Tin Biển Đông – 07/09/2018
Biển Đông: Vũ Trang
Trần Khải
Vậy là Trung Quốc tăng vũ trang Biển Đông, trong khi Nguyễn Phú Trọng đi Nga… không biết chính xác để làm gì, hẳn ưu tiên phải là kiếm tiền. Nhiều bản tin về Biển Đông vẫn gây lo ngại hơn là lạc quan.
Bản tin RFA ghi rằng: Trung Quốc điều tàu chiến có tên lửa dẫn đường ra Đá Chữ Thập.
Tờ Ming Pao của Hong Kong hôm 4/9 dựa vào các hình ảnh vệ tinh chụp được hôm 31/8 cho biết Trung Quốc đã điều tàu chiến có tên lửa dẫn đường loại 054 ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy nhiều tàu cỡ nhỏ hơn gần đó.
Diễn biến mới này xảy ra vào lúc Mỹ và Nhật Bản vừa có một cuộc diễn tập hải quan ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước châu Á.
RFA cũng nhắc rằng trang tin Japantimes hôm 1/9 cho biết tàu khu trục mang trực thăng Kaga của Nhật vừa có cuộc diễn tập với nhóm tàu tấn công bao gồm hàng không mẫu hạm Ronald Reagan của Hải quân Mỹ ở Biển Đông vào ngày 31/8.
Cũng trong ngày 31/8, lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết hai máy bay B-52 của Mỹ vào các ngày 27 và 30/8 đã dời căn cứ không quan Anderson ở Guam để thực hiện diễn tập gần khu vực Biển Đông.
Bản tin VOA nêu thẳng vấn đề: Với mục tiêu “làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược”, chuyến đi thăm Nga của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 5/9 có thể liên quan đến các vấn đề hợp tác chính trị, kinh tế, giải quyết vụ Trung Quốc cản trở hãng dầu khí quốc gia Nga Rosneft khai thác dầu khí tại mỏ Lan Đỏ ngoài khơi Vũng Tàu, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và có thể có cả chủ đề “tế nhị” là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, theo nhận định của một số chuyên gia.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Nga từ ngày 5/9 – 8/9. Trả lời hãng thông tấn Nga TASS trước chuyến đi, ông Nguyễn Phú Trọng nói “chuyến thăm chính thức tới Liên bang Nga lần này của tôi nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga, tăng cường sự gắn bó chiến lược và thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực”.
VOA ghi rằng, khi nhắc đến quan hệ hợp tác song phương về kinh tế, thương mại, ông Trọng thừa nhận hai nước hiện chưa phát triển tương xứng với “quan hệ chính trị tốt đẹp”, khi kim ngạch thương mại giữa hai bên chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ đôla trong năm 2017, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một chuyên gia phân tích kinh tế-chính trị tại Việt Nam, cho rằng trong tình cảnh Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn từ thị trường Âu-Mỹ, thì khả năng ông Trọng đi Nga để thúc đẩy xuất khẩu là có thể xảy ra.
“Vì Việt Nam hiện nay thực sự càng ngày càng bế tắc về các kênh xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ và cộng đồng châu Âu, là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam nhưng hiện nay đều gặp khó khăn vì những hàng rào thuế quan”, TS. Phạm Chí Dũng nói.
Tuy nhiên theo ông, nếu chỉ dừng lại ở mục tiêu kinh tế, thì người đi sang Nga lần này sẽ không phải là ông Trọng, mà sẽ là một lãnh đạo nhà nước khác.
VOA cũng ghi lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, cho rằng mục tiêu hợp tác chính trị, an ninh và kinh tế sẽ là những nội dung chính nằm trong nghị trình làm việc, trong đó nổi lên hàng đầu vẫn là việc giành thêm ủng hộ, hỗ trợ từ Nga để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông nói: “Việc đẩy mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga có mục tiêu là Việt Nam có được điều kiện kiện tốt hơn, được ủng hộ về mặt chính trị và quốc phòng để có thể xử lý những vấn đề ở Biển Đông”.
Cụ thể hơn, TS. Phạm Chí Dũng cho rằng có thể ông Trọng lần này sẽ đề cập đến việc giải quyết bế tắc trong dự án khai thác dầu khí liên doanh giữa Việt Nam và công ty Rosneft Vietnam BV, một công ty con của tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Rosneft, tại mỏ Lan Đỏ ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu.
Hồi tháng 5, Trung Quốc lên tiếng tuyên bố không cho phép bất kỳ ai tiến hành khai thác dầu khí ở “vùng biển của Trung Quốc” khi chưa có sự đồng ý của Bắc Kinh, sau khi Reuters tường thuật rằng Rosneft Vietnam BV lo ngại bị Trung Quốc gây sức ép trong dự án hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam.
Chi nhánh của tập đoàn Rosneft sở hữu 35% cổ phần và giữ vai trò điều hành các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại, thuộc Lô 06.1, cách bờ biển Việt Nam 370 km về phía đông nam. Lô này lại nằm trong khu vực đường lưỡi bò 9 đoạn mà Bắc Kinh vạch ra và tuyên bố chủ quyền trên đó.
Tình trạng Rosneft Vietnam BV bị Trung Quốc “bắt chẹt” khiến nhiều người quan ngại dự án khai thác dầu khí của Rosneft cũng sẽ cùng chung số phận với các dự án khai thác dầu mà Việt Nam hợp tác với các nước đã bị đình chỉ trước đó ở lô Cá Rồng Đỏ và Cá Voi Xanh.
TS. Phạm Chí Dũng cho rằng “Chuyến đi này của ông Trọng chắc cũng phải đề cập đến mỏ Lan Đỏ và có sự thúc giục đối với người Nga để họ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, phải thu xếp làm sao để Trung Quốc không can thiệp vào mỏ Lan Đỏ để tập đoàn Rosneft của Nga, liên doanh với PetroVietNam, khai thác mỏ Lan Đỏ, cứu vãn ngân sách của Việt Nam”.
Trong khi đó, bản tin SOHA từ Hà Nội viết chuyện người ta mà không nhắc chuyện của mình: Philippines thẳng thừng cự tuyệt Trung Quốc hỗ trợ cứu chiến hạm mắc cạn trên Biển Đông.
Chính phủ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang cảnh giác với khả năng Bắc Kinh “lấn lướt” trong các mâu thuẫn về vấn đề Biển Đông.
Philippines đã từ chối sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc cứu hộ một tàu chiến hoạt động ở Biển Đông.
Trong khi đó, Báo Giao Thông nêu mối liên hệ: Biển Đông và mối liên hệ với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung…
Báo Giao Thông viết:
“Trước diễn biến ngày càng leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, chuyên gia luật quốc tế Roncevert Ganan Almond (từ Wicks Group, trụ sở tại Washington) đã chỉ ra, hiện có “một dòng chảy ngầm” liên kết tranh chấp biển Đông và chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới…
Luật sư Almond chỉ ra rằng, nhận thức được lợi ích địa chính trị và thương mại của các tuyến đường thủy trên biển Đông, trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng thể hiện tham vọng muốn mở rộng các thềm lục địa trên vùng biển này và tiếp cận các tuyến thương mại quan trọng.
Theo các nhà nghiên cứu, không phải ngẫu nhiên chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên biển Đông của Bắc Kinh bắt đầu trong cùng năm Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới.
Từ năm 2013, Bắc Kinh đã nạo vét và tạo ra 3.200 mẫu đất mới một cách trái pháp luật trên các đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời mở rộng đáng kể sự hiện diện trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam….”
Tuy nhiên, Biển Đông có nằm trong thương thuyết kinh doanh và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc hay không? Chính thức, Mỹ chỉ kết án TQ thương mại bất công và trộm tác quyền…
Cả hai lĩnh vực thực tế đều đúng cho cả Việt Nam. Vì các hãng Mỹ than phiền rằng các công ty VN cứ bẻ khóa và copy các nhu liệu như Word, Photoshop… để xài thoải mái.
Nhưng TQ trộm tác quyền gây thiệt hại hơn, vì cả tỷ máy xài nhu liệu trộm là cả vấn đề.
https://vietbao.com/p123a285177/bien-dong-vu-trang
Trung Quốc dùng củ cà rốt hậu Brexit
nhử Anh Quốc ra khỏi Biển Đông
Cho rằng mình đang ở thế thượng phong, có thể bắt bí được nước Anh, Bắc Kinh vào hôm nay 07/09/2018 đã không ngần ngại dồn tổng lực đánh Luân Đôn trên vấn đề Biển Đông sau vụ tàu đổ bộ Anh HMS Albion đi sát vùng Hoàng Sa trên đường ghé Việt Nam.
Trong lúc bộ Ngoại Giao Trung Quốc đòi Luân Đôn « sửa sai », thì tờ China Daily, cái loa đối ngoại của chế độ Bắc Kinh, cảnh cáo rằng đàm phán Trung-Anh về một hiệp định thương mại song phương thời hậu Brexit có nguy cơ gặp khó khăn vì hành động của Anh Quốc tại Biển Đông.
Trung thành với chiến thuật cố hữu là cây gậy và củ cà rốt, trong buổi họp báo thường kỳ vào hôm nay tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng « Anh Quốc đã hành động sai trái » khi « khiêu khích » Bắc Kinh bằng cách cho chiến hạm áp sát quần đảo Hoàng Sa đang do Trung Quốc kiểm soát.
Theo phát ngôn viên Trung Quốc, hành động của Luân Đôn, đã đi ngược lại mong muốn từng được lãnh đạo Anh Quốc bày tỏ là xây dựng một « kỷ nguyên vàng trong quan hệ với Trung Quốc ».
Dù không nói ra nhưng bà Hoa Xuân Oánh được cho là đã nhắc đến sự kiện hai bên đã đồng ý vào tháng 8 vừa qua là xem xét khả năng đạt được một thỏa thuận tự do mậu dịch song phương « thượng đẳng » sau khi nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, cho phép chính quyền bảo thủ ở Luân Đôn phô trương một chiến thắng chính trị quan trọng.
Lời đe dọa của Bắc Kinh rất rõ ràng : Nếu Anh Quốc cứ tiếp tục dấn thân vào Biển Đông, Trung Quốc có thể dẹp bỏ thỏa thuận thương mại hậu Brexit đó.
Không chỉ để cho bộ Ngoại Giao lên tiếng, Bắc Kinh còn bật đèn xanh cho báo chí dùng « cây gậy hậu Brexit » thẳng thừng đe dọa Luân Đôn. Trong bài xã luận, tờ báo chính thức China Daily đã nói trắng ra là hai nước đã đồng ý thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit, do đó « bất kỳ hành động nào phương hại đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc đều sẽ ngăn chặn việc tiến đến thỏa thuận ».
Theo hãng tin Anh Reuters, Luân Đôn đã liên tục ve vãn Bắc Kinh để có được một thỏa thuận mậu dịch hậu Brexit, và bộ trưởng Tài Chính Anh Philip Hammond sẽ tiếp đón phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) tại Anh vào mùa thu này để đàm phán tiếp tục.
Tờ China Daily cũng cho rằng việc Anh Quốc cử chiến hạm tham gia các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, chỉ là một hành động theo đuôi, nhằm lọt được vào mắt xanh của Mỹ để bảo đảm sinh lộ kinh tế sau khi rời Liên Hiệp Châu Âu.
Đối với tờ báo, nếu muốn đạt được « kỷ nguyên vàng » trong quan hệ với Trung Quốc như bà Theresa May từng cam kết thúc đẩy trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây, nước Anh cần phải « ngừng bám gót Mỹ » ở Biển Đông.
Câu hỏi được giới chuyên gia đặt ra là liệu củ cà rốt hậu Brexit của Trung Quốc có đủ sức hấp dẫn Anh Quốc trong tương quan với Mỹ hay không ?
Cho đến nay, theo đa số các nhà phân tích, nếu bị buộc phải chọn lựa, Luân Đôn chắc chắn sẽ thiên về Washington hơn là Bắc Kinh.
Còn về vấn đề Biển Đông, dù không có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, nhưng nước Anh, cũng như các nước khác như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ đều cùng chung một mục tiêu : bảo đảm được quyền tự do đi lại trong khu vực, hiện càng lúc càng bị Trung Quốc đe dọa với chủ trương quân sự hóa Biển Đông.
Trong tình hình đó, có nhiều khả năng là cây gậy và củ cà rốt hậu Brexit mà Trung Quốc đưa ra trong trường hợp Anh Quốc khó phát sinh hiệu quả mong muốn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180907-trung-quoc-dung-cu-ca-rot-hau-brexit-nhu-anh-quoc-ra-khoi-bien-dong