Tin Biển Đông – 10/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 10/07/2017

Phi cơ ném bom Mỹ vào Biển Đông, TQ phản đối

Mỹ điều hai máy bay ném bom chiến lược tầm xa tới bay trên vùng trời Biển Đông nhằm xác quyết quyền tự do bay trên vùng biển có tranh chấp.

Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 7/7 xác nhận hai chiếc B-1B Lancer từ Căn cứ Không quân Andersen ở Guam, Tây Thái Bình Dương, đã bay tới Biển Đông hôm thứ Năm, vào lúc Tổng thống Donald Trump chuẩn bị gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức.

Việc cho máy bay ném bom tới nơi diễn ra chưa đầy một tuần sau khi tàu chiến USS Stethem đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa để thực thi hoạt động ‘tự do hàng hải’.

Hòn đảo nhỏ bé này hiện đang do Trung Quốc kiểm soát và thuộc quần đảo cũng là nơi Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.

Tàu chiến Mỹ áp sát đảo tranh chấp ở Hoàng Sa

Chu Ân Lai và vấn đề Hoàng Sa

5 điều cần biết về đảo Tri Tôn

Tàu chiến Mỹ tiếp cận Đá Vành Khăn

Trước đó, hải quân Hoa Kỳ hồi tháng Năm đã có chiến dịch tương tự khi tàu USS Dewey tiếp cận Đá Vành Khăn (tên tiếng Anh là Mischief Reef) thuộc Quần đảo Trường Sa, một trong bảy điểm Trung Quốc tiến hành bồi đắp đảo nhân tạo.

Cũng trong tháng Năm, phi cơ Hoa Kỳ tiến hành bay trên bầu trời Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản.

Bắc Kinh đã tuyên bố vùng nhận dạng phòng không đối với hầu hết diện tích Biển Hoa Đông kể từ 11/2013 nhưng Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác coi là tuyên bố bất hợp pháp.

Khi đó, chuyến bay của chiếc phi cơ ném bom B-1B của Mỹ đã nhận được những cảnh cáo từ giới chức Trung Quốc.

Trước khi bay tới Biển Đông hôm thứ Năm, hai chiếc Lancer đã có cuộc huấn luyện với các chiến đấu cơ Nhật Bản tại Biển Hoa Đông trong lần tập trận chung ban đêm đầu tiên giữa không quân hai nước, Reuters tường thuật.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức ra phản ứng.

“Trung Quốc cương quyết phản đối các nước lợi dụng danh nghĩa tự do hàng hải và tự do bay để phô trương sức mạnh quân sự và gây tổn hại tới chủ quyền và an ninh của Trung Quốc,” phát ngôn viên Cảnh Sảng nói.

Tàu chiến Hải quân Mỹ cập cảng Cam Ranh

USS Hue City: Chiến hạm Mỹ mang tên TP Huế

Cảng Cam Ranh: Ai nói gì?

Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong một tuyên bố ngắn gửi cho hãng tin Reuters nói rằng Bắc Kinh luôn cảnh giác và “theo dõi một cách hiệu quả các hoạt động quân sự của các nước ở gần Trung Quốc.”

“Quân đội Trung Quốc sẽ cương quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như hòa bình, ổn định khu vực,” nội dung tuyên bố viết.

Quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc di chuyển của tàu hải quân và phi cơ quân sự nhằm phản đối những đòi hỏi quá mức của các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc.

Hoa Kỳ coi quyền tự do hàng hải và tự do bay là lợi ích cốt lõi, cần phải được bảo vệ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh nói họ thấy không có hề có vấn đề gì trong việc các nước tiến hành hoạt động tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, theo phát ngôn viên Cảnh Sảng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40557427

 

Trung Quốc khai thác băng cháy ở Biển Đông

Trung Quốc bắt đầu thí điểm khai thác băng cháy ngoài Biển Đông, cách tỉnh Quảng Đông 320 km về phía Đông Nam, vào hôm 10 tháng 5. Hôm 18 tháng 5, nước này tuyên bố lần đầu tiên đã thành công trong việc lấy được các mẫu băng cháy ở biển Đông.

Băng cháy là hỗn hợp đông lạnh của nước và khí tự nhiên đậm đặc. Đây là một trong những nhiên liệu hóa thạch dồi dào nhất thế giới. Ước tính của một số nhà khoa học cho thấy một mét khối băng cháy chứa khoảng 160 m3 khí thiên nhiên.

Phó Cục trưởng Cục Khảo sát địa chất Li Jinfa cho biết băng cháy sẽ đóng vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ông nói đây là loại nhiên liệu chiến lược thay thế dầu và khí tự nhiên trong tương lai.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-exploited-hydrate-methane-gas-scs-07102017112305.html

 

Biển Đông :

Chuyên gia Mỹ cảnh báo về lệnh Trung Quốc cấm đánh cá

Trọng Nghĩa

Lệnh cấm đánh cá tại các khu vực Biển Đông mà Trung Quốc cho là của họ sẽ hết hạn vào tháng 8 tới đây. Cho đến nay, có rất ít báo cáo về các sự cố liên quan đến việc Bắc Kinh thực thi lệnh này, nhưng trong bản báo cáo công bố ngày 07/07/2017, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á – AMTI – thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế – CSIS – tại Washington cho rằng cần phải theo dõi sát sao tình hình vì Trung Quốc thường có biện pháp thô bạo để áp đặt lệnh cấm đơn phương của họ.

Theo ghi nhận của bản báo cáo, từ năm 1995 đến nay, Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông đối với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngoại quốc, kể cả tại các vùng biển của nước khác, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Lệnh cấm năm 2017 kéo dài từ 01/05 vừa qua, cho đến tháng Tám.

Sau khi điểm lại các sự cố từ năm 2012 đến năm 2017, bản báo cáo đã kết luận rằng lệnh cấm của Trung Quốc năm nào cũng « làm bùng lên nỗi tức giận giữa Bắc Kinh với các láng giềng, tạo nên tình trạng căng thẳng giữa việc thực thi pháp luật khu vực và các đội tàu đánh cá ».

Các sự cố, đôi khi dữ dội, là một vấn đề quanh năm giữa ngư dân Trung Quốc và các nước láng giềng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan xuống đến Đông Nam Á, nhưng lệnh cấm đánh bắt cá là một yếu tố thúc đẩy sự gia tăng các sự cố này.

Với lệnh cấm, phần lớn ngư dân Trung Quốc quay trở lại cảng, nhưng nhiều tàu cũng hướng về phía nam vĩ tuyến 12, làm gia tăng các vụ đụng độ với lực lượng cảnh sát biển các nước Đông Nam Á tại vùng Trường Sa hay ngoài khơi Indonesia.

AMTI đặc biệt ghi nhận tính chất « thưa thớt » của các báo cáo liên quan đến các sự cố do việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đơn phương gây ra. Đối với các chuyên gia Mỹ, chưa rõ là tình trạng đó bắt nguồn từ việc Bắc Kinh đang nhẹ tay để chiêu dụ các láng giềng, hay là vì các nước nạn nhân của Trung Quốc như Philippines và Việt Nam lưỡng lự, không muốn báo cáo về các sự cố.

Có điều, theo cơ quan nghiên cứu và tham vấn này, « xu hướng lịch sử cho thấy rằng lệnh cấm cần phải được theo dõi chặt chẽ ». Nhất là khi các nguồn tin báo chí nêu bật vấn đề là lệnh cấm đánh bắt cá năm nay « chặt chẽ hơn » so với những lần trước vì thời gian áp dụng dài hơn, và diện bị cấm được mở rộng thêm.

Trung Quốc lại có tiền án về các hành vi thô bạo trong việc áp dụng lệnh cấm đánh cá.

Tác động đáng chú ý nhất của lệnh cấm mỗi năm là các vụ va chạm tăng vọt giữa lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc và ngư dân Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa và chung quanh Hoàng Sa. Chính quyền Hà Nội đã lên án lệnh cấm của Trung Quốc, coi đó là việc vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm thỏa thuận nghề cá tại vùng Vịnh Bắc Bộ mà hai nước đã đạt được vào năm 2000.

Các ngư dân Việt Nam và các quan chức chính quyền địa phương đã từng báo cáo về tình trạng gia tăng các hành vi sách nhiễu, bắt bớ và thậm chí bắt cóc mà lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc tiến hành, trong bối cảnh ngư dân Việt Nam, được chính quyền hỗ trợ ngầm, đã coi thường lệnh cấm của Trung Quốc.

Đối với Philippines, trước khi lệnh cấm đánh bắt có hiệu lực vào tháng Năm vừa qua, đã có tin là ngày 27/05, một tàu công vụ của Trung Quốc đã bắn cảnh báo vào các ngư dân Philippine để đưa họ ra khỏi khu vực Cụm Sinh Tồn (tên quốc tế là Union Banks), một ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines nằm gần một rạn san hô do Trung Quốc kiểm soát.

Với các tiền lệ như kể trên, AMTI cảnh báo cần phải thận trọng theo dõi việc Trung Quốc thực thi lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông năm nay.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170710-bien-dong-chuyen-gia-my-canh-bao-ve-lenh-trung-quoc-cam-danh-ca