Tin Biển Đông – 08/05/2018
‘Bản đồ mới’ của TQ
làm tăng bất ổn trên Biển Đông?
Mỹ HằngBBC, Bangkok
Ý kiến chuyên gia rằng bản đồ mới của Trung Quốc với đường chữ U liền có thể làm phức tạp thêm tình hình hiện tại trên Biển Đông.
Đường chữ U liền
Tờ As ngày 30/4 cho hay trong nỗ lực củng cố và thậm chí mở rộng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, một nhóm các học giả nước này mới đây công bố một bản đồ mới của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bản đồ này được cho là công bố lần đầu tiên vào tháng 4/1951 nhưng chỉ “được phát hiện” thông qua một cuộc điều tra lưu trữ quốc gia gần đây, có thể làm rõ hơn các tuyên bố chính thức của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.
Thay vì các đường đứt quãng, như được mô tả trong Đường Chín đoạn hình chữ U của Trung Quốc khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, bản đồ mới đưa ra một “đường ranh giới quốc gia và khu vực hành chính liên tục”.
Tranh chấp Biển Đông: Bản đồ ‘có giá trị giới hạn’
Vì sao bản đồ luôn lấy hướng bắc làm chuẩn?
Biển Đông: vì sao Trung Quốc ‘phủ đầu’ ngay đầu năm?
Cá Rồng Đỏ: Có thực sự VN bị TQ ‘đe dọa’?
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng thông qua phân tích các bản đồ lịch sử, bản đồ năm 1951 “chứng minh” rằng “đường chữ U là biên giới của lãnh hải Trung Quốc” ở Biển Đông.
Nghiên cứu này chưa được chính phủ Trung Quốc chính thức xác nhận.
Nhiều chuyên gia tin rằng đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh sau thất bại pháp lý năm 2016, khi Tòa trọng tài thường trực tại Hague bãi bỏ hầu hết các khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong vùng nước liền kề, trong một phán quyết ủng hộ Philippines.
Bắc Kinh bác bỏ phán quyết mà nó cho là “một mẩu giấy vụn” và “vô hiệu” theo quan điểm của mình. Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách “ba không” gồm không tham gia (trong các thủ tục tố tụng của tòa trọng tài), không công nhận (tính hợp pháp của phiên tòa), và không tuân thủ (với phán quyết).
Tuy nhiên, Trung Quốc đã lặng lẽ điều chỉnh lại các tuyên bố trước đây của mình bằng cách đưa ra các học thuyết mang tính pháp lý cho bản đồ có đường chín đoạn vốn bị bác bỏ. Năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu giới thiệu một học thuyết mới ở Biển Đông.
Theo học thuyết “Tứ Sa”, Trung Quốc đặt ra các tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Đông Sa, Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như khu vực Bãi ngầm Trung Sa.
Thay vì coi chúng như là một tập hợp các khu vực đất đai tranh chấp, mỗi nhóm đảo hoặc đất liền nay được coi là một quần thể có đường biên giới trên biển riêng, một vùng đất có chủ quyền với một tên gọi tương ứng khẳng định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), vẫn theo tờ Asia Times ngày 30/4.
Bình mới rượu cũ
Nhưng các chuyên gia pháp lý như Giáo sư Julian Ku từ Đại học Hofstra và học giả về pháp lý của Harvard, Chris Mirasola lưu ý rằng”những lý lẽ pháp lý mới của Trung Quốc không hợp pháp hơn tuyên bố đường chín đoạn trước đây”, tác giả bài báo, Richard Javad Heydarian cho hay trên Asia Times ngày 30/4.
Học thuyết ‘Tứ Sa’ được dự đoán sẽ không đạt được nhiều hậu thuẫn vì đi ngược lại hoàn toàn luật quốc tế hiện đại, phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 cùng diễn giải của các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế.
“Bản đồ mới” do đó nên được hiểu là một nỗ lực ‘bình mới rượu cũ’, tác giả của bài báo trên Asia Times bình luận.
Nguy cơ bất ổn khu vực
Trong bài viết của Stephen Cheng trên tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, Tiến sĩ Ian J. Storey, chuyên gia cao cấp của Viện Yusof Ishak ở Singapore nghiên cứu về an ninh hàng hải trong mối quan hệ giữa châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á với Trung Quốc đã cảnh báo việc thay đổi Đường Chín đoạn có thể gây hại cho sự ổn định của khu vực.
Tiến sỹ Storey nói: “Nếu Trung Quốc chỉ ra chủ quyền của mình ở Biển Đông bằng một đường liên tục nối liền chín đoạn, nước này thể hiện sự bác bỏ hoàn toàn phán quyết của Tòa trọng tài thường trực hồi tháng 7/2016”.
Động thái này sẽ “gây ra mối quan ngại sâu sắc ở các quốc gia Đông Nam Á và hơn thế nữa”, ông nói thêm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời các yêu cầu bình luận, theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng.
Chưa có phản ứng từ Việt Nam về ‘bản đồ mới’ này.
Tuy nhiên trong một diễn biến liên quan, ngày 24/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền bằng cách lắp đặt các thiết bị quân sự làm nhiễu sóng tại quần đảo Hoàng Sa trong vùng biển đang tranh chấp.
Việt Nam cần làm gì?
Trong email gửi BBC ngày 4/5, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng gia Úc, cho rằng việc biến đường chín vạch thành một đường liên tục với các tọa độ chính xác là sáng kiến của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc chứ không phải chính quyền trung ương.
“Trên thực tế, Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với tất cả các bãi đá và khu vực nước liền kề trong đường chín đoạn. Trung Quốc đưa các tàu Cảnh sát biển đi lại trên khu vực này nhằm nhấn mạnh thẩm quyền của mình. Quân đội Trung Quốc thường xuyên thách thức các chuyến bay quân sự và các tàu hải quân qua lại vùng biển này – nơi nó tuyên bố chủ quyền.”
“Và với báo cáo rằng Trung Quốc đã triển khai thiết các bị điện tử di động gây nhiễu, tên lửa hành trình đất đối không, Trung Quốc đã phát triển năng lực không chỉ để xác định chuyển động của các tàu và máy bay quân sự, mà còn khả năng bắn hạ máy bay và phá hủy mục tiêu mà nó muốn nhắm vào. Cái gọi là bản đồ mới năm 1951 chỉ là nghệ thuật phô trương cho các hoạt động hiện tại của Trung Quốc”, Giáo sư Carl Thayer bình luận.
Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng: “Việt Nam cần phải có một thái độ cứng rắn trong ASEAN khi mười thành viên đàm phán COC với Trung Quốc. Vì các cuộc đàm phán này được thực hiện trên cơ sở đồng thuận của Việt Nam, do đó không nên để áp lực từ các thành viên ASEAN khác khiến Việt Nam từ bỏ việc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình theo luật pháp quốc tế.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44036406
Việt Nam giữ nhiều đảo tại Trường Sa
Việt Nam là quốc gia có nhiều bãi cạn, đảo đá nhất trong quần đảo Trường Sa.
Tờ báo Philippines Star ra ngày 8/5 cho biết như vậy, dẫn nguồn tin từ Tổ chức Minh bạch Hàng hải, rằng Việt Nam xây dựng các căn cứ quân sự hậu cần của mình trên 21 rạn san hô và đảo đá, 14 cơ sở trên các bãi cạn.
Philippines Star cho biết là Manila kiểm soát 9 thực thể, trong đó có đảo Thị Tứ là một trong những đảo lớn nhất Trường Sa, có một đường băng đáp máy bay.
Cũng theo tài liệu này thì Trung Quốc chiếm đóng 7 đảo đá hoặc bãi cạn ở Trường Sa.
Đảo lớn nhất Trường Sa là đảo Ba Bình thì do quân đội Đài Loan chiếm đóng.
Quần đảo Trường Sa nằm ở Đông Nam Biển Đông, hiện là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Thời gian gần đây có tin nói rằng Bắc Kinh đã cho triển khai tên lửa và radar hiện đại ra các đảo đá Chữ Thập, Vành Khăn, và Subi mà họ đang chiếm đóng.
Manila lên tiếng ngay sau đó là họ không có phương tiện kỹ thuật để phối kiểm thông tin này. Còn về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này nói rằng việc triển khai các loại thiết bị nói trên không nhắm vào quốc gia nào cả, vì thế không có gì phải lo ngại.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-most-features-spratleys-05082018084412.html