Tin Biển Đông – 09/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 09/03/2020

Tranh chấp Việt-Trung ở Biển Đông :

Giới hạn của luật pháp quốc tế

Thanh Phương

Ngày 27/02/2020, nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt của hai viện Quốc Hội Pháp đã tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế về tình hình Biển Đông. Nếu các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là Pháp, nói chung ủng hộ Việt Nam trong việc tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì cuộc hội thảo này một lần nữa cho thấy sự hạn chế của luật pháp quốc tế trước thái độ lấn lướt của Trung Quốc đối với các nước tranh chấp, đặc biệt là đối với Việt Nam

Cuộc hội thảo diễn ra dưới sự bảo trợ của nữ dân biểu gốc Việt Stéphanie Do, chủ tịch Nhóm Hữu nghị Pháp – Việt tại Hạ Viện và với sự hỗ trợ của đại sứ quán Việt Nam. Với đề tài “Biển Đông : Thách thức và thời cơ đối với Pháp và Việt Nam, các nước ven bờ và các cường quốc Ấn Độ – Thái Bình Dương “, cuộc hội thảo quy tụ các nhà nghiên cứu Pháp, Việt, dưới sự điều phối của giáo sư Pierre Journoud, Đại học Paul – Valéry Montpellier 3.

Trong phiên buổi sáng, diễn ra tại một phòng họp của Hạ Viện Pháp, cử tọa đã nghe phần trình bày của giáo sư Monique Chemillier-Gendreau (Đại học Paris – Diderot), nói về luật quốc tế đối với vấn đề chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để xác định chủ quyền quốc gia đối với vùng biển, đảo, phân định biên giới trên biển giữa các quốc gia cũng như ranh giới các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, trong đó có phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực La Haye 2016. Giáo sư Laurent Gédéon (Cao đẳng Sư phạm Lyon) có bài tham luận về hoạt động của các cường quốc tại Biển Đông hiện nay.

Giáo sư Jean-Marie Crouzatier điểm lại các nguồn lịch sử mà các bên tranh chấp ở Biển Đông đưa ra để bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình. Theo giáo sư Crouzatier, có rất nhiều nguồn tài liệu lịch sử tại châu Âu, đặc biệt là tại Pháp, có thể được sử dụng vào việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, như các văn thư của nhà Nguyễn, mà các bản sao trong kho lưu trữ của chính quyền thuộc địa Pháp vẫn còn được lưu giữ ở Pháp.

Đại điện cho phía Việt Nam, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học Viện Ngoại Giao, Nguyễn Hùng Sơn trình bày quan điểm của Hà Nội về những diễn biến mới nhất tại Biển Đông, trong đó có vụ Trung Quốc đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm ngoái. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, phó chủ tịch Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, thì giải thích về tác động của phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Phiên buổi chiều của cuộc hội thảo, diễn ra tại một phòng họp của Thượng Viện Pháp, tập trung nói về những thách thức và tiềm năng về kinh tế, môi trường, khoa học và văn hóa ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một cuộc hội thảo về Biển Đông được tổ chức cùng ngày tại hai viện của Quốc Hội Pháp.

Nói chung, trong cuộc hội thảo, các diễn giả đã phân tích các khía cạnh pháp lý và chính trị-chiến lược của vấn đề tranh chấp chủ quyền và hoạt động của các bên ở Biển Đông, nêu bật những quan ngại của quốc tế về những hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa và thay đổi nguyên trạng các thực thể ở Biển Đông. Họ đặc biệt nhấn mạnh các nước tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc, phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, kêu gọi tôn trọng quyền chính đáng của các quốc gia liên quan.

Trả lời RFI Việt ngữ sau phiên hội thảo buổi sáng, ông Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Biển Đông, nêu nhận xét của ông về hội thảo :

« Qua sự tham gia của các đại biểu hôm nay, tôi thấy đáng mừng ở chỗ vấn đề Biển Đông đang ngày càng được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Pháp và Liên Hiệp Châu Âu quan tâm. Họ quan tâm đến Biển Đông theo nhiều khía cạnh khác nhau, không phải chỉ vì đó là một vùng biển có nhiều xung đột, mà còn là một nơi hội tụ rất nhiều lợi ích của cộng đồng quốc tế và cũng có nhiều triển vọng hợp tác.

Đặc biệt, Biển Đông còn là nơi kiểm chứng mức độ thượng tôn pháp luật của cộng đồng quốc tế, hiệu lực của pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Tôi thấy các đại biểu Pháp nói rất nhiều về việc tăng cường hiệu lực của luật pháp quốc tế, rằng một nước, dù lớn hay nhỏ đều cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Họ cũng kêu gọi tăng cường hợp tác, nhất là hợp tác đa phương, để tăng cường việc áp dụng Công ước 1982, không chỉ ở Biển Đông, mà ở khắp nơi trên thế giới, với hy vọng là khi tất cả các nước đều tôn trọng Công ước về Luật Biển, nhất là nước đã ký và phê chuẩn Công ước, như Trung Quốc, thì trật tự, hòa bình, ổn định trên biển sẽ được duy trì. »

Là một trong những chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, giáo sư Monique Chemillier-Gendreau, nhấn mạnh đến chính sách của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông :

« Đó là một phần trong chính sách của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn thi hành chính sách gọi là « sự đã rồi », tức là họ hành xử như thể là những đòi hỏi của Bắc Kinh chính là luật pháp quốc tế ! Hơn nữa, từ rất lâu, họ vẫn thao túng dư luận trong nước, tuyên truyền rằng Trung Quốc có đầy đủ các quyền trên toàn bộ vùng biển mà rất tiếc vẫn được gọi là biển Nam Trung Quốc Hải (Mer de Chine méridionale). Nay Trung Quốc đã có một sức mạnh đáng kể về hải quân và không quân, chứ không phải như cách đây 50 năm, nên cứ tiếp tục lấn tới, với hy vọng là « sự đã rồi » sẽ dần dần biến thành luật. Cho nên, các nước trong vùng, toàn bộ các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam phải phản đối mỗi lần Trung Quốc có hành động như vậy. Phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc để ngăn chận chính sách « sự đã rồi » của Trung Quốc được chấp nhận. »

Chính là nhằm ngăn chận chính sách đó của Trung Quốc mà Philippines đã kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực. Vào tháng 07/2016, Toà đã ra phán quyết kết luận rằng không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.

Tuy rằng phán quyết này đã bị Bắc Kinh bác bỏ, đại sứ Nguyễn Hồng Thao, phó chủ tịch Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, cho rằng đây vẫn là một cơ sở pháp lý quan trọng, đối với những nước như Việt Nam :

« Phán quyết này chỉ có giá trị đối với Philippines và Trung Quốc, hai bên có liên quan đến việc tuân thủ phán quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không chấp nhận thẩm quyền của tòa án và cũng không công nhận phán quyết. Song, theo quy định của Phụ lục 7 của Công ước 1982, phán quyết của tòa án quốc tế được thành lập phù hợp với Phụ lục 7 của Công ước bao giờ cũng là phán quyết chung thẩm và có giá trị bắt buộc đối với các bên, đối với các quốc gia khác không phải là các bên tham gia trong vụ kiện.

Chúng ta có thể coi các phán quyết của tòa án quốc tế cũng như của Tòa Trọng Tài là nguồn bổ sung của luật quốc tế để so sánh trong việc xem xét lại những lập trường và những áp dụng giải thích của điều 123, khoản 3 về quy chế pháp lý của các đảo, các đá tại Trường Sa. »

Về phần ông Nguyễn Hùng Sơn, ông cho biết là Việt Nam vẫn để ngỏ khả năng đưa Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế, nếu Bắc Kinh tiếp tục những hành động xâm lấn chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, giống như năm 2019:

« Việt Nam đã nói rất rõ là Việt Nam sẽ sử dụng tất cả những biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông, có nghĩa là Việt Nam không loại trừ biện pháp hòa bình nào. Mặc dù Việt Nam không nói ra nhưng Việt Nam không loại trừ biện pháp giải quyết các tranh chấp Biển Đông thông qua các cơ quan tài phán quốc tế.

Đưa ra tòa án nào còn tùy thuộc vào vấn đề mà các nước muốn giải quyết là gì. Mỗi tòa án có một chức năng riêng. Các cơ quan chức năng Việt Nam, nhất là các chuyên gia pháp lý đã và đang nghiên cứu, chuẩn bị các hồ sơ cần thiết, để nếu cần sử dụng biện pháp đó, thì Việt Nam sẵn sàng. »

Tuy nhiên, giáo sư Monique Chemillier-Gendreau lưu ý về sự hạn chế của luật pháp quốc tế trong việc phân xử các vụ tranh chấp chủ quyền như ở Biển Đông, cho dù theo bà, Việt Nam có một hồ sơ rất vững chắc nếu kiện Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế :

« Như tôi vừa nói trong cuộc hội thảo, luật pháp quốc tế rất giới hạn. Theo luật quốc tế, quốc gia nào muốn đưa vụ việc ra trước Tòa án Công lý Quốc tế thì phải có sự đồng ý của cả quốc gia kia. Khả năng duy nhất đó là kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực như Philippines đã làm, nhưng kết quả đạt được cũng rất hạn chế, vì tòa này không thể phân xử về vấn đề chủ quyền. Tôi nghĩ rằng công luận quốc tế có vai trò rất quan trọng, rằng chúng ta phải sử dụng mọi phương tiện hiện có : phản đối về ngoại giao, đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc mỗi khi có hành động hung hăng và có thể là kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài nếu Việt Nam cảm thấy sẳn sàng làm điều này.

Nếu kiện Trung Quốc, Việt Nam có một hồ sơ rất tốt. Nhưng chúng ra không biết trong hồ sơ của phía Trung Quốc có những gì. Tôi đã từng đến Trung Quốc, từng gặp nhiều nhà sử học Trung Quốc. Họ cứ bảo : « Chúng tôi có nhiều tư liệu xưa, những chứng cứ để xác nhận chủ quyền », nhưng họ chưa bao giờ đưa ra những tư liệu, chứng cứ đó. Tôi không tin là họ thật sự có những chứng cứ đó. Theo tôi thì một tòa án rất khách quan như Tòa án Công lý Quốc tế phải có trong tay toàn bộ những hồ sơ của hai bên. Nhưng tôi cho là Việt Nam có một vị thế rất tốt ».

Trước mắt, để ngăn ngừa những xung đột trên Biển Đông, ASEAN đang thương lượng với Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử COC. Nhưng các chuyên gia như bà Monique Chemilier-Gendreau không mấy tin tưởng vào bộ quy tắc này. Theo bà, bộ quy tắc ứng xử một khi được chấp thuận sẽ chỉ giúp cho Trung Quốc rảnh tay hành động, nhân danh bộ quy tắc ứng xử này, họ sẽ tiếp tục chính sách của họ để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200309-tranh-ch%E1%BA%A5p-vi%E1%BB%87t-trung-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-gi%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%A1n-c%E1%BB%A7a-lu%E1%BA%ADt-ph%C3%A1p-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF