Tin Biển Đông – 10/04/2020
Trung Quốc sắp đưa thủy phi cơ ra Biển Đông
và phát ngôn lâu nay của Việt Nam
Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 6/4 cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch đưa thủy phi cơ đổ bộ cỡ lớn AG600 đến Biển Đông.
CCTV dẫn lời ông Lục Dương, Phó giám đốc dự án AG600 tại Kinh Môn rằng các thủy phi cơ AG600 đang trong quá trình tinh chỉnh, tối ưu hóa thiết kế tại thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc. Thủy phi cơ AG600 sẵn sàng cho các chuyến bay thử nghiệm trong năm nay và sẽ có chuyến bay đầu tiên từ Chu Hải. Chiếc thủy phi cơ AG600 đầu tiên sẽ được dự kiến bàn giao cho quân đội Trung Quốc vào năm 2022.
Trung Quốc cho biết thủy phi cơ AG600 được sử dụng trong công tác cứu hỏa cháy rừng và cứu hộ trên biển, cũng như hỗ trợ cho việc phát triển, khai thác, thăm dò tài nguyên biển.
Báo Thanh Niên Online, vào ngày 10/4, trích lời của Tiến sĩ Satoru Nagao, thuộc Viện Nghiên cứu Hudson, Hoa Kỳ, vào hôm 9/4 đã đưa ra nhận định với báo này rằng thủy phi cơ đổ bộ là loại khí tài đáp ứng chiến lược của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và Trung Quốc phát triển thủy phi cơ AG600 nhằm phát gia tăng năng tiếp cận nhanh các đảo nhỏ, bãi đá ở Biển Đông mà Trung Quốc nuôi tham vọng bá quyền ở khu vực này.
Khi được báo giới yêu cầu bình luận về tin vừa nêu tại cuộc họp báo trực tuyến hôm 9/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp lại tuyên bố Hà Nội mong muốn các nước tăng cường hợp tác, đóng góp thiết thực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đó là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực.
Huy động “chiến tranh thông tin” về Biển Đông,
TQ hy vọng “lòe bịp” cả thế giới
Thế kỷ XX, trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, ông trùm về tuyên truyền của Đức Quốc xã là Joseph Goebbels đã rất thành công trong việc lan truyền và thu phục dân chúng Đức ủng hộ chủ nghĩa Quốc xã nhờ vào triết lý: “Nếu đưa một lời nói dối đủ lớn, và sau đó lặp đi lặp lại lời nói dối đó nhiều lần thì nó sẽ khiến người khác tin lời nói dối đó là sự thật”.
Còn ở Trung Quốc, trong cổ học tinh hoa của nước này có truyện “Tăng Sâm giết người”. Truyện kể rằng: Tăng Sâm hay còn gọi là Tăng Tử, một người nổi tiếng là hiền hậu, hiếu kính với cha mẹ. Một ngày nọ, có người chạy đến nói với mẹ của Tăng Tử là Tăng Sâm giết người. Bà mẹ không tin, nhưng tới người thứ ba đến nói Tăng Sâm giết người thì bà mẹ thực sự hoảng sợ. Sự thực là có người trùng tên với Tăng Sâm giết người, chứ không phải là Tăng Tử. Câu chuyện trên cho thấy, người Trung Quốc còn biết đến yếu tố tác động tâm lý con người từ trước cả người Đức. Họ hiểu rằng, bất cứ sự việc gì, cho dù nó không phải là sự thật, nhưng nói nhiều lần cũng khiến người ta tin vào nó.
Triết lý trong hai câu chuyện trên đang được người Trung Quốc ra sức áp dụng vào “cuộc chiến” tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Khi Trung Quốc “trỗi dậy” sau một thời gian dài “giấu mình chờ thời”, Bắc Kinh đã tính đến chuyện thay thế địa vị của Washington để “lãnh đạo thế giới”. Và họ bắt đầu thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” từ Biển Đông, lấy Biển Đông làm “lợi ích cốt lõi” của đất nước, tranh đoạt cho được vùng biển này để qua đó tiến ra đại dương, “bá chủ biển khơi” nhằm giành lợi ích kinh tế, thương mại, hàng hải và cả lợi ích địa chiến lược quân sự. Có như vậy mới có thể thay thế được vị trí của Mỹ.
Nhiều người đã nghĩ rằng, nếu Trung Quốc muốn thay thế vị trí của Mỹ, thì theo quy luật, rất dễ hai cường quốc này phải trải qua một trận “so găng” quyết đấu để phân định thắng thua. Tuy nhiên, Dennis F.Poindexter, tác giả của cuốn sách “Chiến tranh thông tin của Trung Quốc”, thì nghĩ khác. Theo ông này, viễn cảnh một cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc Mỹ – Trung rất khó xảy ra và không nhất thiết phải là chiến tranh quân sự. Ngay từ bây giờ, Trung Quốc đã và đang tiến hành chiến tranh rồi, một cuộc “chiến tranh” phi quân sự để có thể đạt được mục đích tối thượng của mình. Điều này, như trong Binh pháp Tôn Tử của người Trung Quốc cổ xưa đã dạy rằng, “không đánh mà thắng mới là thượng sách”. Đó chính là cuộc “chiến tranh thông tin” (Information Wars) mà Trung Quốc thực hiện nhằm đoạt lại vị trí “thiên tử” như xưa kia. Và nó đang được tiến hành ráo riết xung quanh vấn đề “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông gắn với “đường chín khúc” mơ hồ và phi pháp.
Cuộc “chiến tranh thông tin” về “chủ quyền” theo “đường chín khúc” ở Biển Đông đã được Trung Quốc âm thầm thực hiện từ nhiều năm trước, khi Đảng Cộng sản và Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức phê chuẩn học thuyết “Tam chiến” (Tam chủng chiến pháp) nhằm mang lại thế thượng phong cho Trung Quốc trong các tranh chấp tương lai.
Để có lý do “hợp lý” cho việc đòi quyền “sở hữu” hơn 80% diện tích Biển Đông, Trung Quốc ra sức tìm “trăm phương ngàn kế” hòng biện minh cho yêu sách “đường chín khúc” phi lý và ngang ngược cho dù yêu sách trên không đủ bằng chứng pháp lý và không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trung Quốc tìm mọi phương pháp, tranh thủ mọi cơ hội để tuyên truyền về “đường chín khúc”, từ hộ chiếu của người dân Trung Quốc đi du lịch có in hình đường này, đến các phần mềm xe hơi, các bản đồ, địa cầu, phim ảnh, quần áo… đều được vẽ, in hay “cài” trên đó “đường chín khúc”. Thậm chí, Trung Quốc còn tìm cách “mua” một số học giả quốc tế nổi tiếng thông qua việc giành chính sách ưu đãi họ, cấp cho họ “học bổng nghiên cứu” để những người này viết bài ủng hộ lập trường của Chính phủ Trung Quốc về “đường chín khúc”. Tiêu biểu cho các học giả này là Mark Valencia từ Mỹ, Sam Bateman từ Australia… Song song với đó, Trung Quốc huy động đội ngũ các nhà khoa học của mình tập trung nghiên cứu, xây dựng lập luận và trình bày chúng một cách khéo léo để bảo vệ lập trường “đường chín khúc” của Chính phủ Trung Quốc. Ví dụ, tạp chí Trung Quốc về Luật quốc tế (Chinese Journal of International Law) là một diễn đàn được các học giả Trung Quốc thành lập ngay tại Đại học Oxford (Anh). Sau khi Toà Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) năm 2016 ra phán quyết liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines mà phần thắng thuộc về Philippines, tạp chí này đã dành hẳn một số đặc biệt hơn 500 trang để bác bỏ phán quyết của PCA. Mới đây nhất, Đại sứ quán Trung Quốc tại Italia đăng bài trên Fanpage Facebook về “giúp đỡ” Italia phòng chống đại dịch Covid-19, họ cũng đồng thời “trương” luôn tấm bản đồ có “đường chín khúc” kèm theo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng áp dụng các chiến thuật của “chiến tranh tâm lý”, tung ra hàng loạt thông tin, giả thiết đặt ra nhiều nguy cơ về một cuộc chiến tranh quân sự có thể nổ ra, nhấn mạnh vào tuyên truyền mức độ và quy mô sức mạnh của Quân đội Trung Quốc, đồng thời nhắc đi nhắc lại về khả năng chiến thắng và tiềm lực của Hải quân Trung Quốc, khiến các quốc gia khác có lợi ích liên quan ở Biển Đông phải lo sợ. Cùng với đó, Trung Quốc cũng tung tin đe dọa sẽ khởi động “trừng phạt” kinh tế nếu có quốc gia nào chống lại âm mưu và hành động của họ. Năm 2013, khi bắt đầu khởi kiện Trung Quốc ra PCA, Philippines đã gặp phải “tình huống” như vậy.
Tuy nhiên, “chiến tranh thông tin” chỉ là một bộ phận trong “cuộc chiến” tổng lực mà Trung Quốc đang sử dụng để thực hiện tham vọng yêu sách “đường chín khúc” trên Biển Đông. Nó được kết hợp nhuần nhuyễn với các mặt trận, các lĩnh vực khác; được tiến hành mọi lúc, mọi nơi khi có điều kiện, thời cơ. Vì thế, các nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông trong khi phải theo dõi sát sao các thủ đoạn “chiến tranh thông tin” của Trung Quốc để có đối sách đáp trả kịp thời, đồng thời lại phải hết sức cảnh giác với các động thái và hành động của Bắc Kinh tại khu vực này trong thời gian tới, nhất là trong năm 2020. Theo đó:
Thứ nhất, với tham vọng và quyết tâm trở thành “siêu cường” thế giới, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới ở Biển Đông bằng nhiều cách thức khác nhau. Bởi vì, qua sự kiện Bắc Kinh cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 cùng nhiều tàu hải cảnh xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, cùng với việc xâm phạm EEZ của Malaysia, Philippines trong năm 2019 vừa qua, đặc biệt là gây căng thẳng với Indonesia những ngày đầu năm 2020 cho thấy, âm mưu muốn kiểm soát, khống chế, tiến tới “độc chiếm” Biển Đông của Trung Quốc là không hề đổi khác, nếu có khác thì chỉ khác về cách thức triển khai trên thực tế mà thôi.
Thứ hai, năm 2021 sẽ là năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2022 Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XX, kết thúc một nhiệm kỳ nữa của ông Tập Cận Bình. Do đó, tình hình Biển Đông năm 2020 sẽ còn “dậy sóng” vì Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự kiện ở bãi Tư Chính năm 2019 vừa qua chỉ là một cách thức “thăm dò” của Trung Quốc để họ xem phản ứng của các nước, đặc biệt là Việt Nam như thế nào. Mục đích xa hơn mà Trung Quốc muốn là đưa giàn khoan “cắm chốt” ở bãi Tư Chính, biến bãi Tư Chính thành khu vực tranh chấp, buộc Việt Nam phải chấp nhận “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Trung Quốc. Đồng thời, coi thùng dầu đầu tiên khoan được ở khu vực này là một trong những thành tích quan trọng để “ghi dấu” hai mốc sự kiện nêu trên.
Thêm nữa, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác “khai thác chung” với một số quốc gia ven Biển Đông, thông qua đó thao túng và chia rẽ các quốc gia thành viên của ASEAN. Năm 2018, Trung Quốc và Philippines đã ký kết thỏa thuận về việc hợp tác phát triển dầu khí ở Biển Đông. Hiện nay, họ đang tiến hành những bước cuối cùng trong việc “khai thác chung” với Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Rong. Vì vậy, “khai thác chung” ở Biển Đông trước hết sẽ được Trung Quốc thực hiện với Philippines trong năm 2020. Trung Quốc muốn thông qua “khai thác chung” với Philippines để “rêu rao” với thế giới về thành công của chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, tiến tới ép Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei phải “theo gương” thực hiện.
Thứ ba, Trung Quốc sẽ thúc đẩy các vòng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng đó phải là một COC theo ý của Trung Quốc. Trong đó, Bắc Kinh muốn dùng COC để ngăn cản sự tham gia của các công ty Mỹ trong việc khai thác dầu khí tại Biển Đông, cũng như “đẩy” Mỹ ra khỏi khu vực này. Vì vậy, con đường để đi đến một COC thực chất và hiệu quả vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp do lập trường của các bên còn rất xa nhau.Các nước ASEAN vẫn bị chia rẽ bởi lợi ích kinh tế từ phía Trung Quốc. Trong khi đó, thực lực và vị thế của Trung Quốc lại ngày càng lớn mạnh, họ đang dùng mọi cách để ép buộc các nước ASEAN chấp thuận dự thảo COC theo ý muốn của mình. Với việc đưa ra thời gian biểu trong vòng 3 năm tới Trung Quốc và ASEAN sẽ hoàn thành việc đàm phán COC, thì năm 2020, nhiều nội dung liên quan đến Bộ quy tắc này sẽ là trọng tâm mà hai bên phải “đấu trí” với nhau.
Thứ tư, năm 2020, Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây sức ép với các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhất là với Việt Nam. Theo nhận định của giáo sư Carlyle A.Thayer – Học viện Quốc phòng Australia: “Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra khẳng định chủ quyền trong vùng biển mà các yêu sách đường chín khúc chồng lấn với EEZ và thềm lục địa của các nước ven bờ. Trong năm 2020, chúng ta có thể chứng kiến Trung Quốc tiếp tục ý đồ gây sức ép lên các nước ven Biển Đông, buộc họphải dừng hoạt động của những tàu thăm dò dầu khí nước ngoài”.Theo đó, lực lượng Hải quân Trung Quốc sẽ thực hiện nhiệm vụ mang tính răn đe, sẵn sàng can thiệp hỗ trợ lực lượng dân quân biển đóng vai trò “tiên phong” quấy rối trong khu vựcđể hình thành “vùng xám” nhằm lấn át và đẩy các bên ra khỏi khu vực.
Thứ năm, ngoài các hoạt động của Trung Quốc, năm 2020 Mỹ sẽ gia tăng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP), tuần tra giám sát ở Biển Đông. Tuy nhiên, khả năng xảy ra các vụ “đụng độ” giữa lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc ở khu vực này là không cao, do cả hai bên cùng kiềm chế tối đa. Việc Mỹ vẫn tiếp tục các “chiến dịch” FONOP ở Biển Đông là nhằm thách thức yêu sách “chủ quyền” lãnh thổ phi lý của Trung Quốc ở khu vực. Hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra và sẽ còn kéo dài. Trong “cuộc chiến” này, dù không trực tiếp nhưng có “bóng dáng” của vấn đề Biển Đông trong đó. Chính vì vậy, Trung Quốc sẽ ngày càng quyết đoán ở Biển Đông. Trong khi đó, với việc xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số 1, nên Biển Đông sẽ là một trong những địa bàn quan trọng để Mỹ kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc trong thời gian tới.
Những dự báo về các động thái trên của Trung Quốc cho thấy, không chỉ năm 2020, mà trong những năm tới, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh hơn nữa cuộc “chiến tranh thông tin” về Biển Đông, bởi đây là mặt trận được thiết kế để định hình thái độ và hành vi của dư luận trong và ngoài Trung Quốc, không chỉ giúp họ kích động tinh thần dân tộc, truyền “cảm hứng” chiến đấu cho quân đội, mà còn “lòe bịp” thiên hạ, tác động tới tinh thần của “đối phương”. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ huy động lực lượng truyền thông và tuyên truyền khổng lồ của họ hướng vào những động thái trên để phối hợp “chiến tranh thông tin” phục vụ tham vọng “bá quyền” trên Biển Đông.
Mỹ tăng cường lực lượng đối phó với TQ
trên Biển Đông và Hoa Đông
Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) đã hoạch định kế hoạch tái cơ cấu toàn diện trong 10 năm tới, trong đó sẽ tập trung ưu tiên vào việc ngăn chặn các hành động bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Kế hoạch mới của USMC mang tên Force Design 2030 (tái cơ cấu lực lượng) được Tư lệnh USMC David Berger công bố cuối tháng 3/2020, lực lượng này sẽ có bước chuyển mạnh từ ưu tiên chống khủng bố sang việc ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng một số đảo trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Theo đó, dựa trên Chiến lược quốc phòng quốc gia năm 2018 do Tổng thống Donald Trump công bố năm 2018, USMC sẽ chuyển trọng tâm nhiệm vụ từ tác chiến chống khủng bố trên đất liền sang đối phó với các nguy cơ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cụ thể là Trung Quốc và Nga. Đặc biệt, trước nguy cơ bành trướng trên biển từ Trung Quốc, USMC sẽ được coi như đội quân tiền phương của lực lượng hải quân và hai lực lượng sẽ tăng cường phối hợp với nhau.
Kế hoạch Force Design 2030 tuy không đề cập cụ thể tới các nội dung tác chiến nhưng cũng giả định việc bố trí phân tán hệ thống tên lửa hành trình phòng thủ ven biển (CDCM), tên lửa tấn công, hệ thống cảm biến, các căn cứ tàu trinh sát và căn cứ dự phòng tại một số đảo kéo dài từ phía Nam đảo Kyushu (Nhật Bản) tới Đông Bắc Đài Loan. Kế hoạch mới cũng cho biết, USMC sẽ tiến hành các hoạt động tác chiến xung quanh đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), quanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để có thể giành chiến thắng trước hình thái tác chiến “vùng xám” mà Trung Quốc hay thực hiện thông qua sử dụng tàu vũ trang số lượng lớn đổ bộ chiếm đảo hay ngụy trang tàu vũ trang dưới vỏ bọc tàu cá.
Theo kế hoạch tái cơ cấu, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ cắt giảm xuống còn quy mô 17.000 lính vào năm 2030, đồng thời giải tán 7 trung đội xe tăng – thiết giáp với quan điểm rằng số xe cơ giới này sẽ nhờ tới lục quân hỗ trợ khi cần thiết, giảm số đơn vị tấn công bằng trực thăng từ 7 xuống 5, số đơn vị vận tải trực thăng từ 8 xuống còn 5. Các trung đội pháo cũng được cắt giảm từ 16 xuống còn 5. Tuy nhiên, sẽ tăng biên chế các trung đội tên lửa, pháo tầm xa từ 7 lên 21 đội để gánh vác nhiệm vụ tác chiến tiền phương. Ngoài ra, cũng sẽ tăng thêm số đơn vị trinh sát, giám sát, tình báo (ISR) và đảm nhận nhiệm vụ tấn công đối hạm và đối đất bằng máy bay không người lái từ 3 đơn vị lên thành 6 đơn vị.
Trước đó, Chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger (2/10/2019) tuyên bố lực lượng này đang thực hiện các chương trình, trong đó có tăng cường huấn luyện chiến đấu đổ bộ, để sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh với Trung Quốc và Nga. Tướng Berger cho rằng Thủy quân lục chiến Mỹ phải cơ động và tập trung nhiều hơn vào tác chiến hàng hải, nhằm đối phó với “mối đe dọa hiện hữu lâu dài” từ Trung Quốc. Người chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đồng thời cáo buộc Trung Quốc muốn thay thế vai trò của Mỹ trên bàn cờ quốc tế; khẳng định Mỹ sẽ ưu tiên tập trung đối phó với các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường, cũng như các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuy nhấn mạnh sự đe dọa hiện hữu từ Bắc Kinh, ông Berger cũng cho rằng lực lượng hiện tại của Trung Quốc chưa có đủ năng lực để răn đe các lực lượng Mỹ, hay ngăn cản Mỹ hoạt động tự do trên các vùng biển.
Thời gian gần đây, Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã tăng cường hiện diện ở Biển Đông và Hoa Đông để ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Theo đó, Hải quân Mỹ đã điều Đơn vị Thủy quân lục chiến viễn chinh số 11 (11th MEU) từ vùng Vịnh (trực thuộc Hạm đội 5) đến tham gia Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương nhằm tăng cường an ninh hàng hải và ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong tháng 8/2019, Thủy quân lục chiến Mỹ đã tiến hành các cuộc
tập trận kéo dài 11 ngày tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, với các nội dung tác chiến trên biển, trên không cũng như hoạt động đổ bộ. Đây được coi là động thái đáp trả các hoạt động hung hăng của Trung Quốc trên các vùng biển ở khu vực châu Á.
Được biết, Thủy quân lục chiến Mỹ là một quân chủng của Quân đội Mỹ có trách nhiệm cung cấp lực lượng tiến công từ phía biển, sử dụng phương tiện vận chuyển của Hải quân Mỹ để nhanh chóng đưa các lực lượng đặc nhiệm vũ trang hỗn hợp. Nó là một trong số 8 lực lượng đồng phục của Mỹ. Theo cơ cấu lãnh đạo dân sự trong Quân đội Mỹ thì Thủy quân lục chiến là một thành phần của Bộ Hải quân Mỹ, thường hoạt động sát cánh bên các lực lượng hải quân Mỹ cho các mục đích huấn luyện, vận chuyển và tiếp vận. Tuy nhiên, theo cơ cấu lãnh đạo quân sự thì Thủy quân lục chiến Mỹ là một quân chủng riêng biệt.
Thủy quân lục chiến Mỹ có khoảng trên 203.000 binh sĩ và dưới 40.000 binh sĩ trừ bị. Nó là quân chủng nhỏ nhất trong các lực lượng vũ trang của Mỹ thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Tuy nhiên Thủy quân lục chiến Mỹ lớn hơn toàn bộ lực lượng vũ trang của một số cường quốc quân sự nổi bật khác, thí dụ như nó lớn hơn lực lượng vũ trang hiện dịch của Israel hay toàn bộ Lục quân Anh. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ chiếm khoảng 6% ngân sách quân sự của Mỹ. Chi tiêu cho mỗi binh sĩ thủy quân lục chiến là $20.000 ít hơn chi tiêu cho bất cứ binh sĩ nào trong các quân chủng khác. Toàn bộ lực lượng có thể được sử dụng cho cả các chiến dịch lớn và các chiến dịch thủy bộ.
Lầu Năm Góc: ‘TQ đâm chìm tàu VN’
đi ngược quan điểm Mỹ về biển ‘tự do, rộng mở’
Hôm 9/4, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi các bên “kiềm chế” sau vụ một tàu cá Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm.
“Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về tin tức cho hay tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm và đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa”, Lầu Năm Góc nói trong tuyên bố được phát đi ngày 9/4 trên trang web chính thức.
“Hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị cưỡng ép và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ viết tiếp.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ đồng minh và những nước đối tác đảm bảo tự do hàng hải và các cơ hội phát triển kinh tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Tuyên bố còn nói rằng: “Việc đại dịch COVID-19 đang hoành hành thế giới đã cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, bởi đây là nền tảng cho phép các nước giải quyết mối đe dọa chung một cách minh bạch, tập trung và hiệu quả”.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động gây mất ổn định khu vực, có thể làm chệch hướng nỗ lực tập trung đối phó với đại dịch hoặc gây ra nguy cơ không cần thiết dẫn đến tổn thất về người và tài sản.”
Trước đó, hôm 6/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự quan ngại tương tự sau khi có các báo cáo cho hay Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Vào tối 2/4, giới hữu trách tại Quảng Ngãi cho báo chí biết một tàu cá của ngư dân Trần Hồng Thọ đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở gần đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
https://www.voatiengviet.com/a/lau-nam-goc-tq-dam-chim-tau-vn-di-nguoc-quan-diem/5367082.html
Biển Đông: Tuyên bố ‘nặng ký’ của Mỹ
đang khích lệ Việt Nam?
Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt
“Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm và đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
“Hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị cưỡng ép và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”, Bộ Quốc phòng Mỹ lập luận trong tuyên bố được đăng tải trên trang web chính thức.
“Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ đồng minh và những nước đối tác đảm bảo tự do hàng hải và các cơ hội phát triển kinh tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Tuyên bố ‘nặng ký’
Bình luận về diễn biến này, hôm 10/4 từ Hà Nội, một nhà quan sát và phân tích an ninh, chính trị khu vực nói với BBC News Tiếng Việt:
“Hôm qua, có tuyên bố phản đối của Bộ Quốc phòng Mỹ về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
“Tôi hiểu rằng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ còn nặng ký hơn của tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
“Tổng thống Donald Trump đã giao toàn quyền cho Bộ trưởng Mark Esper cư xử ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như Ấn Thái Dương.”
Tin cho hay trong tuần tới theo dự kiến sẽ diễn ra một cuộc họp nhóm bốn quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, được biết đến là Quad, trong đó có thể có những bàn thảo về an ninh khu vực và các trao đổi nhận thức thông tin giữa các bên liên quan.
Nhà nghiên cứu không muốn tiết lộ danh tính, nêu ý kiến từ một viện nghiên cứu chiến lược ở khu vực:
“Họ đã quyết định không mời Bắc Kinh dự thính. Bắc Kinh, với đại dịch từ Vũ Hán, dường như đã hình thành xong quan điểm của phương Tây, trước hết là Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản rằng Bắc Kinh là kẻ thù chứ không còn là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” của Mỹ nữa
“Vì thế họ không mời Trung Quốc và Quad đang có giả định rằng Bắc Kinh có thể tấn công Đài Loan và Trường Sa.”
Tận dụng vị thế
Cũng hôm 10/4, bình luận về phản ứng của Mỹ với các động thái trên Biển Đông của Trung Quốc, một nhà quan sát khác, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ từ Hà Nội cho BBC biết bình luận và quan điểm của mình:
“Về sự kiện trong tháng Tư này và theo dõi phản ứng các bên, tôi thấy rằng trong lúc các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và Việt Nam, đang tập trung mọi nỗ lực chống Covid-19, thì những động thái cải tạo đảo chìm, xây trạm quan sát, quân sự hoá và những hành động như sự kiện nêu trên như hôm 02/4 của phía Trung Quốc, là không thể chấp nhận và đáng bị lên án.
“Đây chỉ là một trong chuỗi các hành động sai trái của chính phủ Trung Quốc trong thời gian gần đây và thế giới cần lên tiếng và có hành động ngăn chặn cụ thể.
“Chính phủ Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, đã thể hiện thái độ phản đối Trung Quốc một cách mạnh mẽ và dứt khoát, thể hiện quan điểm của chính sách ‘tự do hàng hải’ trên Biển Đông và sẽ theo đuổi thực hiện trong mọi tình huống.
“Sự nhất quán giữa lời nói và việc làm của chính quyền Mỹ sẽ tăng thêm niềm tin cho các nước chịu ảnh hưởng từ sự xâm lấn, đe dọa của Trung Quốc và tăng uy tín của chính phủ Mỹ trong bối cảnh nước Mỹ và châu Âu đang rất khó khăn trước tác động kép, nặng nề về đại dịch và suy thoái kinh tế.
“Chính phủ Việt Nam cũng đã có những động thái, theo tôi là tích cực, và nên chuẩn bị giải pháp pháp lý cao hơn, kiện chính phủ Trung Quốc ra Toà án Quốc tế, như án lệ khi Philippines thắng kiện trước Trung Quốc gần đây.
“Ngoài ra, theo tôi Việt Nam nên tận dụng vị thế của mình ở Hội đồng Bảo an LHQ và Chủ tịch hiệp hội ASEAN để bày tỏ ý kiến và tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực về những động thái bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia và trong khối ASEAN,” nhà phân tich chính sách công nói.
Toan tính của TQ
Hôm 09/4, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, bình luận với BBC về động thái của Trung Quốc trên Biển Đông vào thời điểm cả thế giới đang tập trung vào lo chống đại dịch Covid-19:
“Trung Quốc sẽ tiến hành như thế nào các hành động của họ trong thời điểm hiện nay, nhất là vào lúc đại dịch Covid-19 mà đang gây ra cho toàn cầu những thảm họa ghê gớm như một cuộc Đại chiến Thế giới, thì rõ ràng đó là cũng là một tính toán của Trung Quốc.
“Bởi vì Trung Quốc trong quá trình họ tiến xuống Việt Nam, họ thường lợi dụng các điều kiện về an ninh, chính trị, quốc phòng khu vực, quốc tế, để họ thực hiện âm mưu của họ và thời điểm hiện nay cũng là một trong những dịp để Trung Quốc làm.
“Song tôi nghĩ vào lúc này họ không có thể làm mạnh được, bởi vì toàn thể nhân loại đang tập trung vào câu chuyện này, không thể làm ngơ, bởi vì chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch này để họ tô vẽ hình ảnh của họ.
“Nhưng sau cuộc đại dịch này, tôi cho rằng khi mà thế giới đang lao đao với nền kinh tế của mình đã sa sút sau Covid-19, thì Trung Quốc có thể có những bước tiến mạnh mẽ hơn lên để họ thực hiện cho được ý muốn, động cơ, chiến lược của họ là độc chiếm Biển Đông và họ muốn thông qua cái này để vươn lên, tranh giành địa vị siêu cường quốc tế.
“Tôi nghĩ sau đại dịch này mới là câu chuyện chúng ta cần lưu ý và cần phải đề phòng.”
Tình hình xấu đi?
Khi được đề nghị đưa ra nhận định, dự báo về tình hình ở Biển Đông có liên quan tới Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian tới đây và hậu đại dịch Covid-19, hôm thứ Năm, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nói với BBC:
“Tôi nghĩ rằng tình hình sẽ xấu đi và sẽ căng lên, Trung Quốc sẽ có những hành động manh động hơn như Tiến sỹ Trần Công Trục hay Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao có nói với BBC là Trung Quốc chuyển lửa đi sang các mặt trận khác.
“Tuy nhiên điều quan trọng là những điều mà Trung Quốc đang xây dựng, tức là những công pháp, chiến pháp được xây dựng trên sự giả dối hay là trên sự ép buộc hoặc trên sử dụng vũ lực, thì những cái đó đi ngược lại văn minh hay văn hóa minh tiến bộ nhân loại, hay thậm chí đi ngược lại với chính truyền thống của nhân dân tiến bộ ở Trung Quốc và tôi không nghĩ là người dân Trung Quốc sẽ ủng hộ.
“Tức là nếu làm những việc trái với đạo lý, thì Trung Quốc sẽ rất là mất uy tín và không nhận được sự ủng hộ ngay cả trong nội bộ đất nước, trong nhân dân họ.
“Hiện nay cũng đang có nhưng xu thế như thế ở Trung Quốc, tức là người dân cũng không im lặng nữa và họ yêu cầu công lý.
“Họ cũng không đồng ý với những sự áp đặt, hay những câu chuyện chính trị lại đè nén các tiếng nói của khoa học hay là tiếng nói của các học giả hay của những người yêu nước.
“Hiện nay nhiều người dân Trung Quốc đang có xu thế là đối thoại lại và cũng theo những xu hướng tôi nghĩ là rất tiến bộ,” Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng nêu quan điểm.
Không thể ‘lơi là’
Cho rằng Việt Nam đang làm tốt việc chống đại dịch do virus corona gây ra, nhưng cũng không nên lơi là với tình hình biển đảo ở Biển Đông, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam (Vusta) nói với BBC:
“Tôi chia sẻ nhận định của Tiến sỹ Trần Công Trục, về tình hình Biển Đông vào thời điểm đại dịch Covid-19 này cũng như những tháng tiếp theo, tôi cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ manh động nhiều hơn nữa ở phía Biển Đông.
“Và nhận thấy một điều là chính phủ Đài Loan hiện nay đang rất cảnh giác với Trung Quốc, cũng tương tự như vậy là Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng đang rất cảnh giác với Trung Quốc.
“Với những động thái gần đây nhất của Đài Loan, của Hoa Kỳ, của Nhật Bản và vì thế cho nên tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng cần phải lưu ý rằng là không loại trừ Trung Quốc sẽ làm căng thẳng hơn nữa ở Biển Đông.
“Đưa giàn khoan, đưa tàu nghiên cứu xuống Trường Sa, đưa dân quân biển nhiều hơn nữa xuống Trường Sa và không loại trừ khả năng là Trung Quốc sẽ dùng dân quân biển để phong tỏa những bãi đá, đảo mà các chiến sỹ của ta (Việt Nam) đang đóng quân ở trên đó.
“Không loại trừ Trung Quốc sẽ có hành động đó và nếu như Trung Quốc có hành động đưa dân quân biển xuống, bao vây phong tỏa vùng biển xung quanh các đảo Trường Sa mà quân đội Việt Nam đang chiếm giữ ở trên đó, thì lúc đó sẽ như thế nào?
“Cho nên tôi nghĩ rằng một mặt chính phủ Việt Nam hiện nay đang làm rất tốt câu chuyện phòng chống Covid-19, thì không thể bỏ qua hoặc là không thể lơi là trong câu chuyện chuẩn bị những tình huống xấu nhất trước những hành động tham lam và có thể nói là manh động của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là ở Trường Sa,” PGS Hoàng Ngọc Giao, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ nói với chương trình bình luận & phân tích của BBC hôm 09/4 về Biển Đông và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi nội dung chương trình trên với sự tham gia của TS. Trần Công Trục và PGS. Hoàng Ngọc Giao.
https://www.youtube.com/watch?v=pPa7N_nZ0NQ
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52245935https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52245935