Tin Biển Đông – 08/07/2019
Biển Đông tháng 6: TQ cần thực thi nghiêm túc
luật quốc tế và tôn trọng chủ quyền các nước
và bồi thường thiệt hại cho ngư dân các nước
Liên tục trong tháng 6, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế nước này ngang nhiên xuôi đuổi, tịch thu tài sản, ngư cụ của ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa, điều tàu sân bay xuống Biển Đông… Dư luận đang thúc giục nước này cần thực thi nghiêm túc luật quốc tế và tôn trọng chủ quyền các nước và bồi thường thiệt hại cho ngư dân các nước.
Hành vi xua đuổi, tịch thu tài sản và ngư cụ tàu cá Việt Nam ở Biển Đông của TQ là hoàn toàn phi lý và đáng bị lên án
Trước thông tin một số tàu cá Việt Nam hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tịch thu tài sản và ngư cụ, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/6 đã lên án hành động nói trên và yêu cầu Bắc Kinh xử lý nghiêm các tàu công vụ vi phạm.Hành động nói trên của các tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, đe dọa an toàn tài sản của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên, yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm các nhân viên và tàu công vụ vi phạm, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, có hình thức cải giáo các nhân viên vi phạm và không tái diễn hành động tương tự”.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động nói trên của các tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, đe dọa an toàn tài sản của ngư dân Việt Nam hoạt động bình thường trên vùng biển này. Bà Lê Thị Thu Hằng cũng thông tin thêm, ngày 19/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nhằm phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc xác minh, bồi thường cho ngư dân Việt Nam và xử lý nghiêm khắc các nhân viên Trung Quốc vi phạm. Trước đó, hôm 2/6, khi tàu cá QNa91441TS của ngư dân Quảng Nam đang ở cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 22 hải lý thì một tàu sắt sơn màu trắng mang số hiệu 46305, treo cờ Trung Quốc, cập đến áp sát, cho người leo lên tàu đe dọa tính mạng thuyền viên. Sau đó, tàu Trung Quốc này đã cướp hai tấn mực của ngư dân, trị giá hơn 250 triệu đồng.
Cứu ngư dân Philippines, tàu cá Việt Nam “thực hiện nghĩa vụ quốc tế khi hoạt động trên biển”
Phản ứng về vụ việc tàu cá Việt Nam cứu các ngư dân Philippines trên biển sau khi tàu của các ngư dân này được cho là bị tàu cá vỏ thép của Trung Quốc đâm chìm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam cho rằng, các tàu, bao gồm cả các tàu cá khi hoạt động trên biển phải có trách nhiệm thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982 và các sáng kiến của tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) của Liên Hợp Quốc, theo đó, các tàu cá có trách nhiệm đối xử nhân đạo và hỗ trợ khi ngư dân gặp nạn trên biển.Tàu cá Việt Nam đã thực hiện các biện pháp quốc tế khi hoạt động trên biển như đã quy định trong UNCLOS và công ước IMO mà Việt Nam là thành viên”.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Philippines hôm 12/6, một tàu cá của nước này đã bị một tàu cá của Trung Quốc đâm chìm hôm 9/6 khi đang hoạt động gần khu vực bãi Cỏ Rong, nghiêm trọng là trên tàu cá Philippines lúc này có 22 ngư dân và Trung Quốc đã bỏ mặc những ngư dân này một cách vô nhân đạo. Sau đó may mắn sống sót khi được tàu Việt Nam cứu vớt và đưa vào bờ. Phía Trung Quốc thừa nhận vụ việc xong cho rằng đây chỉ là tai nạn vô tình.
Tất các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế như đã nêu trong UNCLOS
Trả lời câu hỏi về việc báo chí Đài Loan (Trung Quốc) thông tin, tàu sân bay và một số tàu chiến của Trung Quốc đang tiến vào Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam luôn theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên Biển Đông và sẽ xác minh thông tin này. “Việc đảm bảo hòa bình, ổn định an ninh an toàn hợp tác phát triển bền vững khu vực là vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia. Việt Nam mong muốn và đề nghị tất cả các quốc gia cùng nỗ lực vì mục tiêu chung này”, bà nói thêm.
Bên cạnh đó, trước thông tin Mỹ có khả năng sẽ thúc đẩy kế hoạch triển khai tuần duyên Mỹ ở Biển Đông, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho hay, là một quốc gia ven Biển Đông, thành viên của UNCLOS, Việt Nam cho rằng, tất các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế như đã nêu trong UNCLOS. “Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Chiến lược mới của Mỹ
nhằm đối phó với TQ ở Biển Đông hiện nay
Qua những diễn biến gần đây liên quan mối quan hệ Mỹ – Trung và động thái của hai bên trong vấn đề Biển Đông, có thể nhận địnhBiển Đông là một trong 4 nội dung chủ yếu trongchính sách ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay của Mỹ, gồmchiến tranh thương mại, Đài Loan, Biển Đông và Hồng Kông.
Thứ nhất, Mỹ tăng cường hiện diện quân sự có tính răn đe đối với TQ
Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của mình tăng cường sự hiện diện tại vùng biển này. Hồi tháng 6, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã cùng với một trong những tàu hải quân lớn nhất của Nhật Bản, tàu sân bay JS Izumo, tiến hành các cuộc diễn tập ở Biển Đông. Gần đây, Hải quân Mỹ cho biết tàu chiến ven biển USS Montgomery đang có chuyến ghé thăm tại thành phố Davao, Philippines. Tàu hoạt động ở vùng nước nông này dự kiến sẽ đến Singapore như một phần trong kế hoạch mà Hải quân Mỹ công bố trước đó nhằm triển khai 2 tàu chiến đến khu vực này trong năm 2019. Bên cạnh đó, trong vòng 12 tháng qua, các tàu chiến của Australia, Canada và Pháp cũng đã hiện diện ở khu vực Biển Đông trong bối cảnh Washington kêu gọi các đồng minh ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở.
Thứ hai, TQ gây áp lực với “cuộc xâm lược vùng xám” của TQ
Mỹ đang cho thấy những biểu hiện của một lập trường cứng rắn hơn đối với lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc, một lực lượng bán quân sự ngụy trang thành đội tàu cá thường quấy nhiễu các tàu nước ngoài nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.Tháng 1/2019, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ đã cảnh báo tại Bắc Kinh rằng Hải quân Mỹ sẽ coi các tàu dân quân trên biển là tàu chiến và phản ứng trước các hành động khiêu khích giống như phản ứng với các tàu Hải quân Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên đã kêu gọi lưu ý đến lực lượng dân quân trên biển này trong báo cáo năm 2017 về sức mạnh quân sự Trung Quốc; khẳng định Trung Quốc sử dụng đội tàu cá thương nghiệp tham gia vào “xâm lược vùng xám”, “thực hiện yêu sách chủ quyền và thúc đẩy lợi ích của mình theo các cách được tính toán sao cho nằm dưới ngưỡng gây xung đột”. Đến năm nay, Mỹ mới thực sự bắt đầu gây áp lực cho các lực lượng dân quân của Trung Quốc.
Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson cảnh báo Trung Quốc trong một cuộc họp tại Bắc Kinh tháng 1/2019 rằng Hải quân Mỹ sẽ coi các tàu cảnh sát biển và dân quân trên biển là tàu chiến và phản ứng trước các hành động khiêu khích giống như phản ứng với các tàu Hải quân Trung Quốc. Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược
ở Washington (CSIS), trả lời Financial Times, nhận định: “Bằng cách tạo thêm sự thiếu chắc chắn về phản ứng của Mỹ trước hành động ép buộc ở vùng xám của Trung Quốc, Mỹ hy vọng sẽ làm giảm thái độ gây bất ổn trên biển của Trung Quốc, bao gồm việc sử dụng các tàu cảnh sát biển và dân quân trên biển để áp đảo các nước láng giềng nhỏ bé hơn”.
Thứ ba, Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh, đối tác ở khu vực
Ngày 1/3/2019, khi đến thăm Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhận xét: “Hành vi xây đảo và hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa chủ quyền, an ninh và hoạt động kinh tế của Philippines và Mỹ”; lần đầu tiên một ngoại trưởng Mỹ khẳng định rằng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines sẽ được sử dụng thích hợp ở Biển Đông, nếu quân đội, máy bay hoặc tàu thuyền của Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông, Mỹ sẽ bảo vệ nước này căn cứ theo nghĩa vụ phòng thủ chung trong Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines. Đó là động thái chính trị quan trọng hỗ trợ rất lớn về tinh thần cho Philippines trong tình hình chính quyền Duterte có nhiều thỏa hiệp với Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo các nguồn tin tin cậy, Hải quân Mỹ đang cân nhắc việc quay lại căn cứ cũ ở vịnh Subic, Philippines, nơi trước đây từng là cơ sở hậu cần cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, để phục vụ cho hạm đội Mỹ hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhà máy đóng tàu Hanjin Shipyard ở vịnh Subic đã được rao bán sau khi chủ sở hữu là Hanjin Philippines tuyên bố phá sản, với số nợ 900 triệu USD. Ngay lập tức có hai công ty Trung Quốc muốn mua lại. Theo tờ báo nói trên, chính phủ Mỹ hiện đang xem xét khả năng thuê sử dụng cơ sở lớn thứ năm trên thế giới này làm nơi sửa chữa và bảo trì tàu chiến, đồng thời tránh để cảng này rơi vào tay Trung Quốc.
Một thuyền trưởng về hưu của Hải quân Mỹ nói với tờ báo, đây là “cơ hội bằng vàng để quay lại vịnh Subic” sau gần 30 năm vắng bóng. Nếu quay lại căn cứ ở vịnh Subic, Washington vừa ngăn chặn được việc Bắc Kinh có thêm căn cứ quân sự trong khu vực, vừa rất thuận tiện cho các chiến hạm lớn của Mỹ không phải đến Trân Châu Cảng để bảo trì. Theo Taiwan News, ngày càng nhiều người dân Philippines bất bình trước thái độ nhân nhượng quá mức của tổng thống Philippines trong tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, và việc Mỹ quay lại sẽ là thông tin tích cực đối với họ.
Một tờ báo Trung Quốc nhận xét, với tư cách là nước giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống toàn cầu, ý đồ chiến lược của Mỹ khi can dự vào vấn đề Biển Đông sẽ không có sự thay đổi, đó là đảm bảo sự tiếp cận chiến lược đối với khu vực này. Mặc dù Chính quyền Tổng thống Donald Trump có điều chỉnh như thế nào đối với chiến lược châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn cầu, cuộc đọ sức địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. Chính sách của Mỹ ở Biển Đông hiện nay bên cạnh việc phi chính trị hóa, còn tăng thêm mức độ quân sự hóa. Chính quyền Donald Trump rất coi trọng việc thông qua biện pháp ấy để răn đe Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Biển Đông sẽ là khu vực
Nhật Bản ưu tiên mở rộng hiện diện quân sự
Nhật Bản lần đầu tiên triển khai binh sĩ thuộc Lữ đoàn Đổ Bộ Triển khai nhanh vừa được thành lập năm 2018 tham gia các nhiệm vụ dài hạn trên biển cùng tàu sân bay trực thăng JS Izumo. Đây là sự kiến đánh dấu sự tham gia hiện diện mạnh mẽ hơn của Nhật Bản ở Đông Nam Á và Biển Đông.
Từ ngày 30/4 – 10/7, Nhật Bản điều tàu khu trục hạm trực thăng JS Izumo và tàu khu trục đa dụng JS Murasame huấn luyện tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. Biên đội tàu chiến Nhật Bản cập cảng, thăm một số quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Singapore, Philippines và Brunei. Tư lệnh Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) Hiroshi Yamamura cho biết, chuyến huấn luyện này sẽ giúp cải thiện trình độ chiến thuật của binh sĩ, cũng như tăng cường hợp tác giữa hải quân các nước.
Hãng tin AP cho biết hôm 3/7, tàu sân bay trực thăng Izumo đã bắt đầu rời khỏi một căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Philippines sau khi kết thúc đợt tập trận kéo dài hai tháng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương với Hải quân Mỹ cùng một vài nước khác trong khu vực. Nhật Bản cũng cho triển khai thêm hai khu trục hạm Murasame và Akebono trong đợt diễn tập bên cạnh Izumo.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) cũng cho biết đang điều chỉnh tàu sân bay chủ lực Izumo để có thể chở thêm chiến đấu cơ tàng hinh F-35B của Mỹ bên cạnh tuyên bố cũng sẽ đặt mua 42 chiếc F-35. Những động thái này cho thấy vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ, tờ South China Morning Post nhận định. Đại diện của Lữ đoàn Đổ Bộ Triển khai nhanh Nhật Bản cho biết mục đích của các cuộc tập trận gần đây là nhằm tăng tính phối hợp giữa họ và các lực lượng trên bộ nhằm diễn tập các thao tác đổ bộ lên đất liền trong tương lai.
Bên cạnh những cuộc tập trận, Hải quân nước này cũng tổ chức nhiều chương trình huấn luyện tập trung vào đối tượng tham gia là đại diện từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Chương trình huấn luyện này bao gồm các nội dung về luật hàng hải quốc tế, công tác cứu trợ thảm hoạ cũng như tập huấn di chuyển và liên lạc trên biển.
Lâu nay, Tokyo gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển năng lực quốc phòng do Điều 9 Hiến pháp soạn thảo sau Thế chiến II của nước này đã hạn chế đáng kể khả năng phát triển và nâng cấp lực lượng quân sự. Theo đó, vai trò của JSDF bị giới hạn chỉ còn bảo vệ Nhật Bản khi bị xâm lược, ngoài ra không thể được triển khai ra ngoài lãnh thổ nước này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ khi nhậm chức đã nhiều lần cam kết sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp nhằm gỡ bỏ các hạn chế đối với JSDF. Trên thực tế, vào năm 2015, ông đã đạt được thành công nhất định khi mở rộng phạm vi của của nghĩa vụ “phòng thủ” sang bao gồm cả các đồng minh của Nhật Bản.
Tất cả các diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động tuyên bố chủ quyền và hiện diện quân sự ở khu vực biển Đông. Đỉnh điểm của các hoạt động này là loạt các vụ thử tên lửa đạn đạo đối hạm trái phép gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong cuộc diễn tập quân sự kéo dài năm ngày từ 29/6 đến 3/7 năm 2019. Trước đó, các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc từ tháng 5/2018 đã bí mật triển khai tên lửa hành trình đối hạm và phòng không lên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi của Việt Nam.
Hồi tháng 4/2019, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố trong năm 2018 các chiến đấu cơ nước này đã phải xuất kích khẩn cấp 999 lần để ngăn chặn các máy bay nước ngoài xâm phạm không phận. Trong số đó, 64% là máy bay Trung Quốc. Tại Hội nghị Tham vấn An ninh Mỹ – Nhật Bản (2+2), Nhật Bản và Mỹ đã cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, an ninh mạng, không gian vũ trụ, đồng thời tuyên bố phản đối các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông. Tại Đối thoại, các bộ trưởng cũng phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông; cam kết tăng cường phối hợp, cả song phương lẫn đa phương, trong việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhấn mạnh Mỹ và Nhật Bản phản đối các hoạt động quân sự hóa và gây mất ổn định ở Biển Đông và biển Hoa Đông; đồng thời hối thúc tất cả các bên tôn trọng đầy đủ tiến trình luật pháp và ngoại giao, theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp biển mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các bên phải tôn trọng Công ước về Luật Biển.
Tại Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 7 (3/6) ở Hà Nội, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong cuộc gặp giữa Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản Tướng Koji Yamazaki và Tham mưu trưởng Quân đội Philippines Macairog S. Alberto (4/3), hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Không những vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (13/3) công bố kế hoạch đóng mới 12 tàu tuần tra hạng nhẹ cho Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) vào năm 2020. Mỗi chiếc dự kiến có lượng giãn nước 1.000 tấn và thủy thủ đoàn 30 người, giúp tăng cường khả năng tuần tra và trinh sát trên biển của nước này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các tàu tuần tra thế hệ mới sẽ đảm đương nhiệm vụ cho đội tàu khu trục cỡ lớn đang được Nhật sử dụng để tuần tra gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông và Biển Đông Ngoài ra, Nhật Bản cũng khởi động chương trình đóng mới 22 khu trục hạm, mỗi chiếc có lượng giãn nước 3.900 tấn và thủy thủ đoàn 100 người, nhằm bảo đảm khả năng tuần tra Biển Hoa Đông trước năm 2032.
Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) và hải quân Canada đã tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập chung ở Biển Đông nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa hai lực lượng. Hải quân Hoàng gia Canada (RCN) và Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF) đã hoàn thành một loạt cuộc tập trận ở Biển Đông, với mục đích cải thiện khả năng tương tác và làm quen giữa hải quân hai nước. Theo đó, cuộc tập trận “KAEDEX” năm 2019 (13-15/6) là hoạt động trên biển song phương được Nhật Bản và Canada tiến hành từ năm 2017. Các lần lặp lại trước đây của cuộc tập trận đã diễn ra ở và ngoài vùng biển ngoài khơi Sasebo, Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc tập trận lần này được tổ chức tại vùng trời và vùng biển ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông.