Tin Biển Đông – 08/03/2017
Trung Quốc không cho phép ai ‘khuấy động’ Biển Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/3 tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép sự ổn định ở Biển Đông lại bị “khuấy động” hoặc “phá hoại”.
“Tình hình ở biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] đang yên tĩnh trông thấy vì nỗ lực chung của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa đang được triển khai một cách toàn diện, và các quốc gia liên quan trực tiếp đang quay trở lại con đường đúng đắn nhằm xử lý các tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn”, ông Vương Nghị được Tân Hoa Xã dẫn lời nói bên lề cuộc họp báo nhân kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc còn nói rằng “nếu ai đó tìm cách làm dậy sóng và khuấy động bất ổn, họ sẽ không nhận được sự ủng hộ và sẽ đối mặt với sự phản đối của toàn khu vực”.
Ông Vương nói thêm rằng trong thế kỷ 21, Trung Quốc mong muốn hợp tác thêm nữa về hàng hải và tăng cường lòng tin giữa các bên.
“Kể cả giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu chúng ta thay đổi cách nghĩ, đại dương rộng lớn sẽ trở thành một nơi hợp tác sâu rộng”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc được Tân Hoa Xã dẫn lời.
Phát biểu của ông Vương được đưa ra 10 ngày trước khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson dự kiến sẽ bắt đầu công du quốc gia đông dân nhất thế giới, với Biển Đông là một trong các chủ đề nằm cao trong nghị trình.
Cũng trong buổi họp báo trên, theo Reuters, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc nhận xét rằng ông Tillerson “là một người sẵn lòng lắng nghe và là một người giao tiếp sâu sắc”. Hai nhà ngoại giao này mới đây đã lần đầu gặp mặt.
Ông Vương nói như trên ít ngày sau khi Việt Nam chỉ trích Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”, sau khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Hoàng Sa hiện do Bắc Kinh kiểm soát.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-khong-cho-phep-ai-khuay-dong-bien-dong/3755229.html
TQ nói ‘đã đạt dự thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông’
TQ ‘hài lòng về dự thảo đầu Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông’
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói nước ông và Asean đã đạt được dự thảo đầu tiên của Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tuy nhiên đó là phát biểu của phía Trung Quốc, chưa thấy có bình luận gì từ phía các nước Asean.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Vương nói thêm rằng tình trạng căng thẳng trên vùng biển này đã giảm đi đáng kể trong năm 2016.
Trung Quốc và 10 thành viên khối Asean đã thảo luận về việc đưa ra một bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh xung đột giữa các nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông từ 2010.
Vì sao quốc tế khó dùng tên ‘Biển Đông’?
Chiến lược của VN ở Biển Đông là gì?
Tàu Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông
Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, ông Vương nói rằng các cuộc trao đổi hồi tháng trước đã đạt “tiến bộ rõ ràng” và các bên đã đưa ra được bản dự thảo khung đầu tiên cho bộ quy tắc.
“Trung Quốc và các nước Asean thấy hài lòng về việc này,” ông nói.
Ông Vương nói tình trạng căng thẳng ở Biển Đông không chỉ “đã giảm, mà là đã giảm một cách đáng kể” trong năm qua.
Theo ông Vương, Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) đang được thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả, Tân Hoa Xã đưa tin, trong lúc Trung Quốc và các nước Asean tiến tới xây dựng COC.
Ám chỉ Hoa Kỳ
Tuy nhiên, ông Vương nói những ai vẫn muốn “gây rắc rối” sẽ bị các nước trong khu vực lên án, một chỉ dấu được cho là nhằm gửi tới Hoa Kỳ.
“Chúng tôi sẽ dứt khoát không cho phép tình thế ổn định hiện nay, vốn rất khó mới đạt được, lại bị làm tổn hại hoặc bị can thiệp,” ông nói trong bối cảnh chính quyền ông Trump gần đây triển khai một hàng không mẫu hạm tới khu vực nhằm xác quyết quyền tự do đi lại trên biển.
Hoa Kỳ từ lâu nay đã chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự trong vùng biển, và tỏ ý quan ngại rằng các cơ sở này sẽ được dùng để hạn chế việc tự do đi lại. Trung Quốc cũng đã xây dựng đường băng trên một số đảo này.
Trung Quốc lâu nay vẫn kêu gọi các bên mà Bắc Kinh nói là “các nước bên ngoài khu vực” – chủ yếu nhằm để ám chỉ Hoa Kỳ – hãy đứng ngoài cuộc tranh chấp, và nói Trung Quốc và Đông Nam Á quyết tâm giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết toàn bộ vùng Biển Đông vốn giàu trữ lượng tài nguyên, cũng là nơi có tuyến hàng hải tấp nập trị giá chừng 5 nghìn tỷ đôla qua lại mỗi năm.
Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng phần ở vùng biển này.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39207446
Vì sao quốc tế khó dùng tên ‘Biển Đông’?
Nguyễn GiangBBC World Service
Hôm đọc tin vụ Bắc Hàn bắn hỏa tiễn, tôi để ý thấy báo Chosun ở Hàn Quốc bản tiếng Anh không nói tên lửa Bình Nhưỡng phóng rơi xuống Biển Nhật Bản mà xuống ‘Biển Đông’ hoặc ‘Đông Hải’.
Nguyên văn bài trên Chosun viết: “North Korea Monday fired at least four ballistic missiles into the East Sea” (bản tin 06/03/2017).
Hóa ra vùng biển này cũng có tranh chấp giữa ba quốc gia, Nhật, Hàn và Triều cả về lãnh hải lẫn cái tên.
Tìm hiểu thêm một chút thì thấy Nhật Bản muốn quốc tế giữ cách gọi ‘Sea of Japan’ với lý do các bản đồ Phương Tây đã ghi như vậy từ thế kỷ 18.
Hàn Quốc gọi đó là ‘East Sea’, và chữ Hán là ‘Đông Hải’ (Donghae).
Bắc Triều Tiên muốn gọi đó là ‘East Korea Sea’, tạm dịch là Biển Đông Triều Tiên.
Tại vùng biển này có mỏm đá núi lửa, Hàn Quốc gọi là nhóm đảo Dokdo (Độc Đảo), Nhật Bản gọi là Takeshima.
Nằm cách đảo Ullung của Hàn Quốc chừng 90 km, đây là điểm nóng trong tranh chấp Nhật – Hàn và đã gây ra biểu tình phản đối Nhật ở Seoul hồi 2005.
Cuộc tranh cãi về tên vùng biển này đã kéo dài nhiều năm và xem ra chưa có giải pháp vì tên tiếng Anh ‘East Sea’ còn dễ bị nhầm lẫn với ít nhất là hai vùng biển khác cũng ngay tại châu Á.
Đó là Biển Hoa Đông mà Trung Quốc đôi khi viết là East China Sea trong tiếng Anh nhưng cũng gọi là Đông Hải, và ‘South China Sea’ mà theo cách gọi của Việt Nam cũng là Biển Đông (East Sea).
Lấy mình làm chuẩn
Chuyện nước nào cũng lấy mình làm chuẩn để tính ra phương vị Đông Tây Nam Bắc và đặt tên các vùng đất, vùng biển từ nhãn quan của mình không phải là chuyện mới.
Hồi sang vùng biển Baltic năm ngoái, tôi đọc thấy một tấm biển dựng tại Pomorze của Ba Lan (tức Pomerania cũ thuộc Đức) ghi song ngữ và gọi đây là ‘Biển Đông’, Ostsee trong tiếng Đức.
Quả vậy, nhìn từ phía các cảng của Đức sang phía Ba Lan thì rõ ràng đây là vùng ‘Biển Đông’.
Người Đức đã gọi như thế trong khi tên quốc tế của vùng biển này là Baltic, lấy theo tên các bộ tộc Balts ở vùng nay là Lithuania, Estonia và Latvia.
Giống như vậy, người Thuỵ Điển cũng gọi vùng biển này là Biển Đông – Östersjön.
Cái tên Biển Baltic ngày càng phổ biến hơn nhưng các trang mạng quảng cáo nghỉ hè ở Đức cho đến giờ vẫn gọi đây là Ostsee.
Ai đọc tiếng Đức thì biết chuyện đó nhưng trên bản đồ tiếng Anh họ lại ghi là Baltic Sea.
Biển Đông Nam Á?
Điều khác biệt giữa ‘Biển Đông’ ở châu Âu và ‘Biển Đông’ ở Đông Nam Á là vùng biển hiện có tên quốc tế ‘South China Sea’ đang có các tranh chấp đa quốc gia nghiêm trọng.
Philippines gần đây đã đặt tên cho vùng này là Biển Tây Philipine để nhắc với thế giới về sự gắn bó của nó với nước họ.
Nhìn từ Manila ra Trường Sa thì đúng là phía Tây.
Trong năm 2016 có tin Indonesia định đổi tên gọi của họ về vùng biển này thành Biển Natuna, theo tên quần đảo do Jakarta nắm chủ quyền.
Cứ tình trạng này thì tranh chấp sẽ còn kéo dài vì sự thiếu vắng đồng thuận đã bắt đầu ngay từ cái tên.
Cần nhắc rằng trong trường hợp cả hai ‘East Sea’ ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á có vẻ như các lập luận về lịch sử không được quốc tế công nhận.
Hàn Quốc tìm ra các thư tịch cổ nói họ đã dùng cái tên Đông Hải (Biển Nhật Bản) từ 2000 năm.
Việt Nam ít ra là cũng gọi đây là Đông Hải từ thế kỷ 15, theo câu trong Bình Ngô Đại cáo.
Nguyễn Trãi viết về tội ác của quân Minh:
“Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô,
Khánh Nam Sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác.”
Dịch:
“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.”
Ý nghĩa lịch sử của tên vùng biển này hẳn rất lớn với người Việt Nam.
Mục tiêu ‘thống nhất lãnh thổ’ của ông Tập
Nhưng vấn đề là đã có mấy cái tên giống nhau, nên cộng đồng quốc tế thật khó chọn chỉ một mà bác bỏ các tên kia.
Trung Quốc từng gọi là Nam Hải nhưng cũng có lúc gọi đây là Nam Trung Quốc Hải.
Để tránh nhầm lẫn, đã có cuộc vận động để đặt tên lại Biển Đông cạnh Việt Nam là Biển Đông Nam Á.
Chừng nào nỗ lực này chưa thành thì quốc tế sẽ vẫn gọi đây là Biển Nam Trung Hoa.
Về mặt kỹ thuật, ít ra cách gọi như hiện nay tránh được sự lẫn lộn trên bản đồ hàng hải cho tàu thuyền đi lại trong vùng.
Việt Nam ‘cải tạo Đá Lát’ ở Trường Sa
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-39194765
Trung Quốc kêu gọi Bắc Hàn ngưng thử tên lửa và hạt nhân
Trung Quốc đề nghị Bắc Hàn đình chỉ các vụ thử tên lửa và công nghệ hạt nhân nhằm “xoa dịu cuộc khủng hoảng đang diễn ra”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng để đổi lại, Hoa Kỳ và Nam Hàn có thể ngưng các cuộc tập trận quân sự hàng năm khiến miền Bắc bực bội.
Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Bắc Hàn phóng bốn tên lửa đạn đạo hôm 6/3, vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế.
Đáp lại, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nam Hàn.
Mỹ triển khai hệ thống Thaad ở Nam Hàn
Bắc Hàn phóng bốn tên lửa đạn đạo
Phát biểu bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, ông Vương nói rằng bán đảo Triều Tiên giống như “hai chiếc tàu tốc hành đang tiến về phía nhau và không chiếc nào chịu nhường đường”.
“Hai bên thực sự đã sẵn sàng cho vụ va chạm đầu tiên?” ông đặt câu hỏi.
Việc ngưng các hoạt động quân sự giữa hai miền Triều Tiên sẽ là bước đầu tiên nhằm giảm căng thẳng và nối lại các cuộc đàm phán, ông nói.
Thaad ‘không đe dọa Trung Quốc’
Ba trong số bốn tên lửa của Bắc Hàn đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật (EEZ) hôm 6/3, khiến thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố Bình Nhưỡng tiến đến “cấp độ đe dọa mới”.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố chung lên án vụ phóng tên lửa, gọi đó là việc Bình Nhưỡng vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ quốc tế, gây nguy cơ gây bất ổn cho khu vực.
Hội đồng Bảo an, nhóm họp hôm 8/3, cũng báo trước rằng sẽ “có thêm các biện pháp đáng kể” đối với Bắc Hàn, điều này có thể hàm ý rằng sẽ có thêm lệnh trừng phạt mới.
Trong khi đó, Mỹ lại một lần nữa muốn trấn an Bắc Kinh về việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn Tầm cao Giai đoạn cuối (Thaad).
Thaad được thiết lập nhằm bảo vệ Nam Hàn trước đe dọa từ Bắc Hàn.
Các thiết bị đầu tiên được đặt vào vị trí hôm 7/3.