở Biển Đông ».

Đối với chuyên gia này « Đây là điều mà các quốc gia khác tranh chấp không thể làm được, ít ra là ở quy mô như Trung Quốc », và trong bối cảnh đó : « Tranh chấp Biển Đông hoàn toàn chưa tiến gần đến bất kỳ giải pháp nào, pháp lý hay chính trị, và vai trò của các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc đã nêu bật thực tế đó ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180810-bien-dong-trung-quoc-dung-doanh-nghiep-nha-nuoc-lam-cong-cu-lan-chiem