Tin Biển Đông – 10/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 10/01/2017

Biển Đông :Tuần duyên Nhật

tăng cường hoạt động giúp Đông Nam Á

Trọng Nghĩa

Bắt đầu từ tháng Tư 2017, lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản sẽ triển khai kế hoạch đào tạo đồng nghiệp tại các nước Đông Nam Á với mục tiêu giúp các nước này nâng cao năng lực giám sát Biển Đông. Vế đào tạo này sẽ bổ sung cho việc chính quyền Nhật Bản cung cấp thêm tàu tuần duyên cho các đối tác như Việt Nam hay Philippines để kháng lại các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo nhật báo Yomiuiri Shimbun (Nhật Bản) ngày 10/01/2017, để tiến hành công việc đào tạo, Tuần Duyên Nhật Bản sẽ thành lập ngay một đơn vị đặc biệt chuyên trách việc giúp các đối tác Đông Nam Á, cung cấp giảng viên, đào tạo cán bộ, mở rộng diện quốc gia được cử người đến đào tạo tại Nhật Bản, tổ chức hội thảo quốc tế để tăng cường quan hệ và học tập kinh nghiệm về duy trì luật lệ trên biển.

Báo The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản, khi đề cập đến kế hoạch này trong một bài phân tích ngày 10/01, cho rằng cơ quan mới của Tuần Duyên Nhật sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong sự can dự của Tokyo vào lãnh vực bảo đảm an ninh hàng hải trên Biển Đông.

Ngoài các nước ASEAN như Philippines và Việt Nam mà Nhật Bản đã có quan hệ đối tác chặt chẽ trong lãnh vực an ninh trên biển, hay là những nước như Malaysia và Indonesia đã có sẵn lực lượng tuần duyên (một lực lượng mà không phải nước Đông Nam Á nào cũng có), cơ quan mới của Tuần Duyên Nhật có thể lôi kéo các nước khác vào cuộc, cho phép Tokyo đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành lực lượng chấp pháp biển trong vùng.

Việc đào tạo năng lực cho Thái Lan hay Miến Điện có ý nghĩa sâu xa, vì hai nước này là những tác nhân không thể thiếu vắng trong việc bảo đảm an ninh dọc theo vùng Vịnh Bengal hay biển Andaman.

Riêng về Biển Đông, báo chí Nhật Bản nói chung đều cho rằng vấn đề ứng phó với các sự cố hoặc thiên tai đã trở thành những nhu cầu tối quan trọng, bên cạnh các diễn biến phức tạp khác liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện các lực lượng tuần duyên để duy trì trật tự an ninh đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách.

Theo nhật báo Yomiuri, khi quyết định cho lực lượng tuần duyên can dự trực tiếp vào Biển Đông, các quan chức Nhật Bản đã xuất phát từ nhận định theo đó các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa, là một nhân tố gây bất ổn định.

Chính vì vậy mà Nhật Bản cần giúp toàn khu vực tăng cưởng năng lực xử lý các vấn đề trên biển. Trong việc này, vai trò của các lực lượng tuần duyên đặc biệt quan trọng vì có tác dụng giúp các bên tránh xảy ra xung đột quân sự.

Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã không ngần ngại cho tàu Hải Cảnh (tức là tuần duyên) vào các vùng biển mà Việt Nam, Philippines hay một vài nước khác đòi chủ quyền. Thực tế đó đã thúc giục các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia là phải hoàn thiện lực lượng tuần duyên còn non trẻ của mình, để có thể ứng phó có hiệu quả với tình hình mà Trung Quốc tạo nên. Việt Nam chẳng hạn, chỉ mới lập ra lực lượng Cảnh Sát Biển vào năm 2013, và Indonesia một năm sau.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170110-bien-dong-tuan-duyen-nhat-tang-cuong-hoat-dong-giup-dong-nam-a

 

Biển Đông:Malaysia vẫn

thường xuyên giám sát tàu Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục gây quan ngại cho các láng giềng. Ngày 10/01/2017, trang mạng báo Free Malaysia Times cho biết là lực lượng Hải Quân Malaysia kết hợp với Cơ Quan Chấp Pháp Biển MMEA của nước này vẫn thường xuyên tuần tra ở khu vực bãi Luconia Shoals để kiểm tra những vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc vào lãnh hải Malaysia.

Chỉ huy Cơ Quan Chấp Pháp Biển Malaysia – tức là lực lượng tuần duyên – khu vực Sarawak, đô đốc Ismaili Bujang Pit cho biết là các cuộc tuần tra « thường » được tiến hành để « kiểm soát các tàu Hải Cảnh Trung Quốc trong vùng biển quanh bãi cạn Luconia.

Đối với quan chức này, dù không có sự cố không mong muốn xảy ra trong khu vực đó, nhưng chính quyền vẫn phải nỗ lực đảm bảo sao cho ngư dân Malaysia cũng như những cộng đồng khác hoạt động trong khu vực đó được an toàn.

Bãi Luconia, nằm sâu trong vùng lãnh hải của Malaysia và do Malaysia quản lý.

Thế nhưng vùng này đã bị Trung Quốc đòi chủ quyền và Bắc Kinh đã thường xuyên cho tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập vào khu vực và xua đuổi ngư dân Malaysia, buộc chính quyền Kuala Lumpur phải lên tiếng phản đối. Nghiêm trọng nhất có lẽ là vụ Trung Quốc cho khoảng 100 tàu cá lớn nhỏ ồ ạt xâm nhập vùng biển gần bãi cạn Luconia vào tháng Ba năm 2016.

Bài báo trên tờ Free Malaysia Times hôm nay được xem là một lời cảnh giác đối với chính quyền Malaysia về những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông có hại cho Malaysia, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực chiêu dụ thủ tướng Najib Razak.

Một ví dụ gần đây về nỗ lực thuần phục Malaysia của Bắc Kinh là việc Hải Quân Trung Quốc ngày 03/01 vừa qua, trong một động thái chưa từng thấy, đã cho một tàu ngầm tấn công ghé thăm hữu nghị cảng Kota Kinabalu của Malaysia nhìn ra Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170110-bien-dong-malaysia-van-thuong-xuyen-giam-sat-tau-trung-quoc

 

Oanh tạc cơ Trung Quốc xâm nhập vùng ADIZ Nhật, Hàn

Trọng Thành

Hôm qua, 09/01/2017, Nhật Bản và Hàn Quốc phải cho nhiều máy bay chiến đấu cất cánh, sau khi Trung Quốc đưa một đội phi cơ, gồm nhiều oanh tạc cơ chiến lược xâm nhập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của hai nước tại eo biển Triều Tiên.

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, khoảng 10 máy bay chiến đấu Trung Quốc đã đi vào vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc KADIZ trong nhiều giờ (từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều), buộc không quân nước này phải đưa 10 chiến đấu cơ, bao gồm F-15Ks và KF-16s, lên để ngăn chặn. Máy bay Hàn Quốc đã gửi tín hiệu cảnh báo đến phi cơ Trung Quốc. Cùng lúc đó, Không Quân Hàn Quốc cũng báo động phía Trung Quốc, qua đường dây nóng giữa lực lượng không quân hai nước.

Các phi cơ Trung Quốc xâm nhập vào khu vực ADIZ của Hàn Quốc, gần cụm đảo đá Ieo (trên quốc tế là Socotra), cách tỉnh đảo Jeju của Hàn Quốc khoảng 150 km về phía tây nam. Cụm đảo đá Ieo do Hàn Quốc kiểm soát.

Trong khi đó, kênh truyền thông Nhật Bản NKH TV, dẫn lại nguồn tin từ bộ Quốc Phòng nước này, cho biết trong phi đội Trung Quốc nói trên có 6 oanh tạc cơ chiến lược H-6. Đội máy bay Trung Quốc bay xuyên qua eo biển Triều Tiên về hướng biển Nhật Bản, trước khi trở về Biển Hoa Đông. Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cũng khẳng định nhiều chiến đấu cơ đã được lệnh cất cánh để canh chừng, cho dù máy bay Trung Quốc không xâm phạm không phận Nhật Bản.

Việc chiến đấu cơ Trung Quốc đi qua eo biển Triều Tiên không phải là hiếm. Hồi tháng Giêng năm ngoái, hai máy bay Trung Quốc đã đi qua khu vực này, và ba chiếc khác hồi tháng 8/2016. Nhưng đây là lần đầu tiên gần đây nhất Trung Quốc cử một số lượng lớn máy bay như vậy.

Theo báo chí Hàn Quốc, vùng nhận dạng phòng không không được coi là thuộc chủ quyền quốc gia của nước nào, nhưng theo thông lệ quốc tế, các máy bay quân sự khi đi qua khu vực này cần « xin phép ».

Báo Chosun Ilbo Hàn Quốc dẫn một nguồn tin chính phủ theo đó, « vụ xâm nhập này dường như là nhằm để gửi các tín hiệu cảnh cáo đến Hàn Quốc, sau khi Seoul chấp thuận kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Hoa Kỳ ».

Diễn biến nói trên xảy ra không lâu sau loạt tập trận rầm rộ với đạn thật của hải quân Trung Quốc tại các vùng biển giáp với Hàn Quốc và Nhật Bản, cuối năm 2016.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170110-oanh-tac-co-trung-quoc-xam-nhap-vung-adiz-nhat-han