Tin Biển Đông – 06/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 06/11/2018

Khẩu chiến giữa Trung Quốc với Mỹ và đồng minh

về vấn đề Biển Đông gần đây

Biển Đông có tuyến vận tải biển trị giá 3.000 tỷ USD mỗi năm đang trở thành mối quan tâm của cả các nước ngoài khu vực. Nhiều nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và khẳng định sẽ đảm bảo “tự do hàng hải” ở vùng biển này. Từ tháng 8 đến đầu tháng 10/2018, Mỹ cùng đồng minh liên tục có các hành động thách thức tham vọng phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải, đặc biệt là việc gia tăng tập trận hay đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý các thực thể địa lý, do Bắc Kinh kiểm soát trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Mỹ liên tục có các tuyên bố chỉ trích, lên án Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông: (1) Tổng thống Mỹ Donald Trump (10/10) đã chỉ trích chính quyền tiền nhiệm Obama bất lực trong vấn đề Biển Đông vì đã không ngăn chặn được Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng quân sự tại khu vực. (2) Quốc hội Mỹ đã lên án gay gắt những động thái này, cho rằng hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông đang làm mất ổn định an ninh tại các nước đồng minh và đối tác của Washington, thậm chí “đe dọa lợi ích cốt lõi của Mỹ”. (3) Phát biểu tại Viện nghiên cứu Hudson, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (14/10) nhấn mạnh Mỹ sẽ không lùi bước, không để bị hăm dọa trước những hành động được Mỹ ví là “trò bắt nạt” của chính quyền Bắc Kinh dựng nên ở Biển Đông. (4) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích đích danh Trung Quốc về hành động quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh “hăm dọa và áp bức” các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khẳng định Mỹ không có kế hoạch rời khỏi khu vực này; cho biết hải quân Mỹ đang triển khai các kế hoạch phô diễn sức mạnh tại các vùng biển ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và có thể mở rộng đến bờ Tây của Nam Mỹ nhằm đối trọng Trung Quốc. Trước đó, tại Đối thoại Shangri La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (6/2018) cho rằng chính sách tại Biển Đông của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với chiến lược mang tính cởi mở của Mỹ, điều này khiến Mỹ hoài nghi về các mục tiêu lớn mà Bắc Kinh theo đuổi; nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, đem lại kết quả tốt với Trung Quốc, hợp tác nếu có thể và cạnh tranh quyết liệt nếu không có lựa chọn. Ông Mattis cũng phản đối việc TQ quân sự hóa Biển Đông, bao gồm các hoạt động quân sự vi phạm luật quốc tế. Điển hình là việc triển khai tên lửa tầm xa, diễn tập cất-hạ cánh máy bay ném bom H-6K trên các thực thể ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) do Bắc Kinh dùng bạo lực chiếm giữ, bồi lấp phi pháp và tạo thành đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự-dân sự kết hợp, đe dọa an ninh khu vực và tự do hàng hải. (5) Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry (18/10) tuyên bố, Mỹ không thể phớt lờ các tác động đến an ninh quốc gia trước khả năng Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích bên ngoài các lĩnh vực đã ký kết trong thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Mỹ. Phía Mỹ khẳng định Washington biết rõ Bắc Kinh đang sẵn sàng sử dụng năng lượng hạt nhân trên các thực thể đã bị Trung Quốc chiếm giữ, bồi lấp, xây dựng trái phép thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông. (6) Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Sullivan (27/9) khẳng định Mỹ cam kết trong việc đảm bảo duy trì tự do hàng hải và tôn trọng luật quốc tế ở Biển Đông; nhấn mạnh Mỹ tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và ASEAN, mà theo đó mỗi quốc gia độc lập với văn hoá và ước vọng khác nhau có thể phát triển bên nhau hoà bình và tự do; cho biết có một sự thống nhất là tất cả mọi quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đều tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông nhưng không phải đơn phương, tuy nhiên chúng tôi muốn luật quốc tế phải được tuân thủ; đồng thời phản đối việc bất cứ quốc gia nào có các hành động đơn phưong xây lấp các thực thể trên Biển Đông và quân sự hoá khu vực. (7) Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương Randall Schriver cho biết, Trung Quốc đã quân sự hóa thành công một số tiền đồn, hành vi của họ ngày càng mạnh bạo và Mỹ đang cố gắng có ứng phó phù hợp. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Dave Eastburn cho biết, các hoạt động bay của máy bay B-52 hoàn toàn “phù hợp với luật quốc tế và cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”; máy bay ném bom B-52 bay ngang Biển Đông như một phần trong “các hoạt động được lên lịch thường xuyên và được thiết kế để nâng cao khả năng vận hành qua lại với các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực”; đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện và hoạt động tại bất cứ khu vực và bất cứ thời điểm nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Charles Brown (10/2018) cũng cho biết, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của Hải quân Mỹ ngày 30/9 đã tiến hành chiến dịch “đảm bảo tự do hàng hải” trên Biển Đông khi đi qua khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý gần đá Gaven và Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, khi tàu USS Decatur đang triển khai hoạt động, tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc đã có động thái áp sát “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” đối với tàu Mỹ.(8)Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton (13/10) cảnh báo Chính phủ Trung Quốc về việc đối đầu ngày càng nguy hiểm ở Biển Đông với các tàu chiến Mỹ đi lại tại các vùng biển quốc tế; cho rằng các tàu chiến của Hải quân Mỹ được phép sử dụng sức mạnh đề phản ứng bảo vệ bản thân và các thủy thủ khỏi các hành động đe dọa ở biển cả; nhấn mạnh Mỹ sẽ không tha thứ cho các đe dọa đối với các thành viên lực lượng Mỹ; đồng thời gợi ý các quốc gia khu vực như Philippines, Nhật Bản và các nước khác cần xây dựng và quân sự hóa chính các đảo của mình để chống lại chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc.

Các nước đồng minh của Mỹ ngày càng có nhiều tuyên bố, hoạt động thiết thực thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông: (1) Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (24/9) nhận định Pháp “không đứng về phía nào” trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đôg, song Pháp ý thức được rằng Trung Quốc ngày càng trở nên lấn lướt tại Biển Đông; nhấn mạnh Pháp sẽ vẫn tiếp tục cho tàu hoạt động ở khu vực Biển Đông. (2) Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (10/10) cho biết Nhật Bản sẵn sàng tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải chung với Australia trên Biển Đông. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã mô tả các hành động trên biển của Trung Quốc là “cực kỳ hung hăng” và là “mối quan ngại cho toàn bộ cộng đồng quốc tế”. (3) Quân đội Philippines (28/9) cho biết hoạt động chung về an ninh và quốc phòng với Mỹ, bao gồm các cuộc diễn tập chiến đấu thường niên, sẽ được tăng cường trong năm 2019, thể hiện quan hệ đang tiếp tục vững mạnh giữa hai nước. Trước đó, Tổng thống Rodrigo Duterte (22/8) đưa ra cảnh báo rằng “sẽ có rắc rối xảy ra nếu Trung Quốc độc quyền việc thăm dò dầu khí và Uranium ở Biển Đông”, đồng thời cho hay ông sẽ chỉ đạo ông Eduardo Año, người phụ trách Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương Philippines tới khu vực để “tấn công” phía Trung Quốc nếu nước này đơn phương tiến hành hoạt động thăm dò ở Biển Đông. (4) Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (3/10) đã bày tỏ lo ngại về những “thủ thuật hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi một tàu khu trục của Trung Quốc áp sát tàu chiến của Mỹ; cho biết Chính phủ Australia sẽ coi bất cứ việc sử dụng hành động đe dọa nào trong khu vực đều là “bất ổn và tiềm ẩn nguy hiểm”, đồng thời khẳng định “Australia đã nhiều lần thể hiện lo ngại về việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục các bên tranh chấp kiềm chế không tiến hành các hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực”.

Trung Quốc tìm cách bao biện cho hoạt động phi pháp của mình, đồng thời cáo buộc các Mỹ tìm cách gây căng thẳng trong khu vực: (1)Phát biểu tại Chương trình giới thiệu các nhà ngoại giao mới của khối Thịnh vượng chung hàng năm tổ chức ở London (Anh), Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (20/9) tuyên bố, Trung Quốc tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải, nhưng nguyên tắc này sẽ không thể tồn tại khi bị các nước phương Tây lợi dụng như cái cớ để thể hiện “sức mạnh quân sự” và “tạo ra rắc rối” trên Biển Đông; nhấn mạnh việc các nước đưa tàu chiến và máy bay tới Biển Đông là hành động “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc và đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định của khu vực này”. (2) Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Kiến Hoa (9/10) đã bày tỏ lo ngại về cuộc tập trận hải quân mà Mỹ dự định tiến hành tại Biển Đông cùng thời điểm chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình; cam kết Bắc Kinh không có ý định sử dụng lực lượng quân sự để chống lại bất cứ nước nào ở Biển Đông. (3) Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (16/10) bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc gần đây của Mỹ cho rằng nước này có những hành động “khiêu khích quân sự” trên Biển Đông, nhấn mạnh rằng Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo và vùng biển lân cận ở Biển Đông và có quyền tiến hành các công trình xây cất vì mục đích hòa bình”; ngang nhiên cho rằng Trung Quốc đang thực hiện “quyền chủ quyền và tự vệ” để thực hiện các hoạt động vì mục đích hòa bình, bao gồm cả các phương tiện phòng thủ cần thiết, trên “lãnh thổ riêng của mình”, và điều này chẳng liên quan gì đến quân sự hóa; cáo buộc Mỹ trong những năm gần đây thường xuyên điều các máy bay và tàu chiến đến Biển Đông đang gây nên căng thẳng và tham gia vào nỗ lực quân sự hóa; hối thúc Mỹ ngưng “gây rối” và đòi Mỹ dừng các hành vi “gây nguy hiểm” cho chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, trở thành nước giúp kiến tạo hòa bình và ổn định ở Biển Đông thay vì làm “kẻ phá bĩnh”. (4) Bộ Quốc phòng Trung Quốc (2/10) tuyên bố Trung Quốc “có chủ quyền không thể bàn cãi đối với các đảo và vùng biển xung quanh các đảo trên Biển Đông” và rằng tình hình trong khu vực đang có những tiến triển tốt đẹp nhờ vào “nỗ lực” của Trung Quốc và các quốc gia láng giềng Đông Nam Á; cáo buộc Mỹ “liên tục điều tàu quân sự đi vào vùng biển gần các đảo trên Biển Đông mà không xin phép, đe doạ nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng quan hệ quân sự Mỹ-Trung và gây phương hại nặng hề tới hoà bình và ổn định khu vực”; nhấn mạnh lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ “tiếp tục thực hiện tất cả các bước cần thiết nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mạnh mẽ thúc giục Mỹ chấm dứt các hành động “gây hấn”, đồng thời “ngay lập tức sửa chữa những sai lầm.”

Giới chuyên gia, học giả quốc tế đưa ra nhiều nhận định, đánh giá về tình hình Biển Đông gần đây

Giới chuyên gia Trung Quốc tìm các bao biện cho chính sách của Chính quyền. Chuyên gia Wang Yiwei tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định, Anh muốn duy trì ảnh hưởng toàn cầu của mình và cho rằng châu Á vẫn là một phần lợi ích của mình. Hơn thế nữa, Anh đã tham gia Chiến tranh Triều Tiên và Biển Đông là một khu vực chiến lược quan trọng để theo sát tình hình Bán đảo Triều Tiên. Do đó, một mặt Anh muốn tham gia vào một thỏa thuận hòa bình trong tương lai trên Bán đảo Triều Tiên, muốn bảo vệ quyền lợi của mình với một số các quần đảo trên Thái Bình Dương, trong đó, có nơi trước đây là thuộc địa của Anh và muốn chứng minh sự tồn tại của một lực lượng toàn cầu. Giáo sư Su Hao, Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho rằng những va chạm gần đây là dấu hiệu cho thấy Biển Đông đã trở thành diễn đàn đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, không còn đơn giản là tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và các nước tranh chấp khác; nhấn mạnh quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khác gần đây tương đối tĩnh lặng, nhưng xung đột ở Biển Đông đã được gia tăng với sự can dự của Mỹ. Khi hai nước lớn đối đầu với nhau, cần phải duy trì cân bằng quân sự để tránh xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong khi đó, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết các nhà phân tích cho rằng vào lúc Mỹ đang quyết đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung theo hướng đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh, các nước Đông Nam Á sẽ ở thế khó xử giữa hai thế lực quân sự Mỹ – Trung. Các nhà quan sát Mỹ – Trung nói sức ép tức thời này có thể đến dưới dạng Mỹ kỳ vọng các nước này phải có quan điểm cứng rắn phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Biển Đông phi lý.

Trong khi đó, giớ học giả nhận định Mỹ và đồng minh đang nỗ lực đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Bà Kira Godovanyuk, Học viện Khoa học Nga, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình nhận định, việc Hải quân Anh gia tăng các hoạt động trên Biển Đông bề ngoài là đảm bảo tự do hàng hải cho tuyến vận tải biển trị giá 3.000 tỷ USD mỗi năm, song còn một thực tế là nỗ lực đứng trên cùng một mặt trận với Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Anh đang hành động cùng Mỹ và Australia, những nước phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc gia tăng vai trò trong khu vực này. Những lần điều tàu tới Biển Đông của Hải quân Anh nhằm khẳng định trên nguyên tắc lập trường của London trong vấn đề này; cho rằng Anh đang hành động “nước đôi” với Trung Quốc, điều khác hoàn toàn với Mỹ, vốn khẳng định Trung Quốc là đối thủ. Anh vừa tuyên bố “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ song phương với Trung Quốc, song lại vừa thấy sự cần thiết phải kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, thông qua những hành động ăn ý với các đồng minh Nhật Bản, Australia và Mỹ. Chuyên gia Ryan Hass ở Viện Brookings (Mỹ) cho biết những tuyên bố chỉ trích Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (4/10) “chính nhằm vận động quốc tế đứng sau Mỹ đối đầu với mối đe dọa đến từTrung Quốc”. Trong khi đó, Tiến sỹ Ian Storey cho rằng Biển Đông có thể sẽ là “đấu trường chính” của Mỹ và Trung Quốc khi căng thẳng gia tăng, nguy cơ xung đột trên Biển Đông là rất lớn.

Đáng chú ý, nhà nghiên cứu Sean R. Liedman, làm việc tại Center for a New Americain Security nhận đinh 3 kịch bản cho Mỹ trong vấn đề Biển Đông. (1) Mỹ nhân nhượng Trung Quốc, có nghĩa là sự nối tiếp chính sách thời cựu Tổng thống Obama, mà trong đó, Biển Đông không thực sự là vấn đề trung tâm trong quan hệ Mỹ-Trung. Theo những người ủng hộ kịch bản này, thì Mỹ rất cần đến Trung Quốc hợp tác trong các hồ sơ quan trọng khác, như hạt nhân Iran, phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, chính sách tiền tệ quốc tế, hay quan hệ với Đài Loan… Mặt khác, Washington cũng phải dè chừng Biển Đông nóng lên có thể kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc. Về mặt quân sự, những người ủng hộ phương án này cho rằng các đảo nhân tạo của Trung Quốc không đáng sợ. Nếu xung đột bùng nổ, quân đội Mỹ có thể dễ dàng vô hiệu hóa các đảo này nhanh chóng. (2) Giữ nguyên trạng, là công nhân chủ quyền của tất cả các quốc gia ven bờ, dựa trên kiểm soát thực tế hiện nay. Các biện pháp thực thi kịch bản bao gồm, việc tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ tự do đi lại, trên biển và trên không. Cổ vũ sự tham gia của các quốc gia ngoài khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… vào các hoạt động nói trên. Mọi hành động gây hấn mới của Trung Quốc sẽ bị ngăn chặn bằng vũ lực. Thực thi đầy đủ Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines như đã cam kết. Bên cạnh các ưu điểm kể trên, kịch bản này có điểm bất lợi là rất có khả năng sẽ đi liền với việc kích thích hoạt động bồi đắp xây dựng tại tất cả các thực thể địa lý ở Biển Đông. (3) Khôi phục như trước. Kịch bản này tuy khó thực hiện, nhưng phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế. Đó là buộc Trung Quốc phải trở lại tình trạng trước khi có các hành động lấn chiếm bất hợp pháp. Mỹ hoàn toàn có khả năng thực thi giải pháp triệt để này, mà không buộc phải dùng các biện pháp quân sự. Một trong các biện pháp được nêu ra để thực thi là trừng phạt có trọng điểm nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến các thực thể địa lý mà Bắc Kinh chiếm giữ bất hợp pháp.

http://biendong.net/bi-n-nong/24573-khau-chien-giua-trung-quoc-voi-my-va-dong-minh-ve-van-de-bien-dong-gan-day.html

 

Phillippine ‘sẽ phản đối’

nếu TQ xây trạm thời tiết ở Biển Đông

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, nói rằng nước này sẽ bày tỏ sự phản đối chính thức qua kênh ngoại giao nếu như thông tin Trung Quốc xây dựng các trạm quan trắc thời tiết trên Biển Đông là sự thật, theo Taiwan News.

“Chắc chắn, DFA (Bộ Ngoại giao Phillippine) sẽ làm công việc của mình và thực hiện các phản đối ngoại giao cần thiết”, ông Pano nói vào ngày 5/11, theo Cơ quan Thông tấn của chính phủ Philippines.

Tờ South China Morning Post đưa tin ngày 1/11 cho hay, Trung Quốc đã cho xây dựng ba trạm quan trắc thời tiết trên các đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn mà nước này tự ý bồi đắp ở quần đảo Trường Sa từ năm 2014.

Theo SCMP, các trạm thời tiết này có thể được sử dụng cho các hoạt động quân sự, nhưng Bắc Kinh khẳng định họ sẽ chỉ sử dụng chúng cho mục đích theo dõi 15 thông số thời tiết và hỗ trợ đảm bảo an toàn trong khu vực.

Phát ngôn viên Panelo cho biết: “Đây [chỉ] là những báo cáo [dưới dạng] tin tức. Chúng tôi chưa xác nhận điều đó. Nhưng nếu đúng như vậy, tôi chắc chắn Bộ trưởng Ngoại giao mới sẽ làm công việc của mình”.

Vào tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (La Hay) đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách tài nguyên trên Biển Đông, sau khi Manila đâm đơn kiện Bắc Kinh.

Sau khi có phán quyết của tòa La Hay, nhằm cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã không hành động theo phán quyết của tòa, nhưng cam kết sẽ thực hiện điều này trước khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc vào năm 2022.

Ông Panelo nói thêm rằng không bao giờ là quá muộn đối với việc sử dụng phán quyết của Tòa La Hay chống lại Trung Quốc, để bảo vệ lợi ích của Philippines trong vùng biển tranh chấp.

http://biendong.net/bi-n-nong/24558-phillippine-se-phan-doi-neu-tq-xay-tram-thoi-tiet-o-bien-dong.html