Tin Biển Đông – 10/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 10/03/2017

Chủ bài mới của Mỹ tại Biển Đông: Hạm Đội 3

Từ ngày 18/02/2017, lần đầu tiên từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, Hạm Đội 3 của Mỹ đã phái một hải đội đến tuần tra tại Biển Đông, một khu vực trên nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Hạm Đội 7. Theo các nhà quan sát, động thái chưa từng thấy này là dấu hiệu phản ánh một cách tiếp cận cứng rắn hơn của Washington trước các hành vi coi thường luật lệ quốc tế của Bắc Kinh trong vùng. Và sắp tới đây, sẽ có thêm nhiều động thái khác từ phía Mỹ.

Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP ngày 06/03, hải đội tác chiến của tàu sân bay USS Carl Vinson, đang có mặt ở vùng Biển Đông, chỉ là một trong những hoạt động nhằm phô trương uy lực của Hải Quân Mỹ vào lúc chính quyền Donald Trump đang cân nhắc các biện pháp vừa để trấn an các đồng minh trong khu vực, vừa để đáp trả một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Dụng ý phô trương uy lực được thấy rõ qua việc ngày 03/03 vừa qua, Hải Quân Mỹ đã tổ chức cho phóng viên báo chí lên tham quan hàng không mẫu hạm Carl Vinson khi chiếc tàu này đang tuần tra trên một khu vực của Biển Đông nằm giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh đã chiếm lấy từ tay Philippines vào năm 2012.

Nhóm tàu sân bay Carl Vinson nhận lệnh trực tiếp từ Hạm Đội 3

Phát biểu nhân dịp đó, chuẩn đô đốc James Kilby, chỉ huy trưởng hải đội tác chiến tàu sân sân bay Carl Vinson khẳng định : « Chúng tôi đã hoạt động ở đây trong quá khứ, chúng tôi sẽ hoạt động tại đây trong tương lai và sẽ tiếp tục trấn an các đồng minh của chúng tôi ». Theo ông Kilby, Mỹ sẽ « tiếp tục cho thấy rằng vùng biển quốc tế là nơi mà bất kỳ ai cũng được quyền tự do lưu thông và giao thương ».

Sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông không phải là điều mới lạ. Cái mới là ở chỗ hải đội tác chiến của chiếc Carl Vinson nhận lệnh trực tiếp từ bộ chỉ huy Hạm Đội 3 đặt tại San Diego, tiểu bang California (Hoa Kỳ). Nhật báo Mỹ San Diego Union Tribune ngày 01/03 đã trích lời chuẩn đô đốc Kilby xác nhận rằng đích thân phó đô đốc Nora Tyson, tư lệnh Hạm Đội 3 hoặc là ban chỉ huy hạm đội luôn theo dõi hoạt động của hải đội Carl Vinson 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Với hai Hạm Đội 3 và 7 cùng có mặt trên hiện trường, có thể nói là uy lực của Hải Quân Mỹ trong vùng Biển Đông đã được tăng cường đáng kể. Và đà tăng cường sẽ được tiếp tục.

Hải đội Carl Vinson sắp được tăng cường thêm hai khu trục hạm

Hiện thời, chiếc tàu sân bay Carl Vinson chỉ có ba chiến hạm hộ tống : tuần dương hạm có trang bị tên lửa dẫn đường Lake Champlain và hai tàu khu trục cũng mang tên lửa dẫn đường Wayne E. Meyer và Michael Murphy. Tuy nhiên, theo tiết lộ của báo San Diego Union Tribune, vào cuối mùa hè này, sẽ có thêm hai khu trục hạm rời căn cứ ở San Diego để qua khu vực Tây Thái Bình Dương gia nhập nhóm tác chiến của chiếc Carl Vinson.

Trong khi chờ đợi, tư lệnh Hạm Đội 3 đã có kế hoạch cho hải đội của hàng không mẫu hạm Carl Vinson tiến hành hai cuộc tuần tra Biển Đông khác trong vòng 3 tháng tới đây.

Nhận xét chung về các động thái phô trương uy lực của Hải Quân Mỹ trong vùng Biển Đông gần đây, hãng AP đã nêu bật sự kiện tàu cận chiến duyên hải USS Coronado, đã đến đặt căn cứ tại Singapore và đã bắt đầu một chuyến tuần tra Biển Đông mới vào tuần trước.

Bên cạnh đó, Hải Quân Mỹ cũng cho tàu vận tải đổ bộ USS Green Bay tiến hành các hoạt động thường nhật ở Biển Đông sau khi tham gia tập trận ở Vịnh Thái Lan.

Một cách kín đáo hơn, theo hãng truyền thông Mỹ NBC News, các báo cáo lưu hành nội bộ trong quân đội Mỹ đã cho biết là ba chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ – USS Alexandria, USS Chicago và USS Louisville – đã được triển khai tại khu vực Tây Thái Bình Dương vào tháng hai và ít nhất một chiếc đã vào tiến vào Biển Đông.

Với lực lượng được tăng cường như vậy, phải chăng Hải Quân Mỹ sắp tung ra những chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông để thách thức Trung Quốc ? Hoa Kỳ đã thách thức Bắc Kinh bốn lần từ năm 2015 bằng cách cho chiến hạm áp sát các thực thể do Trung Quốc nắm giữ ở vùng biển tranh chấp.

Nhiều chuyên gia đã cho rằng các hoạt động đó dưới thời chính quyền Obama quá ít và quá yếu cho nên đã không ngăn được việc Bắc Kinh xây dựng bảy tiền đồn ở Trường Sa, hiện đang được trang bị radar và hệ thống vũ khí. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Trump có cứng rắn hơn hay không ?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170310-chu-bai-moi-cua-my-tai-bien-dong-ham-doi-3

 

Ngoại trưởng Mỹ ‘xuống thang’ về Biển Đông?

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ dường như đã mềm mỏng hơn, sau khi bất ngờ có phát biểu cứng rắn về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Xét về nhiều khía cạnh, việc xây đảo ở Biển Đông rồi đưa vũ khí lên các hòn đảo đó giống với việc Nga chiếm Crimea. Hành động của Trung Quốc hết sức đáng ngại, và tôi nghĩ rằng việc không có phản ứng đã khiến họ ngày càng lấn lướt. Cần phải gửi tín hiệu cho Trung Quốc rằng họ phải ngưng xây đảo, và việc tiếp cận các đảo này cũng sẽ không được phép”, ông Rex Tillerson nói trong buổi điều trần chuẩn thuận chức ngoại trưởng hồi đầu năm nay.

Sau đó, xuất hiện một tài liệu dài hơn 50 trang bao gồm các câu trả lời bằng văn bản đối với những câu hỏi của ông Ben Cardin, thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Maryland từ buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Tài liệu mới này cho thấy ông Tillerson có vẻ như dịu hơn sau khi có tuyên bố cứng rắn mà báo chí nhà nước Trung Quốc nói là có thể gây ra chiến tranh, theo tờ Japan Times.

“Trung Quốc không thể được cho phép sử dụng các đảo nhân tạo để ép buộc các nước láng giềng hoặc hạn chế tự do hàng hải hoặc việc bay ngang ở Biển Đông”, ông Tillerson đáp lại câu hỏi về các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc. “Mỹ sẽ duy trì tự do hàng hải và bay ngang bằng cách tiếp tục bay, giương buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Nếu một tình huống bất ngờ xảy ra, Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác phải có thể hạn chế sự tiếp cận cũng như việc sử dụng các đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm đe dọa Hoa Kỳ hoặc các đồng minh.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói.

Trong tài liệu mới, ông Tillerson, người được Thượng viện Mỹ chính thức chuẩn thuận trong cuộc bỏ phiếu thuận/chống là 56-43 hôm 1/2, cũng nói về sự cần thiết của Mỹ và đồng minh phải chặn sự tiếp cận của Trung Quốc đối với các hòn đảo này trong trường hợp xảy ra “tình huống bất ngờ”.
“Nếu một tình huống bất ngờ xảy ra, Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác phải có thể hạn chế sự tiếp cận cũng như việc sử dụng các đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm đe dọa Hoa Kỳ hoặc các đồng minh”, ông Tillerson viết.

Ông cũng dường như ủng hộ một chính sách mạnh mẽ hơn của Mỹ đối với các vùng biển tranh chấp”, cũng như các nguy cơ ngày càng tăng từ một động thái như vậy, theo nhận định của Japan Times.

“Hoa Kỳ phải sẵn lòng chấp nhận nguy cơ nếu muốn ngăn chặn các hành động gây thêm bất ổn và bảo đảm các đồng minh cũng như các đối tác rằng Mỹ sẽ sát cánh với họ để duy trì các luật lệ và chuẩn mực quốc tế”, ông Tillerson viết. Ông cũng nói thêm rằng ông sẽ hợp tác với “các đối tác từ nhiều cơ quan khác nhau [của Mỹ] để phát triển một cách tiếp cận của toàn chính phủ [Mỹ] để chặn hành động lấn chiếm và đe dọa thêm nữa của Trung Quốc, cũng như “các thách thức đối với tự do hàng hải hoặc bay ngang” ở các vùng biển.

Trung Quốc bác bỏ chuyện nước này hạn chế tuần tra hàng hải ở Biển Đông, nhưng từng một số lần phản đối việc Mỹ đưa tàu chiến tới gần các hòn đảo nhân tạo.

Mới đây, sau khi Hoa Kỳ đưa hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tuần tra Biển Đông kể từ ngày 19/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phản đối bất kỳ hành động của các nước dưới “chiêu bài tuần tra tự do hàng hải”, đe dọa chủ quyền của Trung Quốc.

Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực.

Phát ngôn viên Việt Nam Lê Hải Bình nói.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phản ứng rằng “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực”, và rằng “các bên đều có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu chung cũng như đảm bảo lợi ích chung này”.

Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 18/3 tới, và nhiều khả năng vấn đề Biển Đông sẽ nằm cao trong chương trình nghị sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng tuyên bố rằng Hoa Kỳ chưa cần phải có những bước đi quân sự ở Biển Đông nhằm ngăn chặn hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, dù chỉ trích Bắc Kinh làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực.

“Ngay lúc này, chúng tôi không thấy sự cần thiết phải thực thi các bước tiến quân sự mạnh mẽ”, ông James Mattis được Reuters dẫn lời nói. “Điều chúng ta cần phải làm là nỗ lực hết sức, nhất là về ngoại giao, để giải quyết hợp lý việc này, duy trì việc mở các kênh trao đổi”.

http://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-my-rex-tillerson-xuong-thang-ve-bien-dong/3760046.html

 

Trung Quốc lại vi phạm luật quốc tế

với lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông

Ngày 27/02/2017, Trung Quốc lại ban hành « lệnh » cấm đánh bắt cá ở nhiều khu vực trên Biển Đông, từ ngày 01/05 đến ngày 16/08. Sự kiện này thu hút sự chú ý vì đây là quyết định « cấm biển » đầu tiên của Bắc Kinh sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết (12/07/2016) về Biển Đông trong đó ghi nhận là một lệnh cấm đánh cá tương tự mà Trung Quốc đưa ra năm 2012 đã vi phạm luật biển quốc tế và phớt lờ chủ quyền của nguyên đơn Philippines trong việc bảo vệ sinh kế trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trong một bài phân tích đăng trên trang web Mỹ Lawfare ngày 07/03/2017, Julian Ku và Chris Mirasola, hai chuyên gia về luật quốc tế, đã phân tích quyết định vừa ban hành của Trung Quốc để kết luận rằng Bắc Kinh rõ ràng vẫn vi phạm những yếu tố rất quan trọng của luật biển nói chung và phán quyết của Tòa Trọng Tài nói riêng. Đối với hai chuyên gia này, thì lệnh cấm đánh cá mới của Trung Quốc cũng đe dọa tiến trình xích lại gần nhau giữa Manila và Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông.

Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc có hiệu lực trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông nằm ở phía bắc vĩ tuyến 12, được áp dụng cho cả ngư phủ Trung Quốc lẫn nước ngoài, và không có ngoại lệ nào cho các vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines hay nước khác.

Đòi cấm đánh cá ở vùng cách đất liền Trung Quốc 600 hải lý !

Là một quần đảo, Philippines có một vùng đặc quyền kinh tế trải rộng trên phần lớn Biển Đông ở phía bắc vĩ tuyến 12 và chồng lấn lên những vùng Trung Quốc mà đòi chủ quyền.

Tòa Trọng Tài La Haye đã đánh giá rằng yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền và quyền quản lý nguồn cá ở bên trong « đường chín đoạn » đều không phù hợp với luật biển quốc tế UNCLOS, vốn chỉ tính chủ quyền và quyền quản lý trong một giới hạn nhất định tính từ bờ biển quốc gia.

Điều 56 của luật biển UNCLOS quy định vùng đặc khu kinh tế mà các quốc gia ven biển có quyền khai thác, quản lý nguồn hải sản là 200 hải lý. Phần lớn bờ biển Trung Quốc đều nằm cách vĩ tuyến 12 – được ghi trong lệnh cấm đánh cá – hơn 600 hải lý về phía bắc.

Lệnh cấm của Trung Quốc không nói rõ về đòi hỏi chủ quyền của họ trong khu vực mà chỉ nói chung chung là lệnh cấm áp dụng cho vùng biển « Nam Hải ở phía bắc vĩ tuyến 12 ».

Luật Đánh Cá Trung Quốc dùng làm cơ sở cho quyết định cấm cũng mơ hồ vì quy định việc quản lý hoạt động đánh bắt trong « tất cả các vùng biển khác thuộc thẩm quyền của Trung Quốc » – tức là bao gồm vùng bên trong đường lưỡi bò.

Từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, hai tác giả viết trên Lawfare đã cố tìm hiểu xem Trung Quốc có tuân thủ phán quyết quốc tế trong thực tế hay không, bất chấp các tuyên bố phủ nhận công khai. Kết luận của hai chuyên gia này rất rõ : Trong số 15 khuyến cáo của Tòa, Trung Quốc chỉ tuân thủ 2 điểm, trắng trợn vi phạm 3 điểm, còn 10 điểm còn lại thì giữ thái độ mơ hồ.

Lệnh cấm đánh cá có thể phá đà cải thiện quan hệ Manila-Bắc Kinh

Với lệnh cấm đánh cá tương tự như những gì áp dụng năm ngoái sau phán quyết La Haye, Trung Quốc như vậy vẫn theo đuổi chính sách cũ và vẫn coi thường luật quốc tế.

Đối với hai tác giả bài phân tích, việc thông báo lệnh cấm đánh cá 2017 có thể đe dọa những diễn biến tích cực bắt đầu từ mùa thu qua, khi vào hạ tuần tháng 10, quan chức Trung Quốc và Philippines đã đạt trong thực tế thỏa thuận cho phép ngư dân Philippines đến đánh cá vùng biển chung quanh bãi Scarborough ở Biển Đông và phía bắc vĩ tuyến 12. Đây là một nguyên nhân gây căng thẳng dai dẳng giữa hai nước.

Nếu thực thi lệnh cấm đánh cá ở vùng này, nơi mà Tòa Trọng Tài đã xác định rằng ngư dân Philippines có quyền đánh bắt truyền thống, Trung Quốc không những vi phạm trắng trợn phán quyết quốc tế, mà còn phá hoại công cuộc hợp tác giữa Trung Quốc và chính quyền mới ở Philipppines.

Điều đó cũng gây bất lợi cho kế hoạch đúc kết một cái khung cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN mà Philipppines muốn có vào cuối năm 2017.

Tóm lại, cho dù lệnh cấm đánh cá năm nay không phải là một cái gì mới trong hành động của Trung Quốc, nhưng việc thực thi lệnh này sẽ xóa bỏ một số kết quả hợp tác hiếm hoi về Biển Đông có được từ năm ngoái.

Nhưng nếu Trung Quốc bất ngờ không áp đặt lệnh cấm đánh cá đối với ngư dân nước ngoài – như Philippines chẳng hạn – ở gần khu vực Scarborough Shoal, giới quan sát sẽ xem đấy là một dấu hiệu cụ thể về ý muốn nhượng bộ từ phía Bắc Kinh.

Cho đến giờ, Trung Quốc không thấy có những dấu hiệu này, nhưng cách Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông năm nay cần được theo dõi kỹ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170310-trung-quoc-lai-vi-pham-luat-quoc-te-voi-lenh-cam-danh-ca-o-bien-dong

 

Mỹ từng chặn kế hoạch xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc năm ngoái lên lịch xây dựng trên bãi cạn Scarborough nhưng đã bị Mỹ chặn đứng, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana ngày 9/3 tiết lộ.

“Tháng 6 năm ngoái Trung Quốc có kế hoạch bồi đắp trên bãi cạn Scarborough. Chúng tôi nhận được báo cáo từ Mỹ rằng có những sà lan chất đầy đất cát và các vật liệu xây dựng đi tới bãi cạn Scarborough. Nhưng tôi nghĩ phía Mỹ đã bảo với Trung Quốc ‘Chớ nên tiến hành’. Vì lẽ gì đó mà Trung Quốc đã ngưng lại.”

Manila công khai phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc gần bãi cạn có tranh chấp ngoài khơi tỉnh Zambales của Philippines.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho hay Mỹ có đường dây liên lạc với Trung Quốc, tạo điều kiện để hai nước thảo luận về các diễn tiến trong khu vực.

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin không nêu tên gần gũi với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tháng tư năm ngoái cho biết Trung Quốc định lập tiền đồn trên bãi cạn Scarborough, nhằm ‘hoàn thiện hơn’ sự hiện diện trên không của Trung Quốc ở Biển Đông, gợi ý cho thấy Bắc Kinh dự định xây một đường băng tại đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định Manila không bỏ qua tuyên bố chủ quyền lãnh hải của mình dù Tổng thống Duterte nhiều lần tuyên bố sẽ không đá động đến vấn đề trong lúc cải thiện quan hệ tổng thể với Bắc Kinh, đặc biệt là kinh tế và thương mại.

“Có sự nhầm lẫn trong dân chúng Philippines rằng Tổng thống gạt qua một bên phán quyết [của tòa trọng tài quốc tế về đường lưỡi bò]. Không phải vậy. Tổng thống nói ‘Hãy tạm ngưng đề cập đến việc này’ một thời gian…” Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana nhấn mạnh.

Ngư dân Philippines được phép quay trở lại bãi cạn Scarborough sau chuyến thăm của Tổng thống Duterte tới Bắc Kinh hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khuyến cáo Trung Quốc chớ có nghĩ tới chuyện khai thác dầu khí tại khu vực này. Ông khẳng định ‘Khi nào phía Trung Quốc khởi sự khai thác và đưa các giàn khoan tới đây, tôi sẽ nói chuyện với họ.’

http://www.voatiengviet.com/a/my-tung-chan-dung-ke-hoach-xay-dung-cua-tq-o-bien-dong/3758293.html