Tin Biển Đông – 07/07/2018
Biển Đông: TQ nâng cấp danh mục quân sự
Trung Quốc đang lặng lẽ thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử mới được lắp đặt tại các tiền đồ ở Biển Đông, theo kênh CNBC của Hoa Kỳ.
Một nguồn tin tình báo xin được giấu tên cho CNBC biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm tác chiến điện tử kể từ khi đem các thiết bị này ra các tiền đồn ở quần đảo Trường Sa.
CNBC nhận định rằng động thái này của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục mở rộng sự bành trướng quân sự ở vùng biển tranh chấp.
Mỹ: TQ ‘uy hiếp láng giềng’ ở Biển Đông
Trung Quốc đang đặt hệ thống tên lửa Biển Đông?
Nhật Bản sẽ điều tàu chở trực thăng tới Biển Đông
Nhà nghiên cứu quân sự Collin Koh Swee Lean bình luận rằng: “Đây là một tin tức rất tệ, nhất là khi hầu hết lực lượng quân đội của các nước Đông Nam Á chưa có đủ khả năng Tác chiến Tình báo và Điện tử (IEW) và Trung Quốc đang đẩy sự cách biệt này ra xa hơn nữa.”
Động thái này nâng cấp danh mục quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn đã có hệ thống tên lửa hành trình chống tàu và hệ thống tên lửa đất-đối-không trên ba tiền đồn ở Biển Đông, hay Biển Nam Trung Hoa theo cách gọi của Bắc Kinh.
Các cơ sở thiết bị tác chiến điện tử này được thiết kế để gây rối loạn hoặc vô hiệu hóa các hệ thống thông tin liên lạc và radar.
Theo CNBC, ở quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh luôn công khai tự hào đã có 20 tiền đồn bao gồm cả Đảo Phú Lâm, hay còn được Bắc Kinh gọi là đảo Vĩnh Hưng, nơi đóng vai trò trụ sở quân sự và hành chính của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng chính CNBC đưa tin đầu tiên cách đây hai tháng về việc Trung Quốc đang lắp đặt hệ thống tên lửa Biển Đông theo thông tin của một nguồn tin tình báo giấu tên.
Đảo Phú Lâm có một đường băng, sân bay trực thăng, 20 máy bay chiến đấu, máy bay chiến đấu J-10 và J-11, tên lửa đối không HQ-9 và tên lửa hành trình chống tàu.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn cam đoan khẳng định rằng việc xây dựng đảo trên các tiền đồn chiến lược ở Biển Đông là phi quân sự.
Tuy nhiên, CNBC nhận định, các thiết bị gây nhiễu và hệ thống tên lửa dường như chẳng thể phục vụ mục đích nào khác ngoài mục đích quân sự.
Trong một diễn biến gần đây nhất, Nhật Bản sẽ điều một tàu chở trực thăng đến Biển Đông và Ấn Độ Dương năm thứ hai liên tiếp, nhằm tăng cường sự hiện diện trong khu vực chiến lược hàng hải.
Hải trình này dài hai tháng và bắt đầu vào tháng 9/2018.
Tàu Kaga dài 248m, có thể mang theo cùng một lúc nhiều trực thăng, sẽ dừng chân ở các nước Đông Nam Á như Indonesia và các cảng ở Ấn Độ, Sri Lanka.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44709669
Trung Quốc âm thầm
thử chiến tranh điện tử tại Biển Đông
Trung Quốc đang bí mật tiến hành thử nghiệm các vũ khí điện tử mà họ lắp đặt tại các tiền đồn ở Biển Đông.
Kênh CNBC của Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 7 dẫn nguồn từ các báo cáo tình báo có được. Theo CNBC, những lượng định từ các nguồn tình báo thu thập được chưa đầy một tháng nay cho thấy những thiết bị điện tử được lắp đặt tại các tiền đồn ở Trường Sa vào đầu năm nay được sử dụng lần đầu tiên.
Biện pháp này cho phép Bắc Kinh tăng cường khả năng tại vùng biển tranh chấp. Việc lắp đặt những vũ khí điện tử nhằm gây nhiễu hay vô hiệu hóa các hệ thống radar cũng như truyền tin được tiến hành ngay sau khi Trung Quốc bố trí các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không tại ba tiền đồn ở Trường Sa.
Những hệ thống phòng thủ cùng với trang thiết bị chiến tranh điện tử cho thấy biện pháp tăng cường đáng kể của Trung Quốc tại một trong những vùng biển đang có tranh chấp dữ dội trên thế giới là Biển Đông.
Bắc Kinh luôn cho rằng việc bồi đắp tại những tiền đồn chiến lược của họ ở Biển Đông là để phục vụ các chức năng phi quân sự. Tuy nhiên những hệ thống tên lửa và trang thiết bị phá sóng dường như không phục vụ mục tiêu nào khác ngoài lợi ích quân sự.
Thống kê cho thấy Trung Quốc đang quản lý 27 thực thể tại khu vực quần đảo Trường Sa. Tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc quản lý 20 đảo, trong đó có Phú Lâm mà Bắc Kinh lập thành đơn vị hành chính quản lý khu vực Biển Đông.
Tại đảo Phú Lâm, Trung Quốc cho xây dựng một đường băng máy bay, các bãi đáp trực thăng, 20 nhà chứa chiến đấu cơ, các tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không.
Phú Lâm là đảo mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ phía Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974. Biến cố này hoàn tất việc chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc.
Các quốc đảo Thái Bình Dương sắp ký thỏa thuận an ninh
để đối phó với Trung Quốc
Úc, New Zealand cùng các quốc đảo vùng Thái Bình Dương đang chuẩn bị ký một thỏa thuận về an ninh mới để đối phó với sự lấn lướt của Trung Quốc nhân Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra vào tháng 9 tới. Giới chức chính phủ New Zealand cho biết như vậy hôm thứ sáu, ngày 6/7/2018.
Chính phủ New Zealand cho biết Trung Quốc đang ngày một hành động tự tin và lấn lướt hơn nhằm theo đuổi các lợi ích của nước này tại châu Á, và điều này đã gây nên căng thẳng với các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Ron Mark ra thông cáo cho biết khi Trung Quốc hội nhập trật tự quốc tế, quốc gia này đã không áp dụng các giá trị về nhân quyền và tự do thông tin được cổ võ bởi lãnh đạo các nước.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng New Zealand nhận định Trung Quốc đang tiến hành hiện đại hóa quân đội, gia tăng khả năng của mình bằng sức mạnh kinh tế và tham vọng lãnh đạo. New Zealand phải đối mặt với những thách thức chồng chất với mức độ chưa từng có trước kia trong khu vực.
Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton cho biết thỏa thuận mới là tiếp tục của thỏa thuận an ninh đã được lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua từ năm 2000. Tuyên bố Biketawa đã tạo ra một khuôn khổ cho những phản ứng đồng thời đối với các khủng hoảng trong khu vực. Ví dụ điển hình là lực lược an ninh đa quốc gia do Úc dẫn đầu đã từng được gửi tới đảo Solomon vào năm 2003 để chấm dứt khủng hoảng dân sự tại đây. Nhiệm vụ này đã hoàn tất vào năm ngoái.
Bộ trưởng Dutton nói trong một phỏng vấn với mạng truyền hình Nine Network rằng Úc muốn tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với các láng giềng gần trên các lĩnh vực an ninh, kinh tế, trợ giúp và phát triển.
Trung Quốc trong thời gian qua đã nổi lên là một nhà tài trợ chính ở vùng Nam Thái Bình Dương đối với các nước bao gồm Papua New Guinea, Fiji và Vanuatu.
Bộ trưởng Dutton nhận định Trung Quốc đang vươn ra khu vực xung quanh Úc và Úc vẫn có quan hệ tốt với Trung Quốc. Tuy nhiên ông khẳng định Úc có trách nhiệm phải làm việc với các nước láng giềng.
Sau Mỹ, tàu Nhật tới Biển Đông ‘thách thức’ Trung Quốc
Nhật Bản sẽ triển khai một tàu chở trực thăng loại lớn tới Biển Đông và Ấn Độ Dương năm thứ hai liên tiếp nhằm tăng cường sự hiện diện tại các vùng biển chiến lược này.
“Đây là một phần nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy một vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, một trong hai nguồn nắm thông tin về kế hoạch tuần tra kéo dài hai tháng nói với Reuters.
Với chiều dài gần 250 mét, tàu Kaga có thể chở đồng thời nhiều máy bay trực thăng.
Trong chuyến hải hành bắt đầu vào tháng Chín, nhiều khả năng sẽ vấp phải chỉ trích của Bắc Kinh, tàu này sẽ cập cảng tại một số quốc gia Đông Nam Á trong đó có Indonesia, hay Ấn Độ và Sri Lanka ở Nam Á.
Chưa rõ tàu có ghé thăm Việt Nam hay không. Reuters dẫn các nguồn tin ẩn danh nói rằng một tàu khác sẽ hộ tống Kaga và các tàu này có thể tham gia các cuộc diễn tập chung với tàu chiến của các nước khác ở khu vực.
Năm ngoái, Nhật đã đưa một tàu tương tự là Izumo tới Biển Đông và Ấn Độ Dương, và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích rằng Tokyo “khuấy động bất ổn ở Biển Đông”.
Trước Nhật, Mỹ từng thực hiện tuần tra cả trên không và trên biển ở Biển Đông để đảm bảo quyền tự do hàng hải. Trung Quốc đã nhiều lần phản đối điều này.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Anh tuyên bố sẽ đưa tàu chiến vào Biển Đông để “thách thức” sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.
Tuyên bố của hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được đưa ra tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, lặp lại tuyên bố trước đó của quan chức Mỹ, theo tờ South China Morning Post.
Bà Florence Parly, người đứng đầu lực lượng vũ trang Pháp, cho biết rằng một nhóm chuyên trách về hàng hải của Pháp cùng với tàu và trực thăng Anh sẽ thăm Singapore vào tuần tới rồi tiến vào “một số khu vực nhất định” thuộc Biển Đông.
Không đề cập cụ thể Trung Quốc, bà Parly gợi ý rằng các tàu chiến sẽ vượt qua “vùng lãnh hải” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.