Tin Biển Đông – 08/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 08/11/2018

Canada cử chiến hạm đến châu Á

tập trận bảo vệ tự do hàng hải

Trọng Nghĩa

Vào hôm nay, 08/11/2018, Quân Đội Mỹ và Nhật Bản đã kết thúc cuộc tập trận Keen Sword, mở ra từ hôm 29/10 vừa qua ở vùng Tây Thái Bình Dương ngoài khơi Nhật Bản.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, năm nay, cuộc tập trận hai năm một lần, có sự tham gia của hộ tống hạm chống ngầm Canada HMCS Calgary, đến vùng biển châu Âu hợp sức với các cường quốc hàng hải đồng minh để tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.

Phát biểu tại cảng Yokosuka, Nhật Bản, ông Blair Saltel, hạm trưởng chiếc Calgary cho biết là ông chờ đợi việc Canada hàng năm sẽ có từ một đến hai chiến hạm Canada đến châu Á « thực hiện những nhiệm vụ khác nhau với các đối tác khu vực khác nhau » của Canada.

Hộ tống hạm HMCS Calgary, cùng với tàu tiếp liệu Asterix, đã rời Canada vào tháng Bảy trong một chuyến công tác đến biển Hoa Đông, Úc và Biển Đông, nơi tàu chiến của Canada đã bị chiến hạm Trung Quốc theo dõi.

Vào tuần trước, hộ tống hạm Canada đã tham gia các cuộc tập trận chống tàu ngầm cùng với các tàu chiến Nhật Bản và Mỹ, trong đó có tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan. Theo hạm trưởng Saltel, đó là « cơ hội để Canada chứng tỏ rằng mình có kinh nghiệm hợp đồng tác chiến với các đồng minh ».

Theo Reuters, quyết định của Canada về việc triển khai chiến hạm đến tham gia các cuộc tập trận hải quân ở châu Á được đưa ra sau khi nhiều quốc gia khác, trong đó có Anh và Pháp, đã tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực để đối phó với nguy cơ Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự ngày càng tăng để không chế quyền tự do qua lại trên biển.

Anh Quốc đã gửi ba chiến hạm đến vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có cả tàu đổ bộ tấn công lớn nhất của nước này là chiếc HMS Albion. Trên hành trình trở về sau chuyến thăm Nhật Bản, chiếc HMS Albion đã đi sát một số đảo đá mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Hành động của Anh Quốc đã lập tức bị Bắc Kinh tố cáo là « khiêu khích».

Nhật Bản, nước có một lực lượng hải quân lớn thứ hai ở châu Á, năm nay đã phái tàu chở trực thăng Kaga đi công tác hai tháng ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, nơi tàu Nhật đã thao diễn chung với chiếc Argyll, một chiến hạm khác được Anh Quốc phái đến khu vực.

Trước khi trở về Canada, trong tháng này, hộ tống hạm Calgary sẽ ghé Sasebo ở miền tây Nhật Bản, một cơ sở quan trọng khác của Hải Quân Mỹ và Nhật Bản, để tiến hành thêm nhiều bài tập chống tàu ngầm.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181108-den-luot-canada-cu-chien-ham-den-chau-a-tap-tran-bao-ve-tu-do-hang-hai

 

Tàu chiến Mỹ ít khả năng neo đậu

tại Ba Bình và Trường Sa

Johnny Chiang cho rằng, sự hiện diện thường xuyên của một cụm tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông là nhằm mục đích chống lại việc bành trướng quân sự của Trung Quốc.

South China Morning Post ngày 5/11 đưa tin, giới chức quốc phòng đảo Đài Loan cho biết chính quyền đảo này đang xem xét việc cho tàu Mỹ truy cập đảo Ba Bình, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, đảo Ba Bình đang bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp).

Người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Yen De-fa nói với nghị sĩ Johnny Chiang của Quốc dân đảng, rằng Washington đã yêu cầu Đài Bắc cho Hải quân Mỹ sử dụng đảo Ba Bình cho mục đích đảm bảo an ninh khu vực.

Đài Loan cũng có thể “cho phép” tàu chiến Mỹ neo đậu tại đảo Ba Bình để phục vụ cho các hoạt động nhân đạo. Tuy nhiên, nếu hoạt động này ảnh hưởng đến an ninh, ổn định khu vực, Đài Loan sẽ xem xét lại.

Nghị sĩ Johnny Chiang cho rằng, sự hiện diện thường xuyên của một cụm tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông là nhằm mục đích chống lại việc bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Đưa tin về vấn đề này, Thông tấn xã Đài Loan CNA ngày 5/11 cho biết, ông Johnny Chiang đặt câu hỏi với người đứng đầu lực lượng quân sự Đài Loan, rằng:

Thời gian qua cục diện Biển Đông biến đổi khôn lường. Mỹ tăng cường các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, nếu Washington lấy lý do tiến hành các hoạt động cứu viện, nghiên cứu, hậu cần, duy tu sửa chữa để yêu cầu cập cảng Ba Bình, Đài Loan có đồng ý hay không.

Ông Yan De-fa đáp rằng, trước hết đây là một giả thiết, nếu vì mục đích nhân đạo thì tàu chiến Mỹ có thể đến Ba Bình.

Tuy Đài Loan và Hoa Kỳ là đồng minh chia sẻ hệ giá trị cốt lõi, nhưng trên phương diện chiến lược quân sự, Đài Bắc phải cân nhắc xem việc này có giúp góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông hay không, có phù hợp với lợi ích của Đài Loan không.

Chuyên gia Lã Lễ Thi, cựu Hạm trưởng Tân Giang Hạm của hải quân Đài Loan nói với CNA, do độ sâu khu vực cầu cảng đảo Ba Bình hạn chế, nên bất luận là tàu khu trục lớp Arleigh Burke hay tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ, đều khó có thể neo đậu tại Ba Bình.

Mặt khác, khu vực tàu chiến Mỹ neo đậu đều có hệ thống cung cấp dầu, nước ngọt hoàn thiện và không cần phải dựa vào đảo Ba Bình, các dịch vụ y tế cho quân nhân, thủy thủ Mỹ cũng vậy, nên rất ít khả năng Mỹ cho tàu đến Ba Bình vì mục đích nhân đạo.

Ngoài ra, Trung Quốc đã bố trí tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm tại các căn cứ quân sự xây dựng (bất hợp pháp) ở Su Bi, Vành Khăn…có tầm bắn bao trùm đảo Ba Bình, điều này sẽ làm giảm khả năng Mỹ đưa chiến hạm đến đây.

http://biendong.net/bi-n-nong/24620-tau-chien-my-it-kha-nang-neo-dau-tai-ba-binh-va-truong-sa.html

 

Về nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp

theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông hiện nay

Tranh chấp chủ quyền Biển Đông được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm và có nhiều nỗ lực tham gia. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này, đang đòi hỏi các nước và các bên liên quan phải nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế trong giải quyết tranh chấp biển, đảo

Các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được ghi nhận rộng rãi trong nhiều văn kiện pháp lý song phương, đa phương, khu vực hoặc toàn cầu, trong đó, quan trọng nhất phải kể đến Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, Tuyên bố ngày 24/10/1970 về các nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Đây được coi là các văn kiện điển hình có tính chất pháp lý và tầm ảnh hưởng rộng lớn đối với

hành vi xử sự của các chủ thể luật quốc tế khi tham gia vào quan hệ quốc tế.Ngoài ra, có thể kể đến nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực khác cũng đề cập đến hệ nguyên tắc này như: Định ước Henxinki năm 1975 về an ninh và hợp tác giữa các nước châu Âu, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 1976 (Hiệp ước Bali I); Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Hiến chương ASEAN năm 2007; Nghị định thư về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN năm 2004; Nghị định thư về cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN năm 2010, …

Theo nội dung của các văn kiện pháp lý trên, các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế bao gồm: (1) Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia.(2) Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế.(3) Nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.(4) Nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia khác.(5) Nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế.(6) Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác.(7) Nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết. Tất cả các nguyên tắc này đều là kim chỉ nam, đường hướng cho vấn đề giải quyết tranh chấp quốc tế.

Đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển như Biển Đông,các nguyên tắc trực tiếp và chủ yếu được vận dụng gồm:

Thứ nhất, nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia với giá trị thể hiện trên ba phương diện cơ bản: (1) bình đẳng trong quyền và nghĩa vụ chứng minh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mỗi bên tranh chấp. (2) bình đẳng trong lựa chọn phương thức quốc tế giải quyết tranh chấp. (3) bình đẳng trong vị thế giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế với giá trị thể hiện trên hai phương diện: (1) cấm hành vi xâm chiếm lãnh thổ biển, đảo quốc gia khác. (2) cấm hành vi sử dụng vũ lực hoặc các hành vi đe dọa dùng vũ lực để chiếm đóng hoặc khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ. Mọi hiện trạng được tạo nên bởi kết quả của các cuộc xâm chiếm, dùng vũ lực hoặc các hành vi đe dọa, cưỡng ép đều không được thừa nhận bởi pháp luật và cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp, nguyên tắc này được vận dụng trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo với các khía cạnh khá đầy đủ và toàn diện của nội hàm giá trị nguyên tắc, theo đó: (1) các bên tranh chấp đều phải giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn, xung đột có liên quan trên cơ sở hòa bình; các hành vi chiến tranh hoặc sử dụng chiến tranh, vũ lực làm công cụ giải quyết tranh chấp là vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế.(2) Các bên phải sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phát sinh.(3) Trên cơ sở pháp luật quốc tế, các bên có quyền tự do lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp.

Thứ tư, nguyên tắc tận tâm thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế vận dụng trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo quốc gia với các giá trị về sự tuân thủ của các quốc gia – chủ thể luật quốc tế đối với điều ước quốc tế mà quốc gia đó là viên (ký kết hoặc gia nhập); việc thực thi và giải thích các quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên trong điều ước quốc tế một cách thiện chí. Các hành động cố tình giải thích sai quy định, tinh thần của điều ước đều bị coi là hành vi vi phạm quy phạm Jus cogens của luật quốc tế.

Nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp biển, đảo

Trong 4 nguyên tắc trên, nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế đang được hầu hết các nước theo đuổi, trong đó có Việt Nam. Hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế được coi là nguyên tắc cơ bản và nền tảng của pháp luật quốc tế hiện đại, cùng với nguyên tắc cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế đã góp phần làm thay đổi về chất của luật quốc tế hiện đại. Hiến chương Liên hợp quốc 1945 tại Điều 2, khoản 3; Công ước Luật biển 1982, Điều 279 đã ghi nhận nguyên tắc này. Đây là nguyên tắc không có bất cứ ngoại lệ nào, các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế buộc phải tuân thủ triệt để. Nội dung cơ bản của nguyên tắc được thể hiện ở các điểm chính sau: (1) Tất cả các quốc gia sẽ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các phương thức (biện pháp) hòa bình, không phương hại đến hòa bình, an ninh, và công lý quốc tế. Các phương thức (biện pháp) hòa bình có thể là đàm phán, trung gian, hòa giải, trọng tài, Tòa án, hoặc các biện pháp hòa bình khác do các bên thỏa thuận lựa chọn. (2) Các quốc gia trong tranh chấp có nghĩa vụ từ bỏ bất kỳ hành vi nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình hiện tại và gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh thế giới. (3) Các tranh chấp quốc tế được giải quyết trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, phù hợp và tự do lựa chọn cách thức giải quyết tranh chấp. Các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế được Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và thực tiễn quốc tế thừa nhận rộng rãi gồm: đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, thông qua các cơ quan hay tổ chức quốc tế khu vực hoặc các biện pháp hoà bình khác do các bên lựa chọn. Đây cũng chính là nội dung Điều 33, khoản 1 Hiến chương Liên hợp quốc đã ghi nhận, góp phần hiện thực hóa nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.

UNCLOS 1982 đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình giải quyết hoà bình các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. UNCLOS 1982 chứa đựng các quy phạm: (1) khẳng định sự tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế trong xác lập, thực thi và giải quyết tranh chấp về chủ quyền biển, đảo (Lời nói đầu của Công ước).(2) quy định trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện một số nguyên tắc đặc thù của lĩnh vực biển, đảo mà các bên cần áp dụng trong vấn đề có liên quan (như nguyên tắc “đất thống trị biển” thể hiện qua Điều 2; nguyên tắc thỏa thuận và nguyên tắc công bằng thể hiện trong Điều 74, Điều 83).(3) quy định cụ thể cách thức, biện pháp và quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp.(4) quy định quy chế pháp lý các vùng biển, đảo và các vấn đề liên quan làm cơ sở để các bên giải quyết nội dung tranh chấp. Các Công ước Geneva năm 1958 được áp dụng trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở khía cạnh: (1 đánh giá sự hợp lý trong lập luận của các bên về thực tiễn thể hiện yêu sách đơn phương các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia thông qua tính phù hợp và tương thích với các quy định của Công ước.(2) lựa chọn cơ sở pháp lý áp dụng phù hợp trong trường hợp các bên là thành viên khác nhau của Công ước Geneva năm 1958 với Công ước Luật biển 1982, bởi quy định trong nhiều vấn đề giữa hai điều ước quốc tế này có sự khác biệt (ví dụ: quy định về giá trị công bằng trong phân định biển, quy định về nội hàm khái niệm vùng thềm lục địa).

Lập trường, chính sách của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp Biển Đông hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và sự phát triển của thế giới

Giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông là những vấn đề mang tính toàn cục. Giải quyết tranh chấp và xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ của ta với các nước.

Chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hoà bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc (cửa Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa) thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các bên khác (Trường Sa), liên quan đến tự do hàng hải thì cần có sự bàn bạc của các bên liên quan. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức khác như trung gian hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các tòa trọng tài. Trong khi chờ một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện DOC; nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử đụng vũ lực, ủng hộ việc các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và khuyến khích các bên xây dựng COC.

Về đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc, Việt Nam không phản đối. Việc áp dụng giải pháp tạm thời theo quy định của UNCLOS 1982 có trước khi các bên đàm phán để thống nhất được một ranh giới biển cho những vùng chồng lấn được hình thành bởi các yêu sách do các bên đưa ra theo các tiêu chuẩn của UNCLOS 1982. Tuy nhiên, Việt Nam không chấp nhận “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc là đường yêu sách để tạo thành vùng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Do vậy, không thể “cùng phát triển” trong khu vực được tạo bởi “đường lưỡi bò” lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24639-ve-nguyen-tac-giai-quyet-hoa-binh-cac-tranh-chap-theo-luat-phap-quoc-te-o-bien-dong-hien-nay.html

 

Việt Nam phản đối Trung Quốc

xây trạm quan trắc ở Trường Sa

Trung Quốc xây các trạm quan trắc ở Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động bị cho trái phép như thế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thu Hằng tuyên bố như vừa nêu, tại buổi họp báo thường kỳ vào chiều ngày 8 tháng 11 ở Hà Nội.

Bà Lê Thu Hằng nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên quyết phản đối hoạt động xây các trạm quan trắc ở Trường Sa của Trung Quốc, không được làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Vào ngày 1 tháng 11, Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng loan tin Trung Quốc khánh thành 3 trạm quan trắc khí hậu trên Đá Chữ Thập, Su Bi và Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa với mục đích sử dụng để bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Tại buổi họp báo vào chiều ngày 8 tháng 11, bà Lê Thu Hằng tuyên bố Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này, tuân thủ nghiêm thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo, giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam còn cho biết Việt Nam đang xử lý trang mạng Windy.com, là một ứng dụng thời tiết đưa tên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành Tam Sa của Trung Quốc.

Vào ngày 4 tháng 11, Thủ tướng Việt Nam hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải, nhân dịp tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất. Tại cuộc gặp gỡ này, Việt Nam-Trung Quốc lặp lại quan điểm đồng ý kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông và không để làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-protests-china-weather-stations-in-disputed-sea-11082018074746.html

 

Hội thảo về Biển Đông tại Đà Nẵng

Một hội thảo khoa học về Biển Đông được khai mạc tại Đà Nẵng trong ngày hôm nay 8/11 và kéo dài hai ngày.

Truyền thông trong nước cho biết đây là hội thảo về biển Đông lần thứ 10 do Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam cùng phối hợp tổ chức. Có hơn 300 người tham dự và 30 diễn giả đến từ Việt Nam và các nước khác.

Chủ đề của hội thảo mang tên Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực.

Theo chương trình các diễn giả trình bày và thảo luận về vị trí của Biển Đông trong khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, và những tranh chấp hiện nay cũng như các giải pháp để giải quyết.

Ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhắc lại câu chuyện Biển Đông là rất phức tạp và hiện có nhiều nỗ lực của các quốc gia trong khu vực và quốc tế để giải quyết.

Biển Đông là một hải lộ thương mại quan trọng trên thế giới. Hiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ đến 90% diện tích Biển Đông. Các quốc gia Việt Nam, Phlippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền một phần diện tích Biển Đông.

Trước đó, ngày 7/11 cũng tại Đà Nẵng, đã có một hội thảo mang tên Những phát triển mới của luật biển quốc tế, góc nhìn quốc tế và Việt Nam.

Một số ý kiến trong hội thảo này cho rằng hiện nay luật biển quốc tế chia biển ra nhiều vùng với những qui chế pháp lý khác nhau, dẫn đến việc các quốc gia ven biển có thể sử dụng vũ lực để tranh chấp với nhau, và việc này phải được điều chỉnh để tránh tranh chấp bằng vũ lực.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/east-sea-conference-da-nang-11082018074249.html