Tin Biển Đông – 09/01/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Biển Đông : Trung Quốc giăng đội tầu cá

quanh đảo Thị Tứ

Thu Hằng

Trong khi Jakarta phải triển khai thêm tầu chiến và bính lính đến vùng biển Natuna, gần Biển Đông, để sẵn sàng đáp trả việc tầu cá Trung Quốc, được tầu hải cảnh hộ tống, thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Indonesia, Philippines cũng phải đối đầu với lực lượng tầu cá hùng hậu của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ, ở quần đảo Trường Sa.

Ngày 08/01/2020, phó đô đốc Rene Medina, người đứng đầu Bộ Chỉ huy miền Tây Philippines, cho biết có đến 38 tầu Trung Quốc neo đậu suốt đêm 07/01 tại ba dải cát, nằm giữa đảo Thị Tứ (Philippines gọi là đảo Pag-asa), hiện do Philippines kiểm soát và đá Subi, bị Trung Quốc quân sự hóa.

Trả lời trang Inquirer, phó đô đốc Medina cho biết vẫn tiếp tục theo dõi các tầu nước ngoài hoạt động trong vùng thuộc quyền tài phán của Philippines và sẽ phản ánh đến các cơ quan ngoại giao liên quan.

Tầu thuyền Trung Quốc hoạt động gần đảo Thị Tứ thường xuyên hơn kể từ năm 2018 sau khi Philippines xây một dải đất và một cảng biển ở trên đảo. Năm 2019, chính quyền Manila đã nhiều lần gửi công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của tầu cá, được cho là đội dân quân biển của Trung Quốc. Đội tầu này lầm lũi chiếm ưu thế ở Biển Đông mà không gây đáp trả quân sự, theo một bản báo cáo của Nghị Viện Philippines năm 2019.

Trung Quốc đóng tầu tuần tra lớn nhất

Cũng nhằm mục đích uy hiếp các nước bé trong khu vực, Trung Quốc khởi công đóng tầu tuần tra dân sự lớn nhất, dài 165 mét, rộng 20,6 mét. Theo trang South China Morning Post ngày 08/01, con tầu trị giá 97 triệu đô la là đơn đặt hàng của Cục An Toàn Hàng Hải Quảng Đông, theo dự kiến được hạ thủy vào tháng 09/2021.

Có trọng lượng 10.700 tấn, con tầu mới sẽ nặng gấp đôi tầu lớn nhất hiện nay của Trung Quốc là Hải Tuần 01 (Haixun 01, 5.418 tấn) và có thể chứa được nhiều loại máy bay trực thăng. Truyền thông Nhà nước Trung Quốc cho biết nhiệm vụ của tầu tuần tra mới sẽ rất đa năng, từ các hoạt động khẩn cấp, thực thi pháp luật đến các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ, thậm chí là xử lý ô nhiễm.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200109-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-trung-qu%E1%BB%91c-gi%C4%83ng-%C4%91%E1%BB%99i-t%E1%BA%A7u-c%C3%A1-quanh-%C4%91%E1%BA%A3o-th%E1%BB%8B-t%E1%BB%A9

 

Cuộc chiến giành cá và tài nguyên: Chiến lược nguy hiểm,

không có điểm dừng của TQ ở Biển Đông

Cùng với những tranh chấp về năng lượng, chiến lược bành trướng nhằm kiểm soát nguồn cá và các tài nguyên khác từ Biển Đông của Bắc Kinh đang khiến căng thẳng gia tăng và sẽ tiếp tục đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực trong năm 2020.

Trong quá khứ, các tàu cá của Trung Quốc thường xuyên ra vào các vùng chồng lấn, nhưng việc gia tăng mức độ thường xuyên của những vụ việc như vậy cộng thêm với hành vi của Bắc Kinh đã gây ra những quan ngại sâu sắc trong khu vực. Trung Quốc áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông, họ xem đó như là cách bảo tồn nguồn cá cho đội tàu của mình tại Biển Đông. Lần đầu tiên Bắc Kinh ban lệnh cấm là vào năm 1999, từ tháng 6 tới tháng 7 hàng năm và tới năm 2009 thì họ kéo dài lệnh cấm thành từ ngày 16/5 đến ngày 01/8 hàng năm. Phạm vi cấm rất mơ hồ, mặc dù lệnh cấm bao trùm lên một khu vực bao quanh quần đảo Hoàng Sa nhưng lại không vươn xa xuống phía Nam tới quần đảo Trường Sa. Việt Nam phản đối kịch liệt, vì lệnh cấm ảnh hưởng tới sinh kế của các ngư dân Việt. Để thực thi lệnh cấm và bảo vệ các tàu cá của mình, Trung Quốc phái đến khu vực các tàu mà họ gọi là “tàu kiểm ngư”, nhưng thực chất đó là những tàu hải quân được hoán chuyển. Trung Quốc cũng đã tuyên bố kế hoạch tăng cường sức mạnh của lực lượng hải giám, lên đến 16 máy bay và 350 tàu biển vào năm 2015, số máy bay và tàu này sẽ được sử dụng để giám sát hoạt động tàu bè trên biển, thực hiện các nhiệm vụ khảo sát, “bảo vệ an ninh hành hải” và kiểm tra các tàu nước ngoài hoạt động “trên vùng biển của Trung Quốc”.

Biển Đông đang được đưa vào phạm vi cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ khi Trung Quốc tăng cường mở rộng chiến lược hải quân và triển khai các năng lực hải quân mới. ASEAN cho rằng những yêu sách bành trướng của Trung Quốc đến toàn bộ khu vực là có thể đàm phán được, rằng Trung Quốc sẽ chịu dàn xếp cho một hiệp định khu vực có các điều khoản thuận lợi, trong đó những tuyên bố chủ quyền sẽ được điều chỉnh, và nguồn lợi dầu khí cũng như ngư trường sẽ được chia sẻ. Dựa vào cơ sở này, ASEAN đã kéo Trung Quốc vào tham gia đối thoại thường xuyên với hy vọng thuyết phục các nhà cầm quyền Trung Quốc về giá trị của một cơ chế chuẩn tắc giúp điều chỉnh hành vi ở Biển Đông. ASEAN thường xuyên cẩn trọng trong việc tránh khiêu khích Trung Quốc và kỳ vọng Trung Quốc sẽ đáp lại kịp thời, và rằng phương cách ASEAN trong việc khuyến khích đồng thuận sẽ được Bắc Kinh chấp nhận một cách đúng lúc.

Nếu vấn đề chỉ liên quan đến những yêu sách cạnh tranh về năng lượng và ngư trường, thì một hiệp định chỉ rõ quy tắc tương tác và quản lý tranh chấp (gọi cách khác là một cơ chế hàng hải) rất có thể có khả năng trở thành hiện thực như các nhà hoạch định chính sách ASEAN đã lập luận. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược với Mỹ đã định hình lại tranh chấp theo cách làm giảm vai trò của ASEAN và khả năng của họ trong việc đàm phán một giải pháp cho vấn đề với Trung Quốc. Điều đó làm Trung Quốc lãnh đạm với các ý tưởng của ASEAN và trở nên quan ngại hơn về các động thái bên ngoài khu vực của Mỹ cũng như các hoạt động hải quân của nước này. Điều này cũng dẫn đến việc Trung Quốc cư xử đặc biệt quyết liệt hơn bởi khả năng lớn hơn trong việc kiểm soát Biển Đông là một phần cần thiết cho sự triển khai và chiến lược tăng cường hải quân của nước này.

Chiến lược hải quân của Trung Quốc đã được định hình trong nhiều năm qua kể từ khi Tư lệnh Hải quân Liu Huaqing (1982-1988) lần đầu tiên kêu gọi hình thành một lực lượng hải quân viễn dương đủ sức bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc. Hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã đều đặn phát triển sức mạnh hải quân, được nước này coi là cần thiết cho vị thế siêu cường. Khi Trung Quốc tăng sức mạnh kinh tế, lợi ích hàng hải của họ cũng mở rộng tương ứng (cùng với sức mạnh hải quân), đưa họ vào cuộc xung đột với Mỹ, cường quốc hải quân thống trị tại Tây Thái Bình Dương.

http://biendong.net/bien-dong/32550-cuoc-chien-gianh-ca-va-tai-nguyen-chien-luoc-nguy-hiem-khong-co-diem-dung-cua-tq-o-bien-dong.html

 

Tổng thống Indonesia thăm đảo

trong vùng biển tranh chấp với Trung Quốc

Ngày 8/1, Tổng thống Joko Widodo đã đi thăm một hòn đảo trong vùng biển tranh chấp với Trung Quốc, một động thái được cho là nhằm khẳng định chủ quyền của Indonesia giữa bối cảnh đang xảy ra cuộc đối đầu giữa các tàu nước này với Trung Quốc, theo Reuters.

Cuộc đối đầu bắt đầu vào giữa tháng 12 sau khi một tàu hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc đi vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, nằm ngoài khơi bờ biển phía bắc đảo Natuna, dẫn đến việc Jakarta triệu tập đại sứ của Bắc Kinh.

Ông Widodo nói với các phóng viên trên đảo Natuna Besar rằng vùng biển tranh chấp là chỉ thuộc về Indonesia.

“Chúng tôi có một quận ở đây, một chính quyền và một lãnh đạo chính quyền ở đây”, Reuters dẫn lời tổng thống Indonesia nói.

“Không tranh cãi gì ở đây nữa. Trên thực tế, Natuna chính là Indonesia”, ông Widoo nói thêm.

Tổng thống Widodo cũng đến gặp các ngư dân sống trên đảo.

Vào đầu tuần này, Indonesia đã triển khai thêm tàu và chiến đấu cơ để tuần tra vùng biển xung quanh khu vực này. Ông Nuryawal Embun, Giám đốc hoạt động trên biển của Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia, cho biết vào sáng 8/1 rằng hai tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn còn ở đó, trong khi 10 tàu Indonesia đang tuần tra.

Trung Quốc không có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Natuna, nhưng nói rằng họ có quyền đánh bắt gần đó trong khu vực Đường 9 đoạn – bao gồm hầu hết Biển Đông – một yêu sách không được quốc tế công nhận.

Năm 2017, Indonesia đổi tên khu vực phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông thành “Biển Bắc Natuna”, một phần trong kế hoạch đẩy lùi tham vọng về chủ quyền hàng hải của Trung Quốc.

Tranh chấp đã làm phương hại đến mối quan hệ chung thân thiện giữa Indonesia với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà đầu tư chính tại quốc gia lớn nhất Đông Nam Á.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 8/1, ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng điều phối các nguồn lực và đầu tư hàng hải, nói rằng cả Bắc Kinh và Jakarta sẽ tiến hành các cuộc thảo luận ngoại giao.

Hôm 8/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh và Jakarta đang liên lạc qua các kênh ngoại giao.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục giải quyết một cách thích hợp những khác biệt với Indonesia và giữ vững hòa bình và ổn định trong quan hệ song phương và khu vực”, Reuters dẫn lời ông Cảnh Sảng nói.

Đỉnh điểm căng thẳng cuối cùng giữa Indonesia và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là vào năm 2016. Tại thời điểm đó, ông Widodo đã tổ chức một cuộc họp với các bộ trưởng của mình trên một con tàu hải quân nhằm biểu đạt sự hỗ trợ.

https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-indonesia-th%C4%83m-%C4%91%E1%BA%A3o-trong-v%C3%B9ng-bi%E1%BB%83n-tranh-ch%E1%BA%A5p-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c/5237338.html

 

Hà Nội ‘xác minh’

tin tàu Trung Quốc ‘kéo về hướng Việt Nam’

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 9/1 lên tiếng sau khi xuất hiện tin “tàu 35111 của Trung Quốc đang kéo về hướng Việt Nam” tiếp sau vụ “đụng chạm với Indonesia”.

“Chúng tôi sẽ xác minh thông tin như bạn hỏi”, bà Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước trong cuộc họp báo thường kỳ. “Xin khẳng định các lực lượng chức năng Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển Việt Nam được xác định bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam cần tuân thủ các quy định có liên quan của Việt Nam và các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.

Cùng ngày, Reuters dẫn lời quân đội Indonesia nói rằng các tàu tuần duyên cũng như đánh cá của Trung Quốc đã rời vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia quanh quần đảo Natuna giáp Biển Đông sau khi Tổng thống Joko Widodo tới đó để khẳng định chủ quyền lãnh hải.

XEM THÊM:

Indonesia tăng cường tuần tra gần Biển Đông

Khi được một phóng viên hỏi về quan điểm của Việt Nam về “tình hình Natuna” với việc “Indonesia đưa tàu và máy bay ra khi tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền của Indonesia”, bà Hằng nói rằng “mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với các vùng biển

được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không làm phức tạp tình hình, có đóng góp thiết thực, phù hợp, tích cực, thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác tại khu vực”.

Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông, khi được hỏi về phản ứng về việc “Malaysia đã đệ trình lên Liên Hợp Quốc về bản đồ giới hạn thềm lục địa của nước này ở Biển Đông”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.

“Là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Việt Nam được hưởng đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với công ước luật biển. Đồng thời, Việt Nam cũng bảo lưu quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý khu vực giữa Biển Đông như đã nêu tại Công hàm gửi Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa năm 2009”, bà Hằng nói.

https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A0-n%E1%BB%99i-x%C3%A1c-minh-tin-t%C3%A0u-trung-qu%E1%BB%91c-k%C3%A9o-v%E1%BB%81-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-vi%E1%BB%87t-nam-/5238422.html