Tin Biển Đông – 10/02/2019
Trung Cộng mang 100 tàu chiến đến Biển Đông
Tin Việt Nam – Báo Giáo dục Thời đại ngày 9 tháng 2 đã dẫn lại nguồn tin của Press TV, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết, Trung Cộng đã điều một hạm đội khoảng 100 chiếc tàu tới đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là đảo mà Philippines đang chiếm đóng một phần, và có một số nước khác như Đài Loan, Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền.
Hạm đội được Trung Cộng đưa tới Biển Đông gồm các tàu hải quân, tàu bảo vệ bờ biển và hàng chục thuyền đánh cá đến để ngăn chặn chính phủ Philippines đang xây dựng trên đảo này.
Theo báo cáo của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, số lượng tàu được đưa đến vùng biển trên tăng mạnh vào ngày 25 tháng 12 năm 2018, và lên tới 95 tàu.
Trung Cộng đã tuyên bố chủ quyền hầu hết trên Biển Đông với đường thương mại vận tải trị giá 5 tỷ Mỹ kim mỗi năm. Đây cũng là khu vực mà một số nước khác đã tuyên bố chủ quyền như: Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines.
Trong tháng 1 vừa qua, ông Tập Cận Bình, đã ra lệnh các lực lượng vũ trang Trung Cộng chuẩn bị cho cuộc “đấu tranh quân sự toàn diện” khi Hoa Kỳ gia tăng các hoạt động đi lại trong vùng biển Đông nhằm thách thức tuyên bố của Trung Cộng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/trung-cong-mang-100-tau-chien-den-bien-dong/
Biển Đông Đầy Cạm Bẫy
Trần Khải
Biển Đông sẽ là ngòi nổ Thế Chiến 3? Câu hỏi này luôn luôn bật lên mỗi khi có vấn đề căng thẳng…
Bản tin Maritime Bulletin ghi nhận về một tàu hàng của Việt Nam bị chìm nơi Biển Đông và được kéo vào bờ…
Bản tin ngày 8 tháng 2/2019 ghi rằng tàu hàng có tên là DUC PHAT 66 phóng tín hiệu vào lúc 8 giờ sáng giờ Hà Nội ngày 8 tháng 2/2019 để xin cấp cứu từ vị trí 17 24N 107 04E.
Có 2 tàu gần đó được lệnh canh và trợ giúp nếu có thể. Tàu gặp nạn lúc đó chở 1853 tấn gạo, được kéo vào cảng Cửa Việt. Không rõ tàu kéo vào là tàu cấp cứu hay là tàu cá.
Cũng không rõ chính xác tai nạn là do đụng tàu do vô ý hay bị tấn công, theo trang Maritime Bulletin.
Trong khi đó, bản tin News Rep ghi nhận: Trung Quốc dự tính sẽ có 6 hàng không mẫu hạm vào năm 2035.
Nghĩa là, hung hiểm cho toàn Biển Đông.
Trong khi đó, bản tin từ thông tấn Nga Sputnik ghi nhận: Đô đốc John Richardson cho rằng tàu chiến Mỹ – Trung cần phải giữ khoảng cách, tránh những hành động có thể khiến chạm trán leo thang, Một Thế Giới dẫn nguồn SCMP khẳng định.
Ông phát biểu tại hội nghị do đơn vị nghiên cứu Atlantic Council tổ chức: “Đừng cản trở, lái tàu đến trước mặt hay ném chướng ngại vật vào nhau. Hãy làm mọi việc trở nên dễ dàng hơn”. Vị Tư lệnh hải quân này nhấn mạnh Washington nên tìm cách thức mới để thực thi các nguyên tắc ngăn chặn trạm chán hải quân vốn có, cũng như mở rộng áp dụng cho cảnh sát biển lẫn dân quân.
Theo Đô đốc Richardson, bối cảnh Mỹ hiện diện liên tục trong khu vực còn Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân đặt ra yêu cầu phải tạo ra nhiều phương thức giảm thiểu khả năng tàu chiến hai bên (vốn được trang bị nhiều vũ khí) tính toán sai lầm.
Trong khi đó, mặt trận tình báo TQ không ngừng bơm tiền vào các chính khách quốc tế để tác động.
Bản tin RFI kể: Úc thẳng tay chống Trung Quốc can thiệp vào chính trường.
Liên quan đến châu Á, Le Monde chú ý đến việc « Úc đóng sập cửa trước một nhà tài trợ Trung Quốc », do nhà tỉ phú Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) đóng vai trò thao túng chính trường, làm lợi cho Bắc Kinh.
Ông Hoàng Hướng Mặc, với ngôi biệt thự lộng lẫy tọa lạc tại khu phố sang trọng Mosman ở Sydney, tượng trưng cho sự can thiệp của Bắc Kinh vào Úc. Tỉ phú này đã hào phóng tài trợ cho những chính khách nào chấp nhận. Chẳng hạn năm 2014 đã tặng số tiền tương đương 62.000 euro cho bộ trưởng Thương mại lúc đó là Andrew Robb, trong đó có phân nửa được trao đúng vào ngày Canberra và Bắc Kinh loan báo các chi tiết về hiệp định tự do mậu dịch.
Chính trong vườn nhà tỉ phú địa ốc vào cuối 2016, mà thượng nghị sĩ đảng Lao Động Sam Dastyari thông báo cho ông Hoàng là đang bị nghe lén. Cơ quan tình báo Úc nghi ngờ Hoàng Hướng Mặc là người phụ trách lobby của Bắc Kinh. Thực tế do nhận tiền của doanh nhân này, ông Dastyari đã đi ngược lại chủ trương của đảng mình, bênh vực cho việc Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Thượng nghị sĩ Sam Dastyari còn cố vận động để Hoàng Hướng Mặc được nhập quốc tịch Úc.
RFI kể:
“Số tiền 1,7 triệu euro đổ vào chính trường Úc đã thành «gậy ông đập lưng ông»: liên minh bảo thủ cầm quyền tung ra chiến dịch ngăn chận mọi can thiệp của Trung Quốc. Tháng 6/2018 một đạo luật chống can thiệp được thông qua, buộc tất cả các nhà vận động hành lang vì lợi ích nước ngoài phải đăng ký, và tăng cường các biện pháp chống gián điệp.”
Mặt khác, bản tin VOA kể: Hai tàu hải quân của Nhật Bản sẽ cập cảng Sihanoukville trong chuyến thăm 4 ngày vào cuối tháng này để tăng cường quan hệ quân sự song phương, đại sứ quán Nhật Bản tại Phnom Penh cho biết.
Tờ Pnom Penh Post và báo Khmer Times hôm 7/2/2019 đưa tin hai tàu khu trục lớp Hatsuyuki của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF), gồm tàu Setoyuki và tàu Shimayuki, sẽ ghé thăm Campuchia từ ngày 25 đến 28/2. Chỉ huy hai tàu này là Đại Tá Yoshiyuki Nakagama, Tư lệnh Sư đoàn 1 của JMSDF.Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Nhật Bản cho biết mục đích của chuyến thăm là nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa Nhật-Campuchia thông qua các chương trình trao đổi khác nhau, và cùng lúc, tạo cơ hội cho 109 sinh viên mới tốt nghiệp tìm hiểu về nền văn hóa và quân đội của Vương quốc Campuchia.
Theo chương trình, Đại tá Nakagama, Tư lệnh Sư đoàn 1 của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, sẽ gặp Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Campuchia vào ngày 26/2, một ngày sau khi tham quan căn cứ hải quân Ream và cảng Sihanoukville.
Một bản tin khác của VOA kể: Việt-Nga khai thác mỏ dầu mới tại Biển Đông…
Một liên doanh Việt-Nga bắt đầu sản xuất dầu thô tại một địa điểm mới ở Biển Đông. Dự án này hy vọng sẽ mang lại hơn 1 tỉ đô la cho Hà Nội trước năm 2032, theo Nikkei Asian Review.
Công ty Vietsovpetro, do công ty quốc doanh PVEP của Việt Nam cùng đối tác Nga kiểm soát, hiện đang thăm dò một giếng dầu cách bờ biển phía nam Việt Nam 160 km.
Địa điểm này gần giếng Bạch Hổ lớn nhất Việt Nam cũng do Vietsovpetro điều hành. Tuy nhiên giếng dầu này nằm bên ngoài “Đường Chín Đoạn” một khu vực tại Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
Mức thu hàng ngày của giếng này dự kiến lên tới 230 thùng dầu, tờ Nikkei Asian Review cho biết.
Trong khi đó, bản tin thông tấn Nga Sputnik và báo Thanh Niên kể: Tàu hộ tống HMCS Regina của hải quân hoàng gia Canada đã lên đường cho nhiệm vụ kéo dài 7 tháng và dự kiến sẽ có hoạt động tại Biển Đông, Thanh Niên cho biết.
Ba tàu hải quân hoàng gia Canada gồm tàu hộ tống HMCS Ottawa, tàu hộ tồng HMCS Regina và tàu tiếp tế MV Asterix ngày 6.2 (giờ địa phương) rời cảng Esquimalt ở tỉnh bang British Columbia để tham gia các hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, và Trung Đông, theo tờ The Times Colonist.
Ba tàu sẽ đến Trân Châu cảng ở Hawaii, sau đó tàu Ottawa tham dự cuộc tập trận chống ngầm với hải quân Mỹ rồi quay về Esquimalt sau khoảng một tháng.
Tàu Regina và Asterix sẽ tiếp tục chuyến triển khai kéo dài 7 tháng và tham gia nhiều hoạt động huấn luyện, tập trận, thăm cảng các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.
Trong đợt triển khai lần này, tàu Regina sẽ đi qua một số vùng biển đang có tranh chấp bao gồm Biển Đông. Chuẩn đô đốc Bob Auchterlonie, Tư lệnh hải quân Canada tại Thái Bình Dương, nhấn mạnh nhiệm vụ lần này của tàu Regina chứng tỏ sự quan tâm của Canada tại châu Á-Thái Bình Dương và nước này sẵn sàng ủng hộ các đồng minh, đối tác tại đây.
Cũng nên nhắc rằng một bản tin RFI cho biết rằng Trung Quốc điều dân quân tới đảo Thị Tứ Biển Đông.
Hôm 06/02/2019, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) dựa trên các hình ảnh vệ tinh, tiết lộ rằng “một số tàu Trung Quốc đã hoạt động trong khu vực giữa bãi đá Subi và đảo Thị Tứ, Biển Đông, ít nhất kể từ tháng 7 năm 2018.”
AMTI thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, cho biết hành động nói trên của Trung Quốc có thể là nhằm “đáp trả nỗ lực ban đầu của Philippines về việc tu sửa đường băng” trên đảo Thị Tứ vào tháng 5 năm 2018.
Thị Tứ là đảo tự nhiên lớn thứ 2 tại quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông, hiện do Philippines kiểm soát, nhưng Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cùng đòi chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 04/02 cho biết Manila đặt mục tiêu hoàn thành một đoạn đường dốc trên đảo Thị Tứ “trong đầu năm 2019”, theo tin của tờ Philippine Daily Inquirer.
Theo AMTI, đoạn đường này “sẽ tạo thuận lợi cho việc cung cấp thiết bị và vật liệu xây dựng cho hòn đảo để phục vụ các hoạt động nâng cấp đã được dự trù”, đặc biệt là nâng cấp đường băng trên đảo. Và Trung Quốc đã đáp trả công trình mới của Philippines này “bằng cách triển khai một đội tàu lớn từ đá Subi, chỉ cách Thị Tứ hơn 12 hải lý về phía tây nam”. Đội tàu này gồm một số tàu của hải quân Trung Quốc và Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG), cùng với hàng chục tàu cá lớn, có kích thước từ 30 đến 70 mét.
Các chuyên gia của AMTI cho rằng các tàu cá này “có những dấu hiệu thuộc về lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc”, có trang bị hệ thống vô hiệu hóa máy thu phát tự động (AIS) nhằm che giấu các hoạt động của họ.
Bản tin Zing cho biết số lượng:
“Trung Quốc đã đưa tổng cộng 95 tàu đến quần đảo Trường Sa vào giữa tháng 12, với mục tiêu mà các nhà quan sát Mỹ cho là ép buộc Manila dừng các hoạt động xây dựng.
Bắc Kinh đã điều 95 tàu đến đảo Thị Tứ, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, để ngăn chặn các hoạt động xây dựng của Philippines ở đây, theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đóng ở Washington.”
Biển Đông lo ngại vô cùng…
https://vietbao.com/a290648/bien-dong-day-cam-bay