Tin Biển Đông – 10/07/2018
Từ tháng 5,
Trung Quốc đuổi đi 852 tàu cá ‘nước ngoài’
Tài khoản mạng xã hội của Cảnh sát Biển Trung Quốc vừa cho biết, kể từ tháng 5/2018 đến nay Trung Quốc đã đuổi hơn 800 tàu cá ‘nước ngoài’.
Bài đăng trên mạng xã hội Weixin hôm 7/7 cho biết Trung Quốc đã cử hơn 60 tàu cảnh sát để giám sát các hoạt động đánh cá trong khu vực “thuộc vùng biển Trung Quốc” bao gồm Hoàng Hải, và cả Nam Hải tức Biển Đông.
Trung Quốc đã ra lệnh cấm mọi hoạt động đánh cá thường niên trên Biển Đông, bao gồm cả vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền từ 1/5 đến 16/8, theo một tuyên bố hồi tháng Ba của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Biển Đông: TQ nâng cấp danh mục quân sự
Trung Quốc lại đem tên lửa ra Biển Đông
Nhật Bản sẽ điều tàu chở trực thăng tới Biển Đông
Theo bài đăng trên Weixin, kể từ khi có lệnh cấm, Cảnh sát Biển Trung Quốc đã phái đi 6.423 lượt tàu và kiểm tra 2.047 tàu đánh cá trong nước.
Trong đó, đội cảnh sát biển TQ cũng điều tra 631 tàu ‘đánh cá bất hợp pháp’ trong và ngoài nước với 24 trường hợp bị xử lý hình sự, và đánh đuổi 852 tàu cá “nước ngoài”.
Bản tiếng Trung ghi rằng đây là hoạt động của các đơn vị hải cảnh “chống lại việc đánh bắt phi pháp”.
Bài không ghi rõ các tàu “nước ngoài” này đến từ nước nào.
Tuy nhiên chuyên gia nghiên cứu hàng hải Trung Quốc, Ryan Martinson thuộc Trường Cao Đẳng Hải chiến Hải quân Hoa Kỳ, cho rằng đây là “một nỗ lực lớn để ngăn chặn các ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa.”
Một nhà quan sát khác, Malcolm Dewald, thì gọi đó “cướp biển thời hiện đại”.
Tàu cá của ngư dân Việt từ nhiều năm qua luôn nghi ngờ là bị tàu Trung Quốc tấn công.
Theo báo Dân Trí, trong khoảng tháng Ba đến tháng Tư năm nay, đã có hơn 10 tàu cá Việt Nam bị tấn công ở Hoàng Sa.
Gần đây nhất, hôm 8/6, tàu cá KH 97517-TS đã bị ‘tàu lạ’ đâm chìm, khiến 5 ngư dân rơi xuống biển, theo báo VietnamNet.
Hôm 22/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
“Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc”.
“Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”, bà Hằng nói về quy chế cấm đánh bắt cá của Bắc Kinh, có hiệu lực từ 1/5.