Tin Biển Đông – 10/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 10/03/2020

Những dẫn chứng cho thấy TQ lập ra

Trung tâm cứu hộ Biển Đông chỉ nhằm phục vụ

các mục tiêu quân sự thay vi hỗ trợ cứu nạn người dân

Năm 2019, Trung Quốc gây chú ý dư luận khi công khai việc thành lập và đưa vào sử dụng “Trung tâm cứu hộ hàng hải” trên đảo Chữ Thập ở Biển Đông với những mục đích “hào phóng, trách nhiệm”. Tuy nhiên, trên thực tế trong suốt thời gian qua, Trung tâm này chỉ phục vụ cho ý đồ hiện thực hóa âm mưu bành trướng chủ quyền ở Biển Đông.

Những tuyên bố, hứa hẹn của TQ

Đầu năm 2019, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc loan tin công khai rằng đã thành lập ra một trung tâm cứu hộ hàng hải ở trên đảo Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Bộ này tuyên bố rằng trung tâm được xây dựng để bảo vệ tốt hơn an toàn giao thông và vận tải ở Biển Đông thông qua việc cung cấp các dự báo hàng hải, báo động thảm họa và cứu hộ, cứu nạn người dân trên biển. Hơn thế, Trung Quốc còn tuyên bố trung tâm này không chỉ phục vụ người dân Trung Quốc mà còn cho người dân tất cả các nước khác. Trung Quốc sau đó cũng liên tục đưa vào sử sụng, biên chế các loại tàu cứu hộ, tàu bệnh viện hay các loại hình thông tin, cảnh báo vệ tinh để phục vụ hoạt động nhân đạo.

Thực tế diễn ra không như những gì TQ tuyên bố

Đầu tiên, tại đá Chữ Thập, 1 trong 7 thực thế bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp cải tạo và quân sự hóa trái phép ở Trường Sa, thực tế đây là một tiền đồn quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đá này là địa điểm của một căn cứ không quân, bao gồm đường băng dài 3.125 m và một địa điểm radar cảnh báo sớm. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đây là “căn cứ tiên tiến nhất của Trung Quốc” tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, với 12 hầm trú ẩn cứng với mái có thể thu vào để phóng tên lửa di động. Nó có đủ nhà chứa để chứa 24 máy bay chiến đấu và bốn máy bay lớn hơn. Đường chạy đủ dài để đáp máy bay ném bom Xian H-6 của Trung Quốc, có thể thực hiện các hoạt động chiến đấu trong phạm vi 3.500 dặm của rạn san hô bồi đắp. Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tham gia xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa, tạo ra 7 hòn đảo và 3.200 mẫu đất mới. Đá Subi là lớn nhất trong số 7 tiền đồn nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa. Subi, cùng với các rạn san hô Vành Khăn, Chữ Thập có cơ sở hạ tầng quân sự bao gồm đường băng. Subi cách Trung Quốc khoảng 1.200 km (750 dặm), giờ là nơi trú ngụ của hơn 400 ngôi nhà. Một số nhà bình luận đã chỉ ra rằng nó có thể là một căn cứ trong tương lai cho hàng trăm lính thủy đánh bộ của Quân đội Trung Quốc. Như vậy có thể khẳng định, bản chất của đá Chữ Thập, nơi đặt trung tâm cứu hộ hàng hải của Trung Quốc là một căn cứ quân sự rõ ràng. Và trung tâm này nhằm phục vụ ý đồ quân sự hóa của Trung Quốc, củng cố sự hiện diện và lôi kéo người

dân bám trụ ở đá này mà vốn chỉ là một rạn san hô chìm khi thủy chiều lên và nhấp nhô khi thủy chiều xuống, hoàn toàn không có người ở.

Thứ hai, trong suốt hơn 1 năm qua, “trung tâm cứu hộ” nói trên của Trung Quốc chưa cứu vớt trường hợp gặp nạn nào, thậm chí còn từ chối. Vụ việc gây bức xúc nhất trong dư luận diễn ra vào tháng 10/2019, khi Trung Quốc từ chối cứu hộ tàu cá Việt Nam gặp nạn. Lúc đó, tàu cá tỉnh Quảng Nam mang số hiệu QNa 90569 TS với 12 lao động đã bị gãy trục láp, phải thả trôi trên biển ở khu vực đảo Bạch Quy, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Khi nhận được thông tin, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam phát thông báo hàng hải đề nghị các tàu cá phối hợp hỗ trợ, lai dắt tàu cá QNa 90569 TS về bờ. Theo đề nghị của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam), phía Trung Quốc đã cử 1 tàu cứu nạn đến khu vực đảo Bạch Quy để cứu nạn tàu cá QNa 90569 TS. Nhưng khi đến hiện trường, lực lượng cứu nạn Trung Quốc xác định sự cố tàu QNa 90569 TS chỉ cứu hộ, không phải cứu nạn, đồng thời và cho hay để được thực hiện cứu hộ phải trả tiền theo thỏa thuận.

Những vụ việc khác liên quan việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu thuyền các nước cũng khiến dư luận bất bình, diễn ra thường xuyên nhất đối với tàu cá Việt Nam và Philippines. Vụ việc tàu Trung Quốc truy đuổi khiến một tàu cá Việt Nam bị chìm sau đó không cứu giúp, thậm chí ngăn cản lực lượng chức năng Việt Nam đến cứu hộ diễn ra vào tháng 3/2019. Hay vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines cùng toàn bộ ngư dân sau đó bỏ mặc không cứu diễn ra vào tháng 6/2019, sau đó được tàu Việt Nam cứu giúp sống sót trở về. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lúc đó đã lên án mạnh mẽ hành động của tàu Trung Quốc và cảm ơn tàu Việt Nam đã cứu mạng sống của 22 ngư dân Philippines.

Đây là một số dẫn chứng điển hình nhất để khẳng định việc Trung Quốc lập ra cái gọi là Trung tâm cứu hộ hàng hải ở Biển Đông tại đá Chữ Thập thực chất chỉ là núp danh dân sự, mà ý đồ chính của Trung Quốc là nhằm phục vụ các yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông.

http://biendong.net/bien-dong/33442-nhung-dan-chung-cho-thay-tq-lap-ra-trung-tam-cuu-ho-bien-dong-chi-nham-phuc-vu-cac-muc-tieu-quan-su-thay-vi-ho-tro-cuu-nan-nguoi-dan.html

 

Nhìn lại việc Bắc Kinh tìm cách

lũng đoạn nghề cá ở Biển Đông

và những hệ lụy đối với khu vực, thế giới

Cùng với các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, hiện nay Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát toàn bộ hoạt động nghề cá ở Biển Đông. Điều này đang gây ra những hệ lụy tiêu cực đến đời sống của hàng triệu người dân các quốc gia dọc Biển Đông và thế giới.

Như chúng ta đã biết, Biển Đông là một trong những khu vực đánh bắt cá năng suất cao nhất trên thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lượng đánh bắt cá toàn cầu. Hơn một nửa tàu cá trên thế giới hoạt động trong vùng biển này, cung cấp công ăn việc làm cho hơn 3,7 triệu người. Tuy nhiên, hiện nay người dân các nước tại vùng biển này đang phải chịu tác động to lớn bởi các biện pháp kiểm soát và hoạt động nghề cá của Trung Quốc.

Biện pháp đầu tiên của Trung Quốc phải kể đến là việc nước này xây dựng “Ngư trường thông minh”, có thể chống chọi trước các cơn bão mạnh và chỉ cần 9 công nhân phục vụ tại trại hỗ trợ, nơi họ có thể cho cá ăn, vớt cá và làm sạch lồng bằng điều khiển từ xa. “Ngư trường thông minh” của Trung Quốc thực chất là tổ hợp gồm 3 trại cá và 1 trại hỗ trợ. Mỗi trại cá là một lồng lưới thép hình lục giác lớn, có kích thước 110 m x 75 m và có thể chứa 250.000 m3 nước và nuôi 10 triệu con cá nục. Các “Ngư trường thông minh” được triển khai các vùng biển sâu ở Biển Đông và sản lượng của mỗi lồng thép này đạt khoảng 6.000 tấn cá. Từ tháng 6/2017, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Vũ Xương cũng đã bàn giao cho Công ty SalMar ASA của Na Uy một trại cá nửa chìm, nửa nổi lớn. Trong tương lai, các ngư trường này sẽ được triển khai tại các vùng biển sâu, vùng biển tranh chấp do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.

Biện pháp thứ hai là ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ các “ngư trường truyền thống” ở Biển Đông. Từ tháng 3/2016, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với “ngư trường truyền thống” ở quần đảo Natuna của Indonesia. Theo hãng tin Channel News Asia của Singapore nhận định, phía Trung Quốc thường sử dụng chiêu bài và cụm từ “ngư trường truyền thống” để bao biện cho các sai trái của tàu cá nước này trong vùng EEZ của nước khác. Trung Quốc cũng thường xuyên tuyên bố các vùng biển ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Vùng biển phía Tây Philippines là các “ngư trường truyền

thống” của mình và ngư dân cũng như tàu thuyền Trung Quốc có quyền hoạt động, xuôi đuổi tàu thuyền các nước khác.

Biện pháp thứ ba là, đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên toàn Biển Đông. Từ năm 1999 đến nay, hàng năm Trung Quốc đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6. Gần đây nhất, Trung Quốc (8/2/2018) đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8, trên phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm này cũng được áp dụng ở vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông. Phía Việt Nam đã nhiều lần phản đối, nêu rõ “Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”. Quy định của Trung Quốc cũng đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Quy chế của Trung Quốc cũng không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay. Đối với Philippines, nước đang thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc và từng nhận được nhiều cam kết từ phía Trung Quốc, song trên thực tế tàu thuyền Trung Quốc cũng thường xuyên vi phạm ngư trường và đe nạt ngư dân của Philippines ngay trong EEZ.

Biện pháp thứ tư là trang bị vũ khí và sẵn sàng hỗ trợ tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển của các nước. Trung Quốc được biến đến là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới với khoảng 450.000 tàu cá, trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển nghề cá. Những tàu cá của Trung Quốc thường được trang bị súng, mìn, vòi rồng, hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc và dễ dàng nhận được sự “trợ giúp” của lực lượng này. Tại Nam Hải, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp cảnh báo, phát hiện các tàu nước ngoài. Theo các chuyên gia, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước. Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho tàu cá, thậm chí ra tay can thiệp khi tàu cá bị cơ quan hành pháp của nước khác truy đuổi, bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Giới chuyên gia cho rằng Biển Đông vốn là vùng biển đã gắn bó lâu đời với nhân dân các nước, trong đó nghề cá đang nuôi sống hàng triệu người dân, biết bao thế hệ sống trong vùng biển này. Đây là nguồn lợi chung cần được các quốc gia chung tay giữ gìn, bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay những hành động nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân các nước. Điều này là hoàn toàn trái với các cam kêt của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS mà Trung Quốc là nước tham gia ký kết. Để đối phó với các hoạt động gây hại của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước ven biển ASEAN cần tăng cường hợp tác, đặc biệt để bảo vệ các nguồn tài nguyên trong khu vực. Trên cấp độ khu vực, các nước có thể hợp tác kiểm soát hoạt động khai thác tài nguyên cá thông qua việc thành lập một tổ chức nghề cá khu vực, để có tiếng nói chung trong vấn đề này, cũng như trong việc tố cáo, lên án những hành động phi pháp của Trung Quốc. Trên cấp độ quốc gia, các nước ven bờ cần tăng cường khả năng kiểm soát trên biển và có các quy định mạnh để đối phó hoạt động đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc. Đồng thời, các nước cần phối hợp xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống, tuyên truyền phổ biến luật pháp tới người dân nhằm hạn chế tối đa hoạt động đánh cá bất hợp pháp ở Biển Đông của Trung Quốc.

Những hệ lụy là hoạt động đánh bắt quá mức của Trung Quốc khiến cho nguồn hải sản tại khu vực Biển Đông ngày càng giảm đi. Đây là một trong nhiều hoạt động của con người gây tổn hạn đến môi trường của khu vực biển giàu tài nguyên thiên nhiên này. Theo kết quả của một nghiên cứu gần đây cho thấy đối với một số loài thì suy giảm xuống chỉ còn 5% so với mức vào những thập niên 50 của thế kỷ trước.Đơn vị Nghiên cứu Kinh tế Nghề Cá thuộc Đại học British Columbia, Canada công bố phúc trình theo đó có một số loài tại khu vực Biển Đông trong những năm gần đây suy giảm dữ dội. Loài cá mú chấm nhỏ, cá mó vàng nâu chỉ trong vòng 8 năm qua giảm 80%. Một số loài hiện nay đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng; trong khi đó vùng biển Đông Nam Á là nơi cung cấp lớn nguồn cá ngừ vây vàng

trên thế giới.Riêng Trung Quốc trong năm 2013 chiếm đến 17% lượng đánh bắt hải sản toàn cầu, gần phân nửa là từ Biển Đông với trị giá được nói chừng 21 tỉ USD. Nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân Trung Quốc tăng lên trong khi hơn 80% những vùng biển dọc Hoa Lục bị ô nhiễm trầm trọng. Do đó ngư dân Truung Quốc phải đi đến các vùng biển xa để đánh bắt. Họ còn được nhà nước Bắc Kinh trợ cấp xăng dầu để đi đánh bắt ở vùng biển xa; riêng nếu xuống khu vực Trường Sa thì được khoản hỗ trợ xăng dầu đặc biệt. Tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, vô luật lệ, không được kiểm soát của Bắc Kinh đang diễn ra tràn lan trong khu vực. Theo nhận định thì ngư dân châu Á lâu nay thường bắt hết từ “cá lớn đến cá bé”. Đây được cho là vòng lẩn quẩn vì không có cá lớn để bổ sung sinh sản và rồi người ngư dân lại càng phải khai thác nhiều hơn và nạn suy giảm lại tăng lên. Một số phương thức đánh bắt của ngư dân Trung Quốc tại khu vực Biển Đông bị cho gây hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Mặc dù bị cấm vẫn có ngư dân dùng thuốc nổ, chất độc hay lưới cào rà đáy để đánh bắt. Những cách đánh bắt như thế không chỉ giết các loài cá mà cả san hô nơi cá trú ẩn.

http://biendong.net/bien-dong/33434-nhin-lai-viec-bac-kinh-tim-cach-lung-doan-nghe-ca-o-bien-dong-va-nhung-he-luy-doi-voi-khu-vuc-the-gioi.html

 

Nhằm đánh hướng lái và tránh búa rìu dư luận,

TQ sẽ tăng cường triển khai các công trình núp bóng

“dân sự” ở Biển Đông

Nhằm tránh búa rìu dư luận lên án các hoạt động bồi đắp đảo và quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ tích cực triển khai các công trình núp bóng “dân sự” để tuyên truyền bóp méo sự thật về cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc đối với Biển Đông thời gian tới.

Các đánh giá dự báo cho rằng Trung Quốc sẽ triển khai và gắn mác “dân sự” cho các công trình xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông thời gian tới khi dư luận đã nhận thức rõ mức độ nguy hiểm và tính phi pháp của các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh.

Thứ nhất,Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng và vận hành các mạng lưới điện trên các thực thế chiếm đóng ở Biển Đông như đảo Phú Lâm, Chữ Thập, Gaven, Subi… Tại Phú Lâm, từ năm 2018, Trung Quốc đã cho vận hành mạng lưới điện cỡ nhỏ đầu tiên được quy hoạch trở thành một trung tâm kiểm soát, điều khiển các mạng lưới điện trên các đảo khác. Giới phân tích cho rằng về mặt quân sự, nguồn điện ổn định là rất cần thiết đối với các kho vũ khí (tên lửa địa đối không và tên lửa chống hạm) trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và độ mặn cao trên các đảo như Phú Lâm. Thứ hai, Trung Quốc sẽ tiếp tục phủ sóng viễn thông băng thông rộng (4G, 5G) trên các đảo, đá chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tại đảo Linh Côn, từ tháng 9/2015, Trung Quốc đã hoàn tất lắp ráp kỹ thuật và bắt đầu sử dụng trạm phát sóng cung cấp dịch vụ sóng điện thoại di động 4G, bao phủ 7 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Trước đó vào tháng 3/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố đã thiết lập kỹ thuật và phủ sóng 4G tại bãi đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ tiếp tục chế tạo và lắp đặt các hệ thống điện gió và điện sóng biển. Năm 2016, Trung Quốc đã lắp đặt hệ một thống điện gió trên bãi đá Gạc Ma chiếm đóng phí pháp của Việt Nam, nhằm cung cấp năng lượng cho lực lượng đồn trú và hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá này. Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu, chế tạo nhà máy sản xuất điện từ sóng biển và đang thử nghiệm mô hình đầy đủ của nhà máy sản xuất điện từ sóng biển (công suất khoảng 200 KW) ở ngoài khơi quần đảo Vạn Sơn, gần thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các đảo xa bờ. Cơ chế hoạt động của các nhà máy điện dạng này dựa trên nguyên lý dùng sức đẩy của sóng biển để quay turbine phát điện.

Thứ tư, Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh việc lắp đặt, sử dụng hệ thống cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Ngày 12/6/2016, Cục Hải dương Trung Quốc cho biết nước này triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Theo đó, sau khi đã lắp đặt một số phao ở Thái Bình Dương, Trung Quốc có kế hoạch lắp đặt một số phao cảnh báo sóng thần ở Biển Đông, vùng biển phía Đông rãnh Ryukyu (Đông Nam quần đảo Ryukyu của Nhật Bản, trên Biển Hoa Đông) và vùng biển Đài Loan. Các phao này sẽ được nối với mạng lưới cảnh báo sóng thần quốc tế, để cảnh báo sớm về nguy cơ sóng thần cho các khu vực bờ biển phía Đông và phía Nam Trung Quốc, cũng như các nước lân cận. Bộ Khoa học Trung Quốc cũng cho biết, Trung Quốc đang khẩn trương thiết kế, xây dựng một Trạm Nghiên cứu Khoa học ở độ sâu 3.000 m dưới đáy Biển Đông để “trợ giúp hoạt động tìm kiếm khoáng sản”.

Thứ năm, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng và vận hành các ngọn hải đăng. Bắt đầu từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã cho xây dựng trái phép 05 ngọn hải đăng tại 05 thực thể chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, với lý do nhằm tạo thuận lợi và an toàn trong lưu thông hàng hải. Trong số đó, 04 hải đăng tại đá Châu Viên, Gạc Ma, Subi, Chữ Thập đang được sử dụng, còn hải đăng tại đá Vành Khăn sắp đi vào hoạt động. Cục Hải sự Trung Quốc cho biết ngoài 05 ngọn hải đăng trên ở Trường Sa, Trung Quốc đang xây dựng 04 hải đăng khác tại đá Duy Mộng, Hải Sâm, Cồn cát Nam, Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cùng với 31 phao tiêu dẫn hướng trên Biển Đông. Cùng với các công trình này, Bắc Kinh cũng xây các công trình phục vụ quân sự như cầu cảng, sân bay trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép, núp dưới chiêu bài xây dựng các trung tâm cứu hộ, cứu nạn, nhằm phục vụ cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo quốc tế.

Thứ sáu, Bắc Kinh sẽ tăng cường thăm dò và khai thác nguồn nước ngọt trên các thực thể chiếm đóng để đảm bảo cuộc sống cho binh lính và dân Trung Quốc. Tại đá Chữ Thập chiếm đóng trái phép (thuộc quân đảo Trường Sa của Việt Nam), Bắc Kinh đã phát hiện nước ngọt trữ lượng lớn theo đó, chất lượng nước ngọt có thể đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu, chăn nuôi và trồng trọt trên đá này. Các trang mạng trên tuyên truyền rằng việc tìm thấy nước ngọt trên đảo có “ý nghĩa quan trọng”, mang lại nguồn cung nước ngọt dồi dào và lâu dài cho việc “duy trì chiếm giữ đảo”; giúp Chính phủ Trung Quốc tiết kiệm lượng lớn ngân sách trong việc mua và vận chuyển nước ngoạt, thực phẩm từ đất liền ra đảo; “nâng cao tinh thần và sức chiến đấu của binh lính Trung Quốc đang đóng quân (phi pháp) trên đá Chữ Thập”.

Cuối cùng, Trung Quốc sẽ thúc đẩy nghiên cứu và tiến tới triển khai cái gọi là “ngư trường thông minh” tại các vùng biển sâu ở Biển Đông, có thể bao gồm vùng biển tranh chấp do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Khi đó, những cong trình này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện, củng cố các tuyên bố chủ quyền, đồng thời Trung Quốc sẽ tiếp tục xuôi đuổi ngư dân các nước ra xa khỏi những “ngư trường” này.

Âm mưu, ý đồ không đổi của TQ

Âm mưu, ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc đằng sau những công trình đội lốt “dân sự” nói trên là nhằm: i) Phục vụ mục đích tuyên truyền nhằm hướng lái dư luận về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Báo chí, truyền thông Trung Quốc ca ngợi rằng những thành tựu trên góp phần phát triển Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác. Cho rằng các công trình đơn thuần phục vụ mục đích “dân sự” và người dân các nước đều hưởng lợi từ các công trình này như trong đảo bảo an toàn hàng hải; phát hiện, cảnh báo và ngăn ngừa thảm họa thiên tai; giúp người dân trên các đảo ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống… ii) Các công trình “dân sự” của Bắc Kinh sẽ trở thành “công cụ”, “chứng cứ” để củng cố các đòi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Ngoài ra, các công trình “dân sự” sẽ phục vụ cho mục đích vơ vét tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, khí đốt, đất hiếm, nguồn lợi thủy sản…)ở Biển Đông. iii) Giúp Trung Quốc giành ưu thế trên Biển Đông, từ đó buộc các nước khác phải nhượng bộ hoặc chấp nhận theo sự dẫn dắt và kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông. iv) Tất cả các công trình mang danh nghĩa “dân sự” của Trung Quốc ở Biển Đông thực chất đều là nhằm phục vụ mục đích quân sự, nhằm kiểm soát thực tế toàn bộ Biển Đông. Dư luận cho rằng việc Trung Quốc công khai kế hoạch rải các phao cảm biến dưới đáy Biển Đông, Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương để cảnh báo sớm sóng thần là nhằm phát hiện, do thám hoạt động của tàu ngầm các nước dưới đáy Biển Đông. Cùng với việc phủ sóng mạng 4G tại một số đảo, đá ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đồng thời triển khai hệ thống gây nhiều sóng radar và tác chiến điện từ để đối phó với các nước.

http://biendong.net/bien-dong/33432-nham-danh-huong-lai-va-tranh-bua-riu-du-luan-tq-se-tang-cuong-trien-khai-cac-cong-trinh-nup-bong-dan-su-o-bien-dong.html

 

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông

thách thức yêu sách chủ quyền của TQ:

Ý nghĩa và đánh giá của chuyên gia

Theo các thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đã tiến vào Biển Đông và dự kiến có chuyến thăm Đàn Nẵng (Việt Nam). Đây là động thái cho thấy những cam kết mạnh mẽ của Mỹ ở Biển Đông và thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Ý nghĩa trong sự xuất hiện của tàu sân bay Mỹ

Tàu sân bay CVN-71 sẽ hội quân cùng tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6), tàu đổ bộ có sàn đáp cho trực thăng USS Green Bay (LPD-20) đang hoạt động ở Vịnh Thái Lan. LHA-6 và LPD-20 đang tham gia cuộc tập trận Gold Corba 2020 cùng quân đội Hoàng gia Thái Lan. Theo Naval Technology, mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) của Hải quân Mỹ thường bao gồm một tàu sân bay, một tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển, 2-3 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển. Trong đó, tuần dương hạm là tàu hộ tống chính, điều phối phòng thủ của nhóm tác chiến, đặc biệt là chống lại các mối đe dọa trên không.

Lẩn khuất đâu đó là một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bảo vệ phần còn lại của nhóm tác chiến khỏi các mối đe dọa dưới mặt nước. USS Theodore Roosevelt có số lượng lớn tàu hộ tống. Dẫn đầu đoàn hộ tống là tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG-52), lớp Ticonderoga. Bunker Hill được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân, gồm radar AN/SPY-1 cùng 122 ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk41, có thể phóng tên lửa hải đối không SM-2, SM-6 và ESSM, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và tên lửa chống ngầm.

Có đến 5 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, gồm USS Pinckney (DDG-91), USS Russell (DDG-59), USS Paul Hamilton (DDG-60), USS Kidd (DDG-100) và USS Rafael Peralta (DDG-115) hộ tống tàu sân bay CVN-71. Mỗi tàu được trang bị từ 90-96 VLS Mk41, với 5 tàu khu trục có thể mang theo tới 468 tên lửa các loại. Ngoài các tàu hộ tống, CVN-71 mang theo 44 tiêm kích trên hạm F/A-18 E/F Super Hornet, 5 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, 4 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-2C/D Hawkeye, 2 máy bay vận tải C-2A Greyhound, 19 trực thăng MH-60 trên tàu sân bay và các tàu hộ tống.

Nói cách khác, nhóm tấn công của CVN-71 mang theo 49 máy bay phản lực, 590 silo chứa tên lửa. Đây là lực lượng hỏa lực tương đương với quân đội một quốc gia nhỏ. Điều đó khiến USS Theodore Roosevelt trở thành tàu sân bay được bảo vệ tốt nhất thế giới.

Đánh giá của giới chuyên gia

 

Theo giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích quốc phòng Australia, chuyến công tác của nhóm tác chiến tàu sân bay CVN-71 ở Biển Đông cho thấy Mỹ đang thực hiện một trong ba mũi nhọn chiến lược quân sự, bao gồm sự hiện diện thường xuyên của tàu tuần tra, máy bay ném bom và thực hiện tự do hàng hải tại khu vực. “Bộ tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương có chính sách lâu dài là tiến hành cuộc tuần tra thường xuyên và liên tục ở Biển Đông. Chuyến công tác của tàu sân bay CVN-71 là một ví dụ rằng chính sách này đang được thực hiện”, Giáo sư Thayer nhận định. Mỹ đang chứng minh rằng họ sẽ bay và đưa tàu chiến tới khu vực Biển Đông, nơi luật pháp quốc tế cho phép.

http://biendong.net/bi-n-nong/33440-nhom-tac-chien-tau-san-bay-my-tien-vao-bien-dong-thach-thuc-yeu-sach-chu-quyen-cua-tq-y-nghia-va-danh-gia-cua-chuyen-gia.html

 

Philippines tiếp tục triển khai

máy bay huấn luyện/tấn công

 tuần tra bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Theo các nguồn tin quân sự tại Philippines cho biết, không quân nước này đã được lệnh tăng cường hoạt động bay tuần tra trên các vùng biển phía Tây Biển Đông. Trong đó, 3 máy bay huấn luyện/tấn công AS-211 đã được triển khai hôm 3/3. Đây là động thái tiếp theo của Chính quyền Manila nhằm bảo vệ chủ quyền trên biển sau khi rút khỏi Thỏa thuận viếng thăm quân sự với Mỹ.

AS-211 là dòng máy bay huấn luyện/tấn công hạng nhẹ chạy bằng động cơ phản lực được sản xuất tại Italy vào những năm 80 và là tiền thân của máy bay M-345 hiện đại và tiên tiến nhất do Leonardo SpA phát triển. Không quân Philippines là lực lượng vũ trang duy nhất vẫn hoạt động loại này. Biến thể AS-211, có biệt danh là “Chiến binh”, được cải tiến với hệ thống bắt đầu quang học Norsight và AN/ARC-34 và một khẩu súng nòng súng cỡ nòng 50mm. Không quân Philippines triển khai máy bay AS-211 để tăng cường tuần tra trên biển ở Biển Tây Philippines. Máy bay thuộc đơn vị “Tactical Operations Wing West”, tại Căn cứ không quân Antonio Bautista ở Palawan.

Biển Tây Philippines là tên gọi chính thức của Chính phủ Philippines ở các phần phía Đông của Biển Đông được đưa vào Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Thuật ngữ này đôi khi cũng được Philippines sử dụng để nói về Biển Đông nói chung thay cho cụm từ tiếng Anh “South China Sea”. Lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Biển Tây Philippines” của chính phủ Philippines là vào đầu năm 2011, dưới

thời Chính quyền của Tổng thống khi đó là Benigno Aquino III. Việc đặt tên này được dự định là một cử chỉ tượng trưng để tranh chấp yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông. Vào tháng 9/2012, Chính phủ Philippines tuyên bố sẽ bắt đầu sử dụng tên này để gọi vùng biển phía tây Philippines là “Biển Tây Philippines” trong bản đồ chính phủ, các hình thức liên lạc và tài liệu khác.

Trong luật pháp Philippines, “Biển Tây Philippines” chỉ đề cập đến các phần của Biển Đông, đặc biệt là một phần của biển mà Chính phủ Philippines tuyên bố là một phần của Vùng đặc quyền kinh tế của đất nước này (EEZ). Việc đặt tên cho khu vực này đã trở thành chính thức thông qua Lệnh hành chính số 29 do Tổng thống khi đó là Benigno Aquino III ban hành vào ngày 05/9/2012. Lệnh này cũng trích dẫn Nghị định của Tổng thống số 1599 được ban hành năm 1978 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Ferdinand Marcos đã thành lập vùng EEZ của Philippines cũng như Đạo luật Cộng hòa số 9522 hoặc Luật Baselines được ban hành thành luật năm 2009 trong thời gian Chính quyền Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đã phác họa các đường cơ sở của quần đảo Philippines. Lệnh hành chính khẳng định yêu sách của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông, nơi truyền đạt quan điểm của chính phủ Philippines rằng họ có quyền chủ quyền theo Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển trên khu vực Biển Tây Philippines và “quyền lực và quyền vốn có chỉ định các khu vực hàng hải của mình với danh pháp phù hợp cho các mục đích của hệ thống bản đồ quốc gia”. Tuy nhiên, không có ranh giới chính xác cho khu vực ở Biển Đông tạo thành “Biển Tây Philippines”.

http://biendong.net/bien-dong/33441-philippines-tiep-tuc-trien-khai-may-bay-huan-luyen-tan-cong-tuan-tra-bao-ve-chu-quyen-o-bien-dong.html