Tin Biển Đông – 09/07/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông  – 09/07/2020

Mỹ – Trung liên tiếp tập trận, Biển Đông dậy sóng

Động thái Trung Quốc và Mỹ tăng cường hiện diện quân sự, tiến hành các cuộc tập trận khiến cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng.

Thông điệp cứng rắn của Mỹ

Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan “đã thực hiện một số cuộc tập trận chiến thuật được lên kế hoạch để tối đa hóa khả năng phòng không, và mở rộng phạm vi tấn công chính xác bằng máy bay trên tàu sân bay”, tuyên bố của Hải quân Mỹ cho hay.

Phát ngôn viên tàu USS Ronald Reagan, Trung úy Sean Brophy cho biết đây là lần đầu tiên 2 tàu sân bay Mỹ tác chiến cùng nhau ở Biển Đông kể từ năm 2014.

“Những nỗ lực này hỗ trợ cho các cam kết lâu dài của Mỹ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không của tất cả các quốc gia ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép”, tuyên bố của Hải quân Mỹ nhấn mạnh.

Khi lực lượng Mỹ bát đầu tập trận ở Biển Đông vào đúng ngày Quốc khánh Mỹ, Hải quân Trung Quốc đã kết thúc 5 ngày tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thông tin chi tiết về tập trận của Trung Quốc không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo Thời báo Hoàn cầu, đây là cuộc tập trận “chuyên sâu” của Hải quân nước này.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngụy biện các cuộc tập trận ở Biển Đông của nước này là nằm “trong phạm vi chủ quyền và hợp pháp”. Trong nhiều năm qua, nước này đã xây dựng trái phép các công sự quân sự trên một số thực thể trên Biển Đông.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi trong năm nay, Washington tăng dần cường độ hoạt động ở Biển Đông, tổ chức các hoạt động tự do hàng hải gần các đảo do Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Đồng thời, máy bay ném bom thuộc Không quân Mỹ xuất hiện dày đặc tại khu vực, thực hiện các cuộc tập trận chung với các đối tác như Nhật Bản và Singapore.

Tuy nhiên, việc triển khai 2 tàu sân bay vào cuối tuần qua, mỗi chiếc chứa 60 máy bay, cũng như các tàu tuần dương và tàu khu trục tên lửa hộ tống, khẳng định tuyên bố rõ ràng của Washington đối với Bắc Kinh. Theo đó, Mỹ sẽ không nhượng lại bất kỳ ảnh hưởng nào trong khu vực cho Trung Quốc.

“USS Nimitz và USS Ronald Reagan tạo thành lực lượng chiến đấu cơ động và hiệu quả nhất trên thế giới, ủng hộ cam kết của Mỹ đối với các thỏa thuận quốc phòng chung với các đồng minh và đối tác trong khu vực, cũng như thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết.

Trong khi đó, Bắc Kinh coi sự hiện diện quân đội Mỹ trong khu vực là gây bất ổn. “Một số quốc gia ngoài khu vực thường xuyên vượt hàng nghìn dặm, tiến về Biển Đông để tham gia vào các hoạt động quân sự quy mô lớn, và phô trương sức mạnh. Đó là lý do cơ bản ảnh hưởng đến sự ổn định ở Biển Đông”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hôm 3/7.

Đọ sức mạnh hải quân

Nhà phân tích Carl Schuster, cựu Giám đốc tại Trung tâm Tình báo Mỹ thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, cho biết các cuộc tập trận với sự tham gia của tàu sân bay cho thấy, chỉ có Hải quân Mỹ mới có sức mạnh như vậy tại thời điểm này.

Trung Quốc cũng có tàu sân bay hoạt động ở khu vực, song các tàu này không có kích thước và khả năng mang nhiều máy bay như 2 tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Trước khi đến Biển Đông, 2 tàu sân bay này vừa kết hợp với tàu USS Theodore Roosevelt, hoàn thành nhiệm vụ diễn tập ở Biển Philippines.

Chuyên gia Carl Schuster cho biết: “Quy mô khác nhau về sức mạnh chiến đấu được thể hiện trong các cuộc tập trận giữa Hải quân Trung Quốc và Hải quân Mỹ sẽ là điều rất đáng chú ý. Điều này chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của Washington đối với Bắc Kinh. Cuộc tập trận của Mỹ cho thấy sức mạnh vượt trội của Hải quân Mỹ”.Theo ông Schuster, việc vận hành 2 tàu sân bay ở Biển Đông có thể sẽ phức tạp hơn so với điều phối 3 tàu sân bay của Mỹ ở Biển Philippines. “Biển Philippines là đại dương mở, trong khi Biển Đông gắn liền với các yêu sách trên không và trên biển”, ông Schuster phân tích.

Không dừng lại ở đó, Mỹ đã tăng cường hỏa lực trong các cuộc tập trận với sự hiện diện của máy bay ném bom B-52 bay cùng với máy bay chiến đấu từ các tàu sân bay.

Máy bay ném bom B-52 đã bay 28 giờ không ngừng từ căn cứ ở Louisiana để tham gia tập trận ở Biển Đông. Điều này cho thấy khả năng cơ động của Không quân Mỹ trong việc di chuyển khí tài quân sự đến các điêm nóng trên thế giới.

“Việc phi đội bay B-52 của Không quân Mỹ nhanh chóng tham gia tập trận cùng tàu sân bay cho thấy năng lực Không quân Mỹ, có thể bay đến bất cứ nơi nào trên thế giới và thực hiện các nhiệm vụ”, Trung tá Christopher Duff, chỉ huy của Phi đội ném bom 96 cho hay.

Ai là ‘hổ giấy’?

Trong bài viết hôm 5/7, Thời báo Hoàn cầu đã gọi các tàu sân bay Mỹ “không gì khác hơn là những con hổ giấy”, cho rằng Bắc Kinh có quá nhiều hỏa lực để bảo vệ các vị trí chiếm giữ ở Biển Đông.

“Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của quân đội Trung Quốc, và bất kỳ hoạt động nào của tàu sân bay Mỹ trong khu vực đều được quân đội Trung Quốc theo dõi chặt chẽ. Trung Quốc có nhiều loại vũ khí phòng không như DF-21D và DF-26, cả hai đều được coi là ‘sát thủ săn hàng không mẫu hạm”, Thời báo Hoàn cầu cảnh báo.

“Quân đội Trung Quốc sẵn sàng ngênh đón bất kỳ hoạt động nào của tàu sân bay Mỹ ở khu vực”, Thời báo Hoàn cầu đăng tải dòng tweet đầy thách thức cùng với hình ảnh của tên lửa Trung Quốc.

Hải quân Mỹ cũng nhanh chóng đáp trả bằng dòng tweet: “Tàu sân bay Mỹ vẫn ở đó. USS Nimitz và USS Ronald Reagan vẫn lượn sóng, hoạt động ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông. USS Nimitz và USS Ronald Reagan không bị đe dọa”.

http://biendong.net/bi-n-nong/35701-my-trung-lien-tiep-tap-tran-bien-dong-day-song.html

 

Cao trào ngoại giao pháo hạm trên Biển Đông

Việc Mỹ, Trung Quốc đều tiến hành tập trận ở Biển Đông gần đây có thể xem là một cao trào ngoại giao pháo hạm, Washington và Bắc Kinh không chỉ muốn gửi thông điệp cho nhau mà còn cho cả các bên khác trong khu vực.

Đội hình 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông

Những ngày qua, Biển Đông thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế khi Mỹ ngày 6.7 công bố hình ảnh 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz (CVN 68) và USS Ronald Reagan (CVN 76) tập trận chung trên Biển Đông. Trước đó, Bắc Kinh cũng công bố tập trận quy mô lớn từ ngày 1 – 5.7 ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát trái phép.

Thông điệp của Washington và Bắc Kinh

Ngày 7.7, trả lời Thanh Niên, PGS-TS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng: “Tuần qua, chúng ta đã chứng kiến các cuộc tập trận dồn dập, với quy mô lớn chưa từng có của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông”. Đây là một hình thức ngoại giao pháo hạm.

“Ở cấp độ song phương, hai bên phát tín hiệu cho nhau rằng kiên quyết không lùi bước khỏi các vị trí hiện có trên Biển Đông. Trong khi Bắc Kinh tự cho mình quyền xem Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, thì với Washington và nhiều bên luôn muốn đảm bảo duy trì luật pháp quốc tế, không để bất cứ bên nào độc chiếm vùng biển này”, ông Nagy nhận định và đánh giá thêm: “Với Trung Quốc, việc cấp tập gia tăng quân sự ở Biển Đông cũng là cách để chính quyền nước này thể hiện sự lãnh đạo, chứng minh sức mạnh trong bối cảnh Bắc Kinh chịu nhiều chỉ trích liên quan đại dịch Covid-19”.

Ở cấp độ song phương, hai bên phát tín hiệu cho nhau rằng kiên quyết không lùi bước khỏi các vị trí hiện có trên Biển Đông

PGS Stephen Robert Nagy

“Rộng hơn, thông qua các cuộc tập trận, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều muốn gửi thông điệp đến các nước trong khu vực, các thành viên ASEAN… Cụ thể, Washington đang hướng đến nhấn mạnh một nước Mỹ mạnh mẽ, cam kết tiếp tục hiện diện tại khu vực. Còn Bắc Kinh thì muốn thể hiện rằng không ngần ngại sức mạnh từ Washington, và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự”, theo PGS-TS Nagy.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Các cuộc tập trận có thể làm nguy cơ xung đột tăng cao vì những phát sinh ngoài ý muốn, đặc biệt là khi chủ nghĩa dân tộc đang có chiều hướng gia tăng ở Trung Quốc”.

Mỹ có ngại “sát thủ tàu sân bay” ?

Liên quan việc Mỹ tập trận, tờ Hoàn Cầu thời báo vừa đăng bài bình luận, trong đó có đoạn phân tích như sau: “Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của quân đội Trung Quốc, và bất cứ chuyển động nào của tàu sân bay Mỹ cũng luôn bị theo sát bởi quân đội Trung Quốc – vốn đang triển khai tên lửa Đông Phong 21 và Đông Phong 26 là các “sát thủ” đối với tàu sân bay”.

Trả lời Thanh Niên về rủi ro tên lửa diệt hạm của Trung Quốc đối với tàu sân bay Mỹ, cựu đại tá Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và nay đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét: Trung Quốc vẫn luôn giới thiệu tên lửa Đông Phong 21 và Đông Phong 26 là các “sát thủ diệt tàu sân bay”. Tuy nhiên, tên lửa có khả năng công phá mạnh là một chuyện, nhưng muốn đánh chìm tàu thì trước hết phải bắn trúng.

“Trong khi đó, tàu sân bay Mỹ luôn được hộ tống bởi các tàu khu trục vốn tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân. Do đó, dù là một nguy cơ nhưng tên lửa siêu thanh Đông Phong 21 hay Đông Phong 26 khó có thể dễ dàng bắn hạ tàu sân bay. Để tác chiến hiệu quả thì cần có sự phối hợp đồng bộ nhiều khí tài, từ máy bay hỗ trợ đến tàu chiến nhằm đảm bảo khả năng chỉ huy, kiểm soát, kết nối…”, ông Schuster phân tích. Chính vì thế, việc khai hỏa tên lửa diệt hạm để tấn công tàu sân bay Mỹ chẳng hề dễ dàng.

http://biendong.net/bi-n-nong/35699-cao-trao-ngoai-giao-phao-ham-tren-bien-dong.html

 

Nhìn lại Phán quyết

của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông sau 4 năm

Ngày 12/7 tới đây là tròn 4 năm Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng ra Phán quyết ngày 12/7/2016 về các nội dung liên quan. Trong 4 năm qua, tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp do Trung Quốc không những không thực thi Phán quyết mà còn đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn ngày càng hung hăng hơn.

Phán quyết đã từng bị lắng xuống, ít được nhắc tới bởi ngay sau khi Phán quyết ra đời, chính quyền mới của Tổng thống Duterte ở Philippines đã tạm thời gác lại nội dung phán quyết để tranh thủ thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, giá trị của Phán quyết không thể mất đi, phán quyết vẫn được âm thầm thúc đẩy và ngày càng mạnh mẽ hơn, thể hiện trên một số điểm sau:

Một là, lúc ban đầu dư luận lo ngại chính quyền của Tổng thống Duterte sẽ bỏ rơi phán quyết để tranh thủ hợp tác với Bắc Kinh. Tuy vậy, sau 4 năm tình hình đã thay đổi. Trong gần 1 năm trở lại đây, Manila đã nhắc nhiều đến phán quyết, thậm chí Tổng thống Duterte còn thẳng thừng nêu phán quyết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi thăm Trung Quốc hồi cuối tháng 8 năm ngoái và tiến thêm một bước, ông Duterte còn đề cập đến phán quyết trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc sau đó.

Các nhà phân tích cho rằng ứng xử của ông Duterte là lẽ đương nhiên bởi khi mới lên cầm quyền năm 2016 ông Duterte tưởng rằng có thể tranh thủ hợp tác kinh tế và vốn của Trung Quốc để phát triển đất nước. Tuy nhiên, sau 3 năm nỗ lực thúc đẩy, ông Duterte đã không thu được kết quả như mong muốn, hợp tác và những khoản đầu tư của Trung Quốc chỉ dừng lại ở lời hứa, trong khi đó Bắc Kinh tiếp tục có những hành động xâm lấn vùng biển của Philippines, thậm chí đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tháng 6/2019 và mới đây tàu Trung Quốc chĩa pháo vào tàu của hải quân Philippines. Hơn nữa, trước sức ép nội bộ, ông Duterte phải tỏ thái độ mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông bằng việc nêu lại Phán quyết ngày 12/7/2016. Động thái này của ông Duterte thôi thúc các nước khác ven Biển Đông có thái độ mạnh mẽ hơn đối với phán quyết.

Hai là, mặc dù không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Mỹ cùng các đồng minh chủ động triển khai tự do hàng hải, hàng không để bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Đặc biệt, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ tại Biển Đông tăng cả về tần suất, quy mô và phạm vi hoạt động, các loại tàu chiến được sử dụng trong các chiến dịch tự do hàng hải ngày càng đa dạng, thậm chí từ năm 2019 Mỹ đã điều thêm tàu tác chiến ven bờ của lực lượng tuần duyên Mỹ tham gia chiến dịch tự do hàng hải (năm 2015, Mỹ thực hiện 2 lần FONOP; năm 2016, 3 lần; năm 2017, 6 lần; năm 2018, 5 lần; năm 2019, 7 lần và riêng trong 6 tháng đầu năm 2020 đã triển khai 5 lần FONOP ở Biển Đông).

Hải quân Mỹ tuyên bố mạnh mẽ rằng, mục tiêu của Washington trong các chiến dịch FONOP là thực thi luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 và Phán quyết ngày 12/7/2016. Đáng chú ý, trong lần thực hiện FONOP gần đây nhất của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin trong phạm vi 12 hải lý của đảo Phú Lâm và Hòn Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa, Mỹ nhấn mạnh, hoạt động này để chứng minh những vùng nước này nằm ngoài lãnh hải của Trung Quốc, với mục tiêu phá đường cơ sở thẳng do Trung Quốc vạch ra đối với Hoàng Sa.

Tàu chiến các nước Anh, Pháp, Úc, Nhật và Ấn Độ cũng thường xuyên có các hoạt động để bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế; khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, các nước này cũng thường xuyên kêu gọi các bên liên quan thực thi Phán quyết ngày 12/7/2016.

Ba là, từ cuối năm 2019, cùng với việc Philippines đề cập mạnh đến Phán quyết ngày 12/7/2016, nhiều nước ven Biển Đông đã đề cao các giá trị pháp lý dưới các hình thức khác nhau. Thủ tướng Singapore đã đề cập đến Phán quyết ngày 12/7/2016 trong phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Đức vào trung tuần tháng 3/2020. Đặc biệt, Indonesia trong các công hàm gửi lên Liên hợp quốc ngày 26/5 và 02/6/2020 đã đề cập hết sức rõ ràng đến Phán quyết của Tòa Trọng tài, trong đó nhấn mạnh Phán quyết đã bác bỏ yêu sách về “quyền lịch sử” của Trung Quốc trong “đường lưỡi bò” và khẳng định các cấu trúc thuộc Trường Sa không đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng mà chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý, do vậy mà dưới bất cứ góc độ nào, vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia, không phải là vùng biển tranh chấp.

Tuy không trực tiếp nhắc đến cụm từ “Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài”, Việt Nam và Malaysia luôn đề cao tinh thần của phán quyết trong các công hàm gửi lên Liên hợp quốc thời gian gần đây. Theo đó, hai nước này coi các cấu trúc ở Biển Đông không có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục

địa riêng mà chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý và khẳng định quan điểm nhất quán giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở UNCLOS 1982, phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông.

Các nước ASEAN tại các hội nghị liên quan cũng luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Tuyên bố Chủ tịch tại cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 26/6/2020 tái khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở cho việc xác định các quyền trên biển và khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, đồng thời nhấn mạnh các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở UNCLOS 1982. Các nhà quan sát cho rằng, đây là một bước tiến mới trong việc khẳng định giá trị nền tảng của luật pháp quốc tế, bao gồm Phán quyết ngày 12/7/2016.

Bất chấp việc Trung Quốc tìm mọi cách phá hoại các thành quả của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 và Phán quyết ngày 12/7/2016, song có thể thấy Phán quyết không những không bị lãng quên mà còn ngày càng phát huy các giá trị pháp lý của nó vì:

1. Cho dù Trung Quốc không tham gia vào quá trình tố tụng, song Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 là hoàn toàn hợp pháp theo đúng các quy định của Công ước.

2. Nội dung đơn kiện của Philippines chỉ liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 cho các tranh chấp ở Biển Đông, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tòa theo luật định. Do vậy, mặc dù Trung Quốc lớn tiếng nói rằng “Tòa không có thẩm quyền” xem xét nội dung đơn kiện của Philippines, song căn cứ vào các điều khoản của UNCLOS 1982, Tòa Trọng tài có đủ thẩm quyền xem xét và ra phán quyết về các nội dung trong đơn kiện của Philippines.

3. Phán quyết ngày 12/7/2016 là công tâm, công bằng và minh bạch. Theo đó, Tòa đã bác bỏ hoàn toàn cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung Quốc đòi hỏi trong phạm vi “đường lưỡi bò” ở Biển Đông và nhấn mạnh yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn không phù hợp với các điều khoản của UNCLOS. Phán quyết cũng dựa trên quy định trong Điều 121 UNCLOS 1982 để xác định rõ các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm Ba Bình (cấu trúc có diện tích lớn nhất ở Trường Sa) hoàn toàn không đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng mà chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý.

Phán quyết là ràng buộc đối với các bên liên quan trong vụ kiện, Philippines và Trung Quốc có nghĩa vụ thực hiện. Một khiếm khuyết trong cơ chế giải quyết tranh chấp ở Tòa Trọng tài là chưa có chế tài buộc các bên thi hành phán quyết. Do vậy, ngay sau khi Tòa ra phán quyết, Trung Quốc đã phản đối và tuyên bố không tuân thủ Phán quyết. Điều này càng làm cho cộng đồng quốc tế thấy rõ bản chất cường quyền, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Với cách hành xử như vậy, Trung Quốc hoàn toàn không xứng đáng là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như thành viên của UNCLOS 1982.

Sau khi Tòa Trọng tài ra Phán quyết ngày 12/7/2016, Trung Quốc đã mở đợt vận động (kể cả dùng tài chính mua chuộc), thậm chí dọa nạt các nước không được lên tiếng ủng hộ Phán quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể làm lu mờ được Phán quyết.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp do Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn, xâm lấn ở Biển Đông thì các nước lại càng thấy rõ, chỉ có luật pháp quốc tế mới có thể là cơ sở để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, chống lại sự cường quyền và bành trướng của Trung Quốc. Do vậy, chắc chắn Phán quyết ngày 12/7/2016 sẽ là một án lệ hết sức quan trọng để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông hòa bình, bằng biện pháp pháp lý trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

http://biendong.net/bien-dong/35705-nhin-lai-phan-quyet-cua-toa-trong-tai-vu-kien-bien-dong-sau-4-nam.html

 

Nhật, Úc cùng bày tỏ quan ngại

về Biển Đông, Biển Hoa Đông

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Úc, Scott Morrison, chia sẻ lo ngại sâu sắc về những động thái trên Biển Hoa Đông và Biển Đông trong cuộc họp qua video hôm 9/7, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản cho biết.

Khi được hỏi trong một cuộc họp báo rằng phải chăng những quan ngại mà hai nhà lãnh đạo bày tỏ là nhắm trực tiếp đến Trung Quốc, Phó thư ký Văn phòng Nội các Nhật Bản Naoki Okada đã từ chối giải thích thêm.

Tương tự, Úc cũng không đề cập đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào, dù cuộc họp diễn ra sau nhiều vụ việc liên quan đến Trung Quốc.

“Họ (hai lãnh đạo Nhật, Úc) bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những diễn tiến tiêu cực gần đây ở Biển Đông, bao gồm việc tiếp tục quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp, sử dụng tàu tuần duyên và dân quân một cách nguy hiểm và cưỡng ép”, Reuters dẫn tuyên bố của chính phủ Úc nói.

Hồi tháng 4, Việt Nam chính thức gửi công hàm phản đối Trung Quốc sau vụ tàu hải giám Trung Quốc đâm chìm tàu cá ngư dân Việt gần khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đẩy mạnh sự hiện diện trên Biển Đông giữa lúc các nước tranh chấp bận đối phó với đại dịch Covid-19.

https://www.voatiengviet.com/a/nh%E1%BA%ADt-%C3%BAc-c%C3%B9ng-b%C3%A0y-t%E1%BB%8F-quan-ng%E1%BA%A1i-v%E1%BB%81-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-bi%E1%BB%83n-hoa-%C4%91%C3%B4ng/5496193.html

 

Biển Đông: Trung Quốc muốn gì

 khi nối lại đàm phán về COC?

Thanh Hà

Trung Quốc đồng ý nối lại đàm phán với các đối tác Đông Nam Á về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào lúc khởi động đợt tập trận quy mô ở Hoàng Sa. Đây là đòn “vừa đấm vừa xoa” của Trung Quốc, một cử chỉ hòa hoãn của Bắc Kinh nhắm vào các đối tác ASEAN, hay ngược lại là dấu hiệu chính quyền Trung Quốc đang rất tự tin vào khả năng áp đặt luật chơi với vùng biển mà 55 % hàng hóa của Đông Nam Á phải đi qua ?

Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông được xem là một công cụ pháp lý mang tính ràng buộc nhằm giảm « căng thẳng, duy trì hòa bình, ổn định và an ninh » tại vùng biển này. Tiến trình đàm phán COC được dự trù vào đầu năm nay đã bị gián đoạn vì dịch Covid-19. Lần gần đây nhất các bên thảo luận với nhau về COC là hồi tháng 10/2019. Bắc Kinh từng cho biết mong muốn COC chóng được hoàn tất để có hiệu lực vào năm 2021 và thậm chí còn nêu lên viễn cảnh kết thúc đàm phán nội trong năm nay. Hứa hẹn kèm theo là với COC, các bên không còn phải bận tâm về an ninh trên biển.

Tuy nhiên một số nhà quan sát cho rằng virus corona chỉ là cái cớ để Trung Quốc áp dụng kế hoãn binh, tranh thủ thời gian thế giới bị chia trí vì Covid-19 để tiếp tục lấn chiếm biển đảo, qua đó « đặt thế giới trước chuyện đã rồi ».

Đề xuất khởi động lại đàm phán COC đã được Bắc Kinh đưa ra nhân hội nghị tham vấn ASEAN –Trung Quốc hôm 01/07/2020. Trước đó, trong thượng đỉnh trực tuyến hôm 26/06/2020 dưới sự chủ tọa của Việt Nam, các nước Đông Nam Á đã tỏ lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết với nước láng giềng khổng lồ này. Trong bản quyên bố chung, ASEAN đã nêu bật mối quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển Liên Hiệp Quốc –UNCLOS, xem đây là « cơ sơ để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp » phù hợp với luật pháp quốc tế.

Không đi sâu vào chi tiết và không trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc, nhưng tuyên bố chung của ASEAN lên án các vụ tàu khảo sát Trung Quốc cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia, hay các vụ tàu cá Việt Nam bị đâm chìm hồi tháng 4 và tháng 6/2020, việc Bắc Kinh lập hai quận mới ở Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định thêm quyền quản lý các khu vực này.

Phải chăng thái độ cứng rắn hiếm thấy của ASEAN đã thúc đẩy Bắc Kinh tỏ nhã ý nối lại đàm phán COC ?

Theo quan điểm nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore, có thể là Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh của mình vào lúc mà một phần công luận trong khu vực phải đối phó với dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, mà Indonesia và Philippines là hai quốc gia Đông Nam Á có số nạn nhân cao nhất trong vùng.

Về phần giáo sư Stephen Nagy, trường Đại Học Công Giáo Tokyo, ông cho rằng đề nghị của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm này cho thấy Bắc Kinh tin tưởng sẽ quay trở lại bàn đàm phán, dù là qua cầu truyền hình, trong « thế mạnh », trong lúc nhiều nước ASEAN đã bị Covid-19 làm suy yếu, nhất là về mặt kinh tế. Sự hiện diện dồn dập của Hải Quân Trung Quốc và những hành động nhằm phô trương sức mạnh của guồng máy quân đội Trung Quốc tại Biển Đông gần đây cũng có thể là một đòn răn đe để nhắn nhủ với các nước Đông Nam Á rằng, các bên đều có lợi một khi Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hoàn tất và có hiệu lực.

Để COC có thể được áp dụng từ năm tới, các bên chỉ còn rất ít thời gian để tiếp tục đàm phán. Giới quan sát cho rằng chưa chắc Bắc Kinh có thể dễ dàng cho ASEAN « uống nước đường », và chèn ép được các đối tác trong khu vực, trong bối cảnh mà bản thân các nước Đông Nam Á đang gặp nhiều khó khăn và cần khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc.

Nhượng bộ Trung Quốc về những quyền lợi trên biển là điều không dễ làm, như ghi nhận của giáo sư Jay Batongbacal về luật biển quốc tế, thuộc trường Đại Học Philippines. Ông đánh giá đàm phán trong giai đoạn sắp tới về COC sẽ gay go, nhưng cũng không loại trừ khả năng để cứu vãn thể diện, các bên có thể sẽ phác họa ra một văn bản thỏa thuận rất chung chung, bởi vì ASEAN và Trung Quốc « không có sự chọn lựa nào khác. Đôi bên sẽ phải tiếp tục đối thoại, tránh để một trong hai phía tuyên bố rút lui, vì đó sẽ là một thất bại ».

Nói tóm lại như đánh giá của tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun ngày 07/07/2020, mặc dù đề xuất nối lại đàm phán về COC, Trung Quốc vẫn tiếp tục khuấy động Biển Đông và vẫn thiên về đối thoại giữa Bắc Kinh « với các nước liên quan », mà muốn quên đi yếu tố Hoa Kỳ.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200709-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-trung-qu%E1%BB%91c-mu%E1%BB%91n-g%C3%AC-khi-n%E1%BB%91i-l%E1%BA%A1i-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-v%E1%BB%81-coc