Tin Biển Đông – 08/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu tới Biển Đông

Quân đội Trung Quốc hôm 7/2 thông báo đã đưa các máy bay chiến đấu tới Biển Đông, theo Hoàn cầu Thời báo.

Tờ báo của nhà nước Trung Quốc này đưa tin rằng các chiến đấu cơ tối tân Su-35 do Nga sản xuất đã được triển khai để tham gia một cuộc tuần tra tăng cường khả năng chiến đấu.

Dẫn một thông cáo trên mạng của Không lực Trung Quốc, báo Japan Times nhận định rằng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai chuyện đưa chiến đấu cơ tới vùng tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Theo tờ báo của Nhật, Trung Quốc không tiết lộ thời điểm cũng như bao nhiêu máy bay tham gia, dù có đăng kèm hình ảnh và video của cuộc diễn tập.

Thông cáo của Không lực Trung Quốc nói rằng sự tham gia của máy bay chiến đấu đa năng sẽ giúp tăng cường khả năng hoạt động tầm xa của không quân Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng lực lượng này sẽ tiếp tục huấn luyện như vậy.

Hoàn cầu Thời báo, vốn nổi tiếng với các bài viết mạnh mẽ thể hiện tinh thần dân tộc, dẫn lời một vị tướng hồi hưu của Trung Quốc nói rằng việc triển khai trên có thể nhằm đáp trả hoạt động “tự do hàng hải” của các tàu Mỹ gần bãi cạn tranh chấp Scarborough ở Biển Đông.

Bắc Kinh đã phản đối Washington đưa tàu chiến vào nơi Trung Quốc coi là lãnh hải của mình gần bãi cạn đó mà không xin phép, đồng thời tuyên bố sẽ có “các biện pháp cần thiết” nhằm “bảo vệ chủ quyền của mình”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng điều đó bao gồm việc tăng cường tuần tra cả trên không và trên biển, theo Japan Times.

Global Times đưa tin rằng Trung Quốc mua 24 chiếc Su-35 từ Nga năm 2015 với giá khoảng 2 tỷ đôla.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-dua-may-bay-chien-dau-toi-bien-dong/4244386.html

 

Biển Đông: Tập Trận

Trần Khải

Các chuyên gia về Châu Á suy đoán rằng 4 đaị cường quôc — Úc châu, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ — đang tính toán có thể sẽ tập trận Haỉ quân chung và sẽ ra bản tuyên bố chung về Biển Đông trong tương lai gần.

Các quan sát viên nhận ra dấu hiệu đó, và nói nhóm 4 đại cường quoôc sẽ tập trận chung Hải quân ở Biển Đông thay vì đối đầu trực diện với Trung Quốc trong khi TQ đã chính thức tuyên bố hầu hết vùng Biển Đông là lãnh thổ TQ và là lợi ích cốt lõi TQ.

Nhận định về 4 đaị cường quốc liên minh là từ Stuart Orr, Giáo sư về quản trị chiến lược ở đại học  Dearkin University tại Úc Châu.

Orr nói rằng trong nhóm 4 nước trên, Hoa Kỳ nhiều phần sẽ gánh chịu phần lớn nhất trong nỗ lực tập trận hù dọa.

Orr nói rằng Ấn Độ cũng sẽ gánh chịu phần lớn, trong khi Úc Châu và Nhật Bản muốn đứng vị trí hỗ trợ.

Nhóm 4 đaị cường quốc không còn lựa chọn nào khác, vì họ không muốn thiệt hại giao thương với TQ, theo lời Orr.

Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận rằng Singapore không hy vọng sớm có bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông.

Sau một cuộc họp của các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN tại Singapore vào hôm 7/02/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen xác định là khối Đông Nam Á đang hy vọng đẩy nhanh tốc độ đàm phán về một bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông, không nên chờ đợi là thỏa thuận sẽ đạt được trong năm nay.

Phát biểu với báo chí, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore giải thích thêm rằng Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông là một «vấn đề rất, rất phức tạp», liên quan đến một «tranh chấp từ một thế kỷ nay».

Bản tin RFI nhắc rằng hồi năm ngoái 2017, Trung Quốc và khối ASEAN đã thông qua khuôn khổ đàm phán về vấn đề này, và ca ngợi sự kiện này như là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, việc hai bên không nhất trí được là bộ luật quy tắc phải mang tính chất ràng buộc, về mặt pháp lý, đã làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả của văn kiện này.

Đối với một số nước đang có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, việc ký kết một bộ quy tắc có tính ràng buộc là một điều quan trọng, vì cho đến nay, Trung Quốc thường xuyên bị tố cáo vi phạm chủ quyền, ngăn chặn đánh bắt hải sản hay thăm dò dầu khí tại những khu vực rộng lớn đang có tranh chấp mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền.

Bản tin cũng nhắc rằng hồi tháng 12/2017, Trung Quốc đã lên tiếng biện minh rằng các hoạt động xây dựng của họ trên Biển Đông là công việc «bình thường», sau khi một trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố ảnh vệ tinh mới cho thấy các hoạt động triển khai hệ thống radar cùng các thiết bị khác của Trung Quốc tại đây.

Với Singapore làm chủ tịch luân phiên ASEAN, vấn đề tranh chấp Biển Đông đã được nêu lên trở lại, trái với năm ngoái, khi chủ tịch Philippines luôn tìm cách ém nhẹm hồ sơ này.

Trong khi đó, Trung Quốc đã thò ra bàn tay sắt…

Bản tin VnExpress từ Hà Nội ghi rằng Trung Quốc đang triển khai Su-35 hoạt động trên Biển Đông.

Các tiêm kích Su-35 hiện đại nhất do Nga sản xuất được không quân Trung Quốc bắt đầu triển khai tuần tra trên Biển Đông.

Không quân Trung Quốc vừa điều một số máy bay chiến đấu Su-35 đến khu vực Biển Đông để thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu hỗn hợp, Xinhua ngày 7/2 đưa tin.

Không quân nước này cho rằng đây là một phần trong nỗ lực “huấn luyện sát thực tế chiến đấu” để tăng cường khả năng tác chiến của lực lượng này trên môi trường biển ở khoảng cách xa.

Tuy nhiên, chuyên gia Harry J. Kazianis của National Interest thì cho rằng việc Trung Quốc triển khai Su-35 đến Biển Đông có thể là động thái nhằm kiểm soát vùng trời khu vực này, đặc biệt là khi Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp tại đây.

Nghĩa là, chuyên gia Mỹ cũng lo ngại.

VnExpress ghi lời một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đánh giá. “Tôi nghĩ rằng ngay cả F-15 Eagle hay F/A-18E/F Super Hornet cũng sẽ gặp khó khi đối phó với nó.”

Một bản tin RFA ghi nhận tình hình VN-TQ hòa dịu: Việt Nam và Trung Quốc sẽ thảo luận những vấn đề cần quan tâm liên quan đến thúc đẩy quan hệ quốc phòng 2 nước thông qua trao đổi đoàn cấp cao.

Đó là nội dung được đưa ra trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Thường Vạn Toàn, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại Singapore ngày 5/2. Ngoài ra, 2 bên cũng đồng ý  sẽ cùng tổ chức tốt Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt – Trung lần thứ 5 trong năm nay.

Một bản tin khác của RFA ghi rằng: ASEAN và Trung Quốc sẽ tập trận chung trong năm 2018… Tại hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ở Singapore diễn ra hôm 7/2, các nước ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý tiến hành tập trận chung trong năm 2018.

Hãng tin Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết như vậy. Thông tấn xã Việt Nam trích nguồn tin ASEAN cho biết hai bên đã nhất trí tiến hành ‘Cuộc tập trận hàng hải ASEAN – Trung Quốc” hai lần trong năm 2018.

Căng thẳng có vẻ tránh được ở Biển Đông? Nhưng hòa dịu mãi, trong khi bị lấn biển hoài cũng là một vấn đề nhức nhối.

https://vietbao.com/p123a277391/bien-dong-tap-tran