Tin Biển Đông – 07/06/2018
Trung Quốc chỉ tạm thời rút tên lửa khỏi Hoàng Sa
Trung Quốc có thể chỉ tạm thời rút tên lửa hoặc giấu những tên lửa mà nước này triển khai ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. CNN trích các phân tích của các chuyên gia và hình ảnh vệ tinh của công ty thông tin tình báo ImageSat International (ISI) cho biết như vậy hôm 6/6.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc rút tên lửa khỏi Hoàng Sa. Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng trích lời chuyên gia về hải quân tại Bắc Kinh ông Li Jie cho biết giàn tên lửa HQ-9 mà Trung Quốc triển khai ra Hoàng Sa đã từng được Bắc Kinh rút đi vào tháng 7/2016 ngay trước ngày tòa Trọng tài Quốc tế tại the Hague ra tuyên bố bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn ở Biển Đông. Chuyên gia này cho biết việc rút tên lửa có thể chỉ vì mục đích bảo dưỡng do điều kiện khí hậu ẩm cộng thêm với mùa mưa bão.
Trong khi đó, CNN trích lời các giới chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định có nhiều khả năng Trung Quốc không hoàn toàn rút hệ thống tên lửa khỏi khu vực. Phía Hoa Kỳ hiện đang đánh giá khả năng là Trung Quốc đang giấu các tên lửa này trong các tòa nhà.
Hãng ISI nhận định, việc rút tên lửa lần này của Trung Quốc được làm thường xuyên cho nên trong vài ngày tới người ta có thể sẽ thấy diễn biến mới trong khu vực.
Những động thái mới của Bắc Kinh tại Biển Đông diễn ra sau khi nước này chỉ trích Hoa Kỳ đã triển khai 2 máy bay ném bom B-52 tới khu vực gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực hôm 5/6.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 6/6 lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ đã làm to chuyện quân sự hóa Biển Đông để gây bất ổn và cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không sợ máy bay hay tàu chiến nào cả.
Trước đó, tại Hội nghị Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cam kết Hoa Kỳ sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Chuyên gia Đài Loan
đề nghị cho Mỹ thuê đảo Ba Bình ở Trường Sa
Các chuyên gia thuộc một tổ chức tư vấn ở Đài Loan giấu tên mới đây đã đề nghị chính phủ nước này nên cho Mỹ thuê đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa vì mục đích cứu trợ nhân đạo trên biển. Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi hôm 6/6 sáng trích tạp chí Next Magazine của Đài Loan cho biết như vậy.
Đảo Ba Bình hay còn được Đài Loan gọi là Thái Bình là đảo lớn nhất ở Trường Sa và hiện do Đài Loan kiểm soát.
Next Magazine hôm 4/6 trích một nguồn tin không nêu tên cho biết một số nhà nghiên cứu từ tổ chức tư vấn giấu tên cho rằng Washington sẽ có lợi nếu đưa quân đến Ba Bình để đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Các chuyên gia Đài Loan cho rằng việc cho thuê một phần đảo Ba Bình cho quân đội Mỹ sẽ không chỉ cho phép Hoa Kỳ có căn cứ ở Biển Đông mà còn gián tiếp giúp Đài Loan bảo vệ chủ quyền của mình ở đảo này.
Tuy nhiên một nguồn tin quân sự cho tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng biết rằng khó có khả năng Bộ Quốc phòng Đài Loan sẽ đồng ý với đề nghị này vì nó sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khu vực, đồng thời cũng làm tăng các nguy cơ đối với Đài Loan.
Đây không phải là lần đầu tiên Đài Loan có ý tưởng cho Mỹ thuê đảo. Trước đó, vào năm 2016 sau khi bà Thái Anh Văn trúng cử Tổng thống Đài Loan, ý tưởng này đã được đưa ra.
Vào lúc đó Đài Loan cũng đang chờ phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế ở the Hague trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về Biển Đông.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Feng Shih-kuan đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị này và nói ông sẽ không bao giờ chấp nhận đề nghị như thế.
Các chuyên gia quân sự cho rằng nếu Đài Loan cho quân đội Mỹ đóng quân ở Ba Bình thì Trung Quốc sẽ còn gây sức ép mạnh hơn lên Đài Loan.
Trung Quốc từ trước tới nay vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và chỉ chờ ngày được thống nhất.
Đài Loan thúc giục
hợp tác trong vùng lãnh hải tranh chấp
Quan chức hàng hải hàng đầu của Đài Loan hôm thứ ba 6-6-2018 kêu gọi các đối tác khu vực cùng hợp tác là cách nhằm giải quyết vấn đề quyền đánh bắt chồng lấn ở vùng biển quanh đảo Okinotori của Nhật Bản. Còn đối với tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, vị này đề nghị nên chuyển đảo Thái Bình (hay Ba Bình theo cách gọi của Việt Nam) mà hiện do Đài Loan kiểm soát thành một Trung tâm Cứu hộ Nhân đạo.
Báo giới Đài Loan trích lời ông Hoàng Hoàng Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Hải dương, Đài Loan (OAC) nêu ra đề xuất chính sách hàng hải của tất cả các quốc gia nên bao hàm khái niệm “hàng hóa công toàn cầu” để sử dụng tốt và bền vững các nguồn tài nguyên biển.
Ông Hoàng Hoàng Huy cho biết ông đã giao ba nhiệm vụ cho OAC nhằm biến Đài Loan trở thành “cường quốc hàng hải”, mà ông định nghĩa là một quốc gia sẵn sàng tìm hiểu lợi ích chung với các đối tác khu vực, có khả năng hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp xảy ra tai nạn hàng hải cùng với khả năng phát triển ngành công nghiệp hàng hải.
Chủ nhiệm Hoàng Hoàng Huy nhắc lại Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý quanh Đài Loan rộng gấp 5 lần diện tích đảo quốc này; nếu trừ đi những vùng chồng lấn với Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines thì cũng rộng gấp 3 lần diện tích đất của Đài Loan. Do đó tiềm năng biển của Đài Loan rất lớn. Tuy nhiên, dựa trên công nhận đại dương là loại ‘hàng hóa công toàn cầu’ có lợi cho mọi quốc gia, Đài Loan thông qua chính sách giải quyết mọi tranh chấp do chồng lấn Vùng Đặc quyền Kinh tế theo nguyên tắc phát triển hài hòa và hỗ tương nhau.
Được thành lập vào tháng Tư và có trụ sở tại thành phố Cao Hùng ở phía nam Đài Loan, OAC là cơ quan chính phủ trung ương đầu tiên của đảo quốc này chịu trách nhiệm về các vấn đề hàng hải, trước đây được quản lý bởi 22 cơ quan khác nhau.
Đài Loan tổ chức tập trận quy mô lớn,
giả định TQ xâm lược
Đài Loan hôm 7/6 thực hiện một cuộc diễn tập giả định đánh chặn một lực lượng xâm lược, và lần đầu tiên sử dụng máy bay không người lái dân dụng tham gia cuộc tập trận quân sự thường niên giữa bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc, theo Reuters.
Đích thân Tổng thống Thái Anh Văn chủ trì cuộc tập trận, trước sự hiện diện của Quốc vương eSwatini, trước là Swaziland, đang lưu viếng Đài Loan. Quốc gia Phi châu eSwatini được xem là trung tâm của cuộc chiến tranh ngoại giao giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Gần đây, không quân Trung Quốc đã tiến hành một loạt cuộc “tập trận bao vây” xung quanh Đài Loan. Đài Bắc lên án các cuộc tập trận này là một hành động hăm dọa.
“Tính hiệu quả và sự sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang của chúng ta là một bảo đảm cho an ninh quốc gia. Đó chính là cơ sở đã giúp xã hội chúng ta phát triển và nở rộ, và cũng là sức mạnh làm nền tảng cho các giá trị dân chủ và tự do của chúng ta”, bà Thái nói tại cuộc tập trận Han Kuang ở thành phố Đài Trung.
Nhà lãnh đạo Đài Loan tuyên bố:
“Lực lượng vũ trang của chúng ta còn hiện diện, thì Đài Loan chắc chắn còn tồn tại”.
Hơn 4.000 nhân sự và hơn 1.500 thiết bị đã được triển khai trong cuộc diễn tập hàng năm, với những máy bay không người lái bay trên không để giám sát chiến trường, trong khi công nhân xây dựng thực tập sửa chữa đường băng tại sân bay.
Quốc vương Mswati III, nhà vua nắm quyền hành tuyệt đối tại chế độ quân chủ cuối cùng ở châu Phi, là đồng minh duy nhất còn lại của Đài Loan ở châu Phi, ông cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên quan sát cuộc tập trận Han Kuang kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nhậm chức vào năm 2016.
Trung Quốc đã kêu gọi eSwatini hãy cắt đứt quan hệ với Đài Loan trước đầu tháng Chín năm nay, khi Bắc Kinh tổ chức một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Phi.
Đài Bắc tố cáo Trung Quốc sử dụng “ngoại giao đôla” để chiêu dụ các đồng minh của Đài Loan, bằng những hứa hẹn sẽ cung cấp các gói viện trợ hào phóng, nhưng Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc này.
Đài Loan cho biết đã được eSwatini trấn an về sự an toàn của các mối quan hệ song phương.
Gần đây, đảo quốc này đã mất hai đồng minh ngoại giao ở châu Phi là Burkina Faso và Cộng hòa Dominica, là những nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Hiện Đài Bắc chỉ còn quan hệ chính thức với 18 quốc gia trên toàn thế giới.
Trong một động thái chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh giận dữ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan Trần Trung Cát nói nước ông nóng lòng tham gia một cuộc tập trận hải quân do Hoa Kỳ tổ chức.
Tháng trước, Ngũ Giác Đài đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia tập trận để phản đối Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo trên Biển Đông.
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần ngoài khơi Hawaii trong tháng 6 và tháng 7.
Căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc đã tăng trong những tháng gần đây, giữa lúc Bắc Kinh nghi ngờ chính quyền của bà Thái muốn cổ vũ cho giải pháp đòi độc lập chính thức cho đảo quốc này.
Bà Thái một mực khẳng định chỉ muốn duy trì hiện trạng, nhưng bà tuyên bố sẽ bảo vệ an ninh của Đài Loan và sẽ không để bị Bắc Kinh bắt nạt.
Phần lớn các vũ khí của Đài Loan là do Mỹ sản xuất. Đài Bắc muốn Washington bán thêm thiết bị tiên tiến hơn, kể các chiến đấu cơ mới nhất.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng cán cân quyền lực giữa Đài Loan và Trung Quốc đã nghiêng về Trung Quốc, có thể áp đảo hòn đảo này trừ phi có sự can thiệp tức thời của các lực lượng Hoa Kỳ.