Tin Biển Đông – 07/03/2017
Đài Loan có thách thức mới với Bắc Kinh
ĐÀI BẮC —
Các kế hoạch tăng cường thao dượt quân sự trên biển Đông có nhiều tranh chấp chủ quyền ở phía tây nam của Đài Loan có thể đẩy quốc đảo này dấn sâu hơn vào mâu thuẫn với Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang mạo hiểm với một thách thức mới đối với Bắc Kinh bằng cách đẩy mạnh khả năng quân sự để bảo vệ lãnh thổ của họ trên Biển Đông có nhiều tranh chấp chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Thế Quan nói với Quốc hội tại Đài Bắc hồi tuần trước rằng hải quân của Đài Loan, nước bị cô lập về ngoại giao tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển và đang kiểm soát lãnh thổ lớn nhất trong đó, sẽ tăng cường tuần tra trong vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng. Bộ trưởng Phùng cho biết hải quân cũng sẽ thao dượt chung với không quân.
Ông nói thêm rằng hải quân sẽ tăng cường tuần tra thường xuyên hơn trên Biển Đông, và sẽ diễn tập cứu hộ nhân đạo và bảo vệ tàu thuyền đánh cá và vận tải của Ðài Loan. Một tàu khu trục trọng tải 1.000 tấn tham gia tuần tra để bảo vệ tàu thuyền của Đài Loan.
Các chuyên gia lo ngại rằng việc Ðài Loan sử dụng quân đội để tiếp cận với vùng biển giàu tài nguyên ở phía tây nam của nước này có thể khiến Bắc Kinh giận dữ trong lúc quan hệ giữa hai bên đang căng thẳng, còn Ðài Loan có ít sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Nhà phân tích Ross Feingold của Viện tư vấn chính trị Mỹ có trụ sở tại Đài Bắc cho biết:
“Đáp lại việc này, nếu Trung Quốc có hành động gì đó trên biển Đông, như thao dượt quân sự, đưa tàu bè qua lại, thì đó chỉ là một sự thay đổi nhỏ đối với hiện trạng.
Nhưng nếu Trung Quốc muốn thể hiện không hài lòng đối với Đài Loan, họ có thể tiến hành cuộc thao dượt nhiều hơn nữa quanh đảo Đài Loan như họ đã làm hồi gần đây, cho dù Đài Loan không thực sự liên quan tới các tranh chấp trên Biển Đông.”
Trong tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay, tàu sân bay của Trung Quốc đã lượn quanh Đài Loan, và tuần trước Bắc Kinh đã bay máy bay quân sự vào vùng biển gần quần đảo bên ngoài Nhật Bản và phía đông của Đài Loan. Bộ Quốc phòng Ðài Loan đã theo dõi cả 2 động thái này.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 95 phần trăm diện tích Biển Đông. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã khiến Đài Loan cũng như 5 nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở biển Đông giận dữ bằng việc san lấp các đảo trước đây không có người ở, xây dựng căn cứ quân sự trên đó và đưa tàu thuyền của họ vào các vùng tranh chấp.
Các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines có thể sử dụng quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc để đàm phán thỏa thuận. Nhưng Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Quốc, mặc dù Đài Loan đã tự trị kể từ những năm 1940. Sự ly gián đó đã chặn đứng mọi mối quan hệ ngoại giao chính thức.
Đài Loan, bị Trung Quốc bao vây trong 7 thập kỷ, khiến đảo quốc này không có một mối quan hệ ngoại giao nào ở châu Á. Bà Thái đã có cuộc nói chuyện ngắn gọn về an ninh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 12 vừa qua, nhưng Tổng thống Trump đã không đưa ra dấu hiệu hỗ trợ nào.
Cuộc đối thoại Trung Quốc-Đài Loan không chính thức kéo dài 8 năm đã kết thúc sau khi bà Thái nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái với một nhiệm vụ phải thận trọng hơn đối với Bắc Kinh. Theo ông Jonathan Spangler, giám đốc của viện nghiên cứu biển Đông có trụ sở tại Đài Bắc, Trung Quốc cũng đã “tự chế không quấy nhiễu” ngư dân Đài Loan vào thời điểm đó.
Ông nói thêm rằng việc liên hệ với các nước khác trên biển “có thể cho Bắc Kinh lý do để can thiệp bằng một cách thức có thể gây phương hại đến lợi ích của Đài Loan.”
Nhà nghiên cứu Liu Fu-kuo về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc nói rằng từ mâu thuẫn hiện nay giữa Trung Quốc và Ðài Loan, Bắc Kinh có thể biến thành một phản ứng đối với hoạt động của Đài Loan trên biển.
Ông Liu nói tại một diễn đàn tin tức hôm thứ Sáu rằng: “Tổng thống Thái Anh Văn, cho dù các quan chức cấp cao đã nói rất nhiều về các điểm khác nhau trong chính sách Biển Đông, mỗi khi đề cập tới chuyện này, bà đều nói rằng không có sự thay đổi.”
Nhà nghiên cứu này nói: “Và đây là chính sách mà chính phủ của chúng tôi đang thực hiện. Tôi hy vọng bà (Thái) sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì, bởi vì nó có sự liên kết chặt chẽ hơn các mối quan hệ xuyên eo biển.”
Đài Loan hiện kiểm soát Ba Bình, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, và một bãi cạn gần đó. Ba Bình được xây dựng phát triển mạnh một cách bất thường, với một cơ sở tuần duyên, các thiết bị nghiên cứu khí tượng và một hệ thống pin mặt trời.
Bộ trưởng Nội vụ Đài Loan thăm đảo Ba Bình để khẳng định chủ quyền
Tuy nhiên, bà Thái đã không tỏ ra dấu hiệu nào cho thấy Ðài Loan tìm cách mở rộng việc kiểm soát trên vùng biển giàu thủy sản, nhiên liệu hóa thạch là một hải lộ quan trọng.
Theo các học giả, tổng thống Đài Loan cuối cùng có thể tiếp bước người tiền nhiệm với các dự án được phát triển trên đảo Ba Bình như sản xuất điện mặt trời, nghiên cứu biển và cứu trợ nhân đạo. Cựu Tổng thống Mã Anh Cửu, có nhiệm kỳ từ 2008 tới năm ngoái, đã theo đuổi những chương trình mà Bộ Ngoại giao của ông gọi là “quyền lực mềm” của Đài Loan, trong khi vẫn giữ hòa bình với Trung Quốc.
Bộ Nội vụ của bà Thái cho biết vào tháng 8 họ đã nhắm mục tiêu đến việc đặt các cơ sở quan sát trên đảo Ba Bình và theo đuổi hợp tác toàn cầu về các vấn đề biến đổi khí hậu. Trong tháng mười một, đội tuần duyên và Bộ Quốc phòng công bố các kế hoạch cho các cuộc thao dượt cứu trợ “nhân đạo” xung quanh đảo.
Nhưng đảo Ba Bình, có chiều dài 1.400m và rộng 400m, vẫn do “các quân nhân được rèn luyện với kỹ năng cao” quản lý, theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Yang.
Ông Yang nói với diễn đàn tin tức hôm thứ Sáu rằng: “Cách tiếp cận chính là làm thế nào để tận dụng đầy đủ quyền lực mềm của chúng ta trên quần đảo Trường Sa thay vì tăng cường các căn cứ quân sự. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng cách làm này sẽ ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu hải dương.”
Hải quân TQ sắp mở rộng nhân lực, tàu chiến
Hải quân Trung Quốc sẽ mở rộng thêm trong cuộc cải cách quân đội hiện nay không chỉ về số lượng tàu chiến mà cả số lượng quân nhân, theo bài viết trên báo Ta Kung Pao của Trung Quốc ngày 6/3.
Bài viết dẫn lời ông Lưu Hiểu Giang, cựu phó chính uỷ hải quân Trung Quốc, cho biết thêm rằng một phần các binh sĩ trong các lực lượng trên bộ sẽ được tái bố trí thành lực lượng thủy quân lục chiến trong hải quân.
Ông Lưu nói Hải quân Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong quốc phòng để hỗ trợ cho nhiệm vụ ngày càng tăng trong việc bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh, kể cả ở khu vực Biển Đông.
Ông Lưu tuyên bố: “Trung Quốc là một nước ven biển và khi chúng ta bảo vệ chủ quyền hàng hải và phát triển các lợi ích của chúng ta, hải quân sẽ có vai trò quan trọng hơn.”
Các giới chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng các công trình ở Biển Đông có thể dùng để chứa phi đạn.
Tuyên bố của ông Lưu được đưa ra sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong một phúc trình hàng năm về công tác chính phủ, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình và rằng Trung Quốc sẽ “tiến lên và trở thành một cường quốc hải quân vững mạnh.”
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và đã xây dựng các đường băng và củng cố các cấu trúc trên một vài đảo nhân tạo, cũng như thường xuyên phái tàu bè tuần tra quanh khu vực Điếu Ngư (tức Senkaku theo tiếng Nhật) ở Biển Hoa Đông khiến Nhật khó chịu.
Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo hành động của Trung Quốc xây đảo nhân tạo là bất hợp pháp, nhưng dường như thôi đưa ra lập trường cứng rắn trong những tuần lễ gần đây. Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố Washington thấy không cần phải có những hoạt động quân sự quan trọng tại Biển Đông.
http://www.voatiengviet.com/a/hai-quan-tq-sap-mo-rong-nhan-luc-tau-chien/3751961.html
TQ đưa vào hoạt động giàn khoan lớn nhất thế giới
Trung Quốc loan báo vừa đưa giàn khoan thăm dò dầu khí nước sâu lớn nhất và hiện đại nhất thế giới vào hoạt động từ cuối tuần trước.
Giàn khoan mang tên Cá Voi Xanh I, trùng với tên mỏ dầu mà Việt Nam đang khai thác ở Biển Đông.
Đây là giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có khả năng đào ở mức sâu nhất từ trước tới nay, theo bản tin trên kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Chắc chắn thông tin này sẽ được các nước trong khu vực chú ý, cho dù hiện chưa biết giàn khoan này sẽ được đặt ở vị trí nào.
Chiến lược của VN ở Biển Đông là gì?
Tập đoàn Mỹ ký thỏa thuận khí đốt với Việt Nam
Tháng Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò lớn nhất lúc đó – giàn khoan Hải Dương 981 (Trung Quốc gọi là Haiyang Shiyou 981 hay HYSY 981), vào vùng biển gần đảo Lý Sơn của Việt Nam, giữa hai nước đã xảy ra căng thẳng dữ dội.
Trung Quốc đã phải điều tàu chấp pháp ra canh gác giàn khoan, trong khi Việt Nam đưa cảnh sát biển ra xua đuổi.
Căng thẳng kéo dài cho tới khi Trung Quốc rút giàn khoan 981 vào giữa tháng Bảy 2014.
Trị giá giàn khoan Cá Voi Xanh I là 700 triệu đôla Mỹ, do hãng Yantai CIMC Raffles Offshore (CIMC Raffles) chế tạo. CIMC Raffles là một công ty thuộc tập đoàn Container Biển Quốc tế Trung Quốc.
Cần phân biệt đây là giàn khoan thăm dò, khác với giàn khoan khai thác. Giàn khoan khai thác lớn nhất thế giới hiện nay là giàn khoan Sakhalin-1, trọng lượng 200.000 tấn.
Cá Voi Xanh I nặng 42.000 tấn và có bề mặt rộng như một sân bóng đá. Giàn khoan này cao như một tòa nhà 37 tầng, khoảng 118m.
Giàn khoan này có thể khoan sâu 3.658m, hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Theo một số đánh giá, Cá Voi Xanh I được thiết kế và chế tạo đặc biệt cho khu vực Biển Đông, nơi các mỏ dầu khí được cho nằm ở độ sâu trên 3.000m.
Các giàn khoan dầu khí, ngoài giá trị kinh doanh, còn được Trung Quốc coi như các “cột mốc chủ quyền” ngoài biển khơi.
Công ty vận hành Cá Voi Xanh I vẫn là tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Hồi giữa tháng 1, Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil đã ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với hai đối tác Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39193253
Biển Đông : Trung Quốc xây thêm căn cứ hậu cần
trên đảo Hải Nam
Một căn cứ hậu cần sẽ được xây dựng ở đảo Hải Nam. Hoàn cầu Thời báo hôm nay 06/03/2017 dẫn lời thị trưởng Tam Sa – cơ quan hành chính do Bắc Kinh thành lập để quản lý khu vực đang bị nhiều nước tranh chấp tại Biển Đông – cho biết như trên.
Theo lời thị trưởng kiêm bí thư Tiêu Kiệt (Xiao Jie), chính quyền Bắc Kinh đã phê duyệt một đề án bảo vệ môi trường tại Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa, trực thuộc cái gọi là « thành phố Tam Sa »).
Tờ báo nhắc lại r ằng Philippines trong vụ kiện ở Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, đã tố cáo Trung Quốc xâm hại hệ sinh thái biển và môi trường tại Biển Đông.
Ông Tiêu Kiệt biện hộ cho kế hoạch gồm sáu dự án, trong đó có việc cải tạo các đảo và đá ngầm, bờ biển, giám sát môi trường biển và trồng rừng trên các đảo. Chính quyền khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời, xe máy chạy bằng điện trên đảo, tích trữ nước mưa. Tam Sa đã cho trồng hai triệu cây xanh trên các đảo trong năm 2016, và dự định trồng thêm một triệu cây trong năm nay.
Nhiều cơ sở kể cả các công trình dân sự trên đảo có thể được quân đội sử dụng. Một căn cứ đang được xây dựng tại cảng nước sâu Mộc Lan (Mulan) ở Văn Xương (Wenchang), Hải Nam để mở rộng quy mô yểm trợ cho các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Hiện nay các dịch vụ hậu cần đang do cảng Thanh Lan (Qinglan) ở Tam Á (Sanya), Hải Nam đảm nhiệm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170306-bien-dong-trung-quoc-xay-them-can-cu-hau-can-tren-dao-hai-nam