Tin Biển Đông – 07/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tàu duyên phòng Hoa Kỳ

có thể hiện diện thường trực ở Biển Đông

Hoa Kỳ có thể điều động tàu duyên phòng tới Biển Đông. Cựu nghị sĩ và cố vấn an ninh quốc gia Roilo Golez của Philippines nói với báo The Philippines Star như vậy hôm Thứ Tư 4/1/2017.

Ông Golez viện dẫn một bản báo cáo trên ấn bản trực tuyến của tạp chí Breaking Defense có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ông Golez, một sinh viên tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ ở Annapolis, cũng viết trên blog cá nhân rằng, việc Hoa Kỳ điều động tàu duyên phòng tới Biển Đông rất có thể sẽ diễn ra dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông Golez cho rằng điều này sẽ khiến cục diện ở Biển Đông thay đổi.

Bài báo trên tạp chí Breaking Defense dẫn lời Tổng tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ, Đô đốc John Richardson, nói rằng Hoa Kỳ sẽ thiết lập sự hiện diện duyên phòng thường trực ở Biển Đông. Tư lệnh lực lượng Duyên Phòng Hoa Kỳ, Đô đốc Paul Zukunft cũng được bản báo cáo trích lời nói rằng, sự điều động như vậy sẽ cho phép bộ chỉ huy của ông mở rộng các quan hệ làm việc tới Việt Nam, Philippines và Nhật Bản.

Theo các chuyên gia về quốc phòng, nếu không có tàu duyên phòng hiện diện trong khu vực, Hoa Kỳ có thể lâm vào tư thế bất lợi trước các tàu gọi là “dân sự” của Trung Cộng.

Việc Hoa Kỳ điều động thêm tàu hải quân đi tuần ở Biển Đông có thể bị Bắc Kinh xem là hành động khiêu khích. Trong khi đó, Trung Cộng từ lâu đã sử dụng đội ngũ tàu hải giám để sách nhiễu mọi tàu thuyền của các quốc gia khác trong những vùng biển tranh chấp.

Huy Lam / SBTN

http://www.sbtn.tv/tau-duyen-phong-hoa-ky-co-the-hien-dien-thuong-truc-o-bien-dong/

 

Pháp – Nhật chống việc Trung Quốc

xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

Thanh Phương

Pháp và Nhật sẽ chia sẻ tiếp liệu và dịch vụ quốc phòng, đồng thời tuyên bố chống lại việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Đó là nội dung cuộc họp tại Paris hôm qua, 06/01/2017, giữa bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao của hai nước.

Cuộc họp « 2+2 » lần thứ ba giữa hai nước quy tụ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Tomomi Inada, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian và ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault.

Trong bản tuyên bố chung sau cuộc họp ở Paris, các bộ trưởng của Pháp và Nhật tuyên bố chống lại mọi « hành động đơn phương có thể gây căng thẳng » ở Biển Đông, ám chỉ đến những hoạt động bồi đắp đảo và các hoạt động khác của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ lên vùng biển này.

Các bộ trưởng của hai nước đồng ý sẽ mở đàm phán để đạt đến một hiệp định về việc chia sẽ tiếp liệu và dịch vụ quốc phòng. Cụ thể là quân đội Pháp và lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ cung cấp cho nhau các hàng tiếp liệu như nước, lương thực và các dịch vụ như vận chuyển và sửa chữa thiết bị.

Tokyo hiện đã có những hiệp định như vậy với Hoa Kỳ và Úc, và đang thương lượng các hiệp định tương tự với Anh và Canada trong nỗ lực nhằm mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước khác.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp hôm qua, Ngoại trưởng Pháp Ayrault cho biết là Pháp và Nhật cũng đã tiến thêm một bước về hợp tác quốc phòng và sẽ có thể cộng tác với nhau nhiều hơn về cứu trợ nhân đạo và các chiến dịch duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

http://vi.rfi.fr/phap/20170107-phap-nhat-chong-viec-trung-quoc-xay-dao-nhan-tao-o-bien-dong

 

Trung Quốc dự kiến đóng hàng không mẫu hạm thứ ba

Thanh Phương

Báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay 07/01/2017 cho biết là Bắc Kinh dự kiến sẽ đóng một hàng không mẫu hạm thứ ba, vào lúc mà nước này đang đóng hàng không mẫu hạm thứ hai với tốc độ nhanh chóng, còn hàng không mẫu hạm thứ nhất vừa tiến hành các cuộc tập trận bằng đạn thật ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia trong vùng.

Báo điện tử của Nhân Dân Nhật Báo hôm nay trích lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết : « Hiện nay, hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc đang được đóng. Trong tương lai gần, hải quân Trung Quốc dự trù sẽ trang bị một hàng không mẫu hạm thứ ba, có khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích trên biển. »

Quân đội Trung Quốc gần đây khẳng định là tàu sân bay thứ hai của nước này đang được đóng với tốc độ nhanh và theo thông tin của báo chí thì chiếc này dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay.

Trong khi đó, chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc hiện nay, chiếc Liêu Ninh, vừa tiến hành các cuộc tập trận bằng đạn thật với các chiến đấu cơ tối tân ở vùng Biển Đông, vào lúc Bắc Kinh muốn biểu dương lực lượng trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ ngày 20/01/2017.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc được tờ Nhân dân Nhật báo trích dẫn khẳng định rằng mặc dù đội tàu sân bay hiện nay của nước này chưa thể so sánh với các đội tàu sân bay của Mỹ, nhưng trong tương lai, quân đội Mỹ sẽ không thể tiếp tục bỏ xa Trung Quốc, bằng chứng là chi tiêu quân sự của nước này ngày càng bị cắt giảm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170107-trung-quoc-du-kien-xay-mot-hang-khong-mau-ham-thu-ba