Tin Biển Đông – 09/08/2017
Trung Quốc dựa vào Singapore
để giữ ASEAN đồng thuận về biển Đông
Trung Quốc lo ngại sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mới về những hành động của nước này trên biển Đông khi Singapore trở thành chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới.
Reuters dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề này nói Trung Quốc đang gây áp lực với Singapore để đảm bảo điều này sẽ không xảy ra.
Nguồn tin của Reuters cho biết trong những tháng gần đây, các đại diện của Trung Quốc nói với những người đồng cấp phía Singapore trong các cuộc họp kín rằng họ không muốn có rắc rối cho Bắc Kinh khi Singapore nắm ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2018.
“Singapore không ở trong vị thế để nói với các nước khác phải làm gì về chủ quyền của họ, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể trông đợi Singapore sẽ áp dụng một lối tiếp cận mạnh mẽ để đối phó với Trung Quốc trong cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN.”
Eugene Tan, Đại học Quản trị Singapore
Các nhà ngoại giao nói họ tin rằng Bắc Kinh đã dùng ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia nắm chức chủ tịch ASEAN trong quá khứ để xoa dịu lập trường của khối 10 nước Đông Nam Á về vấn đề biển Đông, một trong những vụ tranh chấp gây bất ổn nhất ở châu Á.
Chủ tịch hiện tại của ASEAN là Philippines, nơi cuộc họp quy tụ các nhà ngoại giao của nhóm được tổ chức cuối tuần qua. ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung vào ngày 5/8 vì các nhà ngoại giao không thể đồng thuận về liệu có nên nhắc tới việc Trung Quốc nhanh chóng nâng cao khả năng quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ xây trên vùng biển có tranh chấp hay không. Tuyên bố này cuối cùng được đưa ra hôm 6/8.
Một nhà ngoại giao châu Á ở Bắc Kinh cho Reuters biết có những lo ngại rằng Singapore có thể sử dụng chức chủ tịch luân phiên ASEAN để tìm cách “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông, trong khi Trung Quốc chỉ muốn giới hạn nó giữa các nước có liên quan trực tiếp.
“Trung Quốc nghĩ rằng Singapore, một quốc gia có phần đông người gốc Hoa, sẽ lắng nghe Bắc Kinh nhiều hơn,” một nguồn tin không cho biết danh tính nói với Reuters.
“Bắc Kinh đã nói rõ với Singapore về những gì họ mong muốn trong vấn đề biển Đông,” một nhà ngoại giao châu Á khác ở Hong Kong cho biết.
Bộ Ngoại giao Singapore từ chối bình luận về vấn đề này.
“Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore đã có những thăng trầm. Nhưng các cuộc tiếp xúc thân mật giữa lãnh đạo 2 nước gần đây đã nuôi dưỡng được lòng tin chung – là điều cần thiết cho các mối quan hệ song phương lành mạnh”.
Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc
Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này ủng hộ Singapore đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN, và “tin rằng Singapore sẽ lèo lái ASEAN cùng làm việc với Trung Quốc để tăng cường và nâng cao sự hợp tác trên thực tế và thậm chí, xây dựng một cộng đồng ASEAN-Trung Quốc gắn bó hơn cho một mục đích chung.”
Singapore không tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nhưng có cảng biển lớn nhất ở Đông Nam Á. Singapore nêu rõ rằng nền kinh tế mở của nước này phụ thuộc vào sự lưu thông tự do của hàng hóa trong khu vực.
Nói chuyện với Ngoại Trưởng Singapore Vivian Balakrishnan trong một cuộc gặp tại Manila hôm 6/8, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói rằng mối quan hệ 2 nước gần đây đã tốt trở lại.
“Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore đã có những thăng trầm. Nhưng các cuộc tiếp xúc thân mật giữa lãnh đạo 2 nước gần đây đã nuôi dưỡng được lòng tin chung – là điều cần thiết cho các mối quan hệ song phương lành mạnh”.
Truyền thông Singapore dẫn lời Ngoại trưởng Balakrishnan cho biết đã có một cuộc gặp tích cực với ngoại trưởng Trung Quốc.
Trung Quốc lo ngại Singapore có một mối quan hệ quốc phòng lâu đời với Mỹ và các đồng minh, mặc dù Singapore cho biết họ cũng có mối quan hệ hữu hảo tương tự với Bắc Kinh. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore và Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc.
Hoa Kỳ và Singapore loan báo quan hệ quốc phòng tăng cường vào cuối năm 2015, bao gồm việc triển khai máy bay do thám tầm xa P-8 từ Singapore – loại máy bay thường xuyên theo dõi hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc.
Singapore cũng có quan hệ với Đài Loan mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai thuộc Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Singapore và Trung Quốc bùng ra vào tháng 11 năm ngoái khi các giới chức cảng Hong Kong giữ lại 9 quân xa có trang bị vũ khí của Singapore đang được vận chuyển về nước từ khu diễn tập ở Đài Loan.
Hong Kong đã trả lại những quân xa này hồi đầu năm nay giữa lúc các cuộc tranh luận mở hiếm thấy ở cả Singapore và Trung quốc về mối quan hệ đang xấu đi.
Hoàn Cầu Thời Báo của Nhà nước Trung Quốc, nói hồi tháng 6 rằng mối quan hệ từng có thời “đặc biệt” giữa 2 quốc gia đang xấu đi trong bối cảnh hai bên mất tin cậy với nhau về vấn đề biển Đông.
Eugene Tan, một giáo sư luật của Đại học Quản Trị Singapore, nói có thể có những khác biệt quan điểm giữa hai nước khi Singapore trở thành chủ tịch luân phiên ASEAN, và khi điều đó xảy ra, “Trung Quốc khó có thể ép buộc Singapore làm theo ý mình về quan hệ Trung Quốc-ASEAN,” theo giáo sư Tan, người từng là một nhà ngoại giao Singapore.
“Singapore không ở trong vị thế để nói với các nước khác phải làm gì về chủ quyền của họ, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể trông đợi Singapore sẽ áp dụng một lối tiếp cận mạnh mẽ để đối phó với Trung Quốc trong cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN.”
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở biển Đông bất chấp Trung Quốc gạt bỏ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Haye, phán rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là không có cơ sở.
Trương Bạc Hối, một chuyên gia về an ninh của Hoa Lục ở Hong Kong, nói Trung Quốc nghi ngờ sự thành thực của Singapore khi tuyên bố nước này không muốn phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Chuyên gia này nói: “Có quan điểm ở Bắc Kinh cho rằng Singapore là kẻ chủ mưu đằng sau các chính sách nhằm kiềm hãm Trung Quốc, không chỉ trong nội bộ ASEAN, mà còn muốn Trung Quốc bị bao vây bởi một vòng đai gồm các đối tác thân Mỹ, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và nước Úc”.
Trung Quốc xác nhận đã hủy cuộc gặp với Việt Nam
Các giới chức đại sứ quán Trung Quốc cho Reuters biết cuộc gặp đã được ấn định giữa 2 bộ trưởng ngoại giao Trung-Việt bị hủy bỏ bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN. giữa lúc căng thẳng đang tăng cao về vấn đề biển Đông.
Trước đó, hãng tin Bloomberg và tờ Bưu Điện Nam Hoa Buổi sáng trích nguồn tin thân cận nói rằng quyết định này là do tranh cãi về biển Đông nhưng báo Tuổi Trẻ của Việt Nam hôm 7/8 dẫn nguồn tin riêng của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói ông Phạm Bình Minh đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị dưới hình thức “pull aside,” tức là gặp nhanh bên lề một phiên họp và ‘trao đổi nội dung’ về vấn đề gì đó.
Việt Nam đã trở thành tiếng nói lớn nhất chống đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến hàng hải nơi qua lại của lượng hàng hóa trị giá 3 ngàn tỉ một năm.
Các giới chức sứ quán Trung Quốc không cho biết lý do hủy bỏ cuộc gặp giữa ngoại trưởng Vương Nghị và Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh đã được lên lịch cho ngày 7/8.
Một giới chức Ngoại giao Trung Quốc nói hai ông “đã gặp nhau rồi” và Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Reuters bình luận về việc này.
Truyền thông Việt Nam đăng ảnh 2 bộ trưởng bắt tay trong cuộc gặp “chớp nhoáng” ở Manila.
Bắc Kinh tỏ ra rất nhạy cảm với những ngôn từ của ASEAN dù chỉ đề cập gián tiếp tới việc Trung Quốc bồi đắp đất trên 7 bãi cạn mà họ chiếm đóng và xây các căn cứ quân sự trên biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết vùng biển này, bất chấp lập luận có tính thuyết phục của 5 quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền tại đây.
Mặc dù ngôn từ trong thông cáo chung ASEAN phản ánh điều đó trong những năm trước, một số nước có quan hệ làm ăn chặt chẽ với Bắc Kinh, như Campuchia và Philippines, thúc giục nên loại bỏ những ngôn từ đó.
Căng thẳng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tăng cao từ tháng 6 khi Việt Nam khoan thăm dò dầu khí tại một lô ngoài khơi trong vùng biển đang tranh chấp với Bắc Kinh, làm Trung Quốc tức giận. Hoạt động thăm dò này đã bị ngừng lại vì phản đối ở cấp ngoại giao của Trung Quốc.
Sau hội nghị ASEAN ở Manila, ngoại trưởng Trung Quốc nhắc đến “một số quốc gia” từng lên tiếng lo ngại về việc lấn chiếm xây đảo.
Ông Vương khẳng định Trung Quốc không tiến hành dự án lắp đất xây đảo trong 2 năm qua. “Tại thời điểm này, nếu anh hỏi ai đang tiến hành cải tạo đất, thì chắc chắn không phải là Trung Quốc – mà có lẽ là chính quốc gia đang đưa vấn đề này ra.”
Ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã tiến hành công việc cải tạo trên 2 khu vực trong vùng biển có tranh chấp trong những năm gần đây.
Tờ China Daily dẫn các nguồn tin dấu tên tố cáo Việt Nam tìm cách thổi phồng vấn đề lắp đất xây đảo trong thông cáo chung, và lưu ý rằng chính Việt Nam đã tăng tốc các dự án lắp đất xây đảo trên biển Đông.
Tờ báo này trích lời nguồn tin ản danh nói: “Không nghi ngờ gì, điều mà Việt Nam đã làm là “vừa ăn cắp lại vừa la làng.”
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-xac-nhan-da-huy-cuoc-gap-voi-viet-nam/3978671.html
Việt Nam có thể ngả về Mỹ chống TQ ở Biển Đông?
Việt Nam nổi lên như một nước tuyên bố chủ quyền lớn tiếng nhất cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông và có thể ngả về phía Mỹ trong khi Philippines đang xích lại gần Trung Quốc, theo lời các nhà phân tích Trung Quốc được báo South China Morning Post dẫn lời.
Căng thẳng giữa Hà Nội với Bắc Kinh hiện rõ tại Manila hôm thứ Hai khi một cuộc họp trực tiếp đã được lên lịch giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước bị hủy bỏ tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN.
Việt Nam thúc đẩy khối này nhấn mạnh trong tuyên bố chung rằng một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc liên quan tới vùng biển tranh chấp phải có tính ràng buộc pháp lý, điều mà Bắc Kinh phản đối. Trung Quốc cũng bực bội vì Việt Nam thúc đẩy các nước bày tỏ lo ngại về “hoạt động xây cất mở rộng” trong khu vực.
Các nhà quan sát nói sẽ có nhiều mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam vì Hà Nội đã tìm cách lôi kéo các cường quốc khu vực khác như Nhật Bản và Mỹ để đối trọng với việc Manila xích lại gần Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Đới Phàm, một chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Tế Nam, nói rằng Biển Đông quan trọng với Việt Nam hơn là với Philippines.
“Là quốc gia chiếm một dải đất hẹp, Việt Nam thiếu chiều sâu chiến lược và do đó dễ bị tấn công hơn. Đó là lý do tại sao Việt Nam cần bảo vệ quyền hàng hải của mình nhiều hơn,” ông Đới nói với South China Morning Post.
Tiết Lực, chuyên gia về chính sách hàng hải của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Hà Nội sẽ tiếp tục sử dụng vũ đài quốc tế để thể hiện lập trường mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông.
“Việc một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam tìm cách cân bằng [lực lượng] là chuyện bình thường, nhưng họ sẽ không đẩy vấn đề đi quá xa,” ông Tiết nói.
Ông nói phương cách tiếp cận của Việt Nam có giới hạn vì sự bất định trong chính sách Châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Trump và sự thiếu quan tâm của họ trong việc thách thức Trung Quốc trên mặt trận hàng hải, theo South China Morning Post.
“Việt Nam có phần chắc sẽ không đóng một vai trò tích cực như ông Aquino,” ông Tiết nói, nhắc tới cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino, người đã đưa tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án trọng tài quốc tế.
“Quan tâm của ông Trump ở Biển Đông sẽ không lớn bằng ông Obama. Cũng có sự ngờ vực về cơ bản giữa Việt Nam và Mỹ vì những khác biệt về ý thức hệ.”
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-co-the-nga-ve-my-chong-trung-quoc-o-bien-dong/3977732.html
Trung Quốc muốn bộ quy tắc Biển Đông
không ràng buộc pháp lý
Trung Quốc thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử hàng hải với các nước Đông Nam Á mà không có tính ràng buộc pháp lý, Ngoại trưởng Philippines cho biết hôm thứ Ba.
Ông Alan Peter Cayetano cho biết một số quốc gia muốn bộ quy tắc ứng xử Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý, trong khi Trung Quốc chỉ muốn có tính “ràng buộc” chứ không phải là ràng buộc pháp lý. Ông nói rằng tất cả các bên nhận thấy rằng tốt hơn là bỏ tất cả mọi đề cập đến điều này khỏi khung thỏa thuận và tiến về phía trước.
Hiệp hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ca ngợi việc thông qua một khung đàm phán hôm Chủ nhật cho bộ quy tắc ứng xử là sự tiến bộ hướng tới việc ngăn ngừa tranh chấp.
Ông Cayetano dẫn ra khung đàm phán này như một ví dụ cho thấy các nước trước nay vốn bất đồng nhưng giờ đang hợp tác như thế nào, nhưng phát biểu của ông cho thấy Trung Quốc ngay từ đầu đã có chủ định tạo ra một bộ quy tắc ứng xử không có tính ràng buộc pháp lý.
Những người chỉ trích nói rằng mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là đàm phán một thỏa thuận không có tính cưỡng hành, hay là trì hoãn và câu giờ để mở rộng khả năng phòng thủ trên các đảo nhân tạo.
ASEAN lâu nay vẫn muốn ký với Trung Quốc với một bộ quy tắc để ngăn ngừa các tranh chấp về trữ lượng năng lượng, đánh bắt hải sản và bồi đắp cải tạo đất, và tránh xung đột quân sự ở Biển Đông, nơi Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền.
ASEAN và Trung Quốc nói rằng khung thỏa thuận này chỉ là một hướng dẫn cho cách thức mà bộ quy tắc sẽ được thiết lập, nhưng những người chỉ trích nói rằng việc không vạch ra được sự cần thiết phải làm cho nó có tính ràng buộc pháp lý và có tính cưỡng hành như một mục tiêu ban đầu gây nên nghi ngờ thỏa thuận này có thể hữu hiệu tới mức nào.
Nhật Bản, Mỹ và Úc đã hối thúc ASEAN và Trung Quốc bảo đảm rằng bộ quy tắc này “có tính ràng buộc về mặt pháp lý, có ý nghĩa, hữu hiệu và phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ nhật nói rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận về những cấu phần của bộ quy tắc, nhưng tất cả các bên phải tuân thủ bất cứ điều gì đã đồng thuận.
Mỹ cam kết hợp tác với Việt Nam bảo vệ Biển Đông
Ngày 08/08/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis tiếp đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Lầu Năm Góc, Virginia. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ép tại Biển Đông, Hoa Kỳ cam kết củng cố hợp tác quân sự với Việt Nam và sẽ gửi một hàng không mẫu hạm đến thăm vào năm tới.
Theo Reuters, trong cuộc gặp gỡ tại bộ Quốc Phòng Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch đồng ý là hai nước sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng bị Trung Quốc lấn áp, quan hệ Hà Nội và Bắc Kinh có dấu hiệu xấu đi.
Tại Biển Đông, ngư dân Việt Nam liên tục bị tấn công và gần đây nhất, hồi tháng 7, Việt Nam phải hủy bỏ một số dự án thăm do dầu hỏa do áp lực của Bắc Kinh.
Tại hội nghị ASEAN, cuối tuần qua ở Manila, Philippines, Việt Nam đòi phải đưa lời lẽ cứng rắn chỉ trích Bắc Kinh «quân sự hóa Biển Đông» vào bản thông cáo chung. Trung Quốc biểu lộ giận dữ hủy bỏ cuộc gặp cấp ngoại trưởng hai nước.
Trong bối cảnh này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tuyên bố với đồng nhiệm Việt Nam là «mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam đặt trên nền tảng (bảo vệ) quyền lợi chung kể của quyền tự do lưu thông tại Biển Đông ».
Bộ trưởng Jim Mattis hoan nghênh vai trò «lãnh đạo đang lên » của Việt Nam trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Một trong những cử chỉ tiêu biểu cho xu hướng quan hệ ngày càng được củng cố giữa Mỹ và Việt Nam là chủ nhân Lầu Năm Góc thông báo một hàng không mẫu hạm sẽ đến Việt Nam vào năm 2018.
Dự án này đã được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận với tổng thống Donald Trump hồi tháng 5.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975, một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm Việt Nam.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170809-my-cam-ket-hop-tac-voi-viet-nam-bao-ve-bien-dong